• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 04/05/1989
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Số: 01-HĐTP/NQ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 1989
NGHỊ QUYẾT
Hướng dẫn bổ sung việc áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự
_______________________
Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 5-1-1986, số 04/HĐTP ngày 29-11-1986 và số 02 ngày 16-11-1988 hướng dẫn các Tòa án các cấp áp dụng thống nhất một số quy định của Bộ luật Hình sự. Tại kỳ họp vào các ngày 18, 19-4-1989 có sự tham dự của đại diện của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đại diện của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định hướng dẫn việc áp dụng một số quy định khác của Bộ luật Hình sự và sửa đổi, bổ sung một số điểm trong các Nghị quyết nói trên cho phù hợp với tình hình hiện nay như sau:
I- VỀ TỰ Ý NỬA CHỪNG CHẤM DỨT VIỆC PHẠM TỘI (ĐIỀU 16 BLHS)
Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 5-1-1986 chỉ mới hướng dẫn về việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người thực hành tội phạm, chưa có hướng dẫn về việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong các trường hợp có đồng phạm. Do đó, nay cần hướng dẫn thêm như sau:
1- Việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức có đặc điểm khác với việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người thực hành tội phạm. Nếu người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nghĩa là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, mặc dù không có gì ngăn cản, thì tội phạm không thể hoàn thành, hậu quả mà kẻ phạm tội mong muốn không xảy ra. Trong các vụ án có đồng phạm, nếu người xúi giục hoặc người tổ chức hay người giúp sức tuy tự ý nửa chừng từ bỏ ý định phạm tội, nhưng không áp dụng những biện pháp cần thiết để ngăn chặn kẻ thực hành thực hiện tội phạm, thì tội phạm vẫn có thể được thực hiện, hậu quả của tội phạm vẫn có thể xảy ra. Do đó, để được miễn trách nhiệm hình sự theo điều 16 Bộ luật Hình sự về tội định phạm, người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức phải có những hành động tích cực nhằm ngăn chặn việc thực hiện tội phạm.
Để được miễn trách nhiệm hình sự theo điều 16 BLHS, người xúi giục, người tổ chức phải thuyết phục, khuyên bảo, đe dọa để người thực hành không thực hiện tội phạm hoặc phải báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, báo cho người sẽ là nạn nhân biết về tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện để cơ quan Nhà nước hoặc người sẽ là nạn nhân có biện pháp ngăn chặn tội phạm.
Để được miễn trách nhiệm hình sự theo điều 16 BLHS, người giúp sức phải chấm dứt việc tạo những điều kiện tinh thần, vật chất cho việc thực hiện tội phạm (như không cung cấp phương tiện, công cụ phạm tội; không chỉ điểm, dẫn đường cho kẻ thực hành…). Nếu sự giúp sức của người giúp sức đang được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm, thì người giúp sức cũng phải có những hành động tích cực như đã nêu ở trên đối với người xúi giục, người tổ chức để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức được miễn trách nhiệm theo điều 16 BLHS trong trường hợp họ ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm không xảy ra. Nhưng nếu những việc họ đã làm không ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra, thì họ có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Họ chỉ có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 48 BLHS, nếu trước khi hành vi phạm tội bị phát giác mà họ đã tự thú, khai rõ sự việc góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm.
2- Thực tiễn xét xử cho thấy trong một số vụ án nhiều người thực hành tội phạm đã có người tự ý nửa chừng từ bỏ ý định phạm tội, có người không từ bỏ ý định phạm tội. Trong trường hợp này, người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự theo điều 16 BLHS nếu họ đã không làm gì hoặc những việc mà họ đã làm trước khi từ bỏ ý định phạm tội không giúp gì cho những người đồng phạm khác trong việc tiếp tục thực hiện tội phạm. Thí dụ: 3 người rủ nhau đến ga xe lửa để trộm cắp, nhưng không bàn bạc gì cụ thể cả; trên đường đi một người đã bỏ về vì không muốn phạm tội nữa; hai người còn lại vẫn tiếp tục đến ga xe lửa và lợi dụng sự sơ hở của một số hành khách đã trộm cắp được một số hành lý. Còn nếu những việc mà họ đã làm được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm, thì họ cũng phải có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm đó, thì họ mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo điều 16 BLHS. Nhưng nếu họ không ngăn chặn được những người đồng phạm khác thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra, thì họ có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, tương tự như trường hợp về người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức đã được nêu ở điểm 1 trên đây. Thí dụ: mấy người bàn bạc với nhau về việc trộm cắp ở một địa điểm nào đó; một người trong bọn họ đã vẽ sơ đồ, chỉ dẫn cho đồng bọn cách đột nhập một cách an toàn vào nơi để tài sản, sau đó người này từ bỏ ý định phạm tội và cũng chỉ khuyên đồng bọn không nên phạm tội nữa; nhưng đồng bọn của người này vẫn sử dụng sơ đồ và sự chỉ dẫn của người này để thực hiện tội phạm thì người này vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
3- Người thực hành, người giúp sức tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm, nhưng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm theo quy định tại điều 247 BLHS, nếu họ không tố giác tội phạm do người (hoặc những người) đồng phạm thực hiện không có sự trợ giúp của họ.
