• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/08/2015
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 26/2015/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tiền Giang, ngày 22 tháng 6 năm 2015

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý hoạt động của cảng cạn ban hành kèm theo

Quyết định số 47/2014/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính ph

_________________________

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 47/2014/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý hoạt động của cảng cạn;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý hoạt động của cảng cạn ban hành kèm theo Quyết định số 47/2014/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý hoạt động của cảng cạn ban hành kèm theo Quyết định số 47/2014/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Quy chế quản lý hoạt động của cảng cạn), bao gồm công tác quản lý đầu tư, xây dựng, công bố và khai thác cảng cạn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý đầu tư, xây dựng, công bố và khai thác cảng cạn.

Điều 3. Trách nhiệm quản lý nhà nước về cảng cạn của các cơ quan quản lý trực thuộc Bộ Giao thông vận tải

1. Cục Hàng hải Việt Nam là đầu mối tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cảng cạn theo Quy chế quản lý hoạt động của cảng cạn và quy định của Thông tư này.

2. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về cảng cạn theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Chương II

QUẢN LÝ ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG, KHAI THÁC CẢNG CẠN

Mục 1

QUẢN LÝ ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG CẢNG CẠN

Điều 4. Trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch cảng cạn

1. Việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch cảng cạn thực hiện theo Quy chế quản lý hoạt động của cảng cạn, quy định tại Thông tư này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

2. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

a) Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn hoặc kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt;

b) Thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch chi tiết phát triển cảng cạn theo quy định;

c) Tổ chức công bố công khai và hướng dẫn, kiểm tra thực hiện quy hoạch phát triển cảng cạn đã được phê duyệt.

3. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam

a) Lập, trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt;

b) Lập quy hoạch chi tiết phát triển cảng cạn và kiến nghị điều chỉnh quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt theo quy định;

c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cảng cạn tại địa phương theo đề nghị của chủ đầu tư phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển cảng cạn đã phê duyệt;

d) Tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải trong việc tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, đầu tư, xây dựng cảng cạn phù hợp với quy hoạch đã phê duyệt;

đ) Quý I hàng năm, tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thực hiện quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng và khai thác cảng cạn.

Điều 5. Thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch phát triển cảng cạn

Nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đề cương, nhiệm vụ quy hoạch và lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển cảng cạn, điều chỉnh quy hoạch thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu.

Điều 6. Nội dung quy hoạch phát triển cảng cạn

1. Nội dung chủ yếu của quy hoạch tổng thể phát triển cảng cạn

a) Dự báo nhu cầu: vận tải hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu, quá cảnh; định hướng phát triển khoa học, công nghệ; xu hướng phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam và khu vực tác động tới phát triển cảng cạn trong kỳ quy hoạch;

b) Quy hoạch định hướng phát triển cảng cạn trên phạm vi toàn quốc;

c) Danh mục dự án, công trình cảng cạn ưu tiên đầu tư xây dựng;

d) Sơ bộ kinh phí đầu tư phát triển cảng cạn;

đ) Các cơ chế chính sách phát triển cảng cạn.

2. Nội dung chủ yếu của quy hoạch chi tiết phát triển cảng cạn quy định tại khoản 3 Điều 12 của Quy chế quản lý hoạt động của cảng cạn.

3. Nội dung chủ yếu của quy hoạch chi tiết xây dựng cảng cạn

a) Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, thực trạng xây dựng, khả năng sử dụng quỹ đất xây dựng bao gồm cả quỹ đất dự kiến phát triển cảng cạn;

b) Xác định tính chất, chức năng và các chỉ tiêu chủ yếu về sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, nội dung xây dựng mới và cải tạo (nếu có);

c) Quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất; xác định các chỉ tiêu về diện tích, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao công trình;

d) Quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật cảng cạn: xác định mạng lưới đường giao thông, mặt cắt; vị trí, quy mô các công trình ngầm; xác định nhu cầu và nguồn cấp nước; vị trí, quy mô các công trình nhà máy nước, trạm bơm nước; bể chứa nước, mạng lưới đường ống cấp nước và các thông số kỹ thuật chi tiết; xác định nhu cầu sử dụng và nguồn cung cấp điện năng; vị trí, quy mô các trạm điện phân phối, mạng lưới đường dây trung thế, hạ thế và chiếu sáng cảng cạn; xác định vị trí đầu nối với hệ thống cung cấp điện hiện hữu trong khu vực; xác định mạng lưới thoát nước; vị trí, quy mô các công trình xử lý nước bẩn, chất thải của cảng cạn;

đ) Dự kiến những hạng mục ưu tiên phát triển và nguồn lực thực hiện.

