• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 09/01/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 03/08/2020
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 178/2014/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 26 tháng 11 năm 2014

 

THÔNG TƯ

 Hướng dẫn một số nội dung về tài chính khi thực hiện

 đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch, đối với các đơn vị làm

 nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thuỷ lợi

________________

 

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi (sau đây gọi tắt là Nghị định số 143/2003/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi (sau đây gọi tắt là Nghị định số 67 /2012/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 71/2013/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích (sau đây gọi tắt là Nghị định số 130/2013/NĐ-CP);

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung về tài chính khi thực hiện đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch, đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện quản lý khai thác công trình thủy lợi (tưới nước, tiêu nước, cấp nước) theo Nghị định số 67/2012/NĐ-CP.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức hợp tác dùng nước có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động hợp pháp có liên quan quản lý khai thác công trình thủy lợi (sau đây gọi tắt là đơn vị thủy nông), cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý khai thác công trình thủy lợi.

Điều 3. Cơ quan tổ chức đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch quản lý khai thác công trình thủy lợi

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phương thức tổ chức đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch đối với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi trung ương thuộc dự toán chi của ngân sách trung ương và giao cho các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện theo quy định.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định phương thức tổ chức đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch đối với đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi địa phương và giao cho các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện theo quy định.

3. Bên mời thầu, cơ quan đặt hàng, cơ quan giao kế hoạch là các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao nhiệm vụ tổ chức đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch.

Điều 4. Lựa chọn phương thức đấu thầu, nhận đặt hàng, giao kế hoạch

1. Việc quản lý khai thác công trình thủy lợi có quy mô lớn, bao gồm: công trình thủy lợi liên tỉnh, liên huyện; công trình thủy nông kè đá lấn biển (Danh mục A Phụ lục Nghị định số 130/2013/NĐ-CP).

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện theo phương thức đặt hàng hoặc giao kế hoạch.

b) Các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi khác thực hiện theo phương thức đặt hàng.

2. Việc quản lý khai thác công trình thủy lợi có quy mô vừa và nhỏ (Danh mục B Phụ lục Nghị định số 130/2013/NĐ-CP) thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng.

Việc phân định về quy mô công trình thủy lợi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Căn cứ quy mô hệ thống công trình thuỷ lợi, đặc thù của từng địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định áp dụng hình thức đấu thầu, đặt hàng hay giao kế hoạch đối với từng đơn vị quản lý thủy nông cho phù hợp với mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất trong công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.

Điều 5. Sản phẩm đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch

Sản phẩm quản lý khai thác công trình thủy lợi để đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch: Là diện tích (ha) hoặc mét khối (m3) được tưới nước, tiêu nước và cấp nước.

Điều 6. Giá, đơn giá đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch

Giá, đơn giá đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch được xác định trên cơ sở mức thu thuỷ lợi phí do Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hoặc được xác định trên cơ sở các định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí và các khoản chi phí khác theo quy định được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 7. Việc thanh toán chi phí quản lý khai thác công trình thủy lợi

1. Các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi được ngân sách nhà nước cấp thanh toán số tiền do miễn thu thuỷ lợi phí theo quy định hiện hành.

Các đối tượng không được miễn thủy lợi phí, đơn vị nhận đặt hàng, giao kế hoạch có nhiệm vụ phải thu thuỷ lợi phí theo quy định hiện hành.

2. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi thực hiện theo hình thức giao kế hoạch theo mức thu thuỷ lợi phí do Chính phủ quy định, nếu mức thu thấp hơn chi phí thực tế hợp lý sẽ được ngân sách nhà nước trợ cấp, trợ giá, hỗ trợ tài chính; công ty không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận không đủ để trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi bằng 02 tháng lương thực tế được Nhà nước hỗ trợ để trích lập 02 quỹ khen thưởng, phúc lợi tương đương với mức 02 tháng lương thực tế thực hiện trong năm. Mức hỗ trợ hai quỹ khen thưởng, phúc lợi được xác định theo quy định như đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu trên cơ sở kết quả đánh giá xếp loại doanh nghiệp và viên chức quản lý doanh nghiệp hàng năm theo quy định tại Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước và các văn bản hướng dẫn Nghị định.

