• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/02/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 21/08/2011
HĐND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Số: 2a/2000/NQ-HĐND4
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 25 tháng 2 năm 2000

NGHỊ QUYẾT

Về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2000

________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp tháng 6/1994;

- Sau khi xem xét báo cáo của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội năm 1999 và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2000, báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh;

- Sau khi nghe phát biểu bổ sung của mộ số ngành, địa phương; thuyết trình của Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa xã hội, Ban pháp chế HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu,

QUYẾT NGHỊ

Cơ bản nhất trí với báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 1999, phương hướng, nhiệm vụ năm 2000 với các chỉ tiêu, giải pháp được nêu trong báo cáo của UBND tỉnh và các Ban, ngành liên quan; HĐND tỉnh nhấn mạnh những nội dung và các giải pháp sau:

I. Về đánh giá tình hình năm 1999.

Trong 10 tháng đầu năm 1999, tỉnh ta đã được những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, đạt mức tăng trưởng khá trong một số lĩnh vực, tạo ra những tiền đề và nhân tố mới góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19,4% so với năm 1998. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tiếp tục phát triển. Sản lượng lương thực quy thóc đạt trên 23 vạn tấn. Diện tích nuôi trồng và thủy sản và năng lực đánh bắt xa bờ đều tăng, bước đầu mang lại hiệu quả. Các hoạt động thương mại, du lịch - dịch vụ có những chuyển biến tích cực; một số doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư chiều sâu, tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường các loại hình du lịch mới, tăng năng lực vận chuyển và phát triển hoạt động lữ hành… Lĩnh vực văn hóa xã hội được đầu tư thêm bằng nhiều nguồn lực đã đạt những kết quả đáng kể. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao không ngừng được đẩy mạnh, nhất là việc khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên ấn tượng tốt đẹp về bản sắc văn hóa Huế; đã thu hút sự quan tâm nhiều hơn của nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế. Lĩnh vực giáo dục đã phát huy tốt những thành tựu trong xóa mù và giáo dục phổ cập tiểu học, mở rộng phổ cập trung học cơ sở. Ngành y tế có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt không để dịch bệnh xảy ra sau lũ lụt. Các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình trọng điểm trong lĩnh vực VH – XH được đẩy mạnh và thực hiện việc lồng ghép có hiệu quả. Đã giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng; thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn.

Mười tháng đầu năm 1999, các chỉ tiêu cơ bản của Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra nhìn chung có khả năng đạt và vựơt kế hoạch, tạo nên sự chuyển biến khá toàn diện trong đời sống kinh tế - xã hội. Những thành quả đó thể hiện sự cố gắng rất lớn của cấp ủy, chính quyền và Ủy ban mặt trận các cấp trong chỉ đạo, điều hành và động viên nhân dân thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách nghiêm túc, bên cạnh những thành quả đạt được, vẫn còn những khuyết điểm, thiếu sót có tính chủ quan; đó là sự chủ động, sáng tạo và tính khoa học trong chỉ đạo, điều hành nền kinh tế còn nhiều hạn chế, còn lúng túng trong quá trình tìm tòi hướng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, các mô hình, loại hình sản xuất kinh doanh cho các vùng lãnh thổ, các lĩnh vực kinh tế. Hiệu quả đầu tư một số chương trình, dự án và hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều cơ sở kinh tế còn thấp. Chậm đổi mới tư duy kinh tế cùng với việc thực hiện cải cách hành chính chưa triệt để đã tạo nên những biểu hiện trì trệ trong sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế quan trọng như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại.

Trận lụt lịch sử đầu tháng 11 và đợt lũ tiếp theo vào tháng 12/1999 đã làm suy giảm nghiêm trọng tiềm lực kinh tế và năng lực sản xuất xã hội, ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhịp độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP) giảm 3,6% so với năm 1998. Cơ sở hạ tầng bị thiệt hại hết sức nặng nề, làm nẩy sinh những vấn đề cấp bách về xã hội và an ninh quốc phòng trong thời kỳ đổi mới.

