• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/01/2014
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 184/2013/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tiền Giang, ngày 4 tháng 12 năm 2013

THÔNG TƯ

Hướng dẫn tiêu chuẩn và điều kiện của Phần mềm Quản lý tài sản

 cố định áp dụng trong khu vực hành chính sự nghiệp

_________________

 

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý công sản;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn và điều kiện của Phần mềm Quản lý tài sản cố định áp dụng trong khu vực hành chính sự nghiệp.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn tiêu chuẩn và điều kiện của Phần mềm Quản lý tài sản cố định áp dụng trong khu vực hành chính sự nghiệp (sau đây gọi tắt là Phần mềm Quản lý tài sản cố định).

2. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị) khi xây dựng, mua sắm Phần mềm Quản lý tài sản cố định.

3. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là tổ chức) khi sử dụng nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp hoặc hỗ trợ để xây dựng, mua sắm phần mềm Quản lý tài sản cố định phải thực hiện theo các quy định tại Thông tư này.

Điều 2. Xây dựng, mua sắm Phần mềm Quản lý tài sản cố định

Việc quyết định xây dựng hoặc mua sắm Phần mềm Quản lý tài sản cố định và thủ tục lựa chọn đơn vị cung cấp Phần mềm Quản lý tài sản cố định thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu ngày 29/11/2005, Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006, Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng, Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Điều 3. Tiêu chuẩn của Phần mềm Quản lý tài sản cố định

1. Phần mềm Quản lý tài sản cố định phải hỗ trợ cho người sử dụng tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Khi sử dụng Phần mềm Quản lý tài sản cố định không được làm thay đổi nghiệp vụ quản lý tài sản được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Tài liệu, báo cáo về tài sản nhà nước được in ra từ Phần mềm Quản lý tài sản cố định phải tuân thủ mẫu biểu và nội dung theo quy định của pháp luật, đảm bảo sự thống nhất giữa số liệu tài sản nhà nước lưu giữ trên máy và số liệu tài sản nhà nước trên Sổ tài sản, đảm bảo cập nhật kịp thời các biến động của tài sản nhà nước với tình hình sử dụng thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2. Phần mềm Quản lý tài sản cố định phù hợp với chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành và có khả năng tích hợp được với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước theo các nội dung sau:

a) Danh mục tài sản cố định trong Phần mềm Quản lý tài sản cố định phải bao gồm các loại tài sản: Đất; nhà; xe ô tô; tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản; vật kiến trúc; phương tiện vận tải, truyền dẫn; máy móc, thiết bị; thiết bị, dụng cụ quản lý; cây lâu năm, súc vật làm việc và cho sản phẩm; tài sản đặc biệt; tài sản cố định hữu hình khác; tài sản cố định vô hình khác (giá trị bằng phát minh sáng chế, giá trị bản quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, giá trị phần mềm máy tính).

Tiêu chuẩn nhận biết tài sản cố định, tỷ lệ hao mòn tài sản cố định, nguyên giá, giá trị còn lại, lý do tăng, giảm tài sản cố định, các chỉ tiêu theo dõi phải phù hợp với quy định tại Quyết định số 32/2008/QĐ-BTC ngày 29/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ Quản lý, tính hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan nhà nước, đơn vị nghiệp và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước hoặc văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

b) Phần mềm Quản lý tài sản cố định có khả năng trao đổi được thông tin về tài sản nhà nước với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước. Cấu trúc Cơ sở dữ liệu, chuẩn về lưu trữ dữ liệu, trao đổi thông tin, chỉ tiêu cần tích hợp, mã đăng ký tài sản chung để áp dụng và các tiêu chuẩn khác để các Phần mềm Quản lý tài sản cố định có thể tích hợp được dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước theo hướng dẫn tại Phụ lục đính kèm Thông tư này hoặc thông báo của Bộ Tài chính khi có sự điều chỉnh.

c) Phần mềm Quản lý tài sản cố định có khả năng tự động tính hao mòn và khấu hao tài sản cố định trong trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật.

d) Phần mềm Quản lý tài sản cố định có khả năng tổng hợp được toàn bộ dữ liệu về tài sản của tất cả các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Các báo cáo đầu ra của Phần mềm phải phù hợp với các quy định hiện hành (Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính quy định thực hiện một số nội dung của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước; Thông tư số 09/2012/TT-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 245/2009/TT-BTC; Thông tư số 89/2010/TT-BTC ngày 16/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn mẫu biểu thực hiện công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và báo cáo số liệu tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và Báo cáo theo chế độ kế toán hiện hành quy định tại Thông tư số 185/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có)).

e) Phần mềm Quản lý tài sản cố định phải đảm bảo thống nhất dữ liệu giữa các cấp trong đơn vị. Đối với đơn vị có các đơn vị cấp dưới trực thuộc có thể xem và in báo cáo tổng hợp về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của đơn vị cấp dưới.

