• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/03/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 15/03/2015
CHÍNH PHỦ
Số: 12/2003/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tiền Giang, ngày 12 tháng 2 năm 2003

 

 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

Về sinh con theo phương pháp khoa học

____________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989;

Căn cứ Điều 63 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế.

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định việc thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm; quy định việc cho tinh trùng, nhận tinh trùng; cho noãn, nhận noãn; cho phôi, nhận phôi; cơ sở lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi và xác định cha, mẹ cho trẻ sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Điều 2. Nghị định này áp dụng đối với các cặp vợ chồng vô sinh, phụ nữ sống độc thân muốn sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; người cho tinh trùng, người nhận tinh trùng, người gửi tinh trùng; người cho noãn, người nhận noãn; người cho phôi, người nhận phôi; cơ sở lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi; các cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để sinh con (sau đây gọi là cơ sở y tế).

Điều 3. Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sinh con theo phương pháp khoa học là việc sinh con được thực hiện bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm.

2. Thụ tinh nhân tạo là thủ thuật bơm tinh trùng của chồng hoặc của người cho tinh trùng vào tử cung của người phụ nữ có nhu cầu sinh con để tạo phôi.

3. Thụ tinh trong ống nghiệm là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi.

4. Cặp vợ chồng vô sinh là cặp vợ chồng sống gần nhau liên tục, không áp dụng biện pháp tránh thai nào mà không có thai sau 01 năm.

5. Noãn là tế bào trứng.

6. Phôi là sản phẩm của quá trình kết hợp giữa noãn và tinh trùng.

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản:

1. Các cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ sống độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

2. Việc thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải theo đúng quy trình kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành.

3. Việc thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; cho noãn, nhận noãn; cho tinh trùng, nhận tinh trùng; cho phôi, nhận phôi phải được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện.

4. Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc bí mật.

Điều 5.

1. Người nước ngoài được áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nếu được cơ sở y tế Việt Nam khám và xác định vô sinh, xác định tinh trùng của người chồng, noãn của người vợ bảo đảm chất lượng để thụ thai.

2. Không thực hiện việc cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi đối với người nước ngoài.

Điều 6. Nghiêm cấm các hành vi sau:

1. Mang thai hộ.

2. Sinh sản vô tính.

Chương 2:

QUY ĐỊNH VỀ CHO VÀ NHẬN TINH TRÙNG, CHO VÀ NHẬN NOÃN, CHO VÀ NHẬN PHÔI

Điều 7. Người cho tinh trùng, cho noãn phải bảo đảm các điều kiện sau:

1. Tuổi:

a) Từ đủ 20 tuổi đến 55 tuổi đối với người cho tinh trùng.

b) Từ đủ 18 tuổi đến 35 tuổi đối với người cho noãn.

2. Có đủ sức khỏe, không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS, bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm hay các bệnh di truyền khác.

3. Tự nguyện cho.

4. Không tìm hiểu về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người nhận.

Điều 8. Người nhận tinh trùng, người nhận noãn, người nhận phôi phải bảo đảm các điều kiện sau:

1. Từ đủ 20 tuổi đến 45 tuổi.

2. Có đủ sức khỏe để thụ thai, mang thai và sinh đẻ, không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS, bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm hay các bệnh di truyền khác.

3. Không tìm hiểu về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho.

Điều 9.

1. Tinh trùng của người cho chỉ được sử dụng cho một người. Người nhận tinh trùng phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người chồng, phụ nữ sống độc thân có nhu cầu sinh con đã được cơ sở y tế xác định có noãn bảo đảm chất lượng để thụ thai.

2. Noãn của người cho chỉ được sử dụng cho một người. Người nhận noãn phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người vợ có nhu cầu sinh con nhưng không có noãn hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai.

3. Phôi của người cho có thể được sử dụng cho một người. Người nhận phôi phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do cả người vợ và người chồng.

Điều 10. Cán bộ y tế có trách nhiệm:

1. Xem xét trạng thái tâm lý của người cho và người nhận tinh trùng, noãn.

2. Tư vấn đầy đủ các rủi ro có thể xẩy ra trong quá trình lấy tinh trùng, noãn.

3. Kiểm tra sức khỏe và làm đầy đủ các xét nghiệm đối với người cho và người nhận tinh trùng, người cho noãn và người nhận noãn, người nhận phôi.

4. Ghi nhận đầy đủ các thông số về chất lượng tinh trùng, chất lượng noãn của người cho.

5. Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.

6. Giữ bí mật các thông tin về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho, người nhận tinh trùng, phôi.

Điều 11.

1. Các cặp vợ chồng sau khi có con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, nếu không có nhu cầu sử dụng số phôi còn dư thì có thể tặng lại cho cơ sở y tế nơi lưu giữ số phôi đó với sự đồng ý của cả hai vợ, chồng thông qua hợp đồng tặng, cho.

