• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 03/12/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 04/02/2007
BỘ THƯƠNG MẠI
Số: 33/1999/TT-BTM
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 18 tháng 11 năm 1999

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 20/1999/NĐ-CP

ngày 12/4/1999 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hóa

__________________________

 

Căn cứ Nghị định số 20/1999/NĐ-CP ngày 12/4/1999 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá, dưới đây gọi tắt là Nghị định số 20/1999/NĐ-CP, Bộ Thương mại hướng dẫn một số điểm cụ thể để thi hành thống nhất như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ GIÁM ĐỊNH HÀNG HOÁ

1. Đối tượng kinh doanh

Chỉ có các đối tượng sau đây được kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá:

a) Doanh nghiệp Việt Nam thuộc các thành phần kinh tế được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá;

b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép đầu tư về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá;

c) Chi nhánh công ty giám định nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập tại Việt Nam để kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá.

Các đối tượng kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá theo khoản a, b, c nêu trên, dưới đây được gọi chung là thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá.

2. Điều kiện kinh doanh

Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Phải là doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá, không thuộc hệ thống tổ chức của doanh nghiệp không chuyên kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá.

II. PHẠM VI KINH DOANH VÀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH HÀNG HOÁ

1. Phạm vi kinh doanh

Phạm vi kinh doanh của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá như sau:

a) Doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá thực hiện việc giám định và cấp Chứng thư giám định hàng hoá theo lĩnh vực đã được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

b) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện việc giám định và cấp Chứng thư giám định hàng hoá theo lĩnh vực đã được quy định trong Giấy phép đầu tư;

c) Chi nhánh công ty giám định hàng hoá nước ngoài thực hiện việc giám định và cấp Chứng thư giám định hàng hoá theo lĩnh vực đã được quy định trong Giấy phép thành lập Chi nhánh tại Việt Nam.

2. Nguyên tắc hoạt động giám định hàng hoá

Hoạt động giám định hàng hoá được thực hiện theo nguyên tắc sau:

a) Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá thực hiện việc giám định và cấp chứng thư giám định hàng hoá trong các trường hợp:

- Được các bên tham gia hợp đồng mua bán hàng hoá yêu cầu giám định hàng hoá;

- Đước một hoặc một số bên tham gia hợp đồng mua bán hàng hoá yêu cầu giám định hàng hoá;

- Được cá nhân hoặc tổ chức yêu cầu giám định hàng hoá;

- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu giám định hàng hoá để thực hiện công vụ.

b) Việc giám định hàng hoá phải được thực hiện theo quy trình nghiệp vụ, kỹ thuật phù hợp và đảm bảo tính độc lập, trung lập, khách quan, khoa học, chính xác.

c) Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá không được giám định và cấp chứng thư giám định đối với hàng hoá có liên quan đến quyền và lợi ích kinh tế của chính thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá.

Giám định viên không được giám định hàng hoá có liên quan đến quyền và lợi ích kinh tế của chính giám định viên.

III. GIÁM ĐỊNH HÀNG HOÁ THUỘC DANH MỤC HÀNG HOÁ PHẢI KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG

1. Đối với hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá phải kiểm tra nhà nước về chất lượng, chủ hàng phải yêu cầu thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá thực hiện việc giám định hàng hoá theo nội dung kiểm tra nhà nước về chất lượng và trả phí giám định.

2. Trong trường hợp các bên tham gia hợp đồng mua bán có thoả thuận yêu cầu giám định hàng hoá mà nội dung và kết quả của Chứng thư giám định phù hợp với quy định của Nhà nước về hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá phải kiểm tra nhà nước về chất lượng thì Chứng thư giám định này có giá trị là Chứng thư giám định theo yêu cầu kiểm tra nhà nước về chất lượng.

IV. GIÁM ĐỊNG HÀNG HOÁ THEO YÊU CẦU CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ THẨM QUYỀN ĐỂ THỰC HIỆN CÔNG VỤ

1. Khi có yêu cầu giám định hàng hoá liên quan đến việc thực hiện công vụ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn một thương nhân kinh doanh dịch vụ hàng hoá thực hiện việc giám định và trả phí giám định.

Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá thực hiện giám định hàng hoá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước để thực hiện công vụ phải là doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 20/1999/NĐ-CP.

2. Trong trường hợp chủ hàng không công nhận kết quả của Chứng thư giám định, chủ hàng có quyền yêu cầu một tổ chức trọng tài chỉ định một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định khác nêu tại khoản 1 Mục này giám định lại. Kết quả giám định của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định do trọng tài chỉ định có giá trị cuối cùng. Lệ phí trọng tài do bên yêu cầu giám định trả.

V. UỶ QUYỀN GIÁM ĐỊNH HÀNG HOÁ

1. Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá được uỷ quyền cho thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định khác thực hiện việc giám định hàng hoá. Việc uỷ quyền giám định được thực hiện theo thoả thuận giữa bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền.

2. Tổ chức giám định nước ngoài chưa được phép hoạt động tại Việt Nam mà được yêu cầu giám định hàng hoá tại Việt Nam thì tổ chức giám định nước ngoài đó phải uỷ quyền cho thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định nêu tại khoản 1 Mục I Thông tư này thực hiện việc giám định hàng hoá. Việc uỷ quyền giám định được thực hiện theo thoả thuận giữa bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền.

VI. TIÊU CHUẨN GIÁM ĐỊNH VIÊN; CHỮ KÝ VÀ CON DẤU TRONG CHỨNG THƯ GIÁM ĐỊNH HÀNG HOÁ

1. Tiêu chuẩn giám định viên

a) Tiêu chuẩn giám định viên được thực hiện theo khoản 1 Điều 7 Nghị định số 20/1999/NĐ-CP.

b) Đối với những người đã là giám định viên từ 05 năm trở lên trước ngày Nghị định số 20/1999/NĐ-CP có hiệu lực, Giám đốc của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá được quyền quyết định công nhận những người này là giám định viên.

2. Chữ ký và con dấu trong Chứng thư giám định hàng hoá

a) Chứng thư giám định phải có chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá, chữ ký của giám định viên và ghi rõ họ tên.

b) Chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá ở phía dưới bên phải của Chứng thư giám định; chữ ký của giám định viên ở phía dưới bên trái của Chứng thư giám định.

c) Con dấu đóng trong Chứng thư giám định là con dấu nghiệp vụ đã được thương nhân đăng ký tại cơ quan công an có thẩm quyền và được đóng bên phía chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá và chỉ có giá trị đối với Chứng thư giám định do thương nhân cấp.

Con dấu nghiệp vụ nói trên có hình chữ nhật, chiều dài 6cm, chiều rộng 2cm, phía trên có dòng chữ "Thay mặt công ty", phía dưới có biểu tượng (nếu có) và tên thương mại của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá.

VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

2. Định kỳ 6 tháng một lần vào trước ngày 15 tháng 7 và trước ngày 15 tháng 01 năm sau, thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá có trách nhiệm gửi văn bản báo cáo về tình hình hoạt động của thương nhân cho Sở Thương mại tỉnh, thành phố nơi thương nhân đặt trụ sở chính để tổng hợp báo cáo Bộ Thương mại theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/1999/NĐ-CP.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Mai Văn Dâu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.