Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Ban hành quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và mẫu tờ khai hàng hoá xuất khẩu-nhập khẩu tại chỗ

__________________________

 BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

- Căn cứ Luật Hải quan ngày 26.9.2001;

- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 660/CP-KTTH ngày 14/6/2002 của Chính phủ về thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ;

- Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này:

a. Quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.

b. Mẫu tờ khai hàng hoá xuất khẩu- nhập khẩu tại chỗ, ký hiệu HQ/2002-TC.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ quy định tại điểm 4 Mục II Thông tư số 06/2000/TT-TCHQ ngày 31/10/2000 của Tổng cục Hải quan hướng dẫn về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều 3: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này

 

KT/ BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trương Chí Trung

QUY ĐỊNH

 Về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ

(Ban hành kèm theo Quyết định số  153 /2002/QĐ-BTC ngày 17  tháng  12  năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

____________________________

 I. QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ: Là hàng hoá do các doanh nghiệp (bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sản xuất tại Việt Nam bán cho thương nhân nước ngoài nhưng giao hàng cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài.

- Doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ: Là doanh nghiệp bán hàng cho thương nhân nước ngoài.

- Doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ (dưới đây gọi là doanh nghiệp nhập khẩu): Là doanh nghiệp nhận hàng hoá từ doanh nghiệp xuất khẩu theo chỉ định của thương nhân nước ngoài.

2. Đối tượng, điều kiện được làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ:

    a. Đối với hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam: Là hàng hoá bán cho thương nhân nước ngoài nhưng theo chỉ định của thương nhân nước ngoài, hàng hoá được giao cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam để làm nguyên liệu sản xuất hàng hoá xuất khẩu (kể cả làm nguyên liệu để gia công cho thương nhân nước ngoài).

   b. Đối với hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Điều kiện được làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ thực hiện theo quy định tại Mục VI Thông tư số 22/2000/TT-BTM ngày 15/12/2000 của Bộ Thương mại hướng dẫn Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ. 

  c. Doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu phải ký hợp đồng mua bán ngoại thương với thương nhân nước ngoài. Ngoài các điều khoản theo quy định, trong hợp đồng phải có điều khoản quy định giao, nhận hàng tại Việt Nam và ghi rõ tên, địa chỉ doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ(đối với hợp đồng mua), doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ (đối với hợp đồng bán).

- Nếu doanh nghiệp nhập khẩu nhận sản phẩm để làm nguyên liệu gia công cho thương nhân nước ngoài thì chỉ cần có văn bản chỉ định nhận hàng của bên đặt gia công (nếu trong hợp đồng gia công chưa có quy định này).

- Về phương thức thanh toán: Hợp đồng xuất khẩu tại chỗ phải có điều khoản quy định thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi qua ngân hàng.

- Đối với doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ: hàng hoá phải do chính doanh nghiệp sản xuất ra.

- Đối với doanh nghiệp nhập khẩu: Không tồn đọng hợp đồng gia công quá hạn chưa thanh khoản

3. Trên cơ sở hợp đồng bán, hợp đồng mua hoặc hợp đồng gia công, các doanh nghiệp xuất/nhập khẩu tại chỗ tự tổ chức việc giao, nhận hàng hoá theo quy định tại Mục III dưới đây.

Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giao, nhận hàng hoá đúng theo hợp đồng và khai báo trên tờ khai hải quan.

Thông qua việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, nếu có căn cứ xác định việc giao, nhận hàng hoá giữa các doanh nghiệp là không đúng với khai báo thì Chi cục trưởng Hải quan quyết định kiểm tra thực tế hàng hoá khi giao nhận (Chi cục nào có thông tin thì Chi cục đó quyết định kiểm tra).

4. Tờ khai hàng hoá xuất khẩu - nhập khẩu tại chỗ (Ký hiệu HQ/2002-TC ban hành kèm theo Quyết định này).

- Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, tờ khai hải quan phải có đầy đủ khai báo, xác nhận, ký tên, đóng dấu của 4 bên là: doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu, Hải quan làm thủ tục xuất khẩu, Hải quan làm thủ tục nhập khẩu.