Hậu quả lu lụt và những khó khăn thách thức của nền kinh tế đặt ra cho chúng ta trách nhiệm nặng nề trước nhân dân tỉnh nhà trong việc đề ra mục tiêu và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2000. Tuy nhiên, sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và sự giúp đỡ chí tình của cả nước cũng như bạn bè quốc tế; truyền thống đoàn kết, gắn bó và quyết tâm cao của cán bộ, nhân dân trong tỉnh là những thời cơ và vận hội mới, là cơ sở giúp chúng ta vượt qua khó khăn, tạo thế và lực mới trên con đường khôi phục và phát triển.

II/ Về những chỉ tiêu cơ bản trong nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2000

HĐND tỉnh nhất trí đề ra các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2000 như sau:

- Dân số:1.066.400 người

- Tỷ lệ tăng tự nhiên dưới:1,8%

- Tốc độ tăng sản phẩm trong tỉnh (GDP):11,5% so với năm 1999 và tăng 7,5% so với năm 1998

- GT sản xuất Công nghiệp – xây dựng tăng:22 – 25%

- GT sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng:1,4% so với năm 1998 (17,5% so với năm 1999)

- GT sản xuất dịch vụ tăng:6%

- Tổng sản lượng lương thực quy thóc trên:225.000 tấn

- Tổng vốn đầu tư trên địa bàn:1.746 tỷ đồng

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh230.200 tỷ đồng

(nội địa 198,2 tỷ  đồng)

- Tổng chi ngân sách địa phương:509,340 tỷ đồng

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu:30 - 31 triệu USD

- Giá trị kim ngạch nhập khẩu:21 - 22 triệu USD

- Tỷ lệ hộ dùng nước sạch:43%

- Tỷ lệ số xã dùng điện lưới:94,6%

- Tỷ lệ số hộ dùng điện:77%

- Số lao động được giải quyết việc làm:14 -15 nghìn người

- Giảm tỷ lệ hộ đói nghèo:3%/năm

III. Về những nhiệm vụ quan trọng và giải pháp chủ yếu:

1. Tập trung mọi nguồn lực tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai để ổn định sản xuất, bảo đảm đời sống và từng bước đáp ứng các nhu cầu bức thiết của nhân dân. Huy động mọi khả năng sẵn có và sự giúp đỡ của Trung ương, của các tỉnh bạn và các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng lại nhà cửa, trường học, bệnh xá và các công trình công cộng thiết yếu. UBND tỉnh và các ngành, các địa phương liên quan có biện pháp chủ động, tập trung giải quyết nhanh gọn việc cấp phát các nguồn tài chính, các loại vật liệu xây dựng hiện có đến tận tay đối tượng và lập kế hoạch cụ thể hỗ trợ nhân dân trong việc xây dựng lại nhà cửa, ổn định lại cuộc sống, khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước mắt, kịp thời huy động lực lượng lao động tại chỗ và sử dụng tốt nguồn kinh phí được hỗ trợ để khôi phục cơ sở hạ tầng nhất là hệ thống kênh mương, đê đập; đảm bảo chống úng, chống mặn, khôi phục diện tích bị phá hủy, vùi lấp sau lũ lụt. Triển khai khảo sát, quy hoạch các khu dân cư ở những vùng thường xuyên bị lũ lụt uy hiếp; nghiên cứu và có biện pháp xử lý kịp thời các khu vực xói lở ven sông, ven đầm phá, ở các khu vực trong tình trạng không ổn định, đảm bảo an toàn cho tính mạng của dân cư và các hồ đập, các công trình xây dựng.

Nghiên cứu, hoàn chỉnh các phương án chủ động phòng chống thiên tai lâu dài nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Ngay từ đầu năm phải có kế hoạch để thực hiện kịp thời trong mùa bão lụt sắp đến.

2. Khảo sát, đánh giá chính xác những thiệt hại vừa qua của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ; có kế hoạch và biện pháp kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất; tập trung đầu tư hỗ trợ có trọng điểm để khôi phục và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả.

