• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/08/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 19/12/2010
HĐND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Số: 8b/2007/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 15 tháng 8 năm 2007

NGHỊ QUYẾT

Về việc quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị 

  đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập

thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế

_____________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21 tháng 03 năm 2007 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập;

Sau khi xem xét Tờ trình số 2805/TTr-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2007 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về Đề án quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế; Báo cáo thẩm định của Ban Kinh tế và Ngân sách; ý kiến thảo luận của các Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành các nội dung chủ yếu của Đề án: “Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế” với các nội dung sau:

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

a) Đối tượng được hưởng chế độ công tác phí bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức lao động hợp đồng theo quy định của pháp luật trong các cơ quan, đơn vị  được cấp có thẩm quyền cử đi công tác trong nước.

b) Đối tượng áp dụng chế độ chi tiêu hội nghị là các hội nghị sơ kết và tổng kết chuyên đề, hội nghị tổng kết năm, hội nghị tập huấn triển khai nhiệm vụ công tác, hội nghị theo nhiệm kỳ do các cơ quan hành chính nhà nước. Hội nghị do các cơ quan thuộc Đảng cộng sản Việt Nam; hội nghị thường kỳ của Hội đồng  Nhân dân các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các đơn vị sự nghiệp công lập.

c) Chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị áp dụng cho các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là cơ quan, đơn vị)  có sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp hoặc kinh phí có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

2. Quy định chế độ công tác phí:

a) Quy định tiền tàu, xe đi lại:

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ vào tính chất công việc của chuyến đi công tác và nguồn kinh phí được giao mà quy định mức thanh toán các loại vé tàu hoặc các loại vé xe cho người đi công tác từ cơ quan đến nơi công tác trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.

b) Quy định tiêu chuẩn vé máy bay đi công tác trong nước:

- Hạng ghế thương gia (Business class hoặc C class): Dành cho các chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 1,3 trở lên.

- Hạng ghế thường: Dành cho các chức danh cán bộ, công chức, viên chức có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,5 trở lên ở cấp tỉnh và từ 0,3 trở lên ở cấp huyện. Trong trường hợp đặc biệt cần phải đi công tác bằng máy bay do thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định và xây dựng trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.

c) Quy định thuê phương tiện đi công tác:

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét quyết định cho thanh toán tiền thuê phương tiện đi công tác trên cơ sở có hợp đồng và thanh lý hợp đồng thuê phương tiện kèm theo hóa đơn hợp lệ, áp dụng cho các trường hợp: Những vùng không có phương tiện vận tải của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách; Áp dụng cho đoàn công tác liên ngành, liên cơ quan không có hoặc không sử dụng xe ô tô cơ quan, đơn vị.

d) Quy định tự túc phương tiện đi công tác:

- Đối với các đối tượng cán bộ lãnh đạo có tiêu chuẩn được bố trí xe ô tô đưa đi công tác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng cơ quan không bố trí được xe ô tô cho người đi công tác mà người đi công tác phải tự túc phương tiện khi đi công tác cách trụ sở cơ quan từ 10 km trở lên (đối với khu vực vùng cao, hải đảo; miền núi khó khăn, vùng sâu) và từ 15 km trở lên (đối với vùng còn lại) thì được cơ quan, đơn vị thanh toán tiền khoán tự túc phương tiện khi đi công tác. Mức thanh toán khoán tự túc phương tiện được tính theo số km thực tế và đơn giá thuê xe. Đơn giá thuê xe do thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định căn cứ theo số km thực tế với mức giá thuê phổ biến đối với phương tiện loại trung bình tại địa phương và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.

- Đối với các đối tượng cán bộ không có đủ tiêu chuẩn được bố trí xe ô tô khi đi công tác, nhưng nếu cán bộ đi công tác cách trụ sở cơ quan từ 15 km trở lên mà tự túc bằng phương tiện cá nhân của mình thì được thanh toán tiền tự túc phương tiện tương đương với mức giá vé tàu, vé xe của tuyến đường đi công tác và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.

