• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 23/10/2015
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 18/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 8 tháng 9 năm 2015

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học giáo dục quốc phòng và an ninh

trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học

_______________________

 

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 03 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch quy định tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư liên tịch này quy định về tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, gồm: trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học, học viện, đại học vùng, đại học Quốc gia, trung tâm GDQP&AN (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục); tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Vị trí, mục tiêu môn học

1. GDQP&AN là nội dung cơ bản trong việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, là môn học chính khóa thuộc chương trình giáo dục của các cơ sở giáo dục.

2. Môn học GDQP&AN trang bị cho học sinh, sinh viên những hiểu biết cơ bản về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về quốc phòng và an ninh; truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự, kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.

Điều 3. Nguyên tắc, yêu cầu dạy, học môn học GDQP&AN

1. Dạy, học môn học GDQP&AN phải bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm bằng các hình thức phù hợp; kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, giữa lý thuyết và thực hành; phù hợp với quy chế tổ chức đào tạo của từng trình độ; phải gắn liền với giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tập thể; dạy, học môn học GDQP&AN tại các cơ sở giáo dục phải gắn kết với giáo dục thực tế, kỹ năng thực hành và hoạt động ngoại khóa.

2. Giáo viên, giảng viên dạy GDQP&AN khi giảng dạy tại giảng đường hoặc trên thao trường phải mang mặc trang phục GDQP&AN theo quy định; giáo viên, giảng viên là sĩ quan quân đội, công an biệt phái phải mang mặc theo Điều lệnh quân đội, công an nhân dân.

3. Giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên giảng dạy và học tập môn học GDQP&AN phải thực hiện đúng, đủ kế hoạch giảng dạy, học tập, nội quy, quy tắc về đảm bảo an toàn về người, vũ khí, trang thiết bị.

Chương II

QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC DẠY, HỌC

Điều 4. Đối tượng được miễn, tạm hoãn học môn học GDQP&AN

1. Đối tượng được miễn học môn học GDQP&AN:

a) Học sinh, sinh viên có giấy chứng nhận sĩ quan dự bị hoặc bằng tốt nghiệp do các trường quân đội, công an cấp;

b) Học sinh, sinh viên đã có chứng chỉ GDQP&AN tương ứng với trình độ đào tạo;

c) Học sinh, sinh viên là người nước ngoài.

2. Đối tượng được miễn học, miễn thi học phần, nội dung trong chương trình GDQP&AN, gồm: học sinh, sinh viên có giấy xác nhận kết quả học tập các học phần, nội dung đó đạt từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10.

3. Đối tượng được miễn học, các nội dung thực hành kỹ năng quân sự:

a) Học sinh, sinh viên là người khuyết tật, có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;

b) Học sinh, sinh viên không đủ sức khỏe về thể lực hoặc mắc những bệnh lý thuộc diện miễn làm nghĩa vụ quân sự theo quy định hiện hành;

c) Học sinh, sinh viên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an nhân dân.

4. Đối tượng được tạm hoãn học môn học GDQP&AN:

a) Học sinh, sinh viên vì lý do sức khỏe phải dừng học trong thời gian dài để điều trị, phải có giấy xác nhận của bệnh viện nơi học sinh, sinh viên điều trị;

b) Học sinh, sinh viên là nữ đang mang thai hoặc trong thời gian nghỉ chế độ thai sản theo quy định hiện hành.

5. Giám đốc, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục xem xét tạm hoãn học môn học GDQP&AN cho các đối tượng quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều này. Hết thời gian tạm hoãn, các cơ sở giáo dục bố trí cho học sinh, sinh viên vào học các lớp phù hợp để hoàn thành chương trình.

Điều 5. Giáo viên, giảng viên GDQP&AN

1. Giáo viên, giảng viên GDQP&AN bao gồm giáo viên, giảng viên có trình độ chuẩn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh.

2. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quốc phòng và an ninh, phương pháp dạy học bảo đảm trình độ chuẩn phù hợp với yêu cầu giảng dạy ở từng trình độ đào tạo.

