• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 27/02/2006
UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Số: 05/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 27 tháng 2 năm 2006

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm.

___________________

Thời gian qua công tác phòng chống dịch cúm trên gia cầm và dịch cúm A (H5N1) ở người đã đạt được những kết quả tốt, trên địa bàn Tỉnh không tái phát dịch. Tuy nhiên, mầm bệnh cúm gia cầm vẫn đang tồn tại và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; việc nuôi mới gia cầm, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm đã dần trở lại bình thường, nhưng đã có biểu hiện của sự chủ quan, không kiểm soát chặt chẽ, không kiên quyết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Trong khi đó dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp. Thực hiện Công văn số 239/TTg-NN ngày 10/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm; Công văn số 324/BNN-TY ngày 14/02/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai một số biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm tái phát. Để chủ động phòng, chống, kiên quyết không để dịch tái phát, bảo vệ an toàn sức khoẻ cộng đồng, khôi phục và phát triển ngành chăn nuôi gia cầm bền vững, UBND tỉnh yêu cầu:

1. UBND các huyện, thành phố Huế, các Sở, Ban ngành liên quan không được chủ quan, lơ là, buông lỏng trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch, phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người, trong đó đặc biệt lưu ý:

- Tiếp tục thông tin tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về tình hình diễn biến, nguy cơ dịch bệnh trong nước và trên thế giới để mọi người chủ động và tích cực tham gia phòng, chống dịch theo Chỉ thị của UBND Tỉnh và các cơ quan chuyên môn về Thú y, Y tế. Tuyên truyền sâu rộng về các quy định chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm để nhân dân hiểu, tự giác chấp hành.

- Thường xuyên tiêu độc khử trùng cơ sở chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm và tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khác theo chỉ đạo của cơ quan chuyên môn, kiên quyết không để dịch tái bùng phát.

2. UBND các huyện và thành phố Huế phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thương mại:

- Tổ chức quy hoạch chăn nuôi gia cầm nhằm khôi phục lại ngành chăn nuôi gia cầm một cách bền vững, giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình, khuyến khích chăn nuôi theo hướng công nghiệp hoặc bán công nghiệp.

- Theo dõi, giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời dịch bệnh từ cơ sở. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm.

- Tiếp tục xây dựng các cơ sở giết mổ gia cầm theo hướng tập trung công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công đảm bảo vệ sinh thú y, về sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; tổ chức hệ thống tiêu thụ sản phẩm gia cầm (điểm bán gia cầm sạch). Sản phẩm gia cầm tại các siêu thị, chợ trong thành phố, thị trấn phải có bao gói, nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ và được kiểm dịch, kiểm soát về vệ sinh thú y;

- Nghiêm túc thực hiện việc không chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm sống trong nội thành, nội thị;

- Tổ chức kiểm tra và nghiêm khắc xử lý việc vi phạm chủ trương ngừng ấp nở, nuôi mới thủy cầm và chim cút cho đến hết ngày 28/02/2007;

- Quy định rõ các chợ và khu vực trong chợ được phép buôn bán gia cầm sống ở vùng nông thôn;

- Tổ chức tổng kết công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, tiêm phòng vắc xin năm 2005 và triển khai công tác phòng chống dịch và tiêm phòng năm 2006 nghiêm túc, đạt hiệu quả cao;

- Các đơn vị, cá nhân được phép nhập gia cầm từ các tỉnh an toàn, để chăn nuôi, tiêu thụ nhưng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm dịch theo quy định.

3. Sở Y tế: Chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện và thành phố Huế, các đơn vị liên quan, tăng cường giám sát, theo dõi đề phòng bệnh cúm lây sang người, có phương án đối phó kịp thời khi có trường hợp nhiễm virút cúm A (H5N1). Phối hợp với các ngành liên quan tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật.

4. Công an Tỉnh (CSGT) có trách nhiệm phối hợp với Chi Cục Thú y và các cơ quan chức năng (Y tế, Quản lý Thị trường...), tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế, thủ trưởng các Sở, Ban ngành liên quan khẩn trương nghiêm túc triển khai thực hiện. Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi Cục Thú y) Theo dõi, tổng hợp báo cáo về UBND Tỉnh./.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Ngọc Thiện

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.