Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn các biện pháp quản lý, sử dụng đất đai khi sắp xếp,

đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh

 

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh;

Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chỉnh phủ về thi hành Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chỉnh phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh;

Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện các biện pháp về quản lý, sử dụng đất đai khi sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông trường, lâm trường quốc doanh như sau:

 

Mục I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn các biện pháp về quản lý, sử dụng đất khi thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh theo quy định tại Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh và Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh.

2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Thông tư này gồm:

2.1. Uỷ ban nhân dân các cấp và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng công ty nhà nước đang quản lý nông trường, lâm trường quy định tại điểm 2.2 và điểm 2.3 của khoản này.

2.2. Các nông trường quốc doanh, các doanh nghiệp nông nghiệp nhà nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích chính là sản xuất nông nghiệp (sau đây gọi chung là nông trường).

2.3. Các lâm trường quốc doanh, Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, các công ty lâm nghiệp nhà nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích chính là quản lý, bảo vệ rừng hoặc sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp (sau đây gọi chung là lâm trường).

2.4.Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp có nguồn gốc từ đất của nông trường, lâm trường do nhận khoán đất, mua vườn cây, sử dụng chuồng trại có đàn gia súc đã mua, liên doanh, liên kết sản xuất, thuê đất, mượn đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, lấn chiếm đất đai.

 

Mục II. CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI TRONG CÁC NÔNG LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH

1. Rà soát hiện trạng sử dụng đất

1.1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì hội nghị với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng công ty Nhà nước chỉ đạo các nông trường, lâm trường trực thuộc Bộ, ngành, Tổng công ty và địa phương quản lý thực hiện việc rà soát lại hiện trạng quỹ đất đang quản lý, sử dụng.

1.2. Các nông trường, lâm trường quốc doanh có trách nhiệm thực hiện việc rà soát hiện trạng quỹ đất đang quản lý, sử dụng; báo cáo Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng Công ty Nhà nước đang quản lý nông trường, lâm trường đó và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương nơi có đất theo những yêu cầu sau đây:

a) Việc rà soát quỹ đất đang quản lý, sử dụng phải căn cứ vào quyết định giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và kết quả tổng kết công tác quản lý, sử dụng đất đai của nông trường, lâm trường theo Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Nội dung rà soát quỹ đất đang quản lý, sử dụng của nông trường, lâm trường gồm có:
- Tổng diện tích đất được giao quản lý, sử dụng; trong đó bao gồm: diện tích đất do nông trường, lâm trường đang tổ chức sử dụng; diện tích đang cho thuê, cho mượn; diện tích đất đã chuyển nhượng; diện tích đang bị lấn chiếm; diện tích đất đang có tranh chấp; diện tích đất chưa sử dụng; diện tích đất đã bố trí làm đất cho hộ gia đình cán bộ, công nhân viên đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ theo chế độ.

- Diện tích của nông trường, lâm trường sử dụng theo các mục đích và theo hình thức sử dụng bao gồm: đất do nông trường, lâm trường trực tiếp sử dụng; đất nông nghiệp đã giao khoán; đất nông nghiệp có vườn cây đã bán; đất làm chuồng trại chăn nuôi có đàn gia súc đã bán; đất đang liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác; đất xây dựng trường học, trạm y tế, đường giao thông và công trình thuỷ lợi, hệ thống điện phục vụ chung cho nông trường, lâm trường và dân cư trên địa bàn;

- Diện tích đất theo nguồn gốc sử dụng gồm: đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất; đất được Nhà nước cho thuê trả tiền một lần hoặc trả tiền nhiều lần hoặc trả tiền hàng năm; đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; đất tự lấn, chiếm;

- Tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai của nông trường, lâm trường;

- Thời hạn sử dụng đất được giao, được thuê:

- Tài sản gắn liền với đất nông trường, lâm trường đang sử dụng gồm: loại công trình kiến trúc (nhà trụ sở, nhà xưởng, nhà kho, công trình khác), diện tích xây dựng công trình (diện tích đất của công trình); loại cây lâu năm hoặc loại cây rừng và diện tích đất có cây lâu năm, cây rừng.

c) Kết quả rà soát được tổng hợp thành báo cáo theo mẫu số 01/HT-ĐĐ, 02/HT-ĐĐ, 03/HT-ĐĐ, 04/HT-ĐĐ ban hành kèm theo Thông tư này và phải được thể hiện rõ trên bản đồ địa chính, bản đồ địa chính cơ sở, bản đồ nền do cơ quan tài nguyên và môi trường cung cấp hoặc bản đồ khác được cơ quan tài nguyên và môi trường cho phép sử dụng.

