Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH TIỀN GIANG
V/v ban hành quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 21/6/1994.

- Căn cứ pháp lệnh “Bảo vệ sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh” ngày 31/4/1984 của Hội đồng Nhà nước (nay là Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

- Căn cứ Nghị định 288/HĐBT ngày 31/12/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ).

- Căn cứ Chỉ thị 60/CT-Bộ Văn hóa Thông tin ngày 6/5/1999 của Bộ Văn hóa Thông tin.

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở văn hóa – Thông tin Tiền Giang tại tờ trình số 271/VHTT ngày 9/9/1999.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2: Giao trách nhiệm cho Sở Văn hóa – Thông tin phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các cấp hướng dẫn thực hiện nội dung quyết định.

Điều 3: Các Ông Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa thông tin, Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TG

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

 

Châu Thế Bình

QUI ĐỊNH

V/v Phân cấp quản lý di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

(Ban hành kèm theo Quyết Định số 25/1999/QĐUB ngày 13 tháng 10 năm 1999 của UBND tỉnh Tiền Giang)

________________________

Để cụ thể hóa về quyền hạn trách nhiệm và phạm vi quản lý các di tích lịch sử văn hóa trong tỉnh giữa ngành tỉnh với Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ sở, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành một số quy định cụ thể về phân cấp quản lý di tích lịch sử văn hóa trong tỉnh Tiền Giang như sau:

I. QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Di tích lịch sử văn hóa là những đồ vật, tài liệu, tác phẩm, công trình xây dựng kiến trúc cổ; địa danh, địa điểm, sự kiện; các tượng dài, bia chiến tích, đài hoặc bia lưu niệm... có giá trị về lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng, khoa học và văn hóa nghệ thuật đã phản ánh quá trình hình thành, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và quá trình đấu tranh bảo vệ đất nước và quê hương Tiền Giang.

Danh lam thắng cảnh là những khu vực thiên nhiên có cảnh đẹp hoặc có công trình xây dựng, kiến trúc đẹp nổi tiếng.

Điều 2. Các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc ta. Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và mọi công dân phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ.

- Các công viên văn hóa khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của qui định này.

Điều 3. Các di tích lịch sử văn hóa ở Tiền Giang được chia ra làm 3 dạng sau đây:

a) Di tích Quốc gia: là những di tích có ý nghĩa về lịch sử văn hóa trong cả nước hoặc có tiếng vang quốc tế đã được Bộ Văn hóa thông tin quyết định công nhận là di tích cấp Quốc gia.

b) Di tích cấp tỉnh: là những di tích có thể được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích quốc gia nhưng hiện tại chưa đủ điều kiện và những di tích có ý nghĩa lịch sử văn hóa trong tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bảo vệ.

c) Di tích cấp huyện: là những di tích có ý nghĩa lịch sử văn hóa nhưng phạm vi ảnh hưởng ít hơn so với 2 dạng di tích nêu trên. Do đó, cần lưu giữ để góp phần vào việc giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa và đã được Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị quyết định bảo vệ.

Điều 4. Các di tích lịch sử văn hóa trong tỉnh, bất cứ thuộc cấp nào và quyền sở hữu của tập thể hay cá nhân đều được Nhà nước thống nhất quản lý. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm chiếm, làm hủy hoại di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân lợi dụng các lễ hội, di tích lịch sử hành nghề mê tín dị đoan.

II. QUI ĐỊNH CỤ THỂ:

Điều 5. Quản lý, sử dụng đối với các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia:

a) Sở văn hóa-Thông tin Tiền Giang chịu trách nhiệm: lập qui hoạch, kế hoạch và làm chủ đầu tư xây dựng cơ bản; lập các đề án trùng tu tôn tạo, bảo quản và các kỹ thuật tu bổ di tích.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo phòng Văn hóa thông tin và Ủy ban nhân dân cơ sở nơi có di tích quốc gia chịu trách nhiệm: Bảo vệ an toàn về an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh, lập Ban quản lý hoặc Ban tế tự, kiểm tra hướng dẫn việc thu chi tài chính và kết hợp sử dụng ngân sách địa phương để sửa chữa nhỏ và tổ chức hoặc quản lý các lễ hội đối với mỗi di tích quốc gia nằm trên địa bàn.

c) Sở Văn hóa-Thông tin Tiền Giang chịu trách nhiệm toàn bộ về xây dựng cơ bản, trùng tu tôn tạo và tổ chức lễ hội đối với 2 di tích: Ấp Bắc và Rạch Gầm-Xoài Mút.

