• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 21/03/2000
CHÍNH PHỦ
Số: 06/2000/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 6 tháng 3 năm 2000

NGHỊ ĐỊNH

Về việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong

 lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học

________________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1996;

Để mở rộng việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Nghị định này quy định việc hợp tác đầu tư với nước ngoài đối với các cơ sở khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ.

2. Các hoạt động hợp tác với nước ngoài không vì mục đích lợi nhuận quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Điều 2. Nội dung hợp tác đầu tư với nước ngoài theo quy định của Nghị định này gồm các lĩnh vực:

1. Khám chữa bệnh:

a) Thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú cho người nước ngoài và người Việt Nam;

b) Thực hiện các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng... gọi chung là dịch vụ cận lâm sàng liên quan đến khám chữa bệnh.

2. Giáo dục đào tạo:

a) Giáo dục ở mọi bậc học, cấp học cho người nước ngoài hiện đang công tác có thời hạn tại Việt Nam;

b) Giáo dục bậc phổ thông trung học cho người nước ngoài và người Việt Nam;

c) Trung học chuyên nghiệp, dạy ngoại ngữ, dạy nghề cho người nước ngoài và người Việt Nam;

d) Giáo dục cao đẳng, đại học và sau đại học cho người nước ngoài và người Việt Nam thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học quản lý kinh tế, ngôn ngữ.

3. Nghiên cứu khoa học:

Nghiên cứu khoa học hoặc thực hiện các dịch vụ liên quan đến nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học quản lý kinh tế, ngôn ngữ.

Điều 3. Việc hợp tác đầu tư với nước ngoài được thực hiện theo các hình thức sau:

1. Trong lĩnh vực khám chữa bệnh:

a) Thành lập bệnh viện, phòng khám, cơ sở cận lâm sàng theo hình thức liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài;

b) Hợp đồng hợp tác kinh doanh để tiến hành các hoạt động khám chữa bệnh và các dịch vụ cận lâm sàng.

(Sau đây gọi chung là cơ sở khám chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài).

2. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo:

a) Thành lập cơ sở giáo dục, đào tạo theo hình thức liên doanh để thực hiện các hoạt động nêu tại điểm a, c và d khoản 2 Điều 2 của Nghị định này;

b) Hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện các hoạt động giáo dục, đào tạo nêu tại điểm a, c và d khoản 2 Điều 2 của Nghị định này;

c) Thành lập cơ sở giáo dục, đào tạo theo hình thức 100% vốn nước ngoài để thực hiện các hoạt động quy định tại điểm a, c và d khoản 2 Điều 2 của Nghị định này;

d) Thí điểm thành lập cơ sở giáo dục đào tạo theo hình thức liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện các hoạt động nêu tại điểm b, khoản 2, Điều 2 của Nghị định này.

(Sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài).

3. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học:

a) Thành lập viện, trung tâm nghiên cứu khoa học hoặc thực hiện các dịch vụ liên quan đến nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học quản lý kinh tế, ngôn ngữ theo hình thức liên doanh hoặc thí điểm thành lập cơ sở 100% vốn nước ngoài;

b) Hợp đồng hợp tác kinh doanh để tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học quy định tại điểm a của khoản này.

(Sau đây gọi chung là cơ sở nghiên cứu khoa học có vốn đầu tư nước ngoài).

Điều 4. Thẩm quyền xét duyệt dự án đầu tư và việc thẩm định dự án, cấp Giấy phép đầu tư được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 93 và khoản 1, 2 và 3 Điều 94 của Nghị định số 12/CP ngày 18 tháng 02 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Sau đây gọi là Nghị định số 12/CP).

Chương II

CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 5. Tổ chức Việt Nam được hợp tác đầu tư với nước ngoài để thành lập cơ sở khám chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Nghị định này gồm:

1. Bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cơ sở khám chữa bệnh là đơn vị sự nghiệp có thu Việt Nam;

2. Bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa, các cơ sở khám chữa bệnh thuộc mọi thành phần kinh tế;

3. Các đối tượng nêu tại các khoản 1, 3, 4 và 5 Điều 2 Nghị định số 12/CP.

Điều 6.

1. Điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài:

a) Việc thành lập cơ sở khám chữa bệnh phải căn cứ vào nhu cầu do Bộ Y tế xác định dựa trên quy hoạch tổ chức mạng lưới khám chữa bệnh và đối tượng phục vụ trên địa bàn;

b) Có người quản lý đủ năng lực, bác sĩ, nhân viên y tế đủ trình độ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Các phương pháp áp dụng trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh phải là phương pháp hiện đại với chất lượng cao, bảo đảm được tính hiệu quả và sự an toàn cho người bệnh;

d) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ y tế đáp ứng nhu cầu, bảo đảm chất lượng và vệ sinh môi trường;

e) Phải có kế hoạch hợp tác chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ Việt Nam.

2. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở khám chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân, pháp luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam có liên quan.

Điều 7. Giám đốc, bác sĩ, nhân viên y tế làm việc trong các cơ sở khám chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài phải đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân. Trường hợp bác sĩ, nhân viên y tế có bằng do nước ngoài cấp thì đăng ký theo hướng dẫn của Bộ Y tế để được hành nghề tại Việt Nam.

Điều 8. Hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư bao gồm những tài liệu theo quy định tại các điều 10, 13, 27 Nghị định số 12/CP, trong đó cần nêu rõ thêm các nội dung sau:

1. Phạm vi hành nghề;

2. Số lượng, cơ cấu dự kiến bác sĩ, nhân viên y tế chủ chốt;

3. Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị.

Điều 9. Trước khi hoạt động, cơ sở khám chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài phải đăng ký hành nghề với Bộ Y tế để được cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề.

Chương III

CƠ SỞ GIÁO DỤC CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 10. Tổ chức Việt Nam được hợp tác đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài để thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài gồm:

1. Các trường, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

2. Các đối tượng nêu tại các khoản 1, 3, 4, 5 Điều 2 Nghị định số 12/CP.

Điều 11.

1. Điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài:

a) Phù hợp với quy hoạch mạng lưới giáo dục đào tạo được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Có giáo viên, giảng viên đủ trình độ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Có cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phù hợp với trình độ, quy mô giáo dục đào tạo;

d) Có chương trình và nội dung giáo dục phù hợp với quy định của Luật Giáo dục và các quy định khác có liên quan;

Trường hợp cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đào tạo người nước ngoài thì chỉ cần đăng ký chương trình và nội dung đào tạo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về giáo dục và pháp luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 12. Hồ sơ xin cấp Giấy phép đầu tư của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm những tài liệu quy định tại các Điều 10, 13, 27 Nghị định số 12/CP, trong đó cần nêu rõ thêm các nội dung sau:

a) Mục tiêu, quy mô, chương trình và thời gian đào tạo;

b) Chế độ tuyển sinh, sách giáo khoa, giáo trình; giải trình về cơ sở vật chất và các phương tiện phục vụ cho việc giáo dục, đào tạo;

c) Số lượng và cơ cấu dự kiến các giáo viên, giảng viên chủ chốt;

d) Quy định về học phí và các khoản đóng góp;

e) Đăng ký văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục cấp.

Điều 13.

1. Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được đào tạo theo quy mô, chương trình, đối tượng và thời hạn đã được quy định trong Giấy phép đầu tư;

2. Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài khi thành lập và hoạt động tại Việt Nam phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về giáo dục, về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam.

Chương IV

CƠ SỞ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 14. Tổ chức Việt Nam được hợp tác đầu tư với nước ngoài để thành lập cơ sở nghiên cứu khoa học có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Nghị định này gồm:

1. Viện Nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu và các cơ sở nghiên cứu về khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học quản lý kinh tế, ngôn ngữ là các đơn vị hành chính sự nghiệp;

2. Viện Nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu và các cơ sở nghiên cứu về khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học quản lý kinh tế, ngôn ngữ thuộc mọi thành phần kinh tế;

3. Các đối tượng nêu tại các khoản 1, 3, 4, 5, Điều 2 Nghị định số 12/CP.

Điều 15.

1. Điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở nghiên cứu khoa học có vốn đầu tư nước ngoài:

a) Phù hợp với quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Có cán bộ nghiên cứu đủ trình độ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Có cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị phù hợp với loại hình và quy mô nghiên cứu khoa học.

2. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở nghiên cứu khoa học có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam.

Điều 16. Hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư của cơ sở nghiên cứu khoa học có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm những tài liệu theo quy định tại các Điều 10, 13, 27 Nghị định số 12/CP, trong đó cần nêu rõ thêm các nội dung sau:

1. Mục tiêu, quy mô, lĩnh vực và loại hình nghiên cứu khoa học;

2. Số lượng và cơ cấu dự kiến các cán bộ nghiên cứu chủ chốt;

3. Cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị.

Điều 17. Trong quá trình hoạt động, các tổ chức khoa học hợp tác với nước ngoài và người làm việc trong các tổ chức khoa học phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Chương V

KHUYẾN KHÍCH VÀ ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ

Điều 18. Cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học được thành lập và hoạt động theo quy định của Nghị định này có địa vị pháp lý theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, được quyền tự chủ về tài chính và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của mình.

Điều 19.

1. Cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu khoa học có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện các nghĩa vụ thuế, tài chính như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và được hưởng các khuyến khích ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam;

2. Cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục và cơ sở nghiên cứu khoa học có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng mức thuế thu nhập 10% trong suốt thời gian hoạt động; được miễn thuế thu nhập trong thời gian 4 năm kể từ khi kinh doanh có lãi và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo;

3. Cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục và cơ sở nghiên cứu khoa học có vốn đầu tư nước ngoài được miễn thuế thu nhập trong thời gian 8 năm kể từ khi kinh doanh có lãi nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Đầu tư vào địa bàn khuyến khích đầu tư quy định tại Nghị định số 10/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ;

b) Nhà đầu tư nước ngoài cam kết chuyển giao không bồi hoàn tài sản cố định cho Nhà nước Việt Nam sau khi kết thúc hoạt động.

Điều 20. Nhà đầu tư nước ngoài được hoàn 100% số thuế thu nhập đã nộp cho phần lợi nhuận tái đầu tư mở rộng, tái đầu tư chiều sâu vào cơ sở hiện có hoặc đầu tư mới theo các nội dung quy định tại Điều 2 Nghị định này.

Điều 21. Cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục và cơ sở nghiên cứu khoa học có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng mức thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài là 5%.

Điều 22. Dự án đầu tư vào lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học theo quy định của Nghị định này được hưởng mức tiền thuê đất thấp nhất theo quy định hiện hành.

Điều 23. Cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục và cơ sở nghiên cứu khoa học có vốn đầu tư nước ngoài được bảo đảm cân đối ngoại tệ trong suốt thời gian hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chương VI

VIỆC HỢP TÁC ĐẦU TƯ VỚI NƯỚC NGOÀI CỦA TỔ CHỨC VIỆT NAM LÀ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÓ THU

Điều 24. Đơn vị sự nghiệp có thu Việt Nam khi hợp tác đầu tư với nước ngoài được sử dụng tài sản được giao để góp vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; phần tài sản dùng để hợp tác đầu tư với nước ngoài được chuyển sang chế độ hạch toán kinh doanh theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 25. Đơn vị sự nghiệp có thu Việt Nam chỉ chịu trách nhiệm trong phần tài sản được phép hợp tác đầu tư với nước ngoài.

Điều 26. Việc tuyển dụng lao động là công chức Nhà nước sang làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu khoa học có vốn đầu tư nước ngoài và các chế độ đối với người lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật lao động.

Chương VII

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 27. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại các Điều 95, 96, 97 và 98 Nghị định số 12/CP.

Điều 28. Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chuyên ngành đối với các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu khoa học có vốn đầu tư nước ngoài; ban hành và hướng dẫn thực hiện chính sách, quy định về khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Điều 29.

1. Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ, ngành liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu khoa học có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan có quyền:

a) Yêu cầu cơ sở được kiểm tra cung cấp tài liệu cần thiết và tạo điều kiện cho việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành;

b) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

2. Cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu khoa học có vốn đầu tư nước ngoài phải chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật Việt Nam về khiếu nại và tố cáo.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 30.

1. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

2. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.