- Đối với doanh nghiệp nhập khẩu tờ khai hải quan phải có đầy đủ khai báo, xác nhận, ký tên, đóng dấu của 3 bên (trừ Hải quan làm thủ tục xuất khẩu).

- Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ và doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ đều làm thủ tục tại một Chi cục Hải quan, thì Chi cục Hải quan này ký xác nhận cả phần Hải quan làm thủ tục xuất khẩu và hải quan làm thủ tục nhập khẩu.

5. Hiệu lực của tờ khai xuất khẩu - nhập khẩu tại chỗ: Tờ khai xuất khẩu - nhập khẩu tại chỗ có hiệu lực trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm doanh nghiệp xuất khẩu ký xác nhận vào 04 tờ khai hải quan.

6. Định kỳ hàng quý, doanh nghiệp xuất nhập/khẩu tại chỗ phải báo cáo cơ quan Thuế sở tại và cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ về tình hình, số liệu hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ. 

II. QUY ĐỊNH VỀ BỘ HỒ SƠ HẢI QUAN:

1. Hồ sơ nhập khẩu tại chỗ:

- Hồ sơ phải nộp:

+ Tờ khai xuất khẩu - nhập khẩu tại chỗ: 04 bản chính.

+ Hợp đồng mua bán ngoại thương hoặc hợp đồng gia công có chỉ định nhận hàng tại Việt Nam: 01 bản sao.

 + Hoá đơn thương mại (nhận từ thương nhân nước ngoài) 01 bản chính.

+ Văn bản cho phép nhập khẩu (đối với hàng nhập khẩu theo giấy phép) hoặc văn bản phê duyệt kế hoạch nhập khẩu (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài): 01 bản sao.

+ Hoá đơn giá trị gia tăng do doanh nghiệp xuất khẩu lập (liên giao khách hàng): 01 bản sao

- Hồ sơ xuất trình:

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 01 bản (bản sao hoặc bản chính)

+ Giấy chứng nhận đăng ký mã số kinh doanh xuất nhập khẩu: 01 bản (bản chính hoặc bản sao).

+ Hoá đơn giá trị gia tăng: 01 bản chính

+ Văn bản cho phép nhập khẩu (đối với hàng nhập khẩu theo giấy phép) hoặc văn bản phê duyệt kế hoạch nhập khẩu (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài): 01 bản chính để cấp phiếu theo dõi, trừ lùi (đối với lần nhập đầu tiên) hoặc bản chính kèm phiếu theo dõi (nếu đã cấp) để trừ lùi.

2. Hồ sơ xuất khẩu tại chỗ:

- Hồ sơ phải nộp:

+ Tờ khai xuất khẩu - nhập khẩu tại chỗ: 02 bản chính.

+ Hợp đồng mua bán ngoại thương: 01 bản sao.

 + Hoá đơn thương mại : (ký phát cho thương nhân nước ngoài) 01 bản chính.

+ Hoá đơn giá trị gia tăng (liên lưu tại doanh nghiệp): 01 bản sao

+ Văn bản cho phép xuất khẩu (đối với hàng xuất khẩu theo giấy phép): 01 bản sao

- Hồ sơ xuất trình:

+ Giấy chứng nhận đăng ký mã số kinh doanh xuất nhập khẩu: 01 bản (bản chính hoặc bản sao).

+ Hoá đơn giá trị gia tăng: 01 bản chính.

+ Văn bản cho phép xuất khẩu (đối với hàng xuất khẩu theo giấy phép): 01 bản chính để cấp phiếu theo dõi, trừ lùi (đối với lần nhập đầu tiên) hoặc bản chính kèm phiếu theo dõi (nếu đã cấp) để trừ lùi.