Ngân sách trung ương trợ cấp, trợ giá, hỗ trợ trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi và các khoản hỗ trợ tài chính khác cho các công ty quản lý khai thác công trình thuỷ lợi do trung ương quản lý; ngân sách địa phương trợ cấp, trợ giá, hỗ trợ trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi và các khoản hỗ trợ tài chính khác cho các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi do địa phương quản lý.

3. Mức độ hoàn thành về sản lượng, chất lượng, tiến độ sản xuất và cung ứng dịch vụ thuỷ nông theo phương thức đấu thầu, đặt hàng hoặc giao kế hoạch là các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích.

Chương II

ĐẤU THẦU QUẢN LÝ KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Điều 8. Điều kiện tổ chức đấu thầu và tham gia đấu thầu

Điều kiện tổ chức đấu thầu và tham gia đấu thầu được thực hiện theo Điều 10, Điều 11 Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Điều 9. Hình thức đấu thầu

Hình thức đấu thầu được thực hiện theo Điều 12 Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Điều 10. Trình tự thực hiện đấu thầu quản lý khai thác công trình thủy lợi

Trình tự thực hiện đấu thầu quản lý khai thác công trình thủy lợi, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu và kết quả đấu thầu, lập thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu, chuẩn bị đấu thầu, tổ chức đấu thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt, thông báo kết quả đấu thầu, thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và ký kết hợp đồng được áp dụng theo Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20 Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 11. Thời gian thực hiện đấu thầu quản lý khai thác công trình thủy lợi

Việc thực hiện đấu thầu quản lý khai thác công trình thủy lợi được hoàn thành trước ngày 31/12 năm trước năm kế hoạch.

Chương III

ĐẶT HÀNG QUẢN LÝ KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Điều 12. Điều kiện đặt hàng quản lý khai thác công trình thủy lợi

Các điều kiện đặt hàng quản lý khai thác công trình thủy lợi được thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Điều 13. Đặt hàng quản lý khai thác công trình thủy lợi

1. Căn cứ đặt hàng

a) Đơn giá hoặc giá của công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi theo phương thức đặt hàng được xác định trên cơ sở mức thu thủy lợi phí do Chính phủ quy định, các định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí hiện hành của Nhà nước và do Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (gọi tắt là các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền) quyết định theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn;

b) Trên cơ sở dự toán được giao và đơn giá hoặc giá quản lý khai thác công trình thủy lợi được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định, cơ quan đặt hàng xác định số lượng, khối lượng, chất lượng sản phẩm quản lý khai thác công trình thủy lợi để ký hợp đồng đặt hàng.

2. Hợp đồng đặt hàng quản lý khai thác công trình thủy lợi

Trên cơ sở dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc uỷ quyền cho đơn vị trực thuộc Bộ ký hợp đồng đặt hàng với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi do Bộ quản lý; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc uỷ quyền cho các Sở, Ngành trực thuộc tỉnh, thành phố, Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với đơn vị thuỷ nông do huyện quản lý) ký hợp đồng đặt hàng với các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi do địa phương quản lý. Mẫu hợp đồng theo quy định tại phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

Căn cứ đặc thù của quản lý khai thác công trình thủy lợi , cơ quan đặt hàng ký kết hợp đồng với đơn vị thủy nông được đặt hàng theo các chỉ tiêu chủ yếu sau:

a) Diện tích (ha), khối lượng (m3) tưới nước, tiêu nước, cấp nước;

b) Chất lượng;

c) Giá, đơn giá;

d) Mức trợ giá;

đ) Số lượng, khối lượng dịch vụ thủy nông được trợ giá;

e) Giá trị hợp đồng;

g) Thời gian hoàn thành;

h) Địa điểm giao nhận;

i) Phương thức nghiệm thu, thanh toán;

k) Trách nhiệm và nghĩa vụ giữa cơ quan đặt hàng và doanh nghiệp được đặt hàng;

l) Trách nhiệm của các bên do vi phạm hợp đồng.

Ngoài ra, các bên có thể thoả thuận bổ sung một số nội dung khác trong hợp đồng nhưng không trái với quy định của pháp luật và không làm thay đổi giá, đơn giá của dịch vụ thủy nông.