II- VỀ KHOẢN 2 VÀ KHOẢN 3 ĐIỀU 18 BLHS
A- Về khoản 2 điều 38 BLHS.
Khoản 2 điều 38 BLHS quy định là “khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi những tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi trong bản án”.
Thực tiễn xét xử trong những năm qua cho thấy những tình tiết sau đây thường được nhiều Tòa án coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo:
1- Bị cáo hoặc vợ, chồng, cha, mẹ, con bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác.
2- Bị cáo là người có nhiều thành tích trong sản xuất, chiến đấu, công tác đã được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng lao động sáng tạo, bằng khen của Chính phủ hoặc có sáng chế, phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sĩ thi đua.
3- Bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, bố, mẹ hoặc con (con đẻ hoặc con nuôi) là liệt sỹ.
4- Bị cáo là người tàn tật nặng do bị tai nạn lao động hoặc trong công tác.
5- Bị cáo sau khi phạm tội đã lập công để chuộc tội.
6- Người bị hại cũng có lỗi.
B- Về khoản 3 điều 38 BLHS.
Khoản 3 điều 38 BLHS quy định:
“Khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất mà điều luật đã quy định hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý dó của việc giảm nhẹ này phải được ghi trong bản án”.
1- “Khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ” là khi có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, trong đó có ít nhất là một tình tiết đã được quy định tại khoản 1 điều 38 BLHS.
Việc bị cáo chưa đến tuổi thành niên đã là một tình tiết giảm nhẹ đặc biệt, cho nên đối với bị cáo chưa thành niên thì chỉ cần có một tình tiết giảm nhẹ đã được quy định ở khoản 1 điều 38 BLHS là có thể áp dụng khoản 3 điều 38 Bộ luật Hình sự.
2- Tùy theo số lượng và tính chất của các tình tiết giảm nhẹ, đồng thời tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà quyết định giảm nhẹ trong khung hình phạt hay áp dụng một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đó, hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.
a) Thông thường Tòa án giảm nhẹ trong khung hình phạt cho bị cáo khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, nhưng hành vi phạm tội của họ tương ứng với mức cao (bằng hoặc gần với mức cao nhất) của khung hình phạt. Nghĩa là, trong những trường hợp mà nếu không có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thì bị cáo phải bị phạt ở mức cao của khung hình phạt, do đó khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ, họ được hưởng một hình phạt ở mức thấp (bằng hoặc gần với mức thấp nhất) của khung hình phạt.
b) Tòa án chỉ quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thụôc loại nhẹ hơn khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, đồng thời hành vi phạm tội của bị cáo mà nếu không có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị cáo cũng chỉ bị phạt ở mức thấp của khung hình phạt, do đó, khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ, Tòa án có thể cho họ được hưởng một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đó hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.
Tòa án chỉ quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất đối với loại hình phạt tù có thời hạn, nếu mức thấp nhất của khung hình phạt là trên 3 tháng tù. Nếu mức thấp nhất của khung hình phạt là 3 tháng tù, thì theo điều 25 BLHS Tòa án không thể phạt tù dưới 3 tháng cho nên phải chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.
Đối với hình phạt cải tạo không giam giữ và hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội thì theo điều 24 và điều 70 BLHS, Tòa án không được quyết định một hình phạt dưới 6 tháng, mà có thể chuyển sang loại hình phạt nhẹ hơn là “cảnh cáo”.