Điều 6. Quản lý giáo viên, giảng viên GDQP&AN

Các cơ sở giáo dục thực hiện quản lý đội ngũ giáo viên, giảng viên GDQP&AN như giáo viên, giảng viên môn học khác. Giảng viên GDQP&AN là sĩ quan quân đội biệt phái do cơ quan, đơn vị biệt phái sĩ quan và các trường quản lý theo quy định của Chính phủ về biệt phái sĩ quan quân đội, công an.

Điều 7. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

1. Các cơ sở giáo dục có trung tâm, khoa hoặc bộ môn GDQP&AN thực hiện nhiệm vụ GDQP&AN phải có phòng học chuyên dùng, thao trường tổng hợp; có đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học GDQP&AN theo quy định hiện hành về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn học GDQP&AN.

2. Quản lý, sử dụng và bảo quản vũ khí, trang thiết bị GDQP&AN thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 8. Quản lý môn học và tổ chức dạy, học

1. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức dạy, học GDQP&AN theo kế hoạch đào tạo của cơ sở.

2. Các cơ sở giáo dục đại học có khoa, bộ môn GDQP&AN tổ chức dạy, học tập trung theo kế hoạch đào tạo của cơ sở.

3. Các trung tâm GDQP&AN tổ chức dạy, học tập trung theo kế hoạch đào tạo của trung tâm.

4. Các cơ sở giáo dục tổ chức dạy, học thực hành kỹ thuật, chiến thuật, thuốc nổ và bắn đạn thật phải hợp đồng với cơ quan quân sự địa phương, đơn vị quân đội, công an để bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, vũ khí, trang thiết bị.

5. Lớp học lý thuyết nếu bố trí lớp ghép phải phù hợp với phương pháp dạy học và điều kiện cụ thể của các cơ sở giáo dục, nhưng không quá 150 người; lớp học thực hành không quá 40 người.

Chương III

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP VÀ CẤP CHỨNG CHỈ GDQP&AN

Điều 9. Đánh giá kết quả học tập

Đánh giá kết quả học tập GDQP&AN đối với học sinh, sinh viên thực hiện theo quy định hiện hành về quy chế đào tạo của từng trình độ đào tạo.

Điều 10. Điều kiện, thẩm quyền cấp chứng chỉ GDQP&AN

1. Sinh viên có điểm trung bình chung môn học đạt từ 5 điểm trở lên (theo thang điểm 10) được cấp chứng chỉ GDQP&AN.

2. Thẩm quyền cấp chứng chỉ GDQP&AN:

a) Giám đốc, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục được tổ chức dạy, học GDQP&AN thì có thẩm quyền cấp chứng chỉ GDQP&AN;

b) Giám đốc trung tâm GDQP&AN cấp chứng chỉ GDQP&AN theo quy định về liên kết GDQP&AN.

3. Việc in, quản lý, cấp phát chứng chỉ GDQP&AN thực hiện theo quy định hiện hành do cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học ban hành.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện công tác GDQP&AN trong các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên GDQP&AN trong các cơ sở giáo dục.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác GDQP&AN trong các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý, các trung tâm GDQP&AN.

Điều 12. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện công tác GDQP&AN tại các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác GDQP&AN tại các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.

Điều 13. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục

Chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức dạy, học, đánh giá kết quả môn học GDQP&AN và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 10 năm 2015.

2. Thông tư liên tịch này thay thế những quy định về tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học GDQP&AN trong các trường trung cấp, trường cao đẳng, trường đại học, học viện, đại học vùng, đại học Quốc gia, trung tâm GDQP&AN ban hành kèm theo Thông tư số 40/2012/TT-BGDĐT ngày 19 tháng 11 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả môn học môn học Giáo dục quốc phòng - an ninh; Quyết định số 63/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 25 tháng 11 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy chế tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học Giáo dục quốc phòng và - an ninh trong các cơ sở dạy nghề.

Điều 15. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổ chức Chính trị - Xã hội và chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giám đốc, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm GDQP&AN và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư liên tịch này.

2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những vấn đề vướng mắc, cần phản ánh kịp thời về Bộ Giáo dục/và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Giáo dục và Đào tạo
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Bùi Văn Ga

Huỳnh Văn Tí

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.