3. Một số lưu ý khi ký kết hợp đồng đặt hàng

a) Căn cứ vào hợp đồng đặt hàng với cơ quan đặt hàng, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quản lý khai thác công trình thuỷ lợi ký hợp đồng với các tổ chức hợp tác dùng nước có quản lý một phần công trình nằm trong lưu vực hệ thống công trình do công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi quản lý.

b) Kết thúc năm, cơ quan đặt hàng và đơn vị nhận đặt hàng phải thực hiện nghiệm thu, thanh lý và ký biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng đặt hàng. Biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng đặt hàng là căn cứ để cơ quan đặt hàng thanh, quyết toán kinh phí cho đơn vị nhận đặt hàng và để cơ quan đặt hàng quyết toán kinh phí với ngân sách nhà nước.

c) Căn cứ vào dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận, cơ quan đặt hàng thực hiện ký kết hợp đồng với đơn vị nhận đặt hàng theo quy định của pháp luật.

d) Tuỳ theo đặc thù của từng hệ thống công trình thuỷ lợi, đơn giá đặt hàng, cơ quan đặt hàng quy định tỷ lệ hoặc mức hợp lý về duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình thuỷ lợi trong hợp đồng đặt hàng. Kinh phí này chỉ được dùng để duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình thuỷ lợi, không được dùng vào việc khác hoặc chuyển thành lãi của đơn vị. Nếu không dùng hết được kết chuyển kinh phí sang năm sau để duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình thuỷ lợi. Tỷ lệ hoặc mức về duy tu, sửa chữa, nâng cấp là cơ sở giám sát thực hiện hợp đồng đặt hàng buộc đơn vị nhận đặt hàng phải duy tu sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình tránh bị xuống cấp.

Điều 14. Điều chỉnh hợp đồng đặt hàng

Điều chỉnh hợp đồng đặt hàng được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Điều 15. Thanh toán sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo phương thức đặt hàng

1. Căn cứ thanh toán

a) Hợp đồng đặt hàng đã được ký kết giữa cơ quan đặt hàng với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân;

b) Biên bản nghiệm thu số lượng, khối lượng, chất lượng sản phẩm, quản lý khai thác công trình thủy lợi hoàn thành giữa cơ quan đặt hàng với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân;

c) Giá, đơn giá, mức trợ giá thanh toán do các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định;

d) Các tài liệu khác có liên quan.

2. Cơ quan thực hiện thanh toán, quyết toán sản phẩm quản lý khai thác công trình thủy lợi do Nhà nước đặt hàng bằng nguồn vốn ngân sách

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thanh toán, quyết toán đối với quản lý khai thác công trình thủy lợi thực hiện cung ứng theo phương thức đặt hàng bằng nguồn ngân sách địa phương;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện thanh toán, quyết toán đối với quản lý khai thác công trình thủy lợi thực hiện cung ứng theo phương thức đặt hàng bằng nguồn ngân sách trung ương.

3. Trình tự và thủ tục thanh toán, quyết toán quản lý khai thác công trình thủy lợi thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Chương IV

GIAO KẾ HOẠCH QUẢN LÝ KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Điều 16. Căn cứ và thời gian giao kế hoạch

1. Căn cứ giao kế hoạch

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện cung ứng quản lý khai thác công trình thủy lợi xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch về cung ứng quản lý khai thác công trình thủy lợi trong kế hoạch hàng năm của công ty và báo cáo cơ quan giao kế hoạch theo mẫu biểu Phụ lục số 01 đính kèm;

b) Cơ quan giao kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh) căn cứ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước giao để thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung ứng quản lý khai thác công trình thủy lợi, các chỉ tiêu về kế hoạch sản xuất, cung ứng các sản phẩm, quản lý khai thác công trình thủy lợi, năng lực tài chính, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, trình độ quản lý và tay nghề của người lao động để giao kế hoạch cho các công ty thực hiện nhiệm vụ công ích, sau khi có ý kiến tham gia bằng văn bản của cơ quan tài chính;

c) Đơn giá hoặc giá của sản phẩm, quản lý khai thác công trình thủy lợi cung ứng theo phương thức giao kế hoạch được xác định trên cơ sở mức thu thủy lợi phí do Chính phủ quy định hoặc áp dụng các định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí hiện hành của Nhà nước và do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

2. Thời gian giao kế hoạch: cơ quan giao kế hoạch phải hoàn thành việc giao kế hoạch cho đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi trước ngày 31 tháng 12 năm trước năm kế hoạch.