3- Những tình tiết đã là yếu tố định tội (Thí dụ: giết người do vượt quá thời hạn phòng vệ chính đáng quy định tại điều 102 BLHS) hoặc khung hình phạt (Thí dụ: tình tiết tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân quy định tại khoản 3 điều 101 hoặc khoản 4 điều 109 BLHS), thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ của chính tội đó nữa.
4- Trong trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ, vừa có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án phải cân nhắc hai loại tình tiết đó để quyết định hình phạt cho hợp lý. Thông thường nếu tính chất của các tình tiết giảm nhẹ tương đương với tính chát của các tình tiết tăng nặng thì Tòa án không áp dụng khoản 3 điều 38 BLHS. Nhưng nếu các tình tiết giảm nhẹ có ý nghĩa giảm nhẹ nhiều hơn, thì Tòa án vẫn có thể áp dụng khoản 3 điều 38 BLHS.
5- Khi kết án một người về nhiều tội, nếu tội nào của họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thì Tòa án áp dụng khoản 3 điều 38 BLHS để quyết định hình phạt đối với riêng tội đó, rồi tổng hợp các hình phạt theo đúng quy định của điều 41 Bộ luật Hình sự về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội và điều 43 BLHS về tổng hợp hình phạt khác loại.
6- Các lý do của việc áp dụng khoản 3 điều 28 BLHS phải được nêu rõ ở phần nhận định của bản án và trong trường hợp này ở phần quyết định của bản án cần viện dẫn cả khoản 3 điều 38 BLHS (ngay sau khi điều khoản được áp dụng đối với tội phạm của người bị kết án).
III- VỀ THỜI GIAN THỬ THÁCH CỦA ÁN TREO  (ĐIỀU 44 BLHS)
Tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 16-11-1988 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn rằng thời gian thử thách của án treo tình từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Theo tinh thần đó, nếu Tòa án cấp giám đốc thẩm cho bị cáo được hưởng án treo, thì thời gian thử thách của án treo được tính từ ngày tuyên bản án giám đốc thẩm. Tuy nhiên, cách tính thời gian thử thách của án treo như vậy có thể gây thiệt hại cho người được hưởng án treo. Cụ thể là một người đã được Tòa án cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, và thời gian thử thách của án treo được tính từ ngày tuyên bản án sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật hoặc bản án phúc thẩm bị kháng nghị và bị sửa theo thủ tục giám đốc thẩm và Tòa án cấp giám đốc thẩm cũng cho bị cáo hưởng án treo (chỉ giảm mức hình phạt tù hoặc rút ngắn thời gian thử thách của án treo). Trong trường hợp này nếu tính thời gian thử thách của án treo từ ngày tuyên bản án giám đốc thẩm thì có thể gây thiệt hại cho bị cáo. Do đó, cần quy định một trường hợp đặc biệt là nếu Tòa án cấp giám đốc thẩm cho bị cáo hưởng án treo, nhưng bị cáo cũng được hưởng án treo theo bản án đã bị kháng nghị và sửa giảm nhẹ theo thủ tục giám đốc thẩm, thì thời gian thử thách của án treo đối với bị cáo tính từ ngày tuyên bản án sơ thẩm hoặc phúc thẩm đã bị kháng nghị.
IV- VỀ ĐIỀU 95 BỘ LUẬT HÌNH SỰ
 Điều 95 BLHS quy định tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Khi vận dụng điều 95 BLHS cần chú ý rằng đối tượng của các hành vi phạm tội quy định trong điều luật này chỉ là vũ khí quân dụng và phương tiện kỹ thuật quân sự.
1- Vũ khí quân dụng là một dạng đặc biệt của phương tiện kỹ thuật quân sự để tiêu diệt sinh lực, phá hủy phương tiện vật chất kỹ thuật của đối phương.
Theo điểm a Điều 1 Nghị định 179-CP ngày 11-12-1964 của Hội đồng Chính phủ về quản lý vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao quốc phòng, thì vũ khí quân dụng bao gồm “các loại súng ngắn, súng trường, súng liên thanh các cỡ, các loại súng lớn, các loại vũ khí tự động, các lọai đạn dùng cho các loại vũ khí kể trên và các thứ bom mìn, kíp mìm thuốc nổ”.