Huy động mọi khả năng hiện có về vốn, vật tư, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đồng thời phát động phong trào toàn dân tham gia khôi phục, sửa chữa đê điều, các công trình thủy lợi nhỏ, các hệ thống thủy lợi nội đồng; giải quyết tốt khâu tưới, tiêu, chủ động chống úng, chống hạn, chống mặn, đảm bảo cho vụ sản xuất đông xuân giành thắng lợi. Thực hiện tốt các chính sách kích cầu với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tích cực triển khai kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa giao thông nông thôn. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện sản xuất cho vụ hè thu nhằm ổn định diện tích gieo trồng, phấn đấu đạt chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực quy thóc đã đề ra. Động viên nhân dân phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo khai thác mọi nguồn lực tại chỗ để khôi phục và phát triển sản xuất. Tập trung thực hiện tốt việc chăm sóc và thâm canh các loại cây công nghiệp đã có đồng thời có phương án cụ thể, chính sách thỏa đáng để mở rộng diện tích những loại cây đủ điều kiện phát triển và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Về chương trình mía đường và sự tồn tại nhà máy của Công ty TNHH KCP Việt Nam, giao trách nhiệm cho Thường trực HĐND, UBND tỉnh đàm phán và sớm có quyết định để thông báo cho các cơ sở nhằm ổn định sản xuất. Đối với cây dứa và cây cà phê, UBND tỉnh cần tính toán, nghiên cứu kỹ để có chủ trương đầu tư, đảm bảo đầu tư phải có hiệu quả.

Tăng cường đầu tư để khôi phục đàn gia súc, gia cầm sau lũ lụt. Có biện pháp hỗ trợ nông dân trong việc khôi phục các loại con giống nhất là đàn lợn; tăng cường các dịch vụ thú y đồng thời tập trung nghiên cứu phương án phát triển chăn nuôi gia súc gắn với quy hoạch đồng cỏ; chuyển đổi hình thức chăn nuôi để kết hợp tốt giữa trồng trọt và chăn nuôi, tạo cơ cấu sản xuất phù hợp và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp.

Nghiên cứu và có biện pháp xử lý tích cực nhằm khắc phục sự đảo lộn hệ sinh thái của môi trường đầm phá. Tổ chức quy hoạch mặt nước nuôi trồng thủy sản và kiên quyết xử lý các loại nghề khai thác mang tính hủy diệt, chấm dứt tình trạng khai thác bừa bãi nhằm duy trì, phát triển nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái đặc biệt này. Có đề án cụ thể để đầu tư hợp lý, nâng cao năng lực hậu cần, dịch vụ nghề cá nhằm phát huy thế mạnh về khai thác biển và ngành thủy sản nói chung.

Đảm bảo đầy đủ các điều kiện để thực hiện tốt chương trình trồng rừng. Nâng cao chất lượng rừng trồng kết hợp với bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có. Tăng cường các biện pháp bảo vệ, bồi dưỡng và từng bước có hiệu quả diện tích đất trống, đồi núi trọc để tạo thêm việc làm, thu hút được nhiều lao động, tăng thu nhập cho các hộ dân sống bằng nghề rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, hạn chế và đi đến chấm dứt nạn khai thác rừng trái phép.

Tập trung củng cố và phát huy tốt năng lực sản xuất của các cơ sở công nghiệp hiện có; thực hiện tốt chính sách miễn giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại trong lũ lụt. Thực hiện kịp thời việc giải ngân vốn vay ưu đãi đã bố trí và tăng cường đầu tư có trọng điểm vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Về đầu tư phát triển các ngành nghề, các cơ sở sản xuất mới, phải đảm bảo tính khoa học khi lập các luận chứng kinh tế - kỹ thuật và những giải pháp dự phòng yếu tố rủi ro trong quá trình thực hiện.