Trường hợp các nông trường, lâm trường trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng Công ty Nhà nước quản lý thì kết quả rà soát lập thành ba (03) bộ; một (01) bộ lưu; một (01) bộ gửi cơ quan chủ quản; một (01) bộ gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất. Trường hợp các nông trường, lâm trường trực thuộc địa phận quản lý thì kết quả rà soát lập thành hai (02) bộ; trong đó một (01) bộ lưu; một (01) bộ gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất.

1.3. Nông trường, lâm trường sử dụng đất tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì thực hiện rà soát hiện trạng quỹ đất đang sử dụng và lập báo cáo kết quả riêng theo từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất.

1.4. Cơ quan, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng Công ty Nhà nước, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổng hợp kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất của các nông trường, lâm trường đang quản lý báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Xây dựng hoặc điều chỉnh, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất chi tiết của các nông trường, lâm trường

2.1. Các nông trường, lâm trường sau khi có quyết định sắp xếp lại theo đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường, lâm trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (trừ các nông trường, lâm trường hoặc thuộc diện phải giải thể) có trách nhiệm xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoặc sử dụng đất chi tiết trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất xét duyệt. Đối với nông trường, lâm trường trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng Công ty Nhà nước phải có văn bản chấp thuận phương án quy hoạch sử dụng đất chi tiết của cơ quan chủ quản trước khi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét duyệt.

2.2. Căn cứ xây dựng (hoặc điều chỉnh) quy hoạch sử dụng đất chi tiết của nông trường, lâm trường bao gồm:

a) Phương hướng nhiệm vụ của nông trường, lâm trường đã được xác định trong quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc sắp xếp lại nông trường, lâm trường theo đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường, lâm trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương; quy hoạch, kế hoạch phát triển nghành nông nghiệp, lâm nghiệp; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt;

c) Hiện trạng quỹ đất của nông trường, lâm trường sau khi đã rà soát.

2.3. Nội dung quy hoạch sử dụng đất chi tiết của các nông trường, lâm trường bao gồm:
a) Điều tra, nghiên cứu, phân tích những điều kiện về vị trí, địa hình, khí hậu, thời tiết, thủy văn, tình hình thổ nhưỡng, thảm thực vật, cảnh quan môi trường, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương có liên quan đến nhiệm vụ của nông trường, lâm trường;

b) Đánh giá hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng về diện tích và khả năng thích nghi đất đai với mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất của nông trường, lâm trường;

c) Xác định vị trí, diện tích quỹ đất cần giữ lại sử dụng theo từng loại đất; trong đó diện tích đang tranh chấp, diện tích đang giao khoán, diện tích đang góp vốn liên doanh, diện tích bị lấn, bị chiếm, diện tích đất nông trường, lâm trường tự lấn, chiếm (nếu có); diện tích đất bàn giao cho địa phương quản lý;

d) Xây dựng các phương án phân bổ quỹ đất cho các mục đích sử dụng cụ thể phù hợp với phương hướng nhiệm vụ của nông trường, lâm trường.

đ) Xác định diện tích đất phải chuyển mục đích sử dụng; diện tích đất chưa sử dụng cần sử dụng vào các mục đích; diện tích đất phải thu hồi do bị lấn, bị chiếm; diện tích đang có tranh chấp sử dụng cần phải giải quyết.

e) Kế hoạch sử dụng đất chi tiết hàng năm;

g) Xác định các giải pháp thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

h) Xác định thời hạn sử dụng đất; hình thức sử dụng đất: giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, thuê đất trả tiền thuê hàng năm;

i) Đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, đáp ứng yêu cầu về môi trường của phương án quy hoạch sử dụng đất.

2.4. Nội dung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết của các nông trường, lâm trường là một phần nội dung quy hoạch sử dụng đất chi tiết đã quy định tại điểm 2.3 khoản này.

2.5. Hồ sơ quy hoạch sử dụng đất chi tiết, hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết (dưới đây gọi chung là quy hoạch sử dụng đất chi tiết) của nông trường, lâm trường được lập thành (10) bộ nộp cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường; hồ sơ gồm có:

a) Tờ trình của nông trường, lâm trường trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét duyệt quy hoạch sử dụng đất chi tiết;

b) Bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất của nông trường, lâm trường lập theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

c) Báo cáo thuyết minh tổng hợp quy hoạch sử dụng đất chi tiết;

d) Văn bản của cơ quan chủ quản về việc chấp thuận phương án quy hoạch sử dụng đất đối với các nông trường, lâm trường trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng Công ty Nhà nước quản lý.

2.6. Trình tự xét duyệt quy hoạch sử dụng đất chi tiết của các nông trường, lâm trường thực hiện như trình tự xét duyệt quy hoạch sử dụng đất chi tiết khu công nghệ cao, khu kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.