Cũng theo tinh thần của Nghị định này thì thuốc nổ và kíp mìn dùng trong sản xuất, không phải là vũ khí quân dụng.
Như vậy các loại súng, vũ khí tự động, các loại đạn, bom, mìn kể trên được trang bị cho bất kỳ ai đều được coi là vũ khí quân dụng. Chỉ có kíp mìn, thuốc nổ được trang bị cho lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ để dùng vào mục đích quốc phòng mới được coi là vũ khí quân dụng. Còn các loại kíp mìn, thuốc nổ dùng trong sản xuất (kể cả trang bị cho lực lượng vũ trang để làm kinh tế), thì được coi là chất nổ theo quy định của điều 96 BLHS.
2- Ngoài vũ khí quân dụng là phương tiện kỹ thuật quân sự dạng đặc biệt được tách thành nhóm độc lập, phương tiện kỹ thuật quân sự gồm các loại xe chiến đấu và không chiến đấu, các loại khí tài quân sự, các loại máy móc và phương tiện kỹ thuật khác được trang bị cho lực lượng vũ trang.
Phương tiện kỹ thuật quân sự có thể là phương tiện kỹ thuật để trực tiếp chiến đấu hoặc là phương tiện kỹ thuật để đảm bảo chiến đấu.
Để coi một loại xe, khí tài, máy móc nào có phải là phương tiện kỹ thuật quân sự hay không thì phải xác định xem loại xe, khí tài, máy móc đó có phải thuộc loại trang bị cho lực lượng vũ trang để chiến đấu hay bảo đảm chiến đấu hay không. Vì tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí… (điều 95 BLHS) là tội cố ý, cho nên người phạm tội nhận thức được điều đó thì mới bị coi là phạm tội này.
Cũng cần chú ý rằng nếu người nào tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt các loại xe, khí tài, máy móc cũng như kíp mìn, thuốc nổ, tuy trang bị cho lực luợng vũ trang, nhưng để dùng trong sản xuất, trong xây dựng dân dụng và họ cũng nhận rõ điều đó thì họ không chịu trách nhiệm hình sự theo điều 95 BLHS, mà có thể bị xử lý về các tội phạm khác.
Trong trường hợp người phạm tội tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt phương tiện kỹ thuật quân sự mà không nhận thức được rõ ràng là phương tiện đó được trong bị cho quân đội để chiến đấu hoặc bảo đảm chiến đấu (tức là thái độ chủ quan của họ biểu hiện ở chỗ phương tiện đó là của ai, để làm gì họ không cần biết đến), thì căn cứ vào thực tế là phương tiện đó được trang bị nhằm mục đích gì để định tội, cụ thể là: nếu phương tiện đó thực tế được trang bị cho lực lượng vũ trang để chiến đấu hoặc bảo đảm chiến đấu thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 95 BLHS.
3- Lưỡi lê, dao găm quân dụng là vũ khí quân dụng thô sơ, cho nên tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt các thứ vũ khí này không bị coi là tội phạm bị trừng trị theo điều 95 BLHS.
V- VỀ THƯƠNG TÍCH NẶNG HOẶC TỔN HẠI NẶNG CHO SỨC KHỎE (ĐIỀU 109 VÀ ĐIỀU 110 BLHS)
Trong Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29-11-1986 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã sơ bộ hướng dẫn về sự phân biệt giữa thương tích nặng hoặc tổn hại nặng cho sức khỏe với các loại thương tích khác. Nay cần hướng dẫn rõ thêm về thương tích hoặc tổn hại nặng cho sức khỏe (Dưới đây gọi chung là thương tích nặng) như sau:
Thực tiễn xét xử cho thấy rằng thương tích nặng là các thương tích nguy hiểm cho tính mạng, gây mù mắt, điếc tai, làm mất một cơ quan nào đó của cơ thể hoặc làm mất chức năng của cơ quan đó, gây bệnh tâm thần, gây trụy thai, gây xấu xí diện mạo, gây thương tích với tỷ lệ trên 30%.
