• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 11/11/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 21/06/2001
BỘ Y TẾ
Số: 19-BYT/TT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tuyên Quang, ngày 21 tháng 12 năm 1995

THÔNG TƯ

CỦA BỘ Y TẾ

Hướng dẫn quản lý dịch vụ xoa bóp

Căn cứ Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân, Nghị định số 6-CP ngày 29-1-1994 của Chính phủ về cụ thể hoá một số Điều của Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân; Nghị định của Chính phủ số 2/CP ngày 5-1-1995 qui định về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh thương mại và hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thương mại có điều kiện ở thị trường trong nước; Nghị định số 87/CP ngày 12-12-1995 của Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, phạm vi hành nghề, thủ tục và thẩm quyền, thẩm quyền xét cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề xoa bóp như sau:

 

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

1. Xoa bóp là một phương pháp trong hệ thống các phương pháp vật lý trị liệu nhằm phục hồi và nâng cao sức khoẻ con người.

2. Xoa bóp được áp dụng cho các mục đích:

Xoa bóp chữa bệnh: vận dụng các động tác xoa bóp cơ bản để chữa một số chứng bệnh hoặc một bệnh.

Xoa bóp thể dục thể thao: áp dụng một số kỹ thuật đơn giản để khắc phục tình trạng tổn thương, hoặc để khởi động trước khi tập luyện, thi đấu, phục hồi sức khoẻ sau tập luyện, sau thi đấu.

Xoa bóp vệ sinh hay xoa bóp dự phòng: thường dùng một số kỹ thuật đơn giản tác động lên toàn thân hay một bộ phận nhằm phục hồi chức năng của cơ thể và thúc đẩy quá trình tự phục hồi sức khoẻ con người.

3. Các cơ sở tổ chức dịch vụ xoa bóp phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề xoa bóp do Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp, phải tuân theo các qui định pháp luật về hành nghề y dược tư nhân và các quy định khác của pháp luật, không được lợi dụng cơ sở hành nghề để hoạt động mại dâm.

 

II. TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN VÀ PHẠM VI ĐƯỢC HÀNH NGHỀ XOA BÓP

A. TIÊU CHUẨN

1. Người đăng ký hành nghề xoa bóp phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

a) Chuyên môn:

Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng.

Bác sĩ y học dân tộc chuyên khoa về dưỡng sinh, xoa bóp day ấn huyệt.

Kỹ thuật viên đại học về vật lý trị liệu.

Bác sỹ đa khoa được cấp chứng chỉ đào tạo.

b) Đã có 5 năm trở lên liên tục làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh, điều dưỡng - phục hồi chức năng, chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật về xoa bóp.

c) Được phép làm ngoài giờ của lãnh đạo cơ quan (nếu người xin đăng ký hành nghề đang làm việc tại các cơ sở ỵ tế Nhà nước).

2. Nhân viên trực tiếp hành nghề xoa bóp phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

a) Có giấy chứng nhận được đào tạo chuyên môn kỹ thuật về xoa bóp, vật lý trị liệu.

b) Có hộ khẩu thường trú hay tạm trú hợp pháp ở nơi hành nghề, có giấy chứng minh nhân dân.

c) Có giấy xác nhận đủ sức khoẻ do bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế quận, huyện cấp. Những người mắc các bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm, bệnh da liễu đang thời kỳ điều trị không được hành nghề.

d) Có bằng tốt nghiệp phổ thông cơ sở trở lên.

3. Người đứng tên hành nghề xoa bóp và nhân viên trực tiếp hành nghề xoa bóp, ngoài các quy định không được phép hành nghề tại Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân, phải không có tiền án, tiền sự, không bị khởi tố.

 

B. ĐIỀU KIỆN

1. Phải ghi đúng biển hiệu: Phòng xoa bóp.

2. Các phòng xoa bóp:

a) Tổ chức theo các hình thức sau:

Phòng rộng tập thể, nam nữ riêng.

Phòng rộng có vách ngăn cho từng giường cá nhân (diện tích của phòng ngăn từ 4m2 trở lên). Vách ngăn này cao 1,5 m (có khoảng trống cách mặt đất 0,3m).

Phòng riêng phải có diện tích tối thiểu 4m2.

b) Những quy định cụ thể:

Phòng phải thoáng mát, đủ ánh sáng đảm bảo vệ sinh.

Cửa ra vào: có kính trong phía trên, phía dưới là màn che chắn gió bằng vải mỏng màu trắng hay màu xanh nhạt có khoảng trống cách mặt đất 0,3m.

Trần nhà cao 2,5m trở lên.

Có mắc áo riêng cho mỗi giường hoặc phòng.

Hệ thống tắt mở đèn bố trí bên ngoài phòng xoa bóp.

Mỗi phòng phải có chuông cấp cứu khi có việc khẩn cấp. Chỉ được đặt chuông cấp cứu một chiều phía trong các phòng trở ra.

Giường xoa bóp phải đúng kích thước cao 0,8m, rộng 0,6m, dài 2m, có đệm chắc, ga trải giường, gối, khăn tắm hợp vệ sinh.

Có số phòng, số giường.

Có nhà tắm hợp vệ sinh, hệ thống nước sạch đầy đủ.

3. Nhân viên hành nghề phải mang trang phục gọn, sạch, đẹp, kín đáo, có phù hiệu ghi rõ tên cơ sở, tên nhân viên, có ảnh cỡ 3x4.

4. Nhân viên xoa bóp chỉ được hành nghề tại các phòng xoa bóp theo quy định tại phần II, mục A điểm 2 nêu trên.

5. Có tủ thuốc cấp cứu, dụng cụ y tế thông thường. Cán bộ y tế phải có mặt trong thời gian có hoạt động của dịch vụ xoa bóp.