Điều 17. Nội dung giao kế hoạch

Căn cứ đặc thù quản lý khai thác công trình thủy lợi, cơ quan giao kế hoạch giao cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện cung ứng quản lý khai thác công trình thủy lợi theo các chỉ tiêu chủ yếu sau:

1. Kế hoạch cung ứng quản lý khai thác công trình thủy lợi

a) Diện tích (ha), khối lượng (m3) tưới nước, tiêu nước, cấp nước;

b) Chất lượng;

c) Giá, đơn giá;

d) Thời gian hoàn thành;

đ) Số lượng, khối lượng dịch vụ thủy nông được trợ cấp;

2. Kế hoạch tài chính

a) Doanh thu, chi phí, lợi nhuận hoạt động thuỷ nông;

b) Số phí thu được (hoặc số phí được để lại), chênh lệch giữa số phí thu được (hoặc số phí được để lại) so với chi phí của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ công ích;

c) Các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành;

d) Giá, đơn giá thanh toán quản lý khai thác công trình thủy lợi;

đ) Mức trợ cấp đối với quản lý khai thác công trình thủy lợi (do mức thu thấp hơn mức chi phí hợp lý);

e) Số tiền Nhà nước trợ cấp để trích quỹ khen thưởng và phúc lợi (trường hợp công ty không đủ lợi nhuận để trích 2 quỹ này theo quy định).

3. Một số chỉ tiêu khác tuỳ theo đặc thù của quản lý khai thác công trình thủy lợi hoặc theo yêu cầu quản lý của Nhà nước.

Điều 18. Điều chỉnh kế hoạch thực hiện quản lý khai thác công trình thủy lợi

Việc điều chỉnh kế hoạch thực hiện quản lý khai thác công trình thủy lợi được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Điều 19. Thanh toán sản phẩm, quản lý khai thác công trình thủy lợi thực hiện theo phương thức giao kế hoạch

1. Căn cứ thanh toán

a) Quyết định giao kế hoạch của Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao kế hoạch cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện cung ứng quản lý khai thác công trình thủy lợi;

b) Biên bản nghiệm thu số lượng, khối lượng, chất lượng sản phẩm, quản lý khai thác công trình thủy lợi hoàn thành giữa cơ quan giao kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ công ích;

c) Giá, đơn giá thanh toán do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định;

d) Các tài liệu khác có liên quan.

2. Cơ quan thực hiện thanh toán, quyết toán quản lý khai thác công trình thủy lợi do Nhà nước giao kế hoạch bằng nguồn vốn ngân sách.

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thanh toán, quyết toán đối với quản lý khai thác công trình thủy lợi cho các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện thanh toán, quyết toán đối với quản lý khai thác công trình thủy lợi cho các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc Bộ.

3. Trình tự và thủ tục thanh toán, quyết toán sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 20. Trách nhiệm của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện cung ứng quản lý khai thác công trình thủy lợi

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện quản lý khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, trong đó có các chỉ tiêu chủ yếu sau đây:

a) Diện tích (ha), khối lượng (m3) tưới nước, tiêu nước, cấp nước;

b) Chất lượng dịch vụ;

c) Tiến độ cung ứng dịch vụ.

Trường hợp trong năm thực hiện kế hoạch nếu có nguyên nhân khách quan cần điều chỉnh kế hoạch thì công ty phải kịp thời báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và quyết định.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện quản lý khai thác công trình thủy lợi phải báo cáo cơ quan giao kế hoạch, cơ quan tài chính cùng cấp tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của báo cáo.

