Sign In

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Hướng dẫn việc xử lý chênh lệch giá vật tư, hàng hoá kiểm kê tồn kho.

________________________

Thi hành công văn số 726/V13 ngày 13/7/1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc xử lý chênh lệch giá vật tư, hàng hoá tồn kho; Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện cụ thể như sau:

1/ Tổ chức kiểm kê và xác định chênh lệch giá vật tư, hàng hoá tồn kho:

Kể từ 1/7/1987 trở đi, mỗi khi Nhà nước quyết định thay đổi giá, các xí nghiệp sản xuất - kinh doanh, cung ứng vật tư, thương nghiệp, vận tải, dịch vụ hạch toán kinh tế độc lập do Trung ương định hoặc địa phương quản lý ( dưới đay gọi chung là xí nghiệp ) bắt buộc phải tổ chức kiểm kê vật tư, hàng hoá tồn kho ( kể cả nguyên, nhiên vật liệu cấu thành trong sản phẩm dở dang và thành phẩm tồn kho ) ; vật tư, hàng hoá đang đi trên đường, ban gồm cả vật tư, hàng hoá do Trung ương phân phối theo kế hoạch, do địa phương sản xuất, do nhập khẩu hoặc liên doanh liên kết .v..v...  để xác định lại giá vật tư, hàng hoá kiểm kê tồn kho theo giá mới.

Từng xí nghiệp phải thực hiện đầy đủ việc kiểm kê vật tư, hàng hoá tồn kho về số lượng và giá trị; xác định tổng giá trị hàng tồn kho theo giá cũ và tổng giá trị hàng tồn kho theo giá mới để xác định chênh lệch giá vật tư, hàng hoá tồn kho ở thời điểm kiểm kê.

Khoản chênh lệch giá vật tư, hàng hoá kiểm kê tồn kho là nguồn vốn của Nhà nước dùng để bổ sung vốn lưu động thiếu cho các xí nghiệp và bổ sung vốn tín dụng ngân hàng. Khoản chênh lệch giá này được hạch toán vào tài khoản 15 " Đánh giá lại vật tư hàng hoá" để xử lý theo quy định ở điểm 2 dưới đây.

2/ Xử lý chênh lệch giá vật tư, hàng hoá kiểm kê tồn kho:

Trong thời hạn chậm nhất là 15 ngày sau thời điểm kiểm kê, các xí nghiệp phải báo cáo kết quả ( có số lượng và giá trị ), số chênh lệch giá vật tư, hàng hoá kiểm kê tồn kho cho cơ quan quản lý cấp trên ( Bộ, Sở chủ quản, Tổng công ty hoặc Liên hiệp các xí nghiệp), đồng gửi cho cơ quan Tài chính, Ngân hàng cùng cấp. Ngay sau đó, xí nghiệp cùng với Tài chính, Ngân hàng cùng cấp tổ chức, xử lý chênh lệch giá hàng tồn kho đó như sau:

a) Căn cứ định mức vốn lưu động năm 1987 đã được tính toán điều chỉnh lại theo mặt bằng giá mới được duyệt để tính toán số vốn lưu động tự có và coi như tự có kế hoạch theo tỷ lệ quy định tại Thông tư Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng số 46 ngày 6/12/1986. Nếu số vốn lưu động tự có và coi như tự có thực tế ( dư có 85,2  + Nợ định mức kế hoạch ) không đủ theo định mức mới thì số chênh lệch giá hàng tồn kho đó trước hết được bổ sung đủ vốn lưu động tự có trong định mức theo mặt bằng giá mới; thủ tục ghi chép hạch toán thực hiện theo chế độ kế toán do Bộ Tài chính đã quy định.

b) Khoản chênh lệch giá còn lại ( nếu có ) xí nghiệp làm thủ tục nhận nợ vay trong hạn mức tín dụng với Ngân hàng cơ sở.

Khi nhận nợ, Ngân hàng cơ sở hạch toán chuyển số chênh lệch giá nhận nợ về Vụ Kế toán Ngân hàng Trung ương để hạch toán ghi vào tài khoản 07012. Ngân hàng Nhà nước Trung ương có trách nhiệm tổng hợp số nhận nợ của các xí nghiệp bằng nguồn vốn chênh lệch giá hàng tồn kho gửi Bộ Tài chính để lamf thủ tục ghi thu ghi chi qua Ngân sách chuyển cho Ngân hàng Nhà nước làm vốn tín dụng cho vay trong hạn mức.

Ví dụ: Về xử lý chênh lệch giá hàng tồn kho:

- Vốn lưu động định mức năm 1987 tính toán xác định lại theo mặt bằng giá mới của xí nghiệp được duyệt là 200 triệu đồng, trong đó phần vốn tự có và coi như tự có là 100 triệu đồng; được vay Ngân hàng trong hạn mức tối đa 100 triệu ( tỷ lệ 50%).

- Vốn lưu động tự có và coi như tự có đến ngày kiểm kê do điều chỉnh thay đổi giá là 45 triệu.

- Tài sản lưu động thực tế khi kiểm kê tồn kho:

+ Theo giá cũ : 150 triệu đồng

+ Theo giá mới : 250 triệu đồng

+ Chênh lệch giá vật tư hàng hoá tồn kho 100 tr. đồng

   ( 250tr - 150 tr) , được tính toán và xử lý như sau;

- Bổ sung vốn lưu động tự có và coi như tự có theo mặt bằng giá mới cho xí    nghiệp(100tr - 45tr )          55tr

- Nhận nợ với Ngân hàng cơ sở ( tức là tăng vay trong hạn mức tín dụng )   45tr

c) Ngoài những mục đích nói trên, các cấp Ngân sách, các ngành, các xí nghiệp không được dùng khoản chênh lệch giá này vào bất cứ mục đích nào khác ( trừ trường hợp đặc biệt được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép ).

4/ Những quy định nói ở điểm 2 trên đây để áp dụng để xử lý chênh lệch giá vật tư hàng hoá kiểm kê tồn kho nhằm đảm bảo nhu cầu vốn lưu động định mức tăng lên cho các xí nghiệp và tăng nguồn vốn tín dụng ngân hàng; các khoản chênh lệch giá khác đều phải nộp vào Ngân sách Nhà nước theo đúng quy định hiện hành của Bộ Tài chính.

5/ Thông tư này có hiệu lực thi hành đối với khoản chênh lệch vật tư, hàng hoá kiểm kê tồn kho từ thời điểm 1/7/1987 về sau, và được áp dụng cho tất cả các đơn vị kinh tế cơ sở sản xuất - kinh doanh, cung ứng vật tư, vận tải, thương nghiệp, dịch vụ thuộc tất cả các ngành kinh tế quốc doanh Trung ương và địa phương có phát sinh khoản chênh lệch giá vật tư hàng hoá kiểm kê tồn kho mỗi khi Nhà nước quyết định điều chỉnh thay đổi giá.

Các xí nghiệp, các Bộ, Sở chủ quản và cơ quan Tài chính, Ngân hàng các cấp phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định trong Thông tư này. Những quy định của các cấp, các ngành, các địa phương về việc xử lý chênh lệch giá vật tư, hàng hoá kiểm kê tồn kho trái với Thông tư này đều không có hiệu lực thi hành. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, cần phản ánh kịp thời cho Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước Trung ương biết để giải quyết./.

Bộ Tài chính

Bộ trưởng

Tổng Cục trưởng

(Đã ký)

 

Lữ Minh Châu

Hoàng Quy