QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Quy định tạm thời về trình tự,
thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại
__________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
Căn cứ Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 2/2/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCKT ngày 23/6/2000 của Liên Bộ: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Tổng cục Thống kê về hướng dẫn tiêu chí để xác định kinh tế trang trại;
Xét đề nghị của liên ngành: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Thống kê,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Bản quy định tạm thời về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại thực hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng với Cục Thống kê và các ngành có liên quan hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục trưởng Cục Thống kê, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ quyết định thi hành./.
|
TM. UBND TỈNH HẢI DƯƠNG
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Trọng Nhưng
|
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN
KINH TẾ TRANG TRẠI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 735/2002/QĐ-UB
ngày 21/3/2002 của UBND tỉnh Hải Dương)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Khái niệm kinh tế trang trại
Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.
Chương 2.
TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH KINH TẾ TRANG TRẠI
Điều 2. Các đối tượng và ngành sản xuất được xem xét để xác định là kinh tế trang trại
Hộ nông dân, hộ công nhân viên Nhà nước và lực lượng vũ trang đã nghỉ hưu, các loại hộ thành thị và cá nhân chuyên sản xuất (bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản) hoặc sản xuất nông nghiệp là chính có kiêm nhiệm các hoạt động dịch vụ phi nông nghiệp ở nông thôn.
Điều 3. Tiêu chí định lượng để xác định là kinh tế trang trại
Một hộ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ở địa bàn tỉnh Hải Dương được xác định là trang trại phải đạt được cả hai tiêu chí định lượng theo Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK ngày 23/6/2000 của Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thống kê về hướng dẫn tiêu chí xác định kinh tế trang trại.
Ngoài các trang trại theo quy định của Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK, một hộ sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản được công nhận là trang trại tổng hợp khi có từ 2 ngành sản xuất trở lên và có tổng giá trị sản phẩm hàng hóa và dịch vụ bình quân 1 năm đạt từ 60 triệu đồng trở lên, trong đó có ít nhất một ngành đạt từ 40 triệu đồng trở lên.
Đối với hộ sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản nếu tiêu chí giá trị sản phẩm hàng hóa và dịch vụ (tiêu chí 1) chưa đạt nhưng quy mô sản xuất đạt tiêu chuẩn quy định (tiêu chí 2) thì vẫn xác định là kinh tế trang trại.
Chương 3.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KINH TẾ TRANG TRẠI
Điều 4. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại (theo mẫu của tỉnh), gồm:
1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
2. Tóm tắt tình hình sản xuất kinh doanh của hộ.
- Họ và tên chủ hộ.
- Địa điểm sản xuất kinh doanh của hộ.
- Mô hình sản xuất của hộ.
- Quy mô sản xuất của hộ (diện tích cây trồng, số lượng vật nuôi, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản). Riêng về đất đai phải trình bày rõ nguồn gốc hình thành và tình trạng pháp lý của đất đai.
- Kết quả sản xuất kinh doanh của hộ: Tổng giá trị sản phẩm hàng hóa và dịch vụ bình quân 1 năm.
3. Giấy xác nhận của UBND xã, phường nơi hộ hoạt động về tình hình sản xuất kinh doanh của hộ.
Điều 5. Trình tự cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại
1. Chủ hộ gửi hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại đến UBND huyện, thành phố qua phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Trong thời hạn không quá 10 ngày Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phòng Thống kê thẩm định hồ sơ và đề nghị UBND huyện, thành phố về việc cấp hoặc không cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, trong thời gian không quá 05 ngày Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phải cấp Giấy chứng nhận cho chủ hộ theo mẫu của tỉnh, nếu không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại phải trả lời bằng văn bản cho chủ hộ.
Điều 6. Khi thay đổi nội dung hoạt động, quy mô sản xuất của trang trại thì chủ trang trại có trách nhiệm báo cáo bổ sung vào hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Điều 7. Thu hồi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thu hồi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại trong trường hợp:
- Trang trại giảm quy mô sản xuất dưới mức tiêu chuẩn quy định.
- Trong thời gian 5 năm, trang trại vẫn không đạt tiêu chí giá trị sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.
Điều 8. Giải quyết khiếu nại, tố cáo
Mọi vấn đề về khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc cấp và thu hồi Giấy chứng nhận kinh tế trang trại được giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cục thống kê hướng dẫn quy trình thẩm định, kiểm tra đôn đốc việc công nhận và cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh.
2. Hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổng hợp tình hình phát triển trang trại và việc cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại của các huyện, thành phố và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn hàng năm tiến hành kiểm tra, tổng hợp tình hình hoạt động của các trang trại và việc cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại của địa phương mình báo cáo UBND tỉnh./.