Chương V

LẬP KẾ HOẠCH, GIAO DỰ TOÁN, CẤP PHÁT, THANH QUYẾT

TOÁN KHI THỰC HIỆN THEO PHƯƠNG THỨC ĐẤU THẦU, ĐẶT

HÀNG, GIAO KẾ HOẠCH VÀ CÁC KHOẢN HỖ TRỢ TÀI CHÍNH

CHO CÁC ĐƠN VỊ QUẢN LÝ KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Điều 21. Lập kế hoạch

1. Đối với trường hợp đấu thầu

Hàng năm trước ngày 31 tháng 7 năm trước năm kế hoạch, căn cứ vào nhiệm vụ, diện tích (ha), khối lượng (m3), đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật, các đơn vị được giao tổ chức mời thầu thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi phải lập kế hoạch tưới nước, tiêu nước, cấp nước trong điều kiện thời tiết bình thường, kế hoạch tài chính theo quy định để gửi các cơ quan quản lý nhà nước:

a) Đơn vị thuộc đối tượng được giao tổ chức mời thầu thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đơn vị thuộc huyện quản lý báo cáo Ủy ban nhân dân huyện;

b) Đơn vị thuộc đối tượng được giao tổ chức mời thầu thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi trung ương báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính.

2. Đối với trường hợp đặt hàng

Hàng năm trước ngày 31 tháng 7 năm trước năm kế hoạch căn cứ vào thực trạng tưới nước, tiêu nước, cấp nước trong điều kiện thời tiết bình thường, đơn vị đặt hàng lập kế hoạch cụ thể đối với từng nhiệm vụ cần đặt hàng gửi cơ quan tài chính để tổng hợp trong kế hoạch ngân sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trình tự thời gian lập kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

3. Đối với trường hợp giao kế hoạch

Hàng năm trước ngày 31 tháng 7 năm trước năm kế hoạch các đơn vị thuộc đối tượng được giao kế hoạch làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi phải lập kế hoạch tưới nước, tiêu nước, cấp nước trong điều kiện thời tiết bình thường, kế hoạch tài chính theo mẫu biểu quy định tại Phụ lục số 01, Sở Tài chính tổng hợp theo mẫu biểu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này để báo cáo cơ quan có thẩm quyền giao kế hoạch xem xét, quyết định:

a) Đơn vị thuộc đối tượng được giao kế hoạch làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đơn vị thuộc huyện quản lý báo cáo Ủy ban nhân dân huyện.

b) Đơn vị thuộc đối tượng được giao kế hoạch làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi trung ương báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính.

Khi xây dựng kế hoạch các đơn vị phải có các phụ biểu để giải trình và thuyết minh số liệu cho biểu Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 22. Tổng hợp kế hoạch, giao kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch đối với công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi

1. Tổng hợp kế hoạch

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kế hoạch của các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi thuộc Bộ quản lý và gửi Bộ Tài chính để phối hợp theo dõi quản lý.

Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kế hoạch của các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi thuộc tỉnh, thành phố quản lý (bao gồm cả kế hoạch của đơn vị thuộc cấp huyện quản lý) để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Báo cáo tổng hợp kế hoạch phải xác định rõ số kinh phí ngân sách cấp theo từng loại:

a) Cấp bù thuỷ lợi phí được miễn;

b) Kinh phí trợ cấp, trợ giá, hỗ trợ tài chính;

c) Kinh phí sửa chữa lớn;

d) Hỗ trợ 02 quỹ khen thưởng, phúc lợi;

đ) Hỗ trợ khác.

Các khoản hỗ trợ cần được phân định theo nguồn kinh phí ngân sách trung ương, ngân sách địa phương.

2. Giao kế hoạch đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi

Việc giao kế hoạch thực hiện theo Điều 25, Điều 26 Nghị định số 130/2013/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;

Thời gian giao kế hoạch cho các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thuỷ lợi trước ngày 31/12 năm trước năm kế hoạch. Cụ thể như sau:

a) Đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi trung ương: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao kế hoạch cho các đơn vị sau khi có ý kiến tham gia bằng văn bản của Bộ Tài chính;

b) Đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi thuộc địa phương: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao kế hoạch hoặc uỷ quyền cho Sở, Ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với đơn vị thuỷ nông cấp huyện quản lý) giao kế hoạch cho các đơn vị.

