Sign In

THÔNG TƯ

CỦA LIÊN BỘ BỘ TÀI CHÍNH, VĂN HOÁ - THÔNG TIN

Hướng dẫn việc thu và sử dụng tiền phạt đối

với các hành vi vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá

______________________________

Căn cứ vào Nghị định số 87/CP ngày 12-12-1995 của Chính phủ về tăng cường quản lý hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng.

Căn cứ Nghị định số 88/CP ngày 14-12-1995 của Chính phủ về qui định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động và dịch vụ văn hoá và phòng chống một số tệ nạn xã hội, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng.

Căn cứ Chỉ thị số 814/TTg ngày 12-12-1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng.

Sau khi trao đổi ý kiến giữa các Bộ, ngành có liên quan, liên Bộ Tài chính và Văn hoá - Thông tin hướng dẫn việc thu và sử dụng tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động và dịch vụ văn hoá, như sau:

 I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG.

1. Kể từ ngày 1-2-1996 mọi vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hoá đều phải xử phạt hành chính theo Nghị định số 88/CP ngày 14-12-1995 của Chính phủ.

2. Tổ chức, cá nhân đang thi hành công vụ khi xử lý vi phạm phải lập biên bản và ghi biên lai để đối tượng vi phạm nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước. Biên lai thu phạt phải do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) thống nhất phát hành (theo mẫu quy định). Việc quản lý và sử dụng biên lai thu tiền phạt được thực hiện theo chế độ ấn chỉ thuế của Bộ Tài chính.

- Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá do Bộ Văn hoá - Thông tin thống nhất theo mẫu trong cả nước.

3. Toàn bộ khoản thu về xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá phải tập trung vào ngân sách Nhà nước thông qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.

- Số thu về xử phạt được để lại 100% cho ngân sách địa phương để bổ sung kinh phí chi cho hoạt động giữ gìn trật tự, kỷ cương trong các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá trên địa bàn của tỉnh và thành phố (kể cả các khoản chi trực tiếp) cho các lực lượng của Trung ương tham gia vào giữ gìn trật tự kỷ cương về hoạt động văn hoá ở địa phương (các tỉnh và thành phố).

4. Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo và tạo điều kiện cho Kho bạc nhà nước tổ chức các điểm thu thích hợp để thực hiện việc thu nộp phạt được nhanh chóng, thuận tiện.

5. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá trên lãnh thổ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị xử phạt tiền có trách nhiệm nộp tiền phạt (bằng tiền Việt Nam) tại nơi quy định được ghi trong quyết định xử phạt.

II. NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ.

1. Nội dung chi để triển khai thực hiện Chỉ thị và Nghị định.

1.1. Ở Trung ương:

- Các hoạt động của các Bộ, ngành ở Trung ương nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị 814/TTg và Nghị định 87/CP ngày 12-12-1995 của Thủ tướng Chính phủ là hoạt động thường xuyên, liên tục được cân đối trong kế hoạch chi hàng năm của các Bộ, ngành thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý tài chính của Nhà nước.

1.2. Ở địa phương:

- Chi cho công tác tổ chức các đội kiểm tra văn hoá của địa phương (thành phố, quận, huyện, thị, phường, xã).

- Chi mua sắm, trang bị phương tiện cho công tác kiểm tra việc lập lại trật tự trong các hoạt động văn hoá và dịch cụ văn hoá trên từng địa bàn cụ thể.

- Chi cho công tác học tập, trao đổi nghiệp vụ của các cán bộ trong các đội kiểm tra và xử phạt hành chính, cán bộ chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị và Nghị định của Chính phủ.

- Chi phí cho việc chuyên chở các hiện vật bị thu giữ theo quyết định xử lý vi phạm và chi phí cho việc bảo quản chở xử lý các hiện vật thu giữ.

- Chi cho các hoạt động tuyên truyền phổ biến việc thực hiện Chỉ thị và Nghị định của Chính phủ lập lại trật tự kỷ cương trong các hoạt động và dịch vụ văn hoá, bài trừ các loại văn hoá độc hại.

- Chi cho việc in ấn tài liệu để tuyên truyền, kiểm tra và xử lý (theo mẫu thống nhất đã quy định).

- Chi cho Kho bạc Nhà nước theo quy định chung về thu và sử dụng tiền phạt các hành vi vi phạm hành chính.

