• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/07/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2016
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 43/2010/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Trà Vinh, ngày 14 tháng 7 năm 2010

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung Điều 16 và Điều 17 của Thông tư số 06/TT-BNN-NNPTNT ngày 02/02/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản

______________

Căn cứ Nghị định 01/2008/CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi điều 3 Nghị định 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Căn cứ Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28/11/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Điều 16 và Điều 17 của Thông tư số 06/2010/TT-BNNPTNT ngày 02/02/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 và Điều 17 của Thông tư số 06/2010/TT-BNNPTNT ngày 02/02/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản như sau:

  1. Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau:

  “Điều 16. Đăng ký, khai báo kiểm dịch thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu

1. Chủ hàng có nhu cầu nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản phải đăng ký kiểm dịch nhập khẩu với Cục Thú y.

Đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu bị triệu hồi hoặc bị trả về, sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài: Chủ hàng không phải đăng ký kiểm dịch nhập khẩu với Cục Thú y mà chỉ khai báo với cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu.

2. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch nhập khẩu gồm:

a) Đơn đăng ký kiểm dịch nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản (chủ hàng có thể dự trù kế hoạch nhập khẩu hàng hoá trong thời gian 03 tháng kể từ ngày làm đơn đăng ký kiểm dịch nhập khẩu);

b) Bản sao công chứng giấy đăng ký kinh doanh (đối với doanh nghiệp); Doanh nghiệp chỉ phải nộp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu hoặc sau khi thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh;

c) Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch (Health Certificate/Sanitary Certificate) của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu (theo yêu cầu);

Riêng đối với động vật thủy sản (theo quy định tại điểm a, mục 1 của Phụ lục 1) khi nhập khẩu vào Việt Nam phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y quốc gia nước xuất khẩu cấp, xác nhận: Động vật thủy sản khỏe mạnh, có nguồn gốc từ cơ sở nuôi hoặc vùng nuôi hoặc quốc gia an toàn dịch bệnh hoặc đã được kiểm tra không có các bệnh trong Danh mục các bệnh thủy sản của OIE đối với loài động vật thủy sản đó.

d) Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền nuôi trồng thuỷ sản đối với giống thủy sản không có tên trong Danh mục giống thuỷ sản được phép sản xuất, kinh doanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

đ) Giấy phép của cơ quan CITES Việt Nam đối với thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản thuộc những loài có trong Danh mục động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc quy định tại các Phụ lục của Công ước CITES.

e) Giấy chứng nhận vệ sinh thú y nơi nuôi cách ly kiểm dịch đối với thủy sản giống (nếu có);

f) Các tài liệu khác liên quan đến lô hàng nhập khẩu (theo yêu cầu của Cục Thú y đối với từng đối tượng cụ thể).

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, căn cứ tình hình dịch bệnh thủy sản của nước xuất khẩu và trong nước, Cục Thú y có trách nhiệm trả lời cho chủ hàng và hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền kiểm tra vệ sinh thú y nơi cách ly kiểm dịch (đối với thuỷ sản giống); cơ quan kiểm dịch động vật kiểm dịch thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu.

4. Sau khi được Cục Thú y chấp thuận, chủ hàng phải khai báo với cơ quan kiểm dịch động vật được Cục Thú y chỉ định trước khi hàng đến cửa khẩu ít nhất 04 ngày đối với thủy sản, 02 ngày đối với sản phẩm thủy sản để thực hiện việc kiểm dịch.

Hồ sơ khai báo kiểm dịch nhập khẩu gồm:

a) Giấy đăng ký kiểm dịch (mẫu 3); trong trường hợp cần thiết, cơ quan kiểm dịch động vật có thể yêu cầu chủ hàng khai báo thêm mẫu khai báo kiểm dịch thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản xuất, nhập khẩu (mẫu 2);

b) Văn bản trả lời của Cục Thú y về việc kiểm dịch nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản;

c) Bản sao chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu (nếu có);

Trong thời gian 01 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan kiểm dịch động vật thông báo cho chủ hàng địa điểm, thời gian kiểm dịch.

5. Đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu bị triệu hồi hoặc bị trả về.

Chủ hàng khai báo với cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu, hồ sơ khai báo kiểm dịch nhập khẩu gồm:

a.Giấy đăng ký kiểm dịch (mẫu 3);

b.Bản sao Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm thủy sản (nếu có);

6. Đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu để gia công, chế biến hàng xuất khẩu sang các nước:

Hồ sơ khai báo kiểm dịch nhập khẩu theo quy định tại điểm a, b, đ khoản 2 Điều 16 của Thông tư này.

7. Đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài:

Chủ hàng khai báo với cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu, hồ sơ khai báo kiểm dịch nhập khẩu gồm: Giấy đăng ký kiểm dịch (mẫu 3);”

  2. Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:

  “Điều 17. Kiểm dịch thuỷ sản, sản phẩm thuỷ sản tại cửa khẩu nhập

Cơ quan kiểm dịch động vật thực hiện:

1. Kiểm tra hồ sơ khai báo kiểm dịch nhập khẩu.

a) Hồ sơ kiểm dịch nhập khẩu theo quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 16 của Thông tư này;

b) Giấy chứng nhận kiểm dịch (bản gốc) nội dung phù hợp với chi tiết lô hàng (về chủng loại, số lượng, khối lượng, kích cỡ, bao gói).

2. Kiểm tra thực trạng hàng nhập; đối chiếu với chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu về chủng loại, kích cỡ, số lượng, khối lượng, tình trạng bao gói, nhãn hàng hoá.

3. Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, khử trùng tiêu độc phương tiện vận chuyển; thực hiện hoặc giám sát chủ hàng xử lý chất thải, chất độn phát sinh trong quá trình vận chuyển hàng.

4. Nếu hàng nhập khẩu đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, giấy chứng nhận kiểm dịch và các giấy tờ khác có liên quan hợp lệ thì cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thực hiện:

a) Cấp giấy vận chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu về nơi cách ly kiểm dịch (mẫu 6) cho phép chủ hàng đưa hàng về nơi cách ly kiểm dịch (đối với trường hợp phải cách ly kiểm dịch) hoặc cơ sở nơi tiếp nhận lô hàng để thực hiện kiểm dịch, kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm; 

b) Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu (mẫu 7) đối với các lô hàng không phải cách ly kiểm dịch, không phải lấy mẫu xét nghiệm bệnh và kiểm tra vệ sinh thú y;

Giấy vận chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu về nơi cách ly kiểm dịch (mẫu 6) hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu (mẫu 7) là cơ sở để cơ quan Hải quan cửa khẩu làm thủ tục thông quan hàng hóa.

5. Hướng dẫn chủ hàng những yêu cầu cần thiết trong quá trình vận chuyển hàng từ cửa khẩu đến nơi cách ly kiểm dịch.

6. Đối với thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu không làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập mà chuyển làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu hoặc điểm thông quan khác, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu nhập thực hiện:

a) Theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này;

b) Giám sát quá trình bốc xếp thủy sản, sản phẩm thủy sản lên phương tiện vận chuyển;

c) Niêm phong phương tiện vận chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản;

d) Thực hiện hoặc giám sát việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc nơi tập trung bốc xếp thủy sản, sản phẩm thủy sản;

đ) Cấp giấy vận chuyển thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu về nơi cách ly kiểm dịch (mẫu 6) và thông báo những thông tin cần thiết về lô hàng cho cơ quan kiểm dịch động vật phụ trách cửa khẩu đến.

7. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y, cơ quan kiểm dịch động vật thực hiện xử lý theo quy định.

8. Đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu bị triệu hồi hoặc bị trả về.

a) Kiểm tra điều kiện bảo quản, quy cách bao gói, ghi nhãn, ngoại quan của sản phẩm tại nơi tập kết;

b) Xác nhận vào Giấy đăng ký kiểm dịch để chủ hàng làm thủ tục khai hải quan;

c) Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện hàng hóa không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y thì lấy mẫu để kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu (mẫu 7) đối với lô hàng đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y.

9. Đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam để gia công, chế biến hàng xuất khẩu sang các nước.

Cơ quan kiểm dịch động vật thực hiện: Kiểm tra hồ sơ khai báo kiểm dịch của lô hàng nhập khẩu để gia công, chế biến hàng xuất khẩu theo quy định tại điểm b, c khoản 4 Điều 16 và điểm c, khoản 8 Điều 17 của Thông tư này.

10. Đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài:

a) Kiểm tra thực trạng hàng hóa;

b) Thực hiện theo quy định nêu tại điểm b, c khoản 8 của Điều này.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Diệp Kỉnh Tần

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.