QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương
ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với
người nghèo và các đối tượng chính sách khác
______________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Thông tư số 11/2017/TT-BTC ngày 08/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh tỉnh Tiền Giang.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài chính; Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017. /.
QUY CHẾ
Quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua
Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác
(Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2017/QĐ - UBND ngày 20/11/2017
của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.
_________________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy chế này quy định việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện (huyện, thành phố, thị xã) ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
2. Đối tượng áp dụng:
Các cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, bao gồm:
a) Cấp tỉnh: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tiền Giang;
b) Cấp huyện: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Giao dịch NHCSXH.
Điều 2. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác
1. Nguồn vốn còn lại tại thời điểm giải thể của Quỹ giải quyết việc làm địa phương thành lập theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Nguồn vốn ngân sách địa phương trích hàng năm (bao gồm ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện) ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác do Hội đồng nhân dân tỉnh (đối với ngân sách cấp tỉnh), Hội đồng nhân dân cấp huyện (đối với ngân sách cấp huyện) quyết định.
3. Nguồn tiền lãi thu được từ cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được trích hàng năm để bổ sung vào nguồn vốn ủy thác theo quy định tại khoản 1, Điều 9 của Quy chế này.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Cơ quan ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH
1. Cấp tỉnh: Sở Tài chính ký hợp đồng ủy thác với Chi nhánh NHCSXH tỉnh (đối với nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh).
2. Cấp huyện: Phòng Tài chính - Kế hoạch ký hợp đồng ủy thác với Phòng Giao dịch NHCSXH cấp huyện (đối với nguồn vốn ngân sách cấp huyện).
Điều 4. Quy trình chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương hàng năm bố trí để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác
1. Cấp tỉnh: Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về phân bổ dự toán kinh phí ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; căn cứ vào hợp đồng ủy thác với Chi nhánh NHCSXH tỉnh, Sở Tài chính lập lệnh chi tiền và hạch toán chi ngân sách nhà nước theo mục lục ngân sách cấp phát kinh phí cho Chi nhánh NHCSXH tỉnh theo quy định hiện hành.
2. Cấp huyện: Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện và Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện về phân bổ dự toán kinh phí ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; căn cứ vào hợp đồng ủy thác với Phòng Giao dịch NHCSXH cấp huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch lập lệnh chi tiền và hạch toán chi ngân sách nhà nước theo mục lục ngân sách cấp phát kinh phí cho Phòng Giao dịch NHCSXH cấp huyện theo quy định hiện hành.
Điều 5. Đối tượng cho vay
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (sau đây viết tắt là Nghị định số 78/2002/NĐ-CP) và một số đối tượng chính sách khác tại địa phương do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.
Điều 6. Mục đích sử dụng vốn vay
Theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 78/2002/NĐ-CP.
Điều 7. Quy định về cho vay
Mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, quy trình, thủ tục cho vay, bảo đảm tiền vay cụ thể theo quy định hiện hành của NHCSXH, quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh trên cơ sở các quy định của NHCSXH phù hợp với thực tế tại địa phương.
Điều 8. Gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn
1. Về thẩm quyền gia hạn nợ do NHCSXH các cấp xem xét, quyết định theo quy định của NHCSXH trong từng thời kỳ.
2. Về thủ tục, hồ sơ đề nghị gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn, thời gian gia hạn nợ: thực hiện theo quy định của NHCSXH trong từng thời kỳ.
Điều 9. Quản lý và sử dụng tiền lãi cho vay
1. NHCSXH quản lý và hạch toán số tiền lãi thu được từ hoạt động cho vay bằng nguồn vốn ngân sách địa phương vào thu nhập của NHCSXH và quản lý, sử dụng theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên sau:
a) Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chung theo quy định tại Quyết định số 30/2015/QĐ-TTg ngày 31/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý tài chính đối với NHCSXH ban hành kèm theo Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg ngày 19/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trường hợp tại thời điểm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh thấp hơn 0,75% thì Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng tối đa bằng 0,75% tính trên số dư nợ cho vay (không bao gồm nợ quá hạn và nợ khoanh);
b) Trích phí quản lý nguồn vốn ủy thác cho Chi nhánh NHCSXH tỉnh, Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện theo dư nợ cho vay bình quân. Mức phí quản lý tối thiểu bằng mức phí quản lý Thủ tướng Chính phủ giao cho NHCSXH trong từng thời kỳ. Trường hợp lãi thu được sau khi trích quỹ dự phòng rủi ro tín dụng chung không đủ trích chi phí quản lý cho NHCSXH theo quy định, ngân sách địa phương cấp bù phần còn thiếu cho NHCSXH nơi nhận ủy thác;
c) Trích phí chi cho công tác chỉ đạo, quản lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát, khen thưởng của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp, các sở, ngành, đơn vị liên quan đến hoạt động cho vay bằng nguồn vốn NHCSXH nhận ủy thác từ ngân sách địa phương. Mức trích 15% số tiền lãi thu được.