- Chi bồi dưỡng cho những người làm nhiệm vụ ngoài giờ và những người có thành tích tham gia trong việc tuyên truyền giáo dục, phát hiện và xử lý các vi phạm. Cụ thể

+ Chi làm đêm, làm thêm giờ vận dụng theo Thông tư số 10/LĐTBXH-TL ngày 15/4/1995 của Bộ Lao động - thương binh và Xã hội.

+ Chi thưởng: Mức thưởng tối đa không quá 30% số tiền phạt đối với những vụ việc phức tạp (thưởng cho cả tập thể và cá nhân). Những người có thành tích liên tục trong năm tham gia vào công tác phòng, chống, phát hiện, xử lý v.v... có thể xét thường cho cả năm, nhưng mức thưởng tối đa không quá 200.000đ bình quân cho 1 tháng.

- Chi công tác phí (nếu có) theo chế độ hiện hành của Bộ Tài chính.

- Chi khác phát sinh phục vụ cho hoạt động thực hiện Nghị định của Chính phủ về lập lại trật tự văn hoá, mà chưa có trong các nội dung chi nêu ở trên, nhưng việc chi phải trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền duyệt và phải thực hiện đúng chế độ chi tiêu và quản lý tài chính hiện hành.

2. Lập dự toán chi và cấp phát kinh phí.

2.1.Căn cứ vào nội dung quy định ở điểm 1 phần II, các Bộ, ngành, các đơn vị được giao nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh, thành phố lập dự toán chi gửi cơ quan tài chính cùng cấp xét duyệt và cấp kinh phí cho hoạt động từng tháng, qui.

2.2. Sở Văn hoá Thông tin phối hợp với Sở Tài chính Vật giá căn cứ vào số thu về xử phạt và số chi theo nội dung quy định ở trên để cân đối kế hoạch thu chi, bảo đảm thu đúng, thu đủ, cấp phát kinh phí quản lý việc sử dụng kinh phí đúng mục đích, chế độ quy định và thực hiện duyệt quyết toán thu chi theo chế độ tài chính hiện hành.

3. Xử phạt và thu phạt.

3.1 Người có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và các dịch vụ văn hoá phải ra quyết định xử phạt làm cơ sở cho việc thu tiền phạt vào ngân sách. Quyết định xử phạt có 2 loại mẫu: Một loại sử dụng để phạt tiền đến 50.000đ, một loại sử dụng để xử phạt trong trường hợp phải lập biên bản vi phạm. (Theo mẫu đính kèm)

Người có thẩm quyền xử phạt khi ra quyết định xử phạt lập thành 3 bản (một bản giao cho người bị xử phạt, một bản giao cho cơ quan kho bạc Nhà nước do người bị xử phạt trực tiếp chuyển đến, một bản lưu tại cơ quan Nhà nước của người có thẩm quyền xử phạt). Đối với quyết định phạt tiền từ 2 triệu đồng trở lên phải lập thêm một bản quyết định xử phạt gửi Viện Kiểm soát nhân dân cùng cấp.

Để đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt, người bị xử phạt phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt giấy tờ tuy thân hoặc tài sản tương đương với số tiền bị xử phạt cho đến khi người vi phạm nộp đủ tiền phạt vào nơi quy định.

3.2. Kho bạc Nhà nước có thể thực hiện việc uỷ quyền thu tiền phạt cho một số đơn vị như: Bưu điện, Thuế, Ngân hàng, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc nộp kịp thời số thu về tiền phạt vào KBNN. Tiền thanh toán phí uỷ quyền thu được trích từ tổng số thu tiền phạt và nằm trong dự toán của KBNN tỉnh, thành phố được Sở Tài chính duyệt.

3.3 Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm hướng dẫn người bị phạt đến nộp tiền phạt tại các điểm thu tiền phạt thuận lợi nhất. Trong một số trường hợp đặc biệt, người bị xử phạt không thể nộp phạt tại các điểm thu trên địa bàn tỉnh, thành phố thì người xử phạt có thể đề nghị được nộp tại bất cứ điểm thu phạt nào của Kho bạc Nhà nước (hoặc do KBNN uỷ quyền) nhưng phải đảm bảo thời gian tối đa không quá 5 ngày. Kho bạc Nhà nước trung ương có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn việc thu tiền phạt. Khi nộp tiền phạt người bị xử phạt yêu cầu cơ quan Kho bạc Nhà nước (hoặc cơ quan KBNN uỷ quyền) cấp liên 2 và liên 3 biên lai thu tiền phạt (liên 3 nộp cho cơ quan quyết định phạt để làm căn cứ nhận lại giấy tờ hoặc tài sản).

