THÔNG TƯ
Quy định chế độ quản lý tài chính đối với ngân hàng nhà nước
______________________________
Căn cứ Nghị định số 196/HĐBT ngày 11/12/1989 của Hội đồng Bộ trưởng "Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ" và Nghị định số 155/HĐBT ngày 15/10/1988 của Hội đồng Bộ trưởng "Quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức Bộ máy của Bộ Tài chính";
Căn cứ Pháp lệnh kế toán - thống kê do Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 20/8/1988 và Nghị định số 25/HĐBT ngày 18/3/1989 của Hội đồng Bộ trưởng ban hanh điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước;
Căn cứ pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt nam được công bố tại Lệnh số 37 LCT/HĐNN8 ngày 24/5/1990 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước;
Sau khi đã báo cáo thủ tướng Chính phủ và thỏa thuận với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt nam; Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý Tài chính đối với Ngân hàng Nhà nước Việt nam như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:
1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan của Chính phủ, có chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng; Ngân hàng; đồng thời có các nghiệp vụ kinh doanh, dịch vụ Ngân hàng hoạt động theo phương pháp hạch toán kinh tế.
2. Ngân hàng Nhà nước được Nhà nước cấp vốn pháp định, có quyền tự chủ về Tài chính theo luật pháp, đảm bảo việc bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước, có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý Tài chính, pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước, Pháp lệnh kế toán - Thống kê và nghĩa vụ nộp NSNN theo đúng quy định của Nhà nước và theo những quy định cụ thể tại Thông tư này.
3. Ngân hàng Nhà nước được trích lập và sử dụng các quỹ theo quy định chung của Nhà nước và quy định cụ thể tại Thông tư này.
II. NỘI DUNG CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI HNNN:
1. Vốn Nhà nước và trách nhiệm bảo toàn vốn:
a) Vốn Nhà nước thuộc quyền sử dụng, bảo toàn và phát triển của Ngân hàng Nhà nước gồm:
- Vốn NSNN: bao gồm vốn pháp định, vốn XDCB do NSNN cấp hoặc có nguồn gốc từ NSNN (như chênh lệch giá và các khoản phải nộp NSNN nhưng được để lại); Vốn được viện trợ, quyên tặng, vốn tiếp quản từ chế độ cũ để lại.
- Vốn dự trữ và điều hòa vàng bạc, ngoại tệ; vốn phát hành cho tín dụng; quỹ dự phòng và quỹ dự trữ được hình thành theo Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước.
- Vốn Ngân hàng Nhà nước tự bổ sung: gồm các loại vốn hoạt động của NHNN được hình thành từ lợi nhuận để lại hoặc có nguồn gốc từ lợi nhuận để lại theo chế độ quy định.
b) Trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn của NHNN:
- Toàn bộ vốn NSNN cấp và vốn Ngân hàng Nhà nước tự bổ sung thêm đến thời điểm giao vốn đều phải tính chung vào vốn Nhà nước giao, Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn.
- Đối với vốn tự bổ sung, Ngân hàng Nhà nước được tự chủ trong việc sử dụng vào các mục đích theo chức năng của mình nhưng không được sử dụng vào việc xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi, các phương tiện, đồ dùng phục vụ sinh hoạt đời sống.
- Hàng năm, Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước xác định lại số vốn NHNN phải bảo toàn đến thời điểm 31 tháng 12. Số liệu này được dùng làm căn cứ duyệt quyết toán vốn bảo toàn năm báo cáo và làm cơ sở kiểm tra mức độ bảo toàn vốn trong năm tiếp theo.