Điều 6. Quản lý, sử dụng đối với các di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh:

a) Ủy ban nhân dân huyện (thành, thị) chịu trách nhiệm: xây dựng qui hoạch, kế hoạch, kinh phí và chủ đầu tư xây dựng cơ bản, trùng tu tôn tạo di tích theo thiết kế được duyệt; Bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh, quản lý thu chi, cử người trông coi và tổ chức hoặc quản lý lễ hội đối với mỗi di tích cấp tỉnh nằm trên địa bàn.

b) Sở Văn hóa-Thông tin chịu trách nhiệm: hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ trùng tu, tôn tạo di tích cho Ủy ban nhân dân huyên; tham gia xét duyệt đề án, thiết kế, kỹ thuật trùng tu tôn tạo các di tích do cấp huyện quản lý hoặc làm chủ đầu tư; Chọn lập hồ sơ di tích cấp tỉnh đề nghị Bộ văn hóa-thông tin xem xét công nhận là di tích quốc gia; hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện lập hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh.

Điều 7. Quản lý, sử dụng đối với các di tích lịch sử-văn hóa cấp huyện:

- Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định bảo vệ di tích theo đề nghị của Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn) và Phòng Văn hóa-Thông tin huyện.

- Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ, như: Bảo vệ, trùng tu sửa chữa, thu chi kinh phí và tổ chức hoặc quản lý lễ hội đối với mỗi di tích cấp huyện nằm trên địa bàn.

Điều 8. Nguồn kinh phí xây dựng cơ bản, trùng tu tôn tạo di tích được phân cấp:

a) Di tích quốc gia: nguồn kinh phí Trung ương, tỉnh, huyện và nhân dân.

b) Di tích cấp tỉnh: nguồn kinh phí cấp tỉnh, cấp huyện và nhân dân.

c) Di tích cấp huyện: nguồn kinh phí cấp huyện, cấp xã và nhân dân.

d) Mỗi loại di tích đều được huy động kinh phí từ nguồn đóng góp của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân, nhưng phải đúng pháp luật, sử dụng đúng mục đích, và công khai tài chính cho đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân tài trợ kinh phí.

Điều 9. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:

1. Đăng ký các di tích mới phát hiện của địa phương cho Ban quản lý di tích tỉnh hoặc Phòng Văn hóa thông tin và quản lý bảo vệ tốt các nhà bia liệt sĩ.

2. Kết hợp Phòng văn hóa-thông tin tiến hành công tác gìn giữ an ninh trật tự và bảo quản, cảnh quan chung. Thường xuyên kết hợp, nhắc nhở Ban bảo vệ di tích hoặc Ban phụng tự làm thông thoáng sạch đẹp tất cả các di tích nằm trên địa phương mình trong các ngày lễ lớn của đất nước.

3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải kết hợp tiến hành cùng ngành Địa chính, qui hoạch xác định đất, ranh giới của tất cả các di tích trong phạm vi địa phương mình.

Điều 10. Các cơ quan chức năng hoặc cá nhân muốn thăm dò khai quật khảo cổ trên (địa phận) tỉnh Tiền Giang phải có giấy phép của Bộ văn hóa-Thông tin cấp và hội đủ các điều kiện theo qui định của pháp luật.

Điều 11. Mọi tổ chức, cá nhân khi phát hiện di tích (cổ vật) phải báo ngay cho chính quyền hoặc cơ quan văn hóa gần nhất trong vòng 24 tiếng đồng hồ để kịp thời xử lý

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Điều 12. Tổ chức, cá nhân có công nghiên cứu, sưu tầm, phát hiện gìn giữ, bảo quản tốt di tích lịch sử văn hóa-danh lam thắng cảnh được xem xét khen thưởng. Tổ chức, cá nhân nào xâm phạm làm hủy hoại di tích hoặc danh lam thắng cảnh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chánh, bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

Điều 13. Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin, các sở ban ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành, thị chịu trách nhiệm triển khai thực hiện qui định này./.