1- Thương tích gây nguy hiểm cho tính mạng: Đây là các loại thương tích đe dọa làm nạn nhân bị thiệt mạng ngay khi gây thương tích hoặc nếu không được cứu chữa kịp thời thì thông thường là nạn nhân phải bị thiệt mạng. Nếu do được cứu chữa kịp thởi mà nạn nhân không bị thiệt mạng, thậm chí không bị tổn hai nặng đáng kể đến sức khỏe, thì thương tích vẫn được coi là nguy hiểm cho tính mạng vào lúc mới gây thương tích.
Thực tiễn xét xử cho thấy các loại thương tích sau đây được coi là thương tích nguy hiểm cho tính mạng:
a) Thương tích thủng, dập, vỡ xương sọ, kể cả trường hợp không gây tổn thương cho não.
b) Chấn động não nặng với các triệu chứng nguy hiểm cho tính mạng.
c) Thương tích thủng lớn lồng ngực, ổ bụng kể cả trường hợp không gây tổn thương cho các cơ quan bên trong.
d) Thương tích thủng, dập, vỡ cột sống, kể cả trường hợp không gây tổn hại đến tủy sống.
đ) Gãy xương lớn như xương đùi, vai, hông, hố chậu…
e) Tổn thương các mạch máu lớn như động mạch chủ, động mạch cổ, tĩnh mạch vai, tỉnh mạch hông, tỉnh mạch quai xanh…
g) Thương tích thủng, vỡ thực quản, thanh quản.
h) Thương tích dập, vỡ, thủng các cơ quan trong lồng ngực, trong ổ bụng với các triệu chứng đe dọa tính mạng (xuất huyết, choáng nặng..).
i) Các thương tích gây choáng nặng, mất nhiều máu do bị tắc mạch máu.
k) Nhiễm độc nặng.
l) Bỏng nặng.
2- Thương tích làm mù mắt: Mù mắt có nghĩa là khi nạn nhân hoàn toàn không trông thấy gì hoặc không phân biệt được hình dáng của một vật khác ở cự ly rất gần. Người bị mù một mắt được xác định tỷ lệ thương tật 41%, cho nên bị mù một mắt đã được coi là bị thương tích nặng.
3- Thương tích làm điếc tai: Điếc tai nghĩa là hoàn toàn không nghe thấy gì hoặc khi nạn nhân không nghe tiếng nói to ở khoảng cách rất gần (từ 3 đến 5cm). Người điếc 1 tai được xác định tỷ lệ thương tật khoảng 21-25%, cho nên bị điếc một tai thì chưa phải là bị thương thích nặng.
4- Thương tích làm mất một cơ quan của cơ thể hoặc làm mất chức năng của cơ quan đó như các trường hợp:
- Cụt chân, tay hoặc liệt chân, tay.
- Mất khả năng sinh đẻ (khả năng giao hợp, khả năng thụ thai, khả năng mang thai và sinh con).
- Mất tiếng nói…
5- Thương tích gây bệnh tâm thần.
6- Thương tích gây trụy thai.
7- Thương tích gây xấu xí diện mạo.
8- Các thuơng tích khác, tổn hại khác cho sức khỏe mà nạn nhân được xác định tỷ lệ thuơng tật trên 30%.
VI-VỀ THƯƠNG TÍCH DẪN ĐẾN CHẾT NGƯỜI
Cần hiểu nội dung điều 109 BLHS như sau:
- Kẻ gây thương tích nặng bị kết án theo khoản 2 điều 109 BLHS.
- Kẻ gây cố tật nặng bị kết án theo khoản 3 điều 109 BLHS.
- Kẻ gây thương tích dẫn đến chết người bị kết án theo khoản 3 điều 109 BLHS.
- Kẻ gây thương tích không nặng, không gây cố tật nặng, không dẫn đến chết người, thì bị kết án theo khoản 1 điều 109 BLHS.
Thương tích dẫn đến chết người trước hết là thương tích nặng làm cho nạn nhân chết vì thương tích nặng này, nghĩa là giữa thương tích và cái chết của nạn nhân có mối quan hệ nhân quả. Thí dụ: đâm vào hông nạn nhân làm nạn nhân bị đứt tỉnh mạch hông và do bị mất nhiều máu nên nạn nhân bị chết.
Cũng coi là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người trường hợp gây thương tích không phải là thương tích nặng, nhưng vì nạn nhân là người quá già yếu, có bệnh nặng, việc gây thương tích làm cho bị chết sớm hơn, nếu không bị gây thương tích thì nạn nhân chưa chết.
