THÔNG TƯ
Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 26
tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy
về quản lý sau cai nghiện ma túy về trình tự, thủ tục áp dụng
biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý
_______________________
Căn cứ Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Để thực hiện thống nhất các quy định của Chính phủ về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi tiết thi hành một số nội dung cụ thể như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn một số điều về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý theo Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy (sau đây gọi tắt là Nghị định 94/2009/NĐ-CP).
2. Thông tư này được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến việc áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý theo Nghị định 94/2009/NĐ-CP.
Điều 2. Xác định đối tượng bị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý tại Trung tâm
Việc xác định đối tượng bị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý tại Trung tâm phải được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 17 Nghị định 94/2009/NĐ-CP như sau:
1. Việc xác định học viên cai nghiện (sau đây gọi tắt là học viên) trong thời gian 6 tháng có hành vi vi phạm nội quy, quy chế của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội phải căn cứ vào hành vi của học viên trong 6 tháng cuối của việc chấp hành Quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh theo Nghị định 135/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh (sau đây gọi tắt là Nghị định 135/2004/NĐ-CP). Hành vi vi phạm nội quy, quy chế, các hình thức kỷ luật được xác định trên cơ sở hồ sơ quản lý học viên tại Trung tâm.
2. Việc xác định người không có nghề nghiệp, có nghề nghiệp nhưng không có việc làm ổn định trước khi vào cơ sở cai nghiện ma túy như sau:
a) Người không có nghề nghiệp là người chưa được học nghề và không có việc làm tạo thu nhập để đảm bảo cuộc sống của bản thân;
b) Người có nghề nghiệp nhưng không có việc làm ổn định là người không có việc làm thường xuyên để tạo thu nhập đảm bảo cuộc sống của bản thân.
Trước khi kết thúc thời gian cai nghiện bắt buộc 30 ngày, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội đề nghị gia đình học viên viết Giấy xác nhận về tình trạng nghề nghiệp và việc làm của học viên có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi học viên cư trú.
3. Việc xác định người không có nơi cư trú nhất định, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội căn cứ vào hồ sơ đưa học viên vào cơ sở chữa bệnh theo Điều 16 Nghị định 43/2005/NĐ-CP ngày 5 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định việc đưa người nghiện ma tuý, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh (Sau đây gọi tắt là Nghị định 43/2005/NĐ-CP). Người không có nơi cư trú nhất định là người được đưa vào cơ sở chữa bệnh theo Nghị định 43/2005/NĐ-CP mà trong quá trình chấp hành Quyết định cai nghiện tại cơ sở chữa bệnh vẫn không xác định được có nơi cư trú nhất định. Trường hợp người xác định có nơi cư trú nhất định trong quá trình chấp hành Quyết định cai nghiện tại cơ sở chữa bệnh phải có xác nhận của gia đình và chính quyền địa phương. Trước khi kết thúc thời gian cai nghiện bắt buộc 30 ngày, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội đề nghị gia đình học viên viết Giấy xác nhận về tình trạng cư trú của học viên có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi học viên cư trú.
4. Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội căn cứ hồ sơ quản lý học viên tại Trung tâm để đánh giá việc chấp hành kỷ luật, học tập và rèn luyện của học viên. Học viên có ý thức chấp hành kỷ luật, học tập và rèn luyện tốt là học viên trong quá trình cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội không vi phạm kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
Điều 3. Hồ sơ của đối tượng cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (Điểm a Khoản 2 Điều 6 và Điểm a Khoản 2 Điều 18 Nghị định 94/NĐ-CP)
Hồ sơ của đối tượng cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (Bản sao có đóng dấu của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội) gồm:
1. Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh theo quy định tại Điều 9 Nghị định 135/2004/NĐ-CP hoặc Điều 16 Nghị định 43/2005/NĐ-CP;
2. Quyết định việc đưa vào cơ sở chữa bệnh theo Điều 12 Nghị định 135/2004/NĐ-CP;
3. Tài liệu, hồ sơ quản lý học viên trong quá trình cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.
Điều 4. Hội đồng xét duyệt người có nguy cơ tái nghiện cao
1. Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành lập Hội đồng xét duyệt người có nguy cơ tái nghiện cao. Thành phần gồm lãnh đạo Trung tâm và Trưởng các Phòng, ban, đội, tổ của Trung tâm. Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội là Chủ tịch Hội đồng, Trưởng phòng Quản lý - Giáo dục là Thư ký Hội đồng.
Đối với Trung tâm đã thành lập Hội đồng khen thưởng, kỷ luật học viên theo Quy chế mẫu về khen thưởng, kỷ luật tại Quyết định số 60/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 25 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì Hội đồng này đồng thời là Hội đồng xét duyệt người có nguy cơ tái nghiện cao.
