THÔNG TƯ
Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng tiền thu từ chống buôn lậu
Thực hiện Nghị quyết Chính phủ số 85/CP ngày 11 tháng 7 năm 1997 về phiên họp thường kỳ tháng 6 năm 1997 của Chính phủ; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 853/1997/CT-TTg ngày 11 tháng 10 năm 1997 về đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới; Thông báo số 158/TB ngày 29 tháng 12 năm 1997 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về các giải pháp chống buôn lậu ở biên giới Tây Nam; Thông tư liên tịch Bộ Thương mại - Nội vụ - Tài chính - Tổng cục Hải quan số 07/1997/TTLT/BTM-BNV-BTC-TCHQ ngày 21/10/1997 hướng dẫn thực hiện việc chống buôn lậu và tổ chức phối hợp lực lượng chống buôn lậu, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý và sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng buôn lậu như sau:
I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
1. Phạm vi áp dụng:
Phạm vi áp dụng của Thông tư này là toàn bộ số tiền thu được từ chống buôn lậu do lực lượng chống buôn lậu các cấp bắt giữ và xử lý.
2. Các khoản thu từ chống buôn lậu bao gồm:
Tiền phạt do các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu nộp, theo quyết định xử phạt hoặc quyết định xử lý khiếu nại (nếu có) của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6/7/1995 và các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh này.
Tiền bán hàng hoá, tang vật, phương tiện tịch thu theo quy định tại Thông tư liên tịch Bộ Thương mại - Nội vụ - Tài chính - Tổng cục Hải quan số 07-1997/TTLT/BTM-BNV-BTC-TCHQ ngày 21/10/1997.
3. Đối tượng được trích thưởng:
Lực lượng tham gia hoạt động chống buôn lậu gồm có:
Lực lượng thuế, hải quan, biên phòng, nội vụ, thanh tra, quản lý thị trường và các lực lượng khác được giao nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm về buôn lậu theo quy định của pháp luật; Lực lượng do các xã, huyện tổ chức theo thẩm quyền quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính;
Các tổ chức và cá nhân có thành tích tham gia hoạt động chống buôn lậu.
II. TẬP TRUNG CÁC KHOẢN THU:
1. Nguyên tắc tập trung các khoản thu:
Tiền thu từ chống buôn lậu được tập trung vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước.
Đối với những vụ chống buôn lậu trên biển ở vùng biển thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi là tỉnh) nào thì tiền thu từ chống buôn lậu được đưa vào tài khoản tạm giữ của tỉnh đó. Trường hợp có sự tranh chấp thì lấy địa điểm bắt giữ hàng buôn lậu để làm căn cứ giải quyết.
2. Mở tài khoản tạm giữ:
Sở Tài chính Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước tỉnh để tập trung thu các khoản thu từ chống buôn lậu do các lực lượng của Trung ương và tỉnh trực tiếp kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý. Đối với những vụ việc kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý tại địa điểm ở xa nơi mở tài khoản tạm giữ thì các khoản tiền thu từ chống buôn lậu được tạm nộp vào Kho bạc Nhà nước quận, huyện. Kho bạc Nhà nước quận, huyện có trách nhiệm tập trung toàn bộ số tiền này về tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính tại Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Phòng Tài chính huyện mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước huyện để tập trung thu các khoản thu từ chống buôn lậu do các lực lượng của huyện, xã trực tiếp tổ chức kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý. Phòng Tài chính huyện có trách nhiệm mở tiểu khoản của tài khoản tạm giữ theo dõi riêng các khoản thu của xã để phân phối theo quy định tại mục III dưới đây.
Đối với một số xã, thị trấn giáp biên giới nơi tổ chức thường xuyên công tác chống buôn lậu thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện xem xét cho phép xã được mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc huyện để tập trung nguồn thu từ công tác chống buôn lậu do lực lượng xã phát hiện, bắt giữ, xử lý.
Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí, trích các khoản tiền thưởng chống buôn lậu, phân phối nguồn thu theo các quy định ở mục III dưới đây.
III. PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG TIỀN THU TỪ CHỐNG BUÔN LẬU
1. Căn cứ xác định nguồn thu từ chống buôn lậu để phân phối, sử dụng:
Nguồn thu về chống buôn lậu xác định để phân phối sử dụng trên cơ sở các căn cứ sau:
Quyết định xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không có khiếu nại trong thời gian pháp luật quy định.
Số tiền thu từ chống buôn lậu thực nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước.
2. Phân phối tiền thu từ chống buôn lậu:
a. Tiền thu từ chống buôn lậu được chi hoàn trả các khoản chi phí như: Chi phí điều tra, truy bắt, xác minh, bốc dỡ, vận chuyển, bảo quản, kiểm nghiệm, tổ chức bán hàng hoá, tang vật tịch thu.
Cơ quan Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, duyệt, chi trả các khoản chi phí chống buôn lậu theo đúng chế độ quy định.
b. Tổng số tiền còn lại sau khi trừ chi phí nêu trên được trích 30% để thưởng cho các tổ chức và cá nhân có thành tích chống buôn lậu và chi bổ sung kinh phí phục vụ công tác chống buôn lậu cho các đơn vị được giao nhiệm vụ đã có công phát hiện xử lý.
c. Số còn lại (70%) để lại ngân sách địa phương sử dụng để mua sắm phương tiện chống buôn lậu cho các lực lượng chống buôn lậu tại địa phương và các nội dung khác theo hướng dẫn tại điểm 3b dưới đây. Cụ thể:
Đối với những vụ việc do lực lượng chống buôn lậu Trung ương và tỉnh trực tiếp tổ chức điều tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý thì để lại ngân sách tỉnh.