 

C. PHẠM VI HÀNH NGHỀ

1. Các cơ sở dịch vụ xoa bóp chỉ được hành nghề trong phạm vi của giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề xoa bóp.

2. Người đăng ký hành nghề chỉ được đứng tên tại một cơ sở. Nghiêm cấm việc cho thuê, mượn bằng, chứng chỉ đào tạo.

3. Nhân viên trực tiếp hành nghề xoa bóp chỉ được làm theo đúng quy trình kỹ thuật đã quy định.

4. Các nhân viên trực tiếp hành nghề xoa bóp phải có sổ theo dõi sức khoẻ và được kiểm tra sức khoẻ toàn diện định kỳ 3 tháng một lần tại các cơ sở khám chữa bệnh từ cấp quận, huyện trở lên.

 

III. HÌNH THỨC TỔ CHỨC DỊCH VỤ XOA BÓP

Các cơ sở khám chữa bệnh, các khách sạn, nếu có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Thông tư này, được sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề xoa bóp mới được tổ chức dịch vụ xoa bóp.

 

IV. THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ TIÊU CHUẨN VÀ ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ XOA BÓP

A. THỦ TỤC

1. Người xin đăng ký hành nghề xoa bóp phải gửi hồ sơ đến Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi mở dịch vụ xoa bóp.

2. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề xoa bóp bao gồm:

Đơn xin đăng ký hành nghề (Theo mẫu của Thông tư số 7-BYT/TT ngày 30-4-1994 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân thuộc lĩnh vực hành nghề y tư nhân).

Bản sao văn bằng chứng chỉ chuyên môn có chứng nhận của Công chứng Nhà nước.

Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đương sự đăng ký thường trú.

Giấy xác nhận đã qua thực hành 5 năm ở các cơ sở khám, chữa bệnh, điều dưỡng phục hồi chức năng.

Phiếu khám sức khoẻ.

Giấy cho phép làm ngoài giờ của thủ trưởng cơ quan, đơn vị nếu người xin đăng ký hành nghề đang làm trong các cơ sở y, dược của Nhà nước.

Bản diễn giải về địa điểm, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị chuyên môn.

Hồ sơ cá nhân của những nhân viên trực tiếp hành nghề tại các cơ sở này.

 

B. THẨM QUYỀN CẤP GIẤY CHỨNG NHÂN ĐỦ TIÊU CHUẨN VÀ ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ XOA BÓP VÀ THỜI HẠN CỦA GIẤY CHỨNG NHẬN

1. Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề xoa bóp.

2. Giấy chứng nhận hành nghề có giá trị trong 5 năm kể từ ngày cấp, khi hết hạn, người đăng ký hành nghề xoa bóp phải đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy để xin gia hạn tiếp. Trong thời gian hoạt động, nếu có sự thay đổi địa điểm thì cơ quan phải làm lại thủ tục xin đổi giấy chứng nhận hành nghề.

3. Lệ phí cấp giấy chứng nhận hành nghề xoa bóp được thực hiện theo qui định của liên Bộ Tài chính - Y tế về lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện thành lập cơ sở hành nghề y dược tư nhân (Qui định tại Phần I mục 8 về thành lập cơ sở dịch vụ điều dưỡng và phục hồi chức năng của phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên Bộ Tài chính - Y tế số 51-TTLB ngày 3-7-1995).

4- Sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề xoa bọp, người đăng ký hành nghề phải gửi toàn bộ hồ sơ đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét và cấp giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật. Quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề xoa bóp, nếu người đăng ký hành nghề không làm tiếp các thủ tục theo quy định trên đây thì giấy chứng nhận không còn giá trị.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 A. BỘ Y TẾ:

1. Bộ Y tế giao Vụ Điều trị, Vụ Khoa học đào tạo soạn thảo chương trình, bổ túc phục hồi chức năng cho các bác sỹ đa khoa đứng tên hành nghề xoa bóp và chương trình đào tạo nhân viên kỹ thuật xoa bóp và chương trình đào tạo nhân viên kỹ thuật xoa bóp vật lý trị liệu.

2. Bộ Y tế giao cho một số trường Đại học y, trường Trung học y tế ở các khu vực, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm bổ túc và đào tạo cán bộ chuyên môn theo chương trình do Bộ Y tế ban hành và đào tạo nhân viên xoa bóp. Sau khi học viên học hết khoá học, nếu đạt kết quả thì được cấp giấy chứng nhận đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật về xoa bóp. Các cơ sở có nhu cầu gửi cán bộ và nhân viên đi học, liên hệ với các trường được giao nhiệm vụ đào tạo.

B- Giám đốc cơ sở khám chữa bệnh, Giám đốc khách sạn có tổ chức dịch vụ xoa bóp, phải giám sát mọi hoạt động ở cơ sở của mình và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về cơ sở do mình quản lý. Nếu để các hoạt động mại dâm xảy ra trong các phòng xoa bóp thì Giám đốc phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

C- Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Sở Công an, Sở Du lịch, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

 

V. KIỂM TRA, THANH TRA XỬ LÝ VI PHẠM

Bộ Y tế (thanh tra khám chữa bệnh, Vụ Điều trị), các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phối hợp với các ngành liên quan, tăng cường kiểm tra, thanh tra tại các cơ sở dịch vụ xoa bóp và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 16-BYT/TT ngày 11-11-1995 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý việc hành nghề dịch vụ xoa bóp tắm hơi.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Ngọc Trọng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.