2. Hội đồng xét duyệt người có nguy cơ tái nghiện cao tổ chức họp và biểu quyết đối với từng học viên, theo nguyên tắc đa số. Trường hợp biểu quyết với số ý kiến bằng nhau thì ý kiến của Chủ tịch Hội đồng là ý kiến quyết định nhưng phải ghi rõ vào biên bản phiên họp. Biên bản phiên họp xét duyệt người có nguy cơ tái nghiện cao phải ghi rõ ý kiến phát biểu của các thành viên tham dự.
3. Kết quả phiên họp Hội đồng được niêm yết công khai và thông báo trên loa truyền thanh của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội. Sau 3 ngày thông báo mà không có ý kiến phản ánh thì Giám đốc Trung tâm hoàn thiện hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý. Trường hợp có ý kiến phản ánh thì Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội phải báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết.
Điều 5. Điều kiện để xét người sau cai nghiện được hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý tại trung tâm
1. Người sau cai nghiện có một trong các điều kiện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 23 Nghị định 94/2009/NĐ-CP thì được xem xét việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định quản lý sau cai nghiện ma tuý.
2. Gia đình của người sau cai nghiện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là các gia đình đang bị thiên tai, hoả hoạn hoặc có người thân (Bố, mẹ, con, vợ hoặc chồng) đang bị thi hành án phạt tù, bị tai nạn hay bị bệnh nặng mà ngoài người sau cai ra không còn ai để lao động duy trì cuộc sống gia đình, khắc phục thiên tai, hoả hoạn hoặc chăm sóc người bệnh, người bị tai nạn.
Điều 6. Nội dung thẩm tra hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý và hoãn, miễn áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý tại Trung tâm của Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (Điều 19 Nghị định 94/2009/NĐ-CP)
1. Căn cứ vào Khoản 2 Điều 6, Khoản 2 Điều 18, Khoản 1 và 2 Điều 23 của Nghị định 94/2009/NĐ-CP, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm tra về đối tượng, tính hợp pháp, việc tuân thủ quy trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý và hồ sơ đề nghị hoãn, miễn áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý của Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, Trung tâm quản lý sau cai nghiện.
2. Trường hợp hồ sơ không đáp ứng yêu cầu quy định, trong thời hạn chậm nhất là 2 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, Trung tâm quản lý sau cai nghiện bổ sung hồ sơ.
Thời điểm thẩm tra tính từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý.
Điều 7. Trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý
1. Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý.
2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy; giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy theo thẩm quyền.
3. Chi Cục trưởng Chi Cục phòng, chống tệ nạn xã hội hoặc Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy; hướng dẫn Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội trong việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy.
4. Trưởng Phòng Lao động - Thương binh Xã hội có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, thẩm tra hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý; báo cáo kịp thời về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và phối hợp với Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội xác minh, đề xuất giải quyết trường hợp có quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý nhưng thuộc diện được hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định.
Điều 8. Về thi hành quyết định quản lý sau cai nghiện ma tuý tại nơi cư trú và tại Trung tâm
1. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ký quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội phải bàn giao người và hồ sơ cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.
Trường hợp người sau cai nghiện có nơi cư trú không thuộc tỉnh, thành phố lập hồ sơ đưa vào cơ sở chữa bệnh thì Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội gửi hồ sơ cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú qua đường bưu điện. Người sau cai nghiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý có trách nhiệm tự khai báo với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú để được quản lý. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người sau cai nghiện cư trú có trách nhiệm tiếp nhận người và hồ sơ để áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý đồng thời thông báo bằng văn bản việc tiếp nhận cho cơ quan ban hành Quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý và Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội nơi lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý để phối hợp quản lý.
2. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ký quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội phải bàn giao người và hồ sơ cho Trung tâm quản lý sau cai nghiện hoặc bộ phận quản lý sau cai nghiện đối với địa phương không thành lập Trung tâm quản lý sau cai nghiện.
Điều 9. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
2. Ban hành kèm theo Thông tư này các mẫu sau:
a) Biên bản Hội đồng xét duyệt đối tượng có nguy cơ tái nghiện cao (Mẫu số 1);
b) Quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (Mẫu số 2);
c) Đơn đề nghị hoãn (miễn) chấp hành quyết định quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý (Mẫu số 3);
d) Biên bản bàn giao người sau cai nghiện ma tuý (Mẫu số 4);
e) Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định quản lý sau cai nghiện ma tuý tại nơi cư trú (Mẫu số 5);
g) Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định quản lý sau cai nghiện ma tuý tại Trung tâm (Mẫu số 6);
h) Giấy xác nhận của gia đình học viên về tình trạng nghề nghiệp, việc làm của học viên (Mẫu số 7);
i ) Giấy xác nhận của gia đình học viên về tình trạng cư trú của học viên sau cai nghiện (Mẫu số 8).
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.