Đối với những vụ việc do lực lượng của huyện, xã trực tiếp tổ chức điều tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý thì để lại cho ngân sách huyện, xã.
3. Sử dụng tiền thu từ chống buôn lậu:
a. Số tiền được trích (30%) để thưởng và bổ sung kinh phí cho các tổ chức và cá nhân có thành tích chống buôn lậu nói tại điểm 2b trên đây được phân phối như sau:
30% dùng để chi bồi dưỡng, chi khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích chống buôn lậu, các khoản chi phí bổ sung cho công tác chống buôn lậu như: chi cho công tác tuyên truyền, tổng kết; Chi bồi dưỡng trong thời gian điều trị cho các cán bộ thuộc các lực lượng bị tai nạn trong quá trình điều tra bắt giữ; Chi tiền viện phí cho các trường hợp không có chế độ bảo hiểm y tế.
Tiền thưởng cho cá nhân cao nhất không quá 300.000 đồng/vụ và không quá 1.000.000 đồng/người/tháng. Trong trường hợp đặc biệt, do việc điều tra, bắt giữ, xử lý vụ việc phức tạp, tốn nhiều công sức thì thủ trưởng các đơn vị được trích thưởng xem xét quyết định mức thưởng cụ thể cho từng vụ trong khuôn khổ nguồn tiền thưởng được trích.
Trường hợp một vụ việc do nhiều ngành của địa phương tham gia, thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ có trách nhiệm xem xét việc chia tiền thưởng được trích cho các đơn vị đó một cách công khai, dân chủ tuỳ thuộc tính chất phức tạp của vụ việc và mức độ tham gia của từng đơn vị.
60% dùng cho việc mua sắm bổ sung các phương tiện chống buôn lậu của đơn vị.
Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm lập kế hoạch mua sắm bổ sung trang thiết bị gửi cơ quan tài chính cùng cấp xét duyệt. Việc chi mua sắm phương tiện trang bị cho các lực lượng chống buôn lậu, phải tuân thủ theo đúng chế độ quản lý chi ngân sách Nhà nước hiện hành.
10% nộp lên cấp trên trực tiếp chỉ đạo công tác chống buôn lậu trong toàn ngành để thưởng cho các bộ phận phối hợp và chi cho công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn, sơ kết, tổng kết. Trong trường hợp không có cơ quan cấp trên thì được để lại đơn vị để bổ sung kinh phí mua sắm các phương tiện chống buôn lậu.
Số tiền thưởng và bổ sung kinh phí cho các đơn vị cuối năm không sử dụng hết được kết chuyển sang năm sau để sử dụng tiếp.
b. Số tiền để lại cho địa phương (70%) được nộp vào Ngân sách các cấp được sử dụng theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, tập trung cho các mục tiêu sau:
Mua sắm phương tiện chống buôn lậu cho các lực lượng chống buôn lậu tại địa phương.
Bổ sung vốn xây dựng cơ bản cho các công trình cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội trên địa bàn.
Căn cứ vào tình hình cụ thể và khoản tiền thu được để lại ngân sách tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định hỗ trợ thêm cho các quận, huyện trong công tác tổ chức chống buôn lậu trên địa bàn trọng điểm. Đặc biệt ở những địa phương vùng giáp biên giới phải ưu tiên chi hỗ trợ cho các xã giáp biên giới (nếu có) để tổ chức chống buôn lậu; Cân đối vốn cho các công trình cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội tại xã.
Trang trải các chi phí liên quan tới công tác chống buôn lậu tại địa phương như chi cho công tác tuyên truyền, sơ kết, tổng kết công tác chống buôn lậu.
Việc chi mua sắm phương tiện trang bị cho các lực lượng chống buôn lậu, chi xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, công trình hạ tầng cơ sở phải tuân thủ theo các quy định về quản lý chi tiêu tài chính và chi đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành của Nhà nước.
Tạm ứng chi thưởng và bồi dưỡng cho đơn vị theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong các trường hợp cần thiết, tài sản bắt giữ chưa tổ chức bán đấu giá được. Mức tạm ứng không quá 40% mức dự kiến chi thưởng và bổ sung kinh phí của đơn vị được giao nhiệm vụ chống buôn lậu được hưởng. Sau khi bán đấu giá tang vật tịch thu, cơ quan tài chính thực hiện hoàn trả số tiền tạm ứng.
IV. HẠCH TOÁN, KẾ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN
Các đơn vị được trích thưởng về công tác chống buôn lậu phải mở sổ sách, chứng từ, thực hiện việc hạch toán, kế toán tình hình tập trung, sử dụng tiền thu từ chống buôn lậu theo quy định quản lý tài chính hiện hành.
Các cơ quan tài chính, các đơn vị quản lý và sử dụng ngân sách thực hiện việc lập quyết toán và báo cáo quyết toán theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.
Đối với số tiền bán hàng lậu tịch thu khi nộp vào ngân sách Nhà nước được hạch toán vào chương tương ứng, loại 10, khoản 10, mục 052, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và giải quyết các vụ việc cụ thể tiền thu được từ chống buôn lậu theo quy định tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, đồng thời bãi bỏ Thông tư số 80/1997/TT-BTC ngày 07/11/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng tiền thu từ chống buôn lậu.
Những vụ buôn lậu đã phát hiện, bắt giữ nhưng chưa xử lý tính đến ngày có hiệu lực của Thông tư này thì giải quyết theo quy định tại Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì đề nghị các ngành, các cấp kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.