2.7. Trong thời hạn không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký quyết định xét duyệt quy hoạch sử dụng đất chi tiết của các nông trường, lâm trường, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố công khai toàn bộ tài liệu quy hoạch sử dụng đất chi tiết tại trụ sở cơ quan mình và tại trụ sở Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn nơi có nông trường, lâm trường; xác định chỉ giới, mốc quy hoạch sử dụng đất chi tiết ngoài thực địa; đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính hiện có, trường hợp không có bản đồ địa chính thì lập kế hoạch đo đạc lập bản đồ địa chính mới theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Giải quyết việc lấn, chiếm tranh chấp đất đai nằm trong quy hoạch sử dụng đất chi tiết của nông trường, lâm trường đã được xét duyệt

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo giải quyết dứt điểm những trường hợp lấn, chiếm, tranh chấp đất đai đã được xác định thuộc quy hoạch sử dụng đất chi tiết của nông trường, lâm trường đã được xét duyệt theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông trường, lâm trường

4.1. Nông trường, lâm trường sau khi được sắp xếp lại theo đề án sắp xếp, đổi mới phát triển các nông trường, lâm trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sau:

a) Trường hợp nông trường, lâm trường sau khi được sắp xếp lại mà thay đổi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, thay đổi quy mô sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi thời hạn sử dụng đất so với trước đây thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thu hồi đất của nông trường, lâm trường trước đây để giao, cho thuê đối với nông trường, lâm trường đã được sắp xếp lại theo quy hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt và chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các công việc quy định tại điểm 4.3 của khoản này.

b) Trường hợp nông trường, lâm trường sau khi được sắp xếp lại nhưng không thay đổi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và không thay đổi mục đích sử dụng đất, không thay đổi thời hạn sử dụng đất so với trước đây thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông trường, lâm trường đã được sắp xếp lại theo quy hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định tại Điều 137 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.

Trường hợp đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông trường, lâm trường từ trước khi được sắp xếp lại thì làm thủ tục đăng ký biến động về sử dụng đất theo quy định tại Điều 143 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai để chỉnh lý tên gọi của nông trường, lâm trường, quy mô diện tích sử dụng đất và những thay đổi khác trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ địa chính (nếu có);

c) Trường hợp nông trường, lâm trường thành lập mới ở nơi cần thiết theo đề án sắp xếp, đổi mới phát triển các nông trường, lâm trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và phải làm thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 126 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.

4.2. Hình thức giao đất, cho thuê đất đối với nông trường, lâm trường như sau:

a) Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các nông trường quốc doanh quy định tại điểm a khoản 5 Điều 6 của Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh và các lâm trường quốc doanh quy định tại điểm a khoản 4 Điều 7 của Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh;

b) Nhà nước cho thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các đối tượng quy định tại điểm b khoản 5 Điều 6 của Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh và điểm b khoản 4 Điều 7 của Nghị định 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh.

4.3. Trường hợp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thu hồi đất của nông trường, lâm trường trước đây để giao đất, cho thuê đất cho nông trường, lâm trường đã được sắp xếp lại thì trong thời hạn không quá hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định giao đất, cho thuê đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:

a) Thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho nông trường, lâm trường trước khi sắp xếp lại (nếu có):

b) Chỉ đạo Văn phòng dăng ký quyền sử dụng đất gửi lại số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính đối với nông trường, lâm trường và thông báo cho nông trường, lâm trường nộp các khoản thu theo quy định của pháp luật;

c) Ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất;

d) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị tấn và Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc bàn giao đất trên thực địa cho nông trường, lâm trường; đóng cọc mốc ranh giới sử dụng đất của nông trường, lâm trường; lập biên bản giao đất tại thực địa;

đ) Ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo uỷ quyền hoặc trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trao cho nông trường, lâm trường đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định;

e) Chỉ đạo Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chỉnh lý, cập nhật hồ sơ địa chính.

5. Xử lý quỹ đất nằm ngoài quy hoạch sử dụng đất chi tiết của nông trường, lâm trường đã được xét duyệt

5.1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thu hồi đối với diện tích đất không nằm trong quy hoạch sử dụng đất chi tiết của nông trường, lâm trường đã được xét duyệt, bao gồm diện tích đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích; diện tích đất xây dựng trường học, trạm y tế, đường giao thông và công trình thủy lợi, hệ thống điện phục vụ chung cho nông trường, lâm trường và các khu dân cư trên địa bàn; diện tích đã bố trí cho cán bộ, công nhân viên nông trường, lâm trường đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ để làm nhà ở (bao gồm cả vườn, ao gắn liền nhà ở); diện tích đất đã cho thuê, đã chuyển nhượng, đã cho mượn; diện tích đất đã bán vườn cây; diện tích đất của nông trường, lâm trường phải giải thể hoặc do điều chỉnh thu hẹp nhiệm vụ không tiếp tục sử dụng.

