• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 27/09/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 31/03/1998
UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
Số: 06/UB-QLKT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 27 tháng 9 năm 1995

UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC

_________

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_____________________

Số: 06/UB-QLKT

Hà Nội, ngày 27 tháng 9 năm 1995

THÔNG TƯ

Quy định trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư

theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước

_____________

Thực hiện Nghị định số 29/CP ngày 12 tháng 5 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước quy định trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước như sau:

Điều 1.

Để được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước, chủ đầu tư cần phải thực hiện các thủ tục sau đây:

1. Đối với những dự án đầu tư thành lập doanh nghiệp mới hoặc đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp là:

- Doanh nghiệp Nhà nước,

- Doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, xã hội,

- Công ty trách nhiệm hữu hạn,

- Công ty cổ phần,

- Doanh nghiệp tư nhân,

- Doanh nghiệp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài,

- Doanh nghiệp của người nước ngoài cư trú lâu dài ở Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập hoặc do cơ quan trung ương có thẩm quyền quyết định thành lập, hồ sơ xin ưu đãi đầu tư phải được gửi đến Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.

Hồ sơ xin ưu đãi bao gồm:

- Đơn xin ưu đãi đầu tư (mẫu UĐĐT-MO hoặc UĐĐT-MR)

- Quyết định thành lập hoặc giấy phép thành lập doanh nghiệp (bản sao),

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao),

- Luận chứng kinh tế - kỹ thuật hoặc phương án kinh doanh ban đầu, phương án mở rộng kinh doanh.

2. Đối với các dự án đầu tư thành lập doanh nghiệp mới là:

- Doanh nghiệp Nhà nước,

- Doanh nghiệp của các đoàn thể chính trị, xã hội mà không thuộc diện điều chỉnh của khoản 1 của Điều này, hoặc đầu tư để mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp nói trên, hồ sơ xin ưu đãi đầu tư phải được gửi đến Uỷ ban Kế hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban Kế hoạch tỉnh).

Hồ sơ xin ưu đãi đầu tư bao gồm:

- Đơn xin ưu đãi đầu tư (mẫu UĐĐT-MO hoặc UĐĐT-MR),

- Quyết định thành lập (bản sao),

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao),

- Luận chứng kinh tế - kỹ thuật.

3. Đối với các dự án đầu tư thành lập doanh nghiệp mới là:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn,

- Công ty cổ phần,

- Doanh nghiệp tư nhân,

- Doanh nghiệp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài,

- Doanh nghiệp của người nước ngoài cư trú ở Việt Nam, mà không thuộc diện điều chỉnh của khoản 1 của Điều này, thì đơn xin ưu đãi đầu tư phải được gửi kèm theo hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp đến Uỷ ban Kế hoạch tỉnh, để được xét cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cùng với quyết định cho phép thành lập doanh nghiệp.

Trường hợp xin ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp nói ở khoản này đã thành lập trước khi Luật khuyến khích đầu tư trong nước có hiệu lực(theo Điều 28 của Nghị định 29/CP ngày 12 tháng 5 năm 1995), hoặc xin ưu đãi đầu tư để mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, thì hồ sơ xin ưu đãi đầu tư phải được gửi đến Uỷ ban Kế hoạch tỉnh. Hồ sơ xin ưu đãi đầu tư bao gồm:

- Đơn xin ưu đãi đầu tư (mẫu UĐĐT-MO hoặc UĐĐT-MR),

- Giấy phép thành lập doanh nghiệp (bản sao),

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao),

- Phương án kinh doanh ban đầu, hoặc phương án mở rộng kinh doanh.

4. Đối với những dự án đầu tư thành lập mới hợp tác xã, hoặc đơn vị kinh doanh hoạt động theo Nghị định số 66- HĐBT ngày 2 tháng 3 năm 1992, hoặc đầu tư để mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ của các hợp tác xã và đơn vị kinh doanh nói trên, hồ sơ xin ưu đãi đầu tư phải được gửi đến Uỷ ban Kế hoạch tỉnh.

Hồ sơ xin ưu đãi bao gồm:

- Đơn xin ưu đãi đầu tư (mẫu UĐĐT-MO hoặc UĐĐT-MR),

- Giấy phép kinh doanh (bản sao),

- Phương án kinh doanh ban đầu hoặc phương án mở rộng kinh doanh.

5. Các quy định đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh và thành lập mới tại các khoản 1, 2 và 4 của Điều này áp dụng cho cả trường hợp các cơ sở sản xuất - kinh doanh thành lập trước khi Luật khuyến khích đầu tư trong nước có hiệu lực, theo Điều 28 của Nghị định 29/CP ngày 12 tháng 5 năm 1995.