VII- VỀ VIỆC CHUYỂN HÓA TỪ MỘT SỐ HÌNH THỨC CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN THÀNH CƯỚP TÀI SẢN
Thực tiễn xét xử cho thấy các Tòa án đã định tội không thống nhất đối với các trường hợp kẻ phạm các tội chiếm đoạt tài sản (như cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, lừa đảo) đã dùng bạo lực để chiếm đoạt cho bằng được tài sản định chiếm đoạt hoặc để tẩu thoát. Nhiều Tòa án đã coi mọi trường hợp nói trên là cướp tài sản… ngược lại có Tòa án chỉ coi việc dùng bạo lực là tình tiết tăng nặng của việc chiếm đoạt chứ không kết án kẻ phạm tội về tội cướp tài sản…
Nay cần thống nhất như sau:
a) Nếu là trường hợp do chưa chiếm đoạt được tài sản mà kẻ phạm tội dùng vũ lực hay đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt tài sản cho bằng được thì cần định tội là cướp tài sản…
b) Nếu là trường hợp kẻ phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản rồi, nhưng chủ tài sản họăc người khác đã lấy lại được tài sản đó hoặc đang giành giật tài sản còn ở trong tay kẻ phạm tội, mà kẻ phạm tội dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt tài sản cho bằng được, thì cần định tội là cướp tài sản…
Đối với các trường hợp trên đây chỉ cần kết án kẻ phạm tội về một tội là cướp tài sản… và coi việc chiếm đoạt (chưa thành hoặc đã thành) trước khi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực là tình tiết diễn biến của tội phạm.
c) Nếu việc dùng vũ lực (hoặc đe dọa dùng vũ lực) là nhằm để tẩu thoát (kể cả khi tẩu thoát cùng với tài sản đã chiếm đoạt được), thì không kết án kẻ phạm tội về cướp tài sản…, và tùy trường hợp mà kết án họ về tội phạm xảy ra trước khi dùng vũ lực (hoặc đe dọa dùng vũ lực) và coi việc dùng vũ lực (hoặc đe dọa dùng vũ lực) là tình tiết “hành hung để tẩu thoát” (tình tiết định khung hình phạt cao hơn theo các điều 131, 132, 154, 155 BLHS). Nếu việc dùng vũ lực dẫn tới hậu quả làm chết người thì kẻ phạm tội bị kết án thêm về tội giết người. Nếu hậu quả của việc dùng vũ lực là gây cố tật nặng hoặc gây thương tích dẫn đến chết người thì kẻ phạm tội bị kết án thêm về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 điều 109 BLHS.
VIII- VỀ CHỦ THỂ CỦA TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY THIỆT HẠI NGHIÊM TRỌNG ĐẾN TÀI SẢN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (ĐIỀU 139 BLHS)
Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa là các trường hợp vì thiếu trách nhiệm nên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao mà để cho tài sản xã hội chủ nghĩa do mình trực tiếp quản lý bị mất mát, hư hỏng, lãng phí tới mức bị coi là thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa, nghĩa là việc tài sản xã hội chủ nghĩa bị mất mát, hư hỏng, lãng phí nghiêm trọng là hậu quả trực tiếp của việc thiếu trách nhiệm. Chủ thể của loại tội phạm này vì thế trước hết là những người trực tiếp giữ tài sản (như thủ kho, thủ quỹ, người bán hàng, người áp tải hàng hóa, vật tư, bảo vệ…). Chủ thể của tội phạm này cũng có thể là những người đã ký duyệt việc thu, chi, cấp phát, thanh toán tài sản… (như cán bộ kế toán, cán bộ lãnh đạo có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản). Còn người có chức vụ nếu do lơ là, buông lỏng quản lý mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao để xảy ra việc người khác làm mất mát, hư hỏng, lãng phí, chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, thì là chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (điều 220 BLHS), bởi lẽ việc thiếu trách nhiệm này không trực tiếp gây ra việc mất mát, hư hỏng, lãng phí làm thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản xã hội chủ nghĩa.
