THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2013
của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ phí tổ chức tín dụng cổ phần hóa được
hưởng khi thu hồi các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại
_______________________
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần;
Căn cứ Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ phí tổ chức tín dụng cổ phần hóa được hưởng khi thu hồi các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ phí tổ chức tín dụng cổ phần hóa được hưởng khi thu hồi các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại,
Điều 1. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng Thông tư này bao gồm Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (trong Thông tư này gọi chung là ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hóa) và các tổ chức có liên quan.
Điều 2. Quản lý các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại
1. Các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại là các khoản nợ ngoại bảng đã loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước và được Thủ tướng Chính phủ cho phép ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hoá tiếp tục theo dõi, quản lý và thu hồi cho ngân sách nhà nước.
2. Các ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hóa có trách nhiệm xác định và báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về số dư nợ ngoại bảng đã loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa; thực hiện hạch toán, theo dõi riêng, quản lý chặt chẽ và có các biện pháp để triệt để thu hồi cho ngân sách nhà nước các khoản nợ hạch toán ngoại bảng đã được loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thẩm định lại và thông báo số dư nợ ngoại bảng đã loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa được phép giữ lại của từng ngân hàng thương mại nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cho Bộ Tài chính; thực hiện kiểm tra, đôn đốc các ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hóa tiếp tục quản lý, theo dõi và thu hồi cho ngân sách nhà nước, đảm bảo không thất thoát tài sản của nhà nước.
Điều 3. Quản lý số tiền thu được từ các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại
1. Số tiền thu hồi được từ các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này là số tiền thực tế mà các ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hóa thu được từ việc thu hồi khoản nợ ngoại bảng. Ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hoá được trích 20% trên số tiền thu hồi được từ các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại để hạch toán vào thu nhập.
2. Chi phí phát sinh liên quan trực tiếp đến các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại bao gồm toàn bộ chi phí liên quan đến quá trình xử lý nợ ngoại bảng (chi phí phát mại tài sản, chi phí quản lý tài sản bảo đảm, chi phí đấu giá, định giá…), ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hoá được hạch toán chi phí theo quy định của pháp luật và quy chế tài chính áp dụng cho các tổ chức tín dụng. Toàn bộ chi phí nêu trên phải có hóa đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật.
3. Phương pháp ghi nhận
a) Chi tiết số tiền thu hồi các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại phát sinh trong quý, ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hóa hạch toán vào tài khoản theo dõi các khoản phải trả.
b) Kết thúc Quý, ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hóa ghi nhận như sau:
- Đối với khoản 20% trên số tiền thu hồi được từ các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại, ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hóa hạch toán vào thu nhập khác.
- Đối với khoản 80% trên số tiền thu hồi được từ các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại, ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hóa thực hiện nộp ngân sách nhà nước.
Điều 4. Cơ quan thu và thời hạn nộp ngân sách nhà nước đối với số tiền thu hồi các khoản nợ ngoại bảng phải nộp ngân sách nhà nước
1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc quý, ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hoá thực hiện nộp toàn bộ số tiền thu hồi nợ ngoại bảng phần phải nộp ngân sách nhà nước phát sinh trong quý vào ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Luật ngân sách nhà nước và Thông tư số 128/2008/TT-BTC ngày 24/12/2008 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
2. Toàn bộ số tiền thu hồi nợ ngoại bảng phần phải nộp ngân sách nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này được nộp vào ngân sách nhà nước theo:
a) Chương của ngân hàng thương mại nhà nước tương ứng (Chương 139: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam; Chương 140: Ngân hàng Công thương Việt Nam; Chương 142: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Chương 144: Ngân hàng Nhà đồng bằng sông Cửu Long).
b) Loại 340, Khoản 341.
c) Mục 3650, Tiểu mục 3653 “Thu nợ tiền sử dụng vốn ngân sách nhà nước”.
Điều 5. Chế độ báo cáo
1. Định kỳ sáu (6) tháng một lần tính theo năm dương lịch, từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 và từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 hàng năm, ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hóa có khoản nợ ngoại bảng được giữ lại có trách nhiệm lập và báo cáo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về số nợ hạch toán ngoại bảng được giữ lại, số tiền đã thu hồi các khoản nợ ngoại bảng được giữ lại; số tiền được trích để lại ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hóa, số phải nộp ngân sách nhà nước và số đã nộp ngân sách nhà nước. Báo cáo định kỳ đến thời điểm ngày 31 tháng 12 hàng năm có tổng hợp số tiền thu hồi nợ ngoại bảng được giữ lại cộng dồn cả năm (chi tiết theo mẫu phụ lục đính kèm).
2. Thời hạn gửi báo cáo:
- Báo cáo sáu (6) tháng đầu năm được gửi chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày kết thúc ngày cuối cùng của kỳ báo cáo.
- Báo cáo năm được gửi chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2013.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.