Các nông trường, lâm trường có diện tích đất bị thu hồi phải giao toàn bộ hồ sơ về quỹ đất bị thu hồi cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất.

5.2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức chỉ đạo việc lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đối với diện tích đất đã thu hồi và thực hiện việc giao đất, cho thuê đất để đưa vào sử dụng như sau:

a) Việc giao đất, cho thuê đất phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết của địa phương đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt và phù hợp với quy định của pháp luật đất đai hiện hành;

b) Ưu tiên việc giao đất để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản cho các hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên không còn làm việc ở nông trường, lâm trường do thực hiện việc sắp xếp, đổi mới nông trường, lâm trường và đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nông dân đang sinh sống tại địa phương hiện không có hoặc thiếu đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản; thời hạn giao đất và hạn mức giao đất cho hộ gia đình, cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai; hạn mức giao đất cho hộ gia đình, cá nhân không vượt quá bình quân diện tích đã giao cho các hộ nông dân tại địa phương;

c) Đối với diện tích đất mà nông trường, lâm trường đã giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân là công nhân nông trường, lâm trường và hộ nông dân tại địa phương mà đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản nhưng không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương (được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận) thì hộ gia đình, cá nhân đó được Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền tiếp tục giao đất hoặc cho thuê đất để sử dụng. Thời hạn giao đất, cho thuê đất và hạn mức giao đất, cho thuê đất thực hiện quy định của pháp luật đất đai;

d) Đối với diện tích đất nông trường, lâm trường đã cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê mà đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản nhưng không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền tiếp tục cho thuê đất để sử dụng theo quy định của pháp luật đất đai. Thời hạn cho thuê đất được xác định theo quy định của pháp luật đất đai. Thời hạn cho thuê đất được xác định theo quy định của pháp luật đất đai và được tính từ ngày thuê đất của nông trường, lâm trường. Khi hết thời hạn thuê đất, người sử dụng đất được Nhà nước giao hạn cho thuê đất hoặc giao đất theo quy định của pháp luật đất đai;

đ) Đối với diện tích đất nông trường, lâm trường đã liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác thì Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền thực hiện việc giao đất có thu tiền hoặc cho thuê đất cho thành phần đã liên doanh, liên kết với nông trường, lâm trường.Thời hạn giao đất, cho thuê đất được xác định theo thời hạn ghi trong hợp đồng đã ký kết với nông trường, lâm trường trước khi sắp xếp lại.

e) Đối với diện tích đất có vườn cây đã bán hoặc đất làm chuồng trại chăn nuôi có đàn gia súc đã bán cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mà đất đó đang được sử dụng nhưng không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương thì Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền tiếp tục cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó thuê đất. Thời hạn thuê đất được xác định theo quy định của pháp luật đất đai và được tính từ ngày mua vườn cây hoặc mua chuồng trại, mua đàn gia súc. Khi hết thời hạn thuê đất, người sử dụng đất được Nhà nước gia hạn cho thuê đất hoặc giao đất theo quy định của pháp luật đất đai;

g) Đối với diện tích đất đang làm trường học, trạm y tế, hệ thống điện thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao đất cho tổ chức đang quản lý sử dụng đất;

h) Diện tích đất còn lại sau khi đã giao, cho thuê đất đối với các trường hợp quy định tại các tiết b, c, d, đ , e và g điểm này thì được giao, cho thuê cho đối tượng khác sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được xét duyệt.

5.3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại điểm 5.2. khoản này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi đã hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 2 Điều 123, Điều 125 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.

5.4. Đối với diện tích đất mà nông trường, lâm trường trước đây đã bố trí cho hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên nông trường, lâm trường đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ để làm nhà ở, làm vườn, ao gắn liền với nhà ở trong khu dân cư, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất xác nhận là đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp đất đai và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết của địa phương đã được xét duyệt thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc xác định diện tích đất ở trong trường hợp có vườn, ao gắn liền với nhà ở được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 87 của Luật Đất đai; phần diện tích vườn, ao còn lại không được xác định là đất ở sẽ được xác định mục đích sử dụng theo hiện trạng đang sử dụng đất.

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại các Điều 135 và 136 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật đất đai.

 

Mục III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng Công ty Nhà nước có trách nhiệm thực hiện và chỉ đạo các nông trường, lâm trường trực thuộc thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện và phổ biến, chỉ đạo thực hiện Thông tư này địa phương.

3. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau mười lăm (15) ngày kể từ ngày đăng Công báo./.

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đặng Hùng Võ