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ được vay vốn ưu đãi, giãn nợ; có chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, về cho thuê đất ở một số khu du lịch mới như Bạch Mã, Thiên An… để khôi phục và mở rộng năng lực kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tổ chức hội nghị xúc tiến phát triển du lịch; tiếp tục đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và mở rộng hoạt động lữ hành quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình và tập trung soát xét các phương án chuẩn bị trong công tác tổ chức và phục vụ tốt các ngày lễ lớn và Festival Huế 2000 nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Kết hợp tốt việc đẩy mạnh hoạt động du lịch để thúc đẩy Tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống phát triển.

3. Tổ chức chu đáo các  mặt công tác để triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ thu chi ngân sách. Kết hợp chặt chẽ việc thực hiện chính sách miễn giảm thuế và khai thác tốt các nguồn thu để hoàn thành kế hoạch thu ngân sách đã được Chính phủ giao. Bố trí hợp lý các khoản chi để đảm bảo cân đối nguồn ngân sách phục vụ cho các nhu cầu, nhiệm vụ trọng yếu của tỉnh. Thực hiện triệt để chính sách tiết kiệm, nhất là trong chi tiêu hành chính. Cụ thể hóa chính sách kích cầu, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, huy động để bồi dưỡng và tạo nguồn thu ổn định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu, tổ chức tốt việc thu nợ đọng thuế; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu chi và phân bổ thu chi ngân sách của các ngành, các địa phương, đơn vị nhằm thực hiện nghiêm chỉnh Luật ngân sách và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội trong quản lý và điều hành ngân sách.

4. Tổng hợp, đánh giá hiệu quả việc đầu tư cho các mũi nhọn kinh tế, các chương trình trọng điểm, các chương trình mục tiêu thời gian để làm cơ sở cho định hướng bố trí các nguồn đầu tư theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn tới. Tập trung chỉ đạo, củng cố các đơn vị thiết kế, tăng cường năng lực các cơ quan chức năng thẩm quyền dự án của các ngành (kể cả các cơ quan cấp phát vốn) nhằm đẩy nhanh tiến độ trong khâu thiết kế, thẩm định để sử dụng tối đa và có hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2000.

5. Tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh công tác sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước; tăng cường trách nhiệm trong chức năng tham mưu đồng thời tổ chức tốt sự phối kết hợp giữa các sở, ban ngành liên quan nhằm đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa, giao bán, khoán, cho thuê… các doanh nghiệp đủ điều kiện. Có chương trình hỗ trợ thích đáng cho các doanh nghiệp chuyển đổi hình thức quản lý. Cương quyết tổ chức lại bộ máy, sắp xếp cán bộ quản lý hoặc giải thể những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài để tập trung vốn cho các đơn vị sản xuất có hiệu quả hoặc những ngành nghề mới có cơ sở phát triển.

6. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ; có cơ chế thích đáng trong việc phát huy vai trò của công tác nghiên cứu và áp dụng thành tựu khoa học công nghệ phục vụ thiết thực cho phát triển sản xuất và đời sống. Nghiên cứu các chính sách kinh tế có tác dụng đòn bẩy, nghiên cứu thị trường để định hướng sản xuất kinh doanh. Trong đó, tập trung nghiên cứu cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng hệ sinh thái. Các sở chuyên ngành cần phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện để Đại học Huế tham gia nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc bố trí cơ cấu sản xuất, tổ chức lực lượng sản xuất; gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất kinh doanh. Đặc biệt chú trọng việc nghiên cứu khoa học ứng dụng ở vùng gò đồi và đầm phá ven biển nhằm khai thác có hiệu quả và đúng hướng tiềm năng to lớn các khu vực này trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

7. Tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực văn hóa xã hội. Thực hiện tốt và lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu nhất là các chương trình 133 và 135 nhằm đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nhất là những vùng đặc biệt khó khăn, vùng bị tàn phá nặng nề trong đợt lũ lụt vừa qua. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW2, Nghị quyết TW5 (khóa VIII). Phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa xã hội. Phát huy các thành tích đạt được trong phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường các biện pháp hỗ trợ để đẩy mạnh chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Có biện pháp hạn chế tình trạng tái mù chữ, bỏ học của học sinh nhất là các vùng sâu, vùng xa, con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tăng cường kiểm tra, xử lý để chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định. Quan tâm đúng mức và đầu tư thích đáng cho sự nghiệp y tế để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tạo điều kiện để nâng cấp và khai thác có hiệu quả các cơ sở vật chất của ngành thể dục thể thao; đẩy mạnh phong trào rèn luyện sức khỏe trong nhân dân nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Ưu tiên đầu tư phát triển các môn thể thao thành tích cao và có chính sách hợp lý trong công tác bổ sung lực lượng cho các môn mũi nhọn.