Việc xác định mức độ bảo toàn đối với từng loại vốn được thực hiện theo các văn bản của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Quản lý Tài chính đối với thu nhập và chi phí của NHNN:
a) Thu nhập của NHNN gồm:
- Thu lãi cho vay, thu lãi tiền gửi
- Thu lệ phí, hoa hồng về các nghiệp vụ ủy nhiệm
- Thu nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ, vàng bạc, đá quý
- Các khoản thu khác phát sinh trong quá trình hoạt động Ngân hàng
b) Chi phí của NHNN gồm:
+ Các khoản chi trực tiếp hạch toán vào chi phí:
- Chi trả lãi tiền gửi
- Trả lệ phí, hoa hồng và các nghiệp vụ ủy nhiệm
- Chi nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ, vàng bạc, đá quý
- Chi in tiền kể từ năm 1994 trở đi (riêng 2 năm 1992 vf 1993 khoản chi này được hạch toán riêng và được trừ vào phần lợi nhuận nộp NSNN sau khi được Bộ Tài chính kiểm tra xét duyệt quyết toán Tài chính năm).
- Chi lương và phụ cấp lương theo bảng lương công chức Nhà nước.
- Chi bảo hiểm xã hội, y tế, vệ sinh
- Chi bảo hộ lao động đối với những đối tượng được trang cấp bảo hộ lao động.
- Chi trang phục giao dịch cho công chức Ngân hàng
- Chi công tác phí
- Chi về tài sản cố định và tài sản lưu động:
_Chi khấu hao cơ bản tài sản cố định
_Chi sửa chữa lớn tài sản cố định
_Chi sửa chữa thường xuyên tài sản cố định
_Chi công cụ lao động
- Chi về giấy tờ in, vật liệu văn phòng
- Chi vận chuyển, bốc xếp
- Chi huấn luyện nghiệp vụ ngắn hạn
- Chi cước phí bưu điện, thông tin liên lạc
- Chi nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, quảng cáo
- Các khoản chi khác phát sinh do yêu cầu hoạt động Ngân hàng (bao gồm cả bảo toàn vốn theo hướng dẫn).
+ Các khoản được hạch toán vào chi phí:
- Chi phát triển kỹ thuật nghiệp vụ: trước mắt, Ngân hàng Nhà nước được chi và hạch toán vào phí tối đa bằng 12% trên giá trị TSCĐ bình quân thực hiện trong năm của NHNN. Khoản chi phát triển kỹ thuật nghiệp vụ là vốn được Nhà nước giao cho NHNN để đáp ứng các nhu cầu trang bị phương tiện thông tin, tính toán và an toàn kho quỹ nhằm đổi mới kỹ thuật nghiệp vụ của NHNN. Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh khoản chi này cho phù hợp.
- Trich quỹ dự phòng bằng 0,2% (hai phần nghìn) trên số dư nợ tín dụng bình quân năm của NHNN. Quỹ dự phòng NHNN dùng để bù đắp các rủi ro, giảm giá TSCĐ hoặc tổn thất do các nguyên nhân khách quan trong quá trình hoạt động. Việc sử dụng quỹ dự phòng trong hệ thống do Thống đốc NHNN quy định.
c) Quản lý Tài chính đối với thu nhập và chi phí của NHNN:
NHNN thực hiện hạch toán đầy đủ, chính xác, kịp thời các khoản thu nhập và chi phí vào sổ kế toán theo đúng quy định của Pháp lệnh Kế toán - thống kê và điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước.
- Các khoản thu, chi bằng ngoại tệ, bằng vàng, vật quý (nếu có) đều chuyển đổi ra đồng Việt nam theo tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh để hạc toán vào thu chi nghiệp vụ.
- NHNN không hạch toán vào chi phí mà phải dùng nguồn vốn tương ứng để trang trải theo quy định đối với các khoản:
+ Tiền phạt phải nộp NSNN do vi phạm nghĩa vụ thu nộp NSNN và chế độ báo cáo thống kê kế toán; Các khoản tiền phạt phải trả khách hàng về những thiệt hại vật chất do chủ quan NHNN gây ra, phải lấy lợi nhuận được để lại trích lập 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi của NHNN.