Các chứng từ nêu trên nếu là bản sao phải có xác nhận, ký tên, đóng dấu của doanh nghiệp

III. THỦ TỤC HẢI QUAN:

Bước 1: Doanh nghiệp xuất khẩu:

- Trên cơ sở hợp đồng ký với thương nhân nước ngoài có chỉ định giao hàng tại Việt Nam, kê khai đầy đủ các tiêu chí giành cho doanh nghiệp xuất khẩu trên cả 04 tờ khai. Giám đốc doanh nghiệp hoặc người được giám đốc doanh nghiệp uỷ quyền ký tên, đóng dấu.

- Giao hàng kèm 04 tờ khai hải quan cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu nằm trong khu chế xuất: Trước khi giao, nhận hàng, doanh nghiệp có công văn đăng ký xuất, nhập khẩu tại chỗ với Hải quan Khu chế xuất (02 bản) công văn ghi rõ số lượng, chủng loại, trị giá. Hải quan Khu chế xuất kiểm tra, xác nhận vào công văn lưu 01 bản để theo dõi; chủ hàng giữ 01 bản kèm hồ sơ để xuất trình khi qua cổng khu chế xuất.  

Bước 2:  Doanh nghiệp nhập khẩu:

- Sau khi đã nhận đủ hàng hoá và 04 tờ khai hải quan đã kê khai, xác nhận, ký, đóng dấu của doanh nghiệp xuất khẩu, khai đầy đủ các tiêu chí giành cho doanh nghiệp nhập khẩu trên cả 04 tờ khai hải quan.

- Đến Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu để đăng ký làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ theo quy định, phù hợp với từng loại hình. Kèm theo là mẫu hàng hoá nhập khẩu tại chỗ (Đối với hàng nhập khẩu tại chỗ làm nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu).

Bước 3: Chi cục Hải quan làm thủ tục cho doanh nghiệp nhập khẩu:

- Tiếp nhận 04 tờ khai xuất khẩu - nhập khẩu tại chỗ và hồ sơ hải quan theo quy định tại điểm 1 Mục II Quy định này; Tiến hành các bước đăng ký tờ khai theo quy định phù hợp từng loại hình, kiểm tra tính thuế (đối với hàng có thuế) theo quy định hiện hành đối với hàng nhập khẩu, giá tính thuế là giá thực thanh toán ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng. Niêm phong mẫu (nếu có) giao doanh nghiệp tự bảo quản và xuất trình để đối chiếu khi làm thủ tục xuất khẩu.

- Xác nhận đã làm thủ tục hải quan, ký tên và đóng dấu vào cả 04 tờ khai.

- Lưu 01 tờ khai và chứng từ doanh nghiệp phải nộp, trả lại cho doanh nghiệp nhập khẩu 03 tờ khai và các chứng từ doanh nghiệp xuất trình.

- Doanh nghiệp nhập khẩu lưu 01 tờ khai; 02 tờ khai còn lại chuyển cho doanh nghiệp xuất khẩu.

- Có văn bản thông báo cho Cục Thuế địa phương nơi theo dõi thuế của doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ biết để theo dõi (mẫu kèm theo quy định này). 

Bước 4: Doanh nghiệp xuất khẩu:

Sau khi nhận được 02 tờ khai xuất khẩu - nhập khẩu tại chỗ đã có đủ khai báo, xác nhận chữ ký, dấu của doanh nghiệp nhập khẩu và Hải quan làm thủ tục nhập khẩu, đến Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu cho doanh nghiệp để đăng ký làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ.

Bước 5: Chi cục Hải quan làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ:

- Tiếp nhận 02 tờ khai hải quan (đã có đầy đủ khai báo, xác nhận, ký tên, đóng dấu của doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu, và Hải quan làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ) và các chứng từ khác theo quy định tại điểm 2 Mục II Quy định này.

- Tiến hành các bước đăng ký tờ khai theo quy định, phù hợp từng loại hình, kiểm tra tính thuế (nếu có). Xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan, ký, đóng dấu vào tờ khai hải quan.

- Lưu 01 tờ khai cùng các chứng từ doanh nghiệp nộp, trả doanh nghiệp 01 tờ khai và các chứng từ do doanh nghiệp xuất trình.