8. Xác định cải cách hành chính là khâu đột phá đối với tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực. Trước mắt cần triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị đinh của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn việc thực hiện Luật doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thông thoáng, động viên và hỗ trợ kịp thời các thành phần kinh tế mở rộng và phát triển kinh tế sản xuất, tạo môi trường thuận lợi, chur động cho các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Các cơ quan quản lý nhà nước có kế hoạch và những nội dung công việc cụ thể cần làm, phải làm trong năm 2000 về cải cách thủ tục hành chính trên từng lĩnh vực chuyên môn của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các đối tượng có nhu cầu đến giao dịch. UBND tỉnh cần nghiên cứu, lập đề án cải cách hành chính để HĐND tỉnh cho ý kiến trong một kỳ họp sắp tới. Triển khai thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp đã được Chính phủ ban hành.

9. Thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố quốc phòng an ninh, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Kết hợp có hiệu quả việc xây dựng và phát triển kinh tế gắn với tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ. Phát động tốt phong trào tàon dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở khu dân cư và giáo dục toàn dân thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, lãng phí và gian lận thương mại.

Tổ chức quán triệt và phổ biến rộng rãi Luật khiếu nại tố cáo với việc kiểm tra, đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, không để tình trạng khiếu kiện lòng vòng, kéo dài như thời gian qua.

Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao chất lượng chuyên môn trong kiểm tra, giám sát hoạt động đối với các cơ quan nhà nước, các thành phần kinh tế và công tác xét xử của Tòa án nhân dân 2 cấp. Khắc phục tình trạng lạm dụng bắt khẩn cấp và tạm giữ, tạm giam trái pháp luật; nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, bảo đảm chất lượng, nâng cao tỷ lệ, đúng hạn định và khắc phục tình trạng ứ đọng án; góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.

IV/ Các chương trình, dự án trọng điểm trong năm 2000

1. Chương trình khắc phục hậu quả bão lụt;

2. Chương trình phát triển cây công nghiệp;

3. Chương trình trồng rừng;

4. Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ

5. Chương trình xóa đói giảm nghèo;

6. Chương trình phát triển giao thông đối ngoại.

UBND tỉnh khẩn trương giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành liên quan xây dựng các đề án cụ thể thực hiện sáu chương trình, dự án trọng điểm trên đây. Từng đề án phải nêu rõ mục tiêu, nội dung, nguồn vốn, tiến độ thực hiện, thời gian hoàn thành, phân công cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm chính và các đơn vị phối hợp thực hiện nhằm đảm bảo tính khả thi và nâng cao hiệu quả của từng chương trình, dự án đã đề ra.

V/ Giao trách nhiệm cho Thường trực HĐND, UBND, các ban của HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh căn cứ chức năng, quyền hạn của mình phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên triển khai, quán triệt Nghị quyết của HĐND tỉnh đến các cấp, các ngành, các cơ sở và động viên cán bộ, nhân dân phấn đấu thực hiện những chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.

HĐND tỉnh kêu gọi toàn thể cán bộ, quân và dân trong tỉnh, nêu cao tinh thần làm chủ, đoàn kết, nhất trí; phát huy những thành quả đã đạt được và khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2000 và kế hoạch 5 năm 1996 - 2000, làm cơ sở cho chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 – 2005 của tỉnh nhà.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh thông qua lúc 15 giờ 30 phút ngày 25 tháng 2 năm 2000.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hồ Xuân Mãn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.