+ Các khoản mất mát, tổn thất tài sản Nhà nước do cá nhân, tập thể Ngân hàng gây ra phải lấy từ số tiền xử lý do cá nhân, tập thể gây ra phải bồi hoàn.
Hàng năm cùng với việc xây dựng kế hoạch tài chính năm, NHNN có trách nhiệm xây dựng các định mức chi tiêu cho TSCĐ và TSLĐ bao gồm: chi sửa chữa lớn, chi sửa chữa thường xuyên và mua sắm công cụ lao động trong hệ thống trên cơ sở các chế độ Tài chính Nhà nước quy định phù hợp với yêu cầu hoạt động Ngân hàng gửi cho Bộ Tài chính. Sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận kế hoạch tài chính và các định mức chi trong năm, NHNN có trách nhiệm quản lý thực hiện việc chi tiêu theo chế độ Nhà nước quy định và trong phạm vi kế hoạch và các chỉ tiêu định mức đã được Bộ Tài chính chấp thuận.
Các khoản chi khác NHNN chủ động căn cứ vào chỉ tiêu tổng chi phí kế hoạch năm đã được duyệt để điều hòa các khoản chi theo thực tế hợp lý. Trường hợp chi vượt kế hoạch: nếu do nguyên nhân khách quan, NHNN có thuyết minh cụ thể trong quyết toán; Nếu do nguyên nhân chủ quan NHNN phải bù đắp bằng nguồn lợi nhuận để lại.
3. Nghĩa vụ nộp NSNN của Ngân hàng Nhà nước:
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm nộp đầy đủ và đúng hạn vào NSNN các khoản sau đây:
- Nộp lợi nhuận
- Nộp khấu hao cơ bản TSCĐ
- Các khoản phải nộp khác theo quy định của Nhà nước
Các khoản nộp NSNN được thực hiện tập trung tại Ngân hàng Trung ương. Ngân hàng Trung ương có trách nhiệm nộp trực tiếp vào Chi cục Kho bạc thành phố Hà nội theo kế hoạch quý và quyết toán số thực nộp theo năm.
Lợi nhuận nộp NSNN thực hiện theo quy định tại điểm 4 phần II của Thông tư này.
Khấu hao cơ bản TSCĐ thuộc vốn NSNN cấp phải nộp 100% vào Ngân sách Nhà nước.
4. Phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ:
Lợi nhuận của NHNN sau khi quyết toán được duyệt được phân phối như sau:
- Trích quỹ dự trữ: 10%
- Trích 2 quỹ phuc lợi, khen thưởng: mỗi quý tối đa bằng 6 tháng lương bình quân thực hiện trong năm (theo chế độ tiền lượng hiện nay. Khi cải cách chế độ tiền lương - Bộ Tài chính sẽ có quy định lại).
- Phần lợi nhuận còn lại nộp toàn bộ vào NSNN.
Quỹ dự trữ củ NHNN được coi là vốn của NSNN cấp. Hàng năm NHNN quyết toán về số trích và số sử dụng quỹ này cùng với quyết toán tài chính năm.
Hàng quý, sau khi xác định được kết quả lợi nhuận, NHNN có báo cáo quý gửi Bộ Tài chính và thực hiện nộp NSNN theo kế hoạch quý và được tạm trích các quỹ.
Kết thúc năm tài chính, sau khí quyết toán tài chính năm đã được Bộ Tài chính kiểm tra xét duyệt, NHNN được chính thức trích đủ cho các quỹ theo số được duyệt.
Trường hợp kết quả tài chính năm bị lỗ do thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ - tín dụng Ngân hàng theo chính sách của Nhà nước thì NHNN được Thủ tướng Chính phủ xét duyệt cấp bù sau khi được Bộ Tài chính kiểm tra và duyệt quyết toán Tài chính năm.
