• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/03/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 15/03/2011
BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN
Số: 04/1998/TT-BVHTT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tuyên Quang, ngày 11 tháng 7 năm 1998

THÔNG TƯ

Ngày 11 tháng 7 năm 1998 hướng dẫn thực hiện nếp sống
văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội

 

Ngày 12-1-1998, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Chỉ thị số 27/CT-TW về việc xây dựng Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Ngày 28-3-1998 Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Để thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hoá Thông tin ra Thông tư hướng dẫn như sau:

I. VIỆC CƯỚI

 

A. NGUYÊN TẮC CHUNG:

Hôn nhân là việc quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, được Nhà nước và xã hội coi trọng; được pháp luật bảo hộ. Tổ chức việc cưới phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội sẽ góp phần hoàn thiện Nếp sống - phong tục của dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Do đó, việc cưới phải thực hiện đúng những điều sau đây:

1. Thực hiện đúng những quy định tại Luật hôn nhân và gia đình:

Hôn nhân tự nguyện và tiến bộ;

Một vợ, một chồng;

Nam nữ bình đẳng;

Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ.

2. Việc cưới phải được tổ chức lành mạnh, văn minh, tiết kiệm và phù hợp với truyền thống từng dân tộc, thể hiện vẻ đẹp văn hoá của cộng đồng.

 

B. CÁC LỄ THỨC CƠ BẢN TRONG VIỆC CƯỚI:

Đôi nam nữ để trở thành vợ chồng phải đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn - nơi cư trú của một trong hai người. Đây là người điều bắt buộc.

1. Đăng ký kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn:

Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hướng dẫn và tổ chức cho nhân dân đăng ký kết hôn đúng thủ tục hành chính mà Nhà nước đã quy định.

Sau khi đôi nam nữ thực hiện đúng những quy định về đăng ký kết hôn, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xét thấy hợp lệ thì chấp nhận và định ngày, giờ tổ chức lễ trao giấy chứng nhận kết hôn cho họ. - Trao giấy chứng nhận kết hôn là lễ thức bắt buộc, thể hiện sự thừa nhận của Nhà nước và Pháp luật đối với việc đôi nam nữ chính thức trở thành vợ chồng.

Việc tổ chức trao giấy chứng nhận kết hôn phải được tiến hành một cách nghiêm túc, trang trọng, tạo được không khí hân hoan, gây ấn tượng đẹp trong ngày vui hạnh phúc của đôi vợ chồng.

Lễ trao giấy chứng nhận kết hôn phải do Chủ tịch, Phó Chủ tịch hoặc uỷ viên Uỷ ban nhân dân phụ trách hộ tịch chủ trì. Việc trao giấy chứng nhận kết hôn được tổ chức tại một trong các địa điểm: trụ sở Uỷ ban nhân dân hoặc phòng họp, hội trường, nhà văn hoá,... ở địa phương (trường hợp ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, do điều kiện khó khăn, có thể chọn một địa điểm thuận tiện, nhưng về lâu dài vẫn phải có địa điểm cố định, khang trang). Trang trí nơi tổ chức lễ trao giấy chứng nhận kết hôn phải có Quốc huy. Mọi người đến dự lễ ăn mặc lịch sự, chỉnh tề. Không tổ chức ăn uống trong buổi lễ trao giấy chứng nhận kết hôn.

2. Việc cưới ở gia đình và cộng đồng:

Việc cưới ở gia đình tiến hành theo trình tự sau:

a. Chạm ngõ:

Là thủ tục thể hiện trách nhiệm của hai gia đình khi tổ chức buổi gặp gỡ cho phép đôi nam nữ chính thức tìm hiểu nhau trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Chạm ngõ không đòi hỏi lễ vật, nghi thức rườm rà mà chủ yếu là tạo mối quan hệ và trách nhiệm giữa hai gia đình chăm sóc cho hạnh phúc đôi nam nữ, đồng thời thống nhất thời gian tổ chức Lễ hỏi.

b. Lễ hỏi:

Được tổ chức sau khi đôi nam nữ đã tìm hiểu nhau và được sự đồng ý của hai gia đình. Đây là lễ thức mang tính phong tục. Lễ hỏi xác định trách nhiệm của hai gia đình trong việc tổ chức cưới cho đôi nam nữ và định đoạt thời gian tiến hành lễ cưới.

c. Lễ cưới:

Là việc của gia đình hai bên và đôi nam nữ tiến hành tổ chức sau khi được chính quyền trao giấy chứng nhận kết hôn. Phần lễ này có thể bao gồm cả lễ Gia tiên, đưa dâu, đón dâu, rước dâu và bữa cơm thân mật mời họ hàng, bạn bè, nhưng không tổ chức phô trương, lãng phí, vụ lợi. Có thể tổ chức bằng hình thức tiệc trà hoặc bữa cơm thân mật trong phạm vi nội tộc và bạn bè thân thích, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của gia đình.