IX- VỀ HÀNH VI CHIẾM HƯỞNG PHẦN CHÊNH LỆCH VỀ GIÁ DO BÁN TÀI SẢN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Trước đây có hướng dẫn rằng: “Cán bộ trực tiếp quản lý kinh doanh trong các ngành phân phối, lưu thông, đem vật tư, hàng hóa do mình quản lý ra bán trái phép ở thị trường để chiếm hưởng phần chênh lệch giá, thực chất cũng là “mua” bất hợp pháp, nên cũng coi là “mua vét”. Người được pháp nhân giao đi thực hiện hợp đồng kinh tế bán một số loại hàng hóa nào đó với một giá quy định trước, nhưng người này đã không bán theo hợp đồng (không bán theo giá mà pháp nhân đã quy định), tự động đem bán ra thị trường lấy giá cao hơn giá ghi trong hợp đồng để kiếm lời là phạm tội đầu cơ”. Một số Tòa án không nhất trí với hướng dẫn trên đây và đã quy định tội trong các trường hợp tương tự là tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa.
Vì trong các trường hợp nói trên kẻ phạm tội không bỏ tiền ra mua hàng hóa, vật tư, cho nên không có dấu hiệu “mua”, “mua vét”, và do đó, không thể định tội là đầu cơ. Nhưng kết án phạm tội về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa cũng là không sát, vì thực chất thì kẻ phạm tội chỉ chiếm hưởng khoản chênh lệch giá do họ tự tạo ra, còn tài sản xã hội chủ nghĩa được trị giá theo giá đã quy định thì không bị hao hụt. Trong các trường hợp này cần định tội là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (điều 221 BLHS), bởi lẽ kẻ phạm tội đã vì vụ lợi (chiếm hưởng khoản chênh lệch giá) mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ (bán hàng hóa vật tư cao quá giá đã quy định) gây thiệt hại cho lợi ích của xã hội, lợi ích hợp pháp của công dân (người tiêu dùng phải mua hàng hóa, vật tư với giá cao quá giá đã được quy định).
Cũng định tội là “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” các trường hợp người đi nhận hàng hóa, vật tư cho xí nghiệp, cơ quan…, nhưng đã tự động bán hàng hóa, vật tư đó với giá cao, sau đó bằng các thủ đoạn gian dối (thông đồng với thủ kho, nhân viên bán hàng, kế toán, thủ quỹ…) nhập tiền cho xí nghiệp, cơ quan…, do đó, không gây thiệt hại cho xí nghiệp, cơ quan…, nhưng chiếm hưởng được khoản chênh lệch giá.
Ngoài ra còn có trường hợp tự động mua hàng hóa, vật tư do mình quản lý với giá thấp hơn giá quy định và tự mua hàng hóa, vật tư theo giá thấp hơn để trục lợi. Một số Tòa án đã coi việc trục lợi bất chính này là sự vụ lợi của tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế… (điều 174 BLHS). Đối với trường hợp này cần định tội là tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, vì rõ ràng là tài sản XHCN đã bị hao hụt do việc kẻ phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn tạo ra khoản chênh lệch giá để chiếm đoạt.
X-VỀ VIỆC TIÊU THỤ NHIỀU LẦN KHÔNG CÓ HỨA HẸN TRƯỚC
Trước đây có hướng dẫn như sau: “kẻ tiêu thụ tài sản bị chiếm đoạt không có hứa hẹn trước vẫn bị coi là người cộng phạm của kẻ chiếm đoạt tài sản trong các trường hợp sau đây:
1- Nhiều lần tiêu thụ tài sản biết rõ của kẻ đã nhiều lần chiếm đoạt được.
- Tiêu thụ từ 4, 5 lần trở lên của một kẻ chiếm đoạt nghĩa là tiêu thụ một cách có hệ thống. Cá biệt có trường hợp chỉ tiêu thụ vài, ba lần đã bị coi là cộng phạm chiếm đoạt (Thí dụ: trường hợp kẻ tiêu thụ vài, ba lần vốn là kẻ chuyên tiêu thụ của gian).
Thực tiễn xét xử cho thấy hướng dẫn trên đây là không hợp lý, vì khi kẻ tiêu thụ không hứa hẹn trước gì với kẻ chiếm đoạt không biết kẻ chiếm đoạt phạm tội gì và vào lúc nào, nên không thể nói là kẻ tiêu thụ cũng thực hiện một tội phạm với kẻ chiếm đoạt. Do đó, chỉ nên kết án kẻ tiêu thụ nhiều lần không có hứa hẹn trước về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo điều 201 BLHS.