5. Khấu hao TSCĐ, XDCB và mua sắm TSCĐ:
- Về khấu hao cơ bản TSCĐ: NHNN căn cứ vào quy định chung hiện hành để trich khấu hao cơ bản TSCĐ phần vốn NSNN cấp và phần vốn tự bổ sung của Ngân hàng.
- Về chi khấu hao sửa chữa lớn: Căn cứ vào nhu cầu sửa chữa lớn trong năm (đã được Bộ Tài chính chấp thuận trong định mức chi về tài sản), NHNN trích đều đặn hàng tháng vào chi phí hình thành quỹ sửa chữa lớn TSCĐ và sử dụng cho công tác sửa chữa lớn. Kết thúc niên độ, phần quỹ sửa chữa lớn không dùng hết phải ghi giảm chi để phản ánh đúng số thực chi trong năm. Về nguyên tắc, sau khi quyết toán niên độ phần khấu hao sửa chữa lớn trích được trong năm quyết toán không được để chi cho năm sau.
- Nguồn vốn để xây dựng mới, cải tạo, hiện đại hóa và mua sắm TSCĐ của NHNN gồm:
+ Vốn khấu hao cơ bản TSCĐ thuộc nguồn vốn tự bổ xung
+ Khoản chi phát triển kỹ thuật nghiệp vụ được hạch toán vào chi phí. Đây là những khoản thực chi cho công tác XDCB, mua sắm TSCĐ đã hoàn thành, có quyết toán được duyệt theo đúng quy định.
Ngân hàng Nhà nước chi cho XDCB, mua sắm TSCĐ chỉ trong phạm vi nguồn vốn đã có. Các tài sản phúc lợi chỉ được mua sắm, xây dựng bằng quỹ phúc lợi và các nguồn vốn mang tính chất phúc lợi.
Đối với các danh mục công trình quan trọng của NHNN đã được ghi trong kế hoạch đầu tư XDCB hàng năm của Nhà nước bằng nguồn vốn NSNN thì ngân sách Nhà nước cấp vốn XDCB cho NHNN.
Các nguồn vốn viện trợ của các tổ chức quốc tế theo các dự án tài trợ để hiện đại hóa ngành Ngân hàng cũng được coi là vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư XDCB cho NHNN.
- Việc chuyển giao, cho thuê, nhượng bán, thanh lý TSCĐ thực hiện theo Thông tư số 34 TC/CN ngày 31/7/1990 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn tiếp theo (nếu có).
6. Quyết toán Tài chính:
a) Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyết toán tài chính và gửi báo cáo quý, năm cho Bộ Tài chính theo đúng quy định của Pháp lệnh kế toán - thống kê và điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước.
Hàng quý, chậm nhất 40 ngày sau khi kết thúc quý, NHNN gửi báo cáo về các chỉ tiêu tài chính cho Bộ Tài chính gồm:
- Báo cáo thu nhập - chi phí - lợi nhuận
- Báo cáo tình hình tạm trích các quỹ và nộp NSNN.
Báo cáo quyết toán năm gửi Bộ Tài chính chậm nhất vào ngày 1/3 của năm sau gồm:
- Báo cáo thu nhập - chi phí - lợi nhuận
- Báo cáo tình hình vốn và bảo toàn vốn
- Báo cáo tình hình trích lập và sử dụng quỹ dự trữ và tình hình tạm trích 2 quỹ trong năm
- Báo cáo tình hình nộp NSNN
- Bảng tổng kết tài sản.
Báo cáo quyết toán cần có thuyết minh tình hình thực hiện kế hoạch thu chi Tài chính trong năm. Trường hợp bị lỗ, NHNN thuyết minh cụ thể nguyên nhân và đề nghị xử lý.
b) Công tác duyệt quyết toán:
- Bộ Tài chính xét duyệt quyết toán năm của NHNN nhằm xác định tính chính xác của số liệu trong báo cáo quyết toán, đánh giá hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước và việc chấp hành kỷ luật Tài chính của NHNN. Trên cơ sở đó, xử lý các vấn đề Tài chính theo luật pháp và theo quy định tại thông tư này, công nhận về mặt pháp lý nghĩa vụ nộp NSNN và quyền lợi được hưởng của NHNN. Thông qua công tác xét duyệt quyết toán, đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, Tài chính nhằm giúp NHNN làm tốt hơn vai trò quản lý Nhà nước về tiền tệ - tín dụng - Ngân hàng.
