CHỈ THỊ
Về việc sản xuất giống, nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
______________________________
Tôm chân trắng (Litopenaus vannamei hoặc Penaus vannamei) hiện nay đang nuôi ở nước ta là đối tượng nhập nội, có nguồn gốc từ châu Mỹ; tôm phát triển tốt và cho năng suất cao, giá thành thấp, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi và sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, tôm chân trắng có những nhược điểm cơ bản như thường mắc những bệnh của tôm sú, mang hội chứng Taura dễ lây lan cho các loài tôm khác, làm mất an ninh sinh thái và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất thủy sản và môi trường tự nhiên.
Thực hiện Chỉ thị số 228/CT-BNN-NTTS ngày 25 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phát triển nuôi tôm chân trắng; Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành một số quy định về điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm chân trắng; để đảm bảo phát triển ổn định và bền vững nghề nuôi thủy sản và ngăn chặn có hiệu quả việc tự phát nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Chỉ thị:
1. Các tổ chức, cá nhân sản xuất giống tôm chân trắng phải tuân thủ nghiêm và đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Chương II của Quy định điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm chân trắng ban hành kèm theo Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định hiện hành có liên quan.
2. Việc nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh chỉ được thực hiện theo hình thức thâm canh. Các cơ sở nuôi tôm chân trắng thâm canh phải thực hiện đúng các quy định tại Chương III của Quy định điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm chân trắng ban hành kèm theo Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các điều kiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản.
3. Đối với các trường hợp vi phạm, phải kiên quyết hủy và xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có liên quan xây dựng quy hoạch vùng nuôi tôm chân trắng của tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức công bố quy hoạch, triển khai thực hiện và hướng dẫn, giám sát việc nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh;
b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác khuyến ngư về nuôi tôm chân trắng để nghề nuôi tôm chân trắng phát triển bền vững; tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn về nuôi tôm chân trắng theo kế hoạch, quy hoạch đã được phê duyệt gắn với việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thực hiện tốt công tác kiểm dịch giống và kiểm soát dịch bệnh tôm chân trắng; ngăn chặn kịp thời tôm giống chân trắng không đạt tiêu chuẩn chất lượng di nhập vào tỉnh và thả nuôi.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tăng cường quản lý và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý tốt địa bàn về nuôi tôm chân trắng theo kế hoạch, quy hoạch đã được phê duyệt. Kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với những trường hợp nuôi tôm chân trắng không đúng quy định tại tiêu chuẩn “28 TCN 191:2004”; sản xuất, lưu hành tôm giống không đạt tiêu chuẩn chất lượng; để tôm chân trắng thoát ra các vùng nước xung quanh; gây ô nhiễm môi trường, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh vùng nuôi và các quy định có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Trà Vinh phổ biến rộng rãi nội dung Chỉ thị này để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thông suốt và nghiêm chỉnh chấp hành.
7. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này; định kỳ 6 tháng, 01 năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 05/2006/CT-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển và ương nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh./.