2. Cơ sở y tế chỉ được phép sử dụng phôi để thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Hội đồng chuyên môn về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của cơ sở y tế có trách nhiệm tư vấn cho Giám đốc cơ sở y tế trong việc cho phép sử dụng phôi theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Chương 3:

KỸ THUẬT HỖ TRỢ SINH SẢN

Điều 12.

1. Chỉ các cơ sở y tế được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công nhận đủ điều kiện mới được thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm.

2. Bộ Y tế quy định cụ thể về quy trình kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm; điều kiện đối với cơ sở y tế được thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Điều 13.

1. Bộ Y tế thẩm định và công nhận cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

2. Bộ Y tế thẩm định và công nhận cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế hoặc trực thuộc các bộ, ngành khác đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo.

3. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm định với sự tham gia của Bệnh viện phụ sản khu vực hoặc trung ương và công nhận cơ sở y tế thuộc quyền quản lý của địa phương đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo.

Điều 14.

1. Hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản gửi về các cơ sở y tế được công nhận thực hiện các kỹ thuật này, gồm:

a) Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

b) Hồ sơ khám xác định vô sinh của cặp vợ, chồng đứng tên trong đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

2. Khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở y tế phải tổ chức hội chẩn, thông qua Hội đồng chuyên môn của cơ sở y tế, trình Giám đốc cơ sở y tế hoặc người được Giám đốc ủy quyền phê duyệt việc chỉ định áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Trong trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì cơ sở y tế phải trả lời đương sự bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do không thực hiện được.

Điều 15.

1. Kinh phí để thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo sự thỏa thuận giữa cặp vợ chồng vô sinh với cơ sở y tế trên nguyên tắc bảo đảm đủ chi phí cho việc thực hiện các kỹ thuật trên theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

2. Trường hợp người thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đặc biệt khó khăn, cán bộ y tế có thể đề nghị Giám đốc cơ sở y tế thông qua Hội đồng chuyên môn về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản xem xét việc miễn, giảm kinh phí thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

3. Việc miễn, giảm kinh phí thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được trích từ tiền thu một phần viện phí và từ các nguồn tài trợ nhân đạo khác (nếu có).

Điều 16.

1. Hội đồng chuyên môn về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được thành lập ở Bộ Y tế và cơ sở y tế được phép thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

2. Hội đồng chuyên môn về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản Bộ Y tế có chức năng tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Y tế về các vấn đề chuyên môn kỹ thuật, về đạo đức y sinh học và các vấn đề khác có liên quan đến kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong phạm vi cả nước.

3. Hội đồng chuyên môn về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của cơ sở y tế có chức năng tư vấn cho Giám đốc cơ sở y tế về các vấn đề chuyên môn kỹ thuật, về đạo đức y sinh học, về việc miễn, giảm kinh phí và các vấn đề khác liên quan đến kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong phạm vi cơ sở y tế đó.

4. Bộ Y tế quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng chuyên môn về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Chương 4:

CƠ SỞ LƯU GIỮ TINH TRÙNG, LƯU GIỮ PHÔI

Điều 17.

1. Cơ sở lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi được tổ chức trong các cơ sở y tế để lưu giữ, bảo quản tinh trùng, phôi phục vụ cho việc thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

2. Tinh trùng, phôi được lưu giữ trong quá trình cặp vợ chồng vô sinh thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

3. Sau khi thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thành công, nếu người gửi tinh trùng, gửi phôi không còn nhu cầu sử dụng tinh trùng, phôi và cho cơ sở y tế thì cơ sở y tế được quyền sử dụng tinh trùng, phôi đó để thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho người khác. Hội đồng chuyên môn về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của cơ sở y tế có trách nhiệm tư vấn cho Giám đốc cơ sở y tế trong việc sử dụng phôi của người cho theo quy định tại Điều 8, và khoản 3 Điều 9 của Nghị định này.

Điều 18.

1. Việc gửi tinh trùng được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Người chồng trong những cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh.

b) Người có nguyện vọng muốn lưu giữ cá nhân.

2. Người gửi tinh trùng phải trả chi phí lưu giữ, bảo quản theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người gửi tinh trùng bị chết, cơ sở lưu giữ tinh trùng phải hủy số tinh trùng của người đó.

3. Người gửi tinh trùng, gửi phôi nếu sau đó muốn cho tinh trùng thì cơ sở lưu giữ phải sử dụng biện pháp mã hóa các thông tin về người cho.

Điều 19. Cơ sở lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi phải đạt các điều kiện theo quy định của Bộ Y tế.

Chương 5:

XÁC ĐỊNH CHA, MẸ CHO CON SINH RA BẰNG KỸ THUẬT HỖ TRỢ SINH SẢN

Điều 20.

1. Trẻ ra đời do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân.

2. Những người theo quy định tại khoản 1 Điều này được xác định là cha, mẹ đối với trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Điều 21. Con được sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không được quyền yêu cầu quyền thừa kế, quyền được nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi.

Chương 6:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 22. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Người nào vi phạm các quy định của Nghị định này, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

Điều 25. Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 26. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.