THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá
_________________________
Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá số 09/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Bao bì thuốc lá là bao, tút, hộp chứa đựng thuốc lá và lưu thông cùng với thuốc lá.
Điều 3. Yêu cầu về ghi nhãn trên bao bì thuốc lá
1. Việc ghi nhãn trên bao bì thuốc lá phải được thực hiện theo đúng quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và các quy định của Thông tư liên tịch này.
2. Nhãn thuốc lá phải thể hiện các nội dung sau:
a) Tên hàng hoá;
b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá;
c) Xuất xứ hàng hoá (đối với thuốc lá nhập khẩu);
d) Định lượng của hàng hóa;
đ) Cảnh báo sức khỏe;
e) Dán tem hoặc in mã số, mã vạch.
g) Ngày sản xuất; ngày hết hạn sử dụng.
3. Nhãn thuốc lá phải được ghi bằng tiếng Việt, không được sử dụng các hình thức hoặc từ ngữ tạo cho người tiêu dùng hiểu sai về tính chất, tác động của thuốc lá đối với sức khỏe như: ít hắc ín (low tar), nhẹ (light), siêu nhẹ (ultra light), dịu êm (mild) hoặc các từ, cụm từ khác có nghĩa hoặc cách hiểu tương tự làm cho người tiêu dùng hiểu sản phẩm thuốc lá này ít có ảnh hưởng tới sức khỏe hơn sản phẩm thuốc lá khác, trừ trường hợp các từ, cụm từ trên là một phần của nhãn hiệu thuốc lá đã được đăng ký và bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trước ngày Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực.
Điều 4. Yêu cầu về cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá
1. Mẫu cảnh báo sức khoẻ:
Thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải in cảnh báo sức khoẻ trên bao bì theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này. Cảnh báo sức khỏe phải bảo đảm được in rõ nét và dễ nhìn.
2. Vị trí in cảnh báo sức khỏe:
a) Cảnh báo sức khỏe phải được in trên mặt chính trước và mặt chính sau của bao bì thuốc lá và phải bảo đảm không bị che lấp hoặc che mờ bởi bất kỳ vật liệu, hình ảnh, thông tin nào khác, trừ việc dán tem thuốc lá theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thuốc lá có nhiều bao bì thì cảnh báo sức khỏe phải được in trên tất cả bao bì theo quy định tại Thông tư liên tịch này.
Trường hợp bao bì thuốc lá có sử dụng bao bọc ngoài thì bao bọc ngoài phải trong suốt, không màu và không làm che lấp cảnh báo sức khỏe, trừ trường hợp bao bọc ngoài có in logo chống hàng giả, hàng nhái của doanh nghiệp đã được đăng ký và bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam trước ngày Thông tư liên tịch này được ban hành.
b) Cảnh báo sức khoẻ phải được in song song sát với rìa trên của bao bì thuốc lá.
3. Diện tích in cảnh báo sức khỏe:
Diện tích in cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao bì thuốc lá.
4. Màu sắc của cảnh báo sức khỏe:
Cảnh báo sức khỏe phải được in từ 4 màu cơ bản trở lên, độ phân giải khi in không được dưới 300DPI (dot per inch).
5. Sử dụng luân phiên các mẫu cảnh báo sức khỏe:
a) Mỗi loại sản phẩm thuốc lá của một nhãn hiệu thuốc lá phải in trên bao bì thuốc lá một trong 06 mẫu cảnh báo sức khỏe quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này. Các loại sản phẩm thuốc lá của một nhãn hiệu thuốc lá, các nhãn hiệu thuốc lá khác nhau của một nhà sản xuất phải in các mẫu cảnh báo sức khỏe khác nhau. Trường hợp một nhãn hiệu thuốc lá có trên 06 loại sản phẩm, một nhà sản xuất có trên 06 nhãn hiệu thuốc lá thì phải in đồng thời đủ 06 mẫu cảnh báo sức khỏe.
b) Mẫu cảnh báo sức khỏe của mỗi loại sản phẩm thuốc lá phải được thay đổi định kỳ 02 năm một lần.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2013.
2. Bãi bỏ các quy định về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá tại Quyết định số 02/2007/QĐ-BYT ngày 15 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về vệ sinh an toàn đối với sản phẩm thuốc lá kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực.
Điều 6. Điều khoản chuyển tiếp
1. Sản phẩm thuốc lá dạng bao mềm được sản xuất, nhập khẩu từ ngày 01 tháng 5 năm 2013 để tiêu thụ tại Việt Nam phải in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của Thông tư liên tịch này và không chậm hơn 06 tháng kể từ ngày Thông tư liên tịch này được ban hành.
2. Sản phẩm thuốc lá dạng bao cứng được sản xuất, nhập khẩu từ ngày 01 tháng 5 năm 2013 để tiêu thụ tại Việt Nam phải in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của Thông tư liên tịch này và không chậm hơn 10 tháng kể từ ngày Thông tư liên tịch này được ban hành.
3. Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá có trách nhiệm kê khai số lượng bao, tút, hộp thuốc lá đã được ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe theo quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 5 năm 2013 và báo cáo Bộ Y tế, Bộ Công Thương để xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.
Điều 7. Trách nhiệm thi hành
1. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch này.
2. Bộ Y tế giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Công Thương giao Vụ Khoa học công nghệ chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch này.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Công Thương hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch này tại địa phương.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh), Bộ Công Thương (Vụ Khoa học Công nghệ) để nghiên cứu, giải quyết./.