Điều 2.

1. Đối với các dự án đầu tư nói tại khoản 1 của Điều 1 trên đây, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước nhận, xem xét hồ sơ xin ưu đãi đầu tư, tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, quyết định việc cấp hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.

2. Đối với các dự án đầu tư nói tại các khoản 2 và 4 của Điều 1 trên đây, Uỷ ban Kế hoạch tỉnh nhận, xem xét hồ sơ xin ưu đãi đầu tư, tham khảo ý kiến của Sở Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tỉnh, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân tỉnh) hoặc người được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền, quyết định việc cấp hoặc từ chối cấp giấp chứng nhận ưu đãi đầu tư.

3. Đối với các dự án đầu tư nói tại khoản 3 của Điều 1 trên đây, Uỷ ban Kế hoạch tỉnh nhận, xem xét hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp, trong đó có đơn xin ưu đãi đầu tư, tham khảo ý kiến của Sở quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật, Sở Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tỉnh, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc người được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền, quyết định việc cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp và giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.

Điều 3.

Việc quyết định cấp hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư phải được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Riêng đối với dự án đầu tư thành lập doanh nghiệp mới nói tại khoản 3 của Điều 2 trên đây, giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư được cấp đồng thời với giấy phép thành lập doanh nghiệp.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ nói trên, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hoặc Uỷ ban Kế hoạch tỉnh phải thông báo cho chủ đầu tư biết và yêu cầu bổ sung, sửa đổi. Thời hạn xem xét việc cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư được tính từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ đã được bổ sung, sửa đổi.

Trong trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hoặc Uỷ ban kế hoạch tỉnh phải thông báo rõ lý do cho Chủ đầu tư biết.

Điều 4.

Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư (mẫu CN-UĐĐT-MO hoặc CN-UĐĐT-MR) xác nhận cơ sở sản xuất - kinh doanh hoặc người đứng tên được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định, nếu đảm bảo thực hiện đúng các điều kiện ghi trong giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.

Trường hợp dự án đầu tư có thay đổi dẫn đến thay đổi các điều kiện đã ghi trong giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hoặc Uỷ ban Kế hoạch tỉnh biết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thay đổi

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh (theo đề nghị của Uỷ ban Kế hoạch tỉnh) quyết định việc diều chỉnh loại, mức và thời hạn ưu đãi đầu tư tương ứng.

Điều 5.

Các cơ sở sản xuất - kinh doanh nói tại Điều 1 của Thông tư này, công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú lâu dài ở Việt Nam mua cổ phần hoặc góp vốn vào doanh nghiệp thành lập theo Luật công ty hoặc doanh nghiệp Nhà nước đã được phép cổ phần hoá, được miễn thuế lợi tức hoặc thuế thu nhập cá nhân, kể cả thuế thu nhập bổ sung đối với người có thu nhập cao (theo Điều 22 của Nghị định số 29/CP ngày 25 tháng 5 năm 1995) theo trình tự, thủ tục do Bộ Tài chính quy định.

Điều 6

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch tỉnh theo dõi thường xuyên và kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành các điều kiện để được hưởng ưu đãi đầu tư ở các doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh khác đã được cấp giấy chứng nhận ưu đã đầu tư.

Doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh khác đã được cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư có trách nhiệm cung cấp các thông tin, hồ sơ, giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của người kiểm tra. Người kiểm tra có quyền đến địa điểm nơi thực hiện dự án đầu tư được hưởng ưu đãi để xem xét tại chỗ.

Điều 7.

Nếu phát hiện vi phạm các điều kiện ưu đãi đầu tư, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (theo đề nghị của Uỷ ban Kế hoạch tỉnh) có quyền thu hồi giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, hoặc giảm mức ưu đãi, hoặc rút bớt thời hạn được ưu đãi, và thu hồi lại phần chênh lệch ưu đãi trước đó.

Trường hợp vi phạm là có lý do chính đáng hoặc không cố ý, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hoặc Uỷ ban Kế hoạch tỉnh thông báo cho chủ đầu tư biết về các vi phạm và yêu cầu khắc phục. Sau thời hạn 30 ngày, nếu các vi phạm không được khắc phục thì áp dụng biện pháp chế tài như quy định tại đoạn 1 trên đây.

Điều 8.

Hàng quý, Uỷ ban Kế hoạch tỉnh tập hợp tình hình và lập báo cáo về tình hình thực hiện, ưu đãi đầu tư trên phạm vi địa phương gửi lên Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước; Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện ưu đãi đầu tư trong cả nước lên Thủ tướng Chính phủ.

 

Đỗ Quốc Sam

(Đã ký)

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Đỗ Quốc Sam

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.