- Công tác xét duyệt quyết toán cho NHNN gồm các nội dung chủ yếu:
+ Xác định chính xác số liệu biến động về vốn, tình hình bảo toàn và phát triển vốn.
+ Xác định kết quả thu nhập - chi phí - lợi nhuận và phân phối lợi nhuận, nghĩa vụ với NSNN.
+ Xử lý các vấn đề Tài chính phát sinh trong quá trình kiểm tra quyết toán.
- Việc kiểm tra quyết toán được thực hiện ở NHNN cấp trung ương và kiểm tra điển hình ở một số NHNN tỉnh, thành phố. Căn cứ vào biên bản kiểm tra quyết toán, Bộ Tài chính có văn bản duyệt quyết toán năm cho NHNN.
- Công tác kiểm tra kế toán của Bộ Tài chính đối với NHNN có thể thực hiện ngay trong niên độ Tài chính theo từng chuyên đề phù hợp với quy định của Pháp lệnh kê toán thống kê.
- Đối với các khoản vi phạm kỷ luật Tài chính bị phát hiện, Ngân hàng Nhà nước phải nộp 100% vào NSNN từ các nguồn vốn thích hợp tùy theo tính chất các khoản vi phạm. Việc xử lý thu nộp NSNN được thực hiện ngay tại nơi kiểm tra quyết toán. Thủ trưởng đơn vị NHNN nơi có cuộc kiểm tra quyết toán có thể được bảo lưu ý kiến vào biên bản kiểm tra nhưng nếu cấp duyệt quyết toán ở Trung ương không chấp thuận thì thủ trưởng đơn vị NHNN có ý kiến bảo lưu phải nghiêm túc thi hành, đồng thời phải chịu một khoản phạt chậm nộp NSNN theo quy định chung hiện hành tính từ ngày ghi trên biên bản kiểm tra. Số tiền nộp phạt được tính trừ vào 2 quỹ phúc lợi, khen thưởng tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương.
7. Lập kế hoạch Tài chính:
Ngân hàng Nhà nước xây dựng kế hoạch tài chính năm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Hàng năm, vào thời điểm quy định NHNN gửi cho Bộ Tài chính các tài liệu kế hoạch sau đây:
- Kế hoạch thu nhập - chi phí - lợi nhuận (có thuyết minh chi tiết).
- Kế hoạch nộp NSNN và trích lập các quỹ
- Kế hoạch biên chế - quỹ lương
- Kế hoạch chi đào tạo của khối trường Ngân hàng
- Kế hoạch XDCB bằng vốn nội ngành và vốn NSNN.
Căn cứ vào dự thảo kế hoạch Bộ Tài chính sẽ làm việc với NHNN và các cơ quan hữu quan để thống nhất chỉ tiêu kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
1. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm gửi Bộ Tài chính các văn bản hướng dẫn thi hành thông tư này trong phạm vi nội bộ ngành để tiện theo dõi thực hiện. Các quy định trong nội bộ về hạch toán vốn, tài sản và thu chi Tài chính phải phù hợp với chế độ kế toán, tài chính chung hiện hành và cần thống nhất với Bộ Tài chính trước khi ban hành văn bản.
2. Các xí nghiệp, công ty trực thuộc NHNN hạch toán kinh tế độc lập thực hiện chế độ quản lý Tài chính của Nhà nước đối với các doanh nghiệp. Các trường trực thuộc NHNN thực hiện các quy định về quản lý Tài chính của Bộ Tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp.
3. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 01/01/1993./.