3.4 Kho bạc Nhà nước thực hiện thu tiền phạt theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt. Trường hợp có khiếu nại và được cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì căn cứ vào quyết định giải quyết khiếu nại để cơ quan Kho bạc Nhà nước thu thêm, hoặc trả lại số chênh lệch theo quyết định mới. Định kỳ hàng quý, năm Kho bạc Nhà nước báo cáo quyết toán việc sử dụng biên lai thu tiền phạt với cơ quan thuế nơi cấp biên lai.

3.5 Định kỳ một tháng 2 lần vào ngày 15 và 30 hàng tháng, Kho bạc Nhà nước và cơ quan của người có thẩm quyển xử phạt tổng hợp, đối chiếu toàn bộ số tiền thu phạt (cả sổ đã thu và số chưa nộp) để nắm số tiền thu được, số chưa thu, chưa nộp và những trường hợp cần phải cưỡng chế thi hành.

3.6 Toàn bộ số tiền thu phạt hành chính về vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá được để lại 100% cho ngân sách địa phương và theo dõi riêng để bổ sung vào kinh phí cho công tác đảm bảo lập lại trật tự kỷ cương vế văn hoá, bài trừ các loại văn hoá độc hại. Số tiền thu phạt hành chính về vi phạm trật tự kỷ cương trong lĩnh vực văn hoá và dịch vụ văn hoá được ghi vào mục lục ngân sách: chương 99, loại 14, khoản 01, hạng 9, mục 47 xử phạt về văn hóa.

3.7 Hàng năm, Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Nội vụ và các địa phương phải lập dự toán kinh phí cho việc hoạt động lập lại trật tự kỷ cương về văn hoá chống các tệ nạn xã hội có liên quan đến hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá đồng thời trong kế hoạch ngân sách của Bộ, ngành gửi Bộ Tài chính để làm căn cứ lập dự toán ngân sách Nhà nước.

 

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN XỬ PHẠT TRONG VIỆC XỬ LÝ VÀ THU TIỀN PHẠT.

1. Người có thẩm quyền xử phạt khi xử lý các hành vi vi phạm phải căn cứ vào mức phạt cụ thể quy định tại Nghị định số 88/CP ngày 14 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ để quyết định đúng mức phạt, đồng thời hướng dẫn người bị xử phạt thực hiện quyết định xử phạt đúng quy định, nếu người bị phạt không chấp hành quyết định xử phạt (kéo dài thời gian nộp tiền, nộp không đủ, không nộp) thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền ra quyết định cưỡng chế và có nhiệm vụ tổ chức việc cưỡng chế theo Điều 55 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

2. Kho bạc Nhà nước Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ và hạch toàn thu tiền phạt phù hợp với các quy định trên đây. Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức các bàn thu tiền để thu kịp thời tiền phạt cho Nhà nước và đảm bảo toàn bộ số thu tiền phạt được cập nhật và theo dõi thường xuyên theo chế độ quản lý tài chính của Nhà nước.

3. Sở Tài chính vật giá các tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan Kho bạc Nhà nước kiểm tra giám sát việc thu tiền phạt và sử dụng tiền phạt theo đúng quy đinh.

4. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng nhiệm vụ được giao để thu tiền phạt mà không có quyết định xử phạt, không ghi biên lai hoặc giả mạo biển lai thu tiền phạt. Người có thẩm quyền xử phạt không được sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử phạt, hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức. Người lạm dụng quyền hạn vi phạm quy định thì tuỳ mức độ vi phạm của người đó mà xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Mọi tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định về xử phạt, thu tiền phạt, sử dụng tiền phạt sai nguyên tắc phải chịu trách nhiệm việc làm sai trái của mình hoặc của đơn vị mình trước pháp luật.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-2-1996, mọi quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

2. Đề nghị Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ biến rộng rãi và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đúng các quy định trong Thông tư này.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Tào Hữu Phùng