đ) Quy định phụ cấp lưu trú:

Phụ cấp lưu trú là khoản tiền do cơ quan, đơn vị chi trả cho người đi công tác phải nghỉ lại nơi đến công tác để hỗ trợ tiền ăn và tiêu vặt cho người đi công tác, được tính từ ngày bắt đầu đi công tác đến khi trở về cơ quan, đơn vị (bao gồm thời gian đi trên đường, thời gian lưu trú tại nơi đến công tác)

- Trường hợp đi trong tỉnh: Người đi công tác mà quãng đường đi từ trụ sở cơ quan đến nơi công tác từ 30 km trở lên thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú là: 50.000đ/ngày/người. Trường hợp đi công tác trong ngày (đi và về trong ngày), mức phụ cấp lưu trú là: 40.000đ/ngày/người.

- Trường hợp đi công tác ngoài tỉnh: Mức phụ cấp lưu trú trả cho người đi công tác là: 70.000đ/ngày/người. Trường hợp đi công tác trong ngày (đi và về trong ngày), mức phụ cấp lưu trú là: 40.000đ/ngày/người.

e) Quy định tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác:

* Trường hợp đi công tác ngoài tỉnh:

- Người đi công tác được thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ theo phương thức thanh toán khoán với các mức như sau:

+ Đi công tác ở quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh: Mức tối đa không quá 150.000đ/ngày/người;

+ Đi công tác ở quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương: Mức tối đa không quá 140.000đ/ngày/người;

+ Đi công tác tại huyện thuộc các thành phố trực thuộc Trung ương, tại thành phố, thị xã thuộc tỉnh: Mức tối đa không quá 120.000đ/ngày/người;

+ Đi công tác tại các vùng còn lại: Mức tối đa không quá 100.000đ/ngày/người.

- Trong trường hợp mức khoán nêu trên không đủ để thuê chỗ nghỉ, được cơ quan đơn vị thanh toán theo giá thuê phòng thực tế (có hóa đơn hợp pháp), cụ thể như sau:

+ Đối với các đối tượng là: Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh , Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, mức giá thuê phòng tối đa là: 400.000đ/người/phòng;

+ Đối với các đối tượng là: Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh và các chức danh khác có mức phụ cấp chức vụ tương đương, mức giá thuê phòng tối đa là: 350.000đ/người/phòng;

+ Đối với các chức danh cán bộ, công chức, viên chức còn lại thanh toán theo giá thuê phòng thực tế của khách sạn thông thường, mức thanh toán tối đa là: 300.000đ/ngày/phòng 2 người;

+ Trường hợp đi công tác một mình hoặc đoàn công tác có lẻ người hoặc lẻ người khác giới thì được thanh toán tối đa theo mức thuê phòng là: 300.000đ/ ngày/phòng.

* Trường hợp đi công tác trong tỉnh: Người cử đi công tác mà quãng đường từ trụ sở cơ quan đến nơi công tác từ 30 km trở lên thì được thanh toán tiền thuê phòng nghỉ như sau:

- Theo phương thức thanh toán khoán: Mức tối đa không quá 100.000đ/ngày/người.

- Trường hợp không thực hiện phương thức thanh toán khoán mà phải thuê chỗ nghỉ thì mức thanh toán tiền thuê phòng nghỉ theo hóa đơn thu tiền thực tế nhưng không được vượt quá 120.000đ/ngày/người. Trường hợp đi công tác một mình hoặc đoàn công tác có lẻ người hoặc người khác giới phải thuê phòng riêng thì mức thanh toán tối đa là: 200.000đ/ngày/phòng.

g) Quy định khoán công tác phí:

Khoán công tác phí áp dụng trong các trường hợp mà người cử đi công tác thường xuyên trong phạm vi huyện và thành phố Huế và các huyện phụ cận mà có khoảng cách dưới 30 km, chưa đủ tiêu chuẩn để chi trả phụ cấp lưu trú thì mức khoán cụ thể như sau:

- Cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên phải đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng thì công tác phí khoán tối đa là: 200.000đ/người/tháng.

- Cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên đi công tác lưu động dưới 10 ngày thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức chi công tác phí khoán cho người đi công tác và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị;

- Đối với cán bộ xã thường xuyên phải đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng thì công tác phí khoán tối đa là: 70.000đ/người/tháng.

Mức khoán công tác phí quy định trên là mức tối đa, tùy theo điều kiện thực tế thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định mức chi cụ thể  trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị. 

h) Trường hợp đi công tác theo đoàn công tác liên ngành, liên cơ quan:

Nếu tổ chức đi theo đoàn tập trung thì cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác chịu trách nhiệm chi tiền tàu xe đi lại và cước hành lý, mang theo để làm việc (nếu có) cho người đi công tác trong đoàn; nếu không đi tập trung theo đoàn mà người đi công tác tự đi đến nơi công tác thì cơ quan, đơn vị cử người đi công tác thanh toán tiền tàu xe đi lại và cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc ( nếu có ) cho người đi công tác;

Cơ quan, đơn vị cử người đi công tác có trách nhiệm thanh toán tiền phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở cho người thuộc cơ quan mình cử đi công tác.

3. Quy định chế độ chi tiêu hội nghị:

a) Chi hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu dự hội nghị không thuộc diện hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo quy định sau:

- Cuộc họp cấp tỉnh tổ chức: Mức hỗ trợ tiền ăn không quá 50.000đ/ngày/người;

- Cuộc họp cấp huyện, thành phố tổ chức: Mức hỗ trợ tiền ăn không quá 35.000đ/ngày/người;

- Cuộc họp cấp xã tổ chức: Mức chi hỗ trợ tiền ăn tối đa không quá 20.000đ/ngày/người;

Trường hợp có các cuộc họp đặc biệt với nội dung phức tạp….mà cần thiết phải hỗ trợ mức tiền ăn cao hơn, thì mức chi cụ thể do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định đối với cuộc họp cấp tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện, thành phố Huế quyết định đối với cuộc họp do cấp huyện và cấp xã tổ chức, kinh phí được đảm bảo từ nguồn ngân sách huyện, xã nhưng không được vượt quá mức tối đa theo quy định của Bộ Tài chính.

Trong trường hợp tổ chức nấu ăn tập trung thì cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị tổ chức nấu ăn tập trung cho đại biểu dự hội nghị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tối đa theo mức quy định nêu trên và thực hiện thu tiền ăn từ tiền công tác phí của các đại biểu hưởng lương tối đa theo mức quy định trên.

b) Chi nước uống tối đa không quá: 7.000đ/ngày/đại biểu.

c) Chi hỗ trợ tiền nghỉ cho đại biểu dự hội nghị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo mức thanh toán khoán hoặc theo hóa đơn thực tế theo quy định về chế độ thanh toán công tác phí.

d) Chi thuê giảng viên, báo cáo viên chỉ áp dụng đối với các cuộc họp tập huấn nghiệp vụ (nếu có) theo mức chi quy định tại Thông tư số 79/2005/TT-BTC ngày 15/09/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước.

e) Chi hỗ trợ tiền tàu, xe cho đại biểu dự hội nghị  không hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo quy định về thanh toán chế độ công tác phí.

4. Tổ chức thực hiện:

- Mức chi công tác phí, chi tổ chức các cuộc hội nghị quy định tại Nghị quyết này là mức chi tối đa. Căn cứ vào mức chi này, tình hình thực tế, đặc điểm, tính chất công việc và trong phạm vi nguồn kinh phí được giao để xây dựng mức chi trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị để thực hiện nhưng không được vượt quá mức chi tối đa quy định tại Nghị quyết này, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.

- Kinh phí thực hiện chế độ công tác phí, chế độ chi tiêu hội nghị phải được quản lý, sử dụng theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và trong dự toán hằng năm của cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Việc lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí công tác phí, chi hội nghị được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.

Điều 2. Hội đồng Nhân dân tỉnh giao Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai Nghị quyết; giao Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban, các Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh phối hợp với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiến hành phổ biến, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

Nghị quyết này đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa V, kỳ họp chuyên đề thứ 8 thông qua./.

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Mễ

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.