Điều 7. Thủ tục đầu tư xây dựng cảng cạn

1. Chủ đầu tư gửi Bộ Giao thông vận tải 01 bộ hồ sơ đề nghị đầu tư xây dựng cảng cạn theo quy định của khoản 1 Điều 15 Quy chế quản lý hoạt động của cảng cạn, trong đó đơn đề nghị chấp thuận đầu tư xây dựng cảng cạn theo Mẫu số 1 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Giao thông vận tải phải có văn bản hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

2. Trong thời hạn một (01) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Giao thông vận tải có văn bản lấy ý kiến các Cục và Tổng cục trực thuộc Bộ Giao thông vận tải có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đầu tư xây dựng cảng cạn và các cơ quan liên quan khác đối với hồ sơ đề nghị đầu tư xây dựng cảng cạn.

3. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 2 Điều này phải có văn bản tham gia ý kiến đối với hồ sơ đầu tư xây dựng cảng cạn của chủ đầu tư gửi Bộ Giao thông vận tải.

4. Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Giao thông vận tải có văn bản chấp thuận đầu tư xây dựng cảng cạn theo Mẫu số 2 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mục 2

THỦ TỤC CÔNG BỐ MỞ, ĐÓNG CẢNG CẠN VÀ QUẢN LÝ KHAI THÁC CẢNG CẠN

Điều 8. Thủ tục công bố mở cảng cạn

1. Chủ đầu tư gửi Bộ Giao thông vận tải một (01) bộ hồ sơ đề nghị công bố mở cảng cạn theo quy định tại khoản 1 Điều 18 của Quy chế quản lý hoạt động của cảng cạn, trong đó đơn đề nghị công bố mở cảng cạn theo Mẫu số 3 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Giao thông vận tải phải có văn bản hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

2. Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Giao thông vận tải có văn bản lấy ý kiến của các Cục và Tổng cục trực thuộc Bộ Giao thông vận tải có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đầu tư xây dựng cảng cạn và các cơ quan liên quan khác đối với hồ sơ đề nghị công bố mở cảng cạn.

3. Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 2 Điều này có văn bản tham gia ý kiến đối với hồ sơ đề nghị công bố mở cảng cạn của chủ đầu tư gửi Bộ Giao thông vận tải.

4. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố mở cảng cạn theo Mẫu số 4 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 9. Công bố mở cảng cạn đối với địa điểm đang thực hiện hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu

1. Chủ đầu tư địa điểm đang thực hiện hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu nộp hồ sơ đề nghị công bố mở cảng cạn theo quy định tại khoản 1 Điều 8 của Thông tư này.

2. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có địa điểm thông quan và các cơ quan liên quan khác tổ chức kiểm tra, đánh giá các điều kiện cụ thể để công bố mở cảng cạn của địa điểm thông quan.

3. Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, đánh giá, Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố mở cảng cạn theo Mẫu số 4 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 10. Thủ tục công bố đóng cảng cạn do không đủ điều kiện hoạt động hoặc theo đề nghị của chủ đầu tư

1. Tổ chức, cá nhân đề nghị gửi Bộ Giao thông vận tải một (01) văn bản đề nghị công bố đóng cảng cạn theo Mẫu số 5 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trong thời hạn một (01) ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Giao thông vận tải có văn bản lấy ý kiến của các cơ quan liên quan.

3. Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 2 Điều này có văn bản tham gia ý kiến đối với hồ sơ đề nghị công bố đóng cảng cạn gửi Bộ Giao thông vận tải.

4. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Giao thông vận tải quyết định công bố đóng cảng cạn theo Mẫu số 6 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này, trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 11. Quản lý khai thác cảng cạn

1. Việc quản lý đầu tư, xây dựng, khai thác cảng cạn phải tuân theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn, quy định của pháp luật, có liên quan và các quy chuẩn kỹ thuật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, công bố.

2. Tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng hoặc khai thác cảng cạn căn cứ quy định của pháp luật có liên quan và điều kiện đặc thù tại cảng cạn để xây dựng, ban hành nội quy cảng cạn với những nội dung chính sau đây:

a) Biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát phương tiện vận tải đến và rời cảng cạn;

b) Biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của con người và các phương tiện tại cảng cạn;

c) Thực hiện thủ tục xuất, nhập hàng hóa tại cảng cạn theo quy định;

d) Các dịch vụ gia tăng đối với hàng hóa tại cảng cạn;

đ) Thông tin liên lạc tại cảng cạn;

e) Đảm bảo trật tự, an toàn, an ninh tại cảng cạn;

g) Đảm bảo vệ sinh, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ tại cảng cạn;

h) Các nội dung, biện pháp cần thiết nhằm mục đích bảo đảm hiệu quả khai thác chung, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế trong hoạt động tại cảng cạn theo quy định của Quy chế quản lý hoạt động của cảng cạn;

i) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại cảng cạn.

Điều 12. Kiểm tra, giám sát hoạt động tại cảng cạn

1. Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cảng cạn tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định tại Quy chế quản lý hoạt động của cảng cạn, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng, khai thác cảng cạn.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của cảng cạn theo quy định của Quy chế quản lý hoạt động của cảng cạn, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2015.

2. Ban hành kèm theo Thông tư này Phụ lục gồm 06 Mẫu.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Cục Hàng hải Việt Nam để báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải quyết kịp thời./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.