Có thể dùng hình thức thiếp báo hỉ, nếu gia đình và đôi nam nữ thấy không cần tổ chức tiệc trà hoặc bữa cơm thân mật.

Không thương mại hoá lễ cưới; không tổ chức ăn uống, phô trương lãng phí làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng trong ngày vui hạnh phúc của đôi vợ chồng mới.

Khuyến khích các đôi tân hôn trong ngày vui hạnh phúc của mình đến đặt hoa ở Đài tưởng niệm, hoặc trồng cây ở vườn cây hạnh phúc tại địa phương.

Trang phục cô dâu, chú rể trong lễ cưới cần đẹp, lịch sự, phù hợp với văn hoá dân tộc.

 

II. VIỆC TANG

 

A. NGUYÊN TẮC CHUNG:

Việc tang là nghi thức bày tỏ lòng đau buồn, thương tiếc, tưởng nhớ chân thành của người đang sống đối với người đã chết, cần được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, khoa học.

Khi có người qua đời, gia đình hoặc thân nhân phải báo tử theo đúng quy định.

Thực hiện đúng những quy định về giữ gìn vệ sinh trong việc chôn cất người chết tại Thông tư số 29/BYT-TT ngày 21-10-1971 của Bộ Y tế.

Người chết vì nguyên nhân thông thường thì sau khi tắt thở từ 8-10 tiếng đồng hồ phải được nhập quan, phải chôn cất trước 48 giờ kể từ khi chết. Trường hợp đặc biệt, muốn kéo dài thời gian, thi hài phải được lưu giữ ở phòng lạnh của bệnh viện hoặc phòng lạnh của nhà tang lễ.

Trường hợp chết vì dịch bệnh: Dịch tả, dịch hạch và các bệnh truyền nhiễm, khâm liệm tử thi phải theo hướng dẫn của cơ quan Y tế, sau đó phải chôn ngay, không được để quá 24 tiếng đồng hồ.

Mọi nghi thức tang lễ phải được thực hiện gọn gàng, vệ sinh, văn minh, tiết kiệm.

Xoá bỏ tệ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu như: Lăn đường, khóc mướn, bắt tà, trừ ma...

Không tổ chức cỗ bàn mời khách trong ngày tang lễ.

 

B. NGHI THỨC VIỆC TANG:

1. Lập Ban tổ chức tang lễ:

Khi gia đình tang chủ có yêu cầu giúp đỡ thì chính quyền cơ sở, hội người cao tuổi, đoàn thể thôn, xóm, khu phố... phối hợp lập Ban tổ chức tang lễ.

Ban tổ chức tang lễ có trách nhiệm kết hợp chặt chẽ với tang chủ và giúp đỡ tang chủ tổ chức chu đáo việc tang trên tinh thần: Trang trọng, gọn gàng, tiết kiệm, tương trợ, đoàn kết cộng đồng.

Nếu người qua đời không có gia đình hoặc không có người thân đứng ra lo liệu thì chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) phối hợp với các đoàn thể quần chúng chịu trách nhiệm tổ chức đám tang chu đáo.

2. Lễ viếng và đưa tang:

Tổ chức phúng viếng theo điều hành của gia đình hoặc Ban tổ chức tang lễ. Lúc viếng và đưa tang có thể sử dụng đội nhạc tang (đội kèn trống, phường bát âm, băng nhạc tang) hoặc nhạc hồn tử sĩ (nếu là quân đội hoặc nhà tang lễ). Không dùng nhạc hành khúc, nhạc hội trong lễ. Đồng bào theo đạo hoặc dân tộc thiểu số được dùng nhạc tang của tôn giáo hoặc nhạc tang của dân tộc. Không được sử dụng nhạc tang sau 23 giờ đêm và trước 5 giờ sáng.

Không phúng viếng bằng thức ăn chính. ở thành phố, thị xã, vận động hạn chế vòng hoa và đối, trướng đắt tiền - mang tính phô trương, lãng phí.

Khi đưa tang không cản trở giao thông công cộng.

Lễ cúng 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày, cúng giỗ, cải táng chỉ làm trong gia đình, họ hàng.

3. Tổ chức tang lễ đối với cán bộ cao cấp, có quy định riêng.

 

C. MỘT SỐ TẬP QUÁN TRONG VIỆC TANG:

Cần vận động nhân dân bỏ dần tục đội mũ rơm, chống gậy, rắc vàng mã dọc đường; xoá bỏ các hủ tục mê tín lạc hậu như yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn và những nghi thức rườm rà khác.

Tang phục có thể dùng màu trắng hoặc màu đen, cần may cắt gọn gàng hoặc chỉ cần dùng khăn tang theo quy cách truyền thống.

Khi bốc mộ theo tập quán địa phương phải giữ vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế.

Khuyến khích hoả táng, điện táng theo phương pháp văn minh.

Khuyến khích các xã, thôn xây dựng nghĩa địa theo quy hoạch và tiến tới xây dựng nghĩa địa thành công trình văn hoá tưởng niệm ở địa phương. Tránh đua đòi, phô trương trong việc xây cất mộ.