Hàng năm, căn cứ vào số tiền lãi thu được và công tác chỉ đạo, quản lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát, khen thưởng của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp, các sở, ngành, đơn vị liên quan đến hoạt động cho vay bằng nguồn vốn NHCSXH nhận ủy thác từ ngân sách địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định tỷ lệ trích cho các đơn vị có liên quan;
d) Phần còn lại (nếu có) được bổ sung vào nguồn vốn cho vay.
2. Nội dung và mức chi cho công tác chỉ đạo, quản lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát, khen thưởng quy định tại khoản 1, Điều này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập và một số nội dung, mức chi đặc thù phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Điều 10. Xử lý nợ bị rủi ro
1. Đối với các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan: Đối tượng được xem xét xử lý rủi ro, nguyên nhân khách quan làm thiệt hại trực tiếp đến vốn và tài sản của khách hàng, biện pháp xử lý, hồ sơ pháp lý để xem xét xử lý nợ bị rủi ro được áp dụng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH.
2. Thẩm quyền xem xét xử lý nợ bị rủi ro do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định (đối với nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh), do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định (đối với nguồn vốn ngân sách cấp huyện).
3. Nguồn vốn để xử lý nợ bị rủi ro được lấy từ Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng đã được NHCSXH trích lập đối với cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác từ nguồn ngân sách địa phương.
4. Trường hợp quỹ dự phòng rủi ro tín dụng không đủ bù đắp, tùy theo tình hình thực tế khoản vay bị rủi ro thuộc nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan Tài chính cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì, phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, NHCSXH cấp tỉnh, huyện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, cấp huyện bổ sung ngân sách địa phương để xử lý, hoặc giảm trực tiếp vào nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương chuyển qua NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện.
5. Trường hợp Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng sau khi được sử dụng để xử lý xóa nợ bị rủi ro lớn hơn số dư Quỹ dự phòng rủi ro tối đa, được bổ sung vào nguồn vốn ủy thác để cho vay theo quy định.
Điều 11. Chế độ báo cáo
1. Đối với nguồn vốn do ngân sách cấp tỉnh ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH tỉnh: Định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất, Chi nhánh NHCSXH tỉnh báo cáo tổng nguồn vốn, kết quả cho vay từ nguồn vốn ủy thác gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính.
2. Đối với nguồn vốn do ngân sách cấp huyện ủy thác qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện. Định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất, Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện báo cáo tổng nguồn vốn, kết quả cho vay từ nguồn vốn ủy thác gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch.
Điều 12. Hạch toán, theo dõi cho vay, chế độ báo cáo quyết toán
Việc ghi chép, hạch toán kế toán đối với nguồn vốn ủy thác và dư nợ cho vay được theo dõi, hạch toán vào tài khoản kế toán riêng theo các văn bản hướng dẫn của Tổng Giám đốc NHCSXH.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương
1. Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Bố trí nguồn vốn từ ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện ủy thác cho NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn và cấp phát kinh phí theo quy định;
b) Thẩm định chi phí quản lý cho NHCSXH theo quy định tại khoản 1, Điều 9 của Quy chế này và kinh phí xử lý dự phòng rủi ro tín dụng không đủ bù đắp theo quy định tại khoản 4, Điều 10 của Quy chế này trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định (đối với nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh), trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định (đối với nguồn vốn ngân sách cấp huyện);
c) Thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xử lý nợ bị rủi ro đối với những trường hợp bị rủi ro theo quy định tại khoản 2, Điều 10 của Quy chế này trên cơ sở đề nghị của NHCSXH;
d) Kiểm tra việc phân phối, sử dụng lãi cho vay thu được theo Điều 9 của Quy chế này;
đ) Sở Tài chính tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy chế này khi không còn phù hợp.
2. Chi nhánh NHCSXH tỉnh và Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện:
a) Tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện ủy thác qua NHCSXH theo đúng quy định của pháp luật và các quy định tại Quy chế này;
b) Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra vốn vay, xử lý nợ theo quy định;
c) Lập hồ sơ xử lý nợ bị rủi ro trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Uỷ ban nhân dân cấp huyện:
a) Cân đối, bố trí kinh phí ủy thác qua Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
b) Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện theo Quy chế này./.