3. Phần mềm Quản lý tài sản cố định có khả năng nâng cấp, sửa đổi, bổ sung phù hợp với những thay đổi của chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước mà không ảnh hưởng đến dữ liệu đã có.

4. Phần mềm Quản lý tài sản cố định tự động xử lý và đảm bảo sự chính xác về số liệu tài sản nhà nước:

a) Tự động xử lý, lưu giữ số liệu trên nguyên tắc tuân thủ các quy trình quản lý tài sản nhà nước cũng như phương pháp tính toán các chỉ tiêu trên báo cáo theo quy định hiện hành;

b) Đảm bảo sự phù hợp, không trùng lắp giữa các số liệu tài sản nhà nước;

c) Có khả năng tự động dự báo, phát hiện và ngăn chặn các sai sót khi nhập dữ liệu và quá trình xử lý thông tin tài sản.

5. Phần mềm Quản lý tài sản cố định phải đảm bảo tính bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu theo quy định sau:

a) Có khả năng phân quyền đến từng người sử dụng theo chức năng gồm: Quản trị Cơ sở dữ liệu, Nhập dữ liệu và Khai thác dữ liệu. Mỗi vị trí được phân công có nhiệm vụ và quyền hạn được phân định rõ ràng, đảm bảo người không có trách nhiệm không thể truy cập vào công việc của người khác trong Phần mềm của đơn vị nếu không được người có trách nhiệm đồng ý;

b) Có khả năng tổ chức theo dõi được người dùng theo các tiêu thức như: thời gian truy cập thông tin tài sản vào hệ thống, các thao tác của người truy cập vào hệ thống, các đối tượng bị tác động của thao tác đó;

c) Có khả năng lưu lại các dấu vết trên Sổ tài sản về việc chỉnh sửa các số liệu tài sản đã được truy cập chính thức vào hệ thống phù hợp với từng phương pháp sửa chữa theo quy định, đảm bảo chỉ có người có trách nhiệm mới được quyền chỉnh sửa sai sót đối với các nghiệp vụ đã được truy cập chính thức vào hệ thống;

d) Có khả năng phục hồi được các dữ liệu, thông tin tài sản trong các trường hợp phát sinh sự cố kỹ thuật trong quá trình sử dụng.

Điều 4. Điều kiện của Phần mềm Quản lý tài sản cố định

1. Phần mềm Quản lý tài sản cố định trước khi đưa vào sử dụng phải được đặt tên, thuyết minh rõ xuất xứ, tính năng kỹ thuật, mức độ đạt các tiêu chuẩn hướng dẫn tại Thông tư này và các quy định hiện hành trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

2. Phần mềm Quản lý tài sản cố định khi đưa vào sử dụng phải có tài liệu hướng dẫn cụ thể kèm theo để giúp người sử dụng vận hành an toàn, có khả năng xử lý các sự cố.

3. Phần mềm Quản lý tài sản cố định phải được hỗ trợ từ đơn vị cung cấp thông qua các hình thức đơn giản, thuận tiện để đảm bảo trong quá trình triển khai, thực hiện được thông suốt.

4. Phần mềm Quản lý tài sản cố định phải phù hợp với các quy định có liên quan của tiêu chuẩn kỹ thuật về kết nối hệ thống, tích hợp dữ liệu, đặc tả dữ liệu và truy xuất thông tin theo quy định tại Thông tư số 01/2011/TT-BTTTT ngày 04/01/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Công bố Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; Thông tư số 24/2011/TT-BTTTT ngày 20/9/2011 của Bộ Thông tin và Truyền Thông quy định về việc tạo lập, sử dụng và lưu trữ dữ liệu đặc tả trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước hoặc các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

5. Phần mềm Quản lý tài sản cố định khi đưa vào sử dụng phải đảm bảo tính hợp pháp.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2014.

2. Đối với các Phần mềm quản lý tài sản cố định đang được sử dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện tại Thông tư này, trong thời hạn một năm, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải được nâng cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Hữu Chí

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.