Nghiêm cấm lợi dụng việc tang để hành nghề mê tín dị đoan dưới mọi hình thức.

 

III. LỄ HỘI

 

A. NGUYÊN TẮC CHUNG:

Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hoá lâu đời của dân tộc Việt Nam. Lễ hội có sức hấp dẫn lôi cuốn các tầng lớp trong xã hội, đã trở thành nhu cầu chính đáng của nhân dân trong nhiều thế kỷ.

Nhà nước khuyến khích việc tổ chức lễ hội nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Các lễ hội phải đảm bảo tốt các yêu cầu sau:

Hướng dẫn ý nghĩa tốt đẹp của ngày lễ, ngày kỷ niệm.

Giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tình cảm cộng đồng.

Tưởng nhớ công đức của ông cha, ghi nhận công lao của các bậc tiền bối trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Tìm hiểu, giới thiệu các di tích lịch sử, danh thắng, các công trình văn hoá, nghệ thuật; giữ gìn, phát huy vốn văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Vui chơi, giải trí lành mạnh; giữ gìn an ninh trật tự; không xâm hại di tích.

Thực hiện đúng Quy chế lễ hội ban hành theo Quyết định số 636/QĐ-QC ngày 21-5-1994 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin.

 

B. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Tổ chức lễ hội phải được phép của cơ quan có thẩm quyền, theo phân cấp của Bộ Văn hoá Thông tin.

Các lễ hội truyền thống phải được cơ quan Văn hoá thẩm định nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Khi có sự thay đổi về nội dung hoặc lễ thức phải được cơ quan có thẩm quyền thuộc Ngành Văn hoá Thông tin quyết định.

Cờ hội chỉ được treo trong thời gian tổ chức lễ hội, tại địa điểm hành lễ.

Thời gian tổ chức lễ hội không kéo dài quá 3 ngày, trừ một số lễ hội được phép của Bộ Văn hoá Thông tin.

Không được bán vé vào cửa tất cả các lễ hội.

Nghiêm cấm việc ngăn đường thu tiền, việc đấu thầu thu tiền chùa, đền, đình, hang động... ở những nơi có hội. Không bán hàng trong khuôn viên di tích.

Nghiêm cấm lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan.

Cơ quan cho phép tổ chức lễ hội phải kiểm tra giám sát để phát hiện và uốn nắn kịp thời các sai phạm trong lễ hội.

Khuyến khích tổ chức trang trọng, sôi nổi các lễ hội mới (ra đời sau cách mạng tháng Tám).

Các lễ hội Tôn giáo có hướng dẫn riêng.

 

IV. BÀI TRỪ HỦ TỤC MÊ TÍN DỊ ĐOAN

Nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng của công dân.

Việc thờ cúng tổ tiên, đi lễ nhà thờ, đền, chùa... là tín ngưỡng được Nhà nước tôn trọng. Xem số, xem bói, gọi hồn, cầu cơ, sấm truyền, yểm bùa, trừ tà, chữa bệnh bằng phù phép... là mê tín dị đoan, Nhà nước nghiêm cấm.

Cấm đốt đồ mã (hình nhân, nhà lầu, xe cộ, đô la, séc...) tại các di tích lịch sử văn hoá và trong ngày hội.

Cấm đặt bát hương tại công sở, các đơn vị sản xuất, kinh doanh của Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị vũ trang.

 

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang có trách nhiệm phổ biến Chỉ thị của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và nội dung Thông tư này đến các thành viên để thực hiện.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động phối hợp với Uỷ ban Mặt trận các cấp, các đoàn thể nhân dân... xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai cuộc vận động xây dựng Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo Chỉ thị 27-CT/TW, Chỉ thị 14/1998/CT-TTg và Thông tư hướng dẫn này.

3. Cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình, văn hoá thông tin tổ chức tuyên truyền để tạo thành dư luận xã hội hỗ trợ tích cực cuộc vận động.

4. Các Sở Văn hoá Thông tin phải đặc biệt chú ý hướng dẫn xây dựng các quy ước việc cưới, việc tang, lễ hội phù hợp với phong tục tập quán từng vùng, từng dân tộc; Cần tập trung chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm từ những cơ sở tốt nhân ra diện rộng. Gắn việc thực hiện quy ước việc cưới, việc tang, lễ hội với xây dựng gia đình văn hoá, làng, bản, ấp... văn hoá, cơ quan, xí nghiệp, trường học văn minh.

5. Cục Văn hoá Thông tin cơ sở có trách nhiệm theo dõi và thường xuyên báo cáo Bộ Văn hoá Thông tin kết quả thực hiện Thông tư này.

6. Hàng năm Cục Văn hoá Thông tin cơ sở giúp Bộ tổ chức sơ kết việc thực hiện Chỉ thị, đúc rút kinh nghiệm, đề ra những biện pháp phù hợp cho công tác chỉ đạo những năm tiếp theo./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Khoa Điềm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.