• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 04/12/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2002
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 150/1998/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 11 năm 1998

THÔNG TƯ

Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng

cán bộ và công chức Nhà nước.

 

Căn cứ điểm 4, điều 4 Quyết định 874/TTg ngày 20/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ "Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước".

Để quản lý, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước; Sau khi có ý kiến của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ tại Công văn số 36/TCCP-ĐT ngày 28/9/1998, Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện như sau:

 

1/Quy định chung:

- Khoản chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước được bố trí hàng năm trong kế hoạch ngân sách của các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Kinh phí đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước được sử dụng được để chi cho các nhiệm vụ trực tiếp đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho các đối tượng được cử đi học theo chỉ tiêu hàng năm được Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ thông báo, không sử dụng chi cho công tác quản lý của các đơn vị. Đối với các Bộ, ngành được Chính phủ cho phép thành lập các Trung tâm đào tạo, đảm nhiệm công tác đào tạo, bồi dưỡng, thì kinh phí chi cho Bộ máy được sử dụng bằng nguồn kinh phí đào tạo của các Bộ, địa phương.

2/Nội dung và mức chi:

a/ Chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước bao gồm:

+ Chi trả thù lao cho giảng viên (Giảng viên dạy thêm giờ, giảng viên kiêm nhiệm bên ngoài trường được mời giảng), chi cho chuyên gia nước ngoài giảng dạy nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mức chi quy định như sau:

- Đối với các giảng viên là Bộ trưởng, Thứ trưởng (và tương đương): 100.000đ/buổi.

giáo sư, tiến sỹ, phó tiến sỹ của các trường trung ương quản lý: 80.000 đ/buổi.

- Đối với các giảng viên của các trường cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đối tượng khác: 60.000 đ/buổi.

+ Chi cho học viên:

Hỗ trợ một phần tiền ăn, ở với mức 10.000đ/người/ngày đối với trường hợp học viên ở nội trú và khoảng cách từ trụ sở cơ quan đơn vị đến nơi tập trung học tập từ 10 km trở lên đối với miền núi, biên giới, hải đảo, từ 20km trở lên đối với các vùng còn lại.

Học viên đi học tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan cử đi học trợ cấp tiền tàu, xe (lượt đi và về) từ cơ quan đến nơi học theo chế độ công tác phí hiện hành; Tiền ăn trong thời gian học do học viên tự túc (trong thời gian học tập trung, học viên không được hưởng phụ cấp lưu trú).

+ Chi cho công tác tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng (bảo đảm nơi ăn, ở, sinh hoạt và bố trí hội trường, lớp học cho học viên, chi phí đi lại cho giảng viên, chi cho công tác chấm thi).

+ Chi mua giáo trình tài liệu, biên soạn bài giảng phục vụ trực tiếp chương trình học tập.

b) Việc tổ chức đào tạo-bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở cấp xã, phường theo quy định tại điểm 3, điều 5, quyết định 874/TTg ngày 20/11/1997 do Trường Chính trị của các Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đảm nhận.

Nội dung chi cho các lớp bồi dưỡng cán bộ xã, phường được áp dụng tương tự như quy định đối với cán bộ, công chức nhà nước;

c) Chi cho cán bộ - công chức được cử đi học tập ngắn hạn ở nước ngoài, trong kế hoạch đào tạo bồi dưỡng hàng năm được Chính phủ phê duyệt; trong giai đoạn trước mắt, do khả năng ngân sách còn hạn chế, cần thiết tập trung đào tạo - bồi dưỡng các kiến thức cơ bản cho đội ngũ cán bộ - công chức tại các trường trong nước, nếu có nhu cầu cần thiết đào tạo ngoài nước thì kinh phí đào tạo cán bộ ở nước ngoài do các cơ quan đơn vị thu xếp trong kinh phí được bố trí hàng năm cho các Bộ, ngành, địa phương.

3/ Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng công chức nhà nước:

- Hàng năm căn cứ quy hoạch, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương, khả năng cân đối ngân sách Nhà nước; Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phân bố chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước cho các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương. Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước thực hiện theo đúng Thông tư 103/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 "Hướng dẫn việc phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước của Bộ Tài chính.

- Khoản kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước được hạch toán chi tiết theo từng mục, tiểu mục vào loại 14 khoản 14 của mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành.

4/ Tổ chức thực hiện:

- Thông tư này, thay thế thông tư Liên bộ số 37/TT-LB ngày 24/4/1994 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

- Bộ trưởng các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, đoàn thể ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc liên quan quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí này.

- Các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp học phải bảo đảm chi trong phạm vi kế hoạch được duyệt. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm tra việc triển khai và thực hiện kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước của các đơn vị và phối hợp với Bộ Tài chính, Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố kiểm tra các khoản chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước của các đơn vị bảo đảm đúng mục đích, đúng chế độ, có hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, xử lý./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Kim Ngân

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.