3. Kết thúc năm tài chính, đơn vị được giao kế hoạch phải báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch. Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch được lập trên cơ sở biên bản thanh lý hợp đồng tưới nước, tiêu nước và cấp nước giữa đơn vị quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi với các tổ chức hợp tác dùng nước, hộ dùng nước (hoặc sổ bộ tưới nước, tiêu nước, cấp nước). Báo cáo thực hiện kế hoạch được gửi cho cơ quan giao kế hoạch và cơ quan tài chính (Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi trung ương; Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi địa phương).

Báo cáo thực hiện kế hoạch là căn cứ để quyết toán kinh phí cấp bù, hỗ trợ tài chính cho các đơn vị được giao kế hoạch.

Điều 23. Cấp phát, thanh toán, quyết toán kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí được miễn, kinh phí trợ cấp, trợ giá cho các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thuỷ lợi

1. Việc cấp phát kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí được miễn, các khoản trợ cấp, trợ giá đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi được thực hiện bằng lệnh chi tiền theo Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ và Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước.

2. Cấp phát kinh phí trợ cấp, trợ giá

a) Đối với đơn vị được giao kế hoạch

Căn cứ vào kế hoạch được giao cho các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, cơ quan tài chính cấp tạm ứng 60% dự toán năm ngay từ quý I của năm kế hoạch. Đến đầu quý IV năm kế hoạch, các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi báo cáo tình hình thực hiện 9 tháng đầu năm, dự kiến thực hiện 3 tháng cuối năm và ước thực hiện kế hoạch cả năm của năm kế hoạch, cơ quan tài chính thực hiện việc cấp tiếp kinh phí phù hợp với kế hoạch, tình hình thực hiện kế hoạch và dự toán ngân sách được giao;

b) Đối với đơn vị đặt hàng

Căn cứ vào dự toán được cấp có thẩm quyền giao, đơn vị đặt hàng thực hiện rút dự toán để thanh toán cho đơn vị nhận đặt hàng.

Căn cứ vào hợp đồng đặt hàng giữa cơ quan đặt hàng và đơn vị nhận đặt hàng. Cơ quan đặt hàng thực hiện tạm ứng 50% kinh phí theo hợp đồng sau khi hợp đồng đặt hàng được ký kết. Sau khi có báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng đạt 60% giá trị hợp đồng, cơ quan đặt hàng tạm ứng tiếp 40% kinh phí theo hợp đồng. Khi hợp đồng được nghiệm thu, thanh lý cơ quan đặt hàng thực hiện thanh toán phần còn lại tương ứng với khối lượng được nghiệm thu thanh toán.

3. Cấp phát kinh phí sửa chữa lớn: Thực hiện cấp phát theo trình tự thủ tục quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản và các quy định khác của pháp luật (đối với công tác sửa chữa lớn không thuộc nguồn kinh phí thu thuỷ lợi phí và nguồn kinh phí kinh doanh khai thác tổng hợp).

4. Cấp phát kinh phí hỗ trợ 02 quỹ khen thưởng, phúc lợi

Việc cấp phát kinh phí hỗ trợ 02 quỹ khen thưởng và phúc lợi đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi được thực hiện cùng với cấp phát khoản kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí được miễn trên cơ sở kế hoạch trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

5. Quyết toán kinh phí cấp bù thủy lợi phí được miễn, các khoản hỗ trợ

tài chính

Việc quyết toán kinh phí cấp bù miễn thủy lợi phí và các khoản hỗ trợ tài chính khi thực hiện chính sách miễn thuỷ lợi phí được thực hiện theo các quy định hiện hành. Cụ thể như sau:

a) Đối với đơn vị được giao kế hoạch: Cơ quan giao kế hoạch phối hợp với cơ quan tài chính kiểm tra và phê duyệt các khoản hỗ trợ tài chính hàng năm cùng với thời gian phê duyệt báo cáo tài chính hàng năm;

b) Đối với đơn vị nhận đặt hàng: Cơ quan đặt hàng thực hiện quyết toán với cơ quan tài chính theo chế độ quyết toán kinh phí ngân sách hiện hành.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 24. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 1 năm 2015 và thay thế các nội dung quy định về đặt hàng, giao kế hoạch quy định tại Thông tư số 11/2009/TT-BTC ngày 21/1/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn đặt hàng, giao kế hoạch đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi và quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước làm nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.

Điều 25. Trách nhiệm thi hành

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Văn Hiếu

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.