XI-VỀ DẤU HIỆU “ĐÃ BỊ XỬ LÝ HÀNH CHÍNH MÀ CÒN VI PHẠM”
Đối với những tội được quy định trong Bộ luật Hình sự như kinh doanh trái phép (điều 168), lừa dối khách hàng (điều 170), sản xuất hoặc buôn bán rượu, thuốc lá trái phép (điều 183), trốn tránh nghĩa vụ quân sự (điều 206), trốn tránh nghĩa vụ lao động công ích (điều 208), vi phạm các quy định về quản lý nhà (điều 214), trừ trường hợp chuyển nhượng trái phép nhà do Nhà nước hoặc tổ chức xã hội quản lý, thu lợi bất chính lớn, thì “đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm” là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, thiếu nó thì chưa có tội phạm.
Đối với những tội như trốn thuế (điều 169), làm vé giả, buôn bán vé giả (điều 173), cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng (điều 174), lập quỹ trái phép (điều 175), báo cáo sai trong quản lý kinh tế (điều 176), vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai (điều 180), vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ rừng (điều 181), sử dụng hoặc phân phối điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng (điều 182), lạm sát gia súc (điều 184) nếu không có tình tiết “với số lượng lớn” (đối với tội làm vé giả, buôn bán vé giả và tội trốn thuế) hoặc tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” (đối với các tội phạm còn lại), thì người có vi phạm cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi đã có lần bị xử lý hành chính về hành vi tương tự.
Vì “đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm” là dấu hiệu cấu thành bắt buộc của các trường hợp phạm tội như đã nêu trên đây, cho nên người chưa bị xử lý về hành chính được coi là không có trách nhiệm hình sự ngay cả trong trường hợp hành vi mà họ đã thực hiện có các tình tiết định khung hình phạt cao hơn. Thí dụ: Người chưa bị xử lý hành chính về việc trốn tránh nghĩa vụ quân sự không có trách nhiệm hình sự ngay cả trong trường hợp việc trốn tránh nghĩa vụ quân sự của họ đã có một (hoặc nhiều) tình tiết được quy định ở khoản 2 điều 206 BLHS như: “tự gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của mình”, “phạm tội trong thời chiến”, “lôi kéo người khác phạm tội”, vì các tình tiết này chỉ là các tình tiết định khung hình phạt cao hơn, nghĩa là khi có một trong các tình tiết này thì kẻ trốn tránh nghĩa vụ quân sự đã từng bị xử lý hành chính về hành vi tương tự phải bị xử lý theo khoản 2 điều 206 BLHS.
Vì “đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm” cũng là dấu hiệu bắt buộc của tội “kinh doanh trái phép”, cho nên người chưa bị xử lý hành chính về việc kinh doanh trái phép không có trách nhiệm hình sự ngay cả trong trường hợp việc kinh doanh trái phép của họ có các tình tiết được quy định ở khoản 2 điều 168 BLHS như: “lợi dụng danh nghĩa cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội”, “mạo nhận một tổ chức không có thật”, “hàng phạm pháp có số lượng lớn hoặc giá trị lớn”, “thu lợi bất chính lớn”.
XII- VỀ CÁC TÌNH TIẾT “TÀI SẢN CÓ SỐ LƯỢNG LỚN”, “TÀI SẢN CÓ GIÁ TRỊ LỚN”, “GÂY THIỆT HẠI NGHIÊM TRỌNG ĐẾN TÀI SẢN”, “THU LỢI BẤT CHÍNH LỚN
Tại Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29-11-1986 Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn rằng thiệt hại tài sản dưới 100.000 đồng là “thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản”, thiệt hại về tài sản từ 100.000 đồng trở lên là “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” của tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng; số tiền bị chiếm đoạt khoảng từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng được “coi là lớn”…
Do tình hình lạm phát, giá cả không ổn định, nên các hướng dẫn nói trên nay không còn phù hợp nữa, vì vậy cần thống nhất lại như sau: khoảng 5 tấn gạo, 5 tấn xăng, dầu lửa, phân đạm, 10 kg thuốc phiện, 5 tạ mỳ chính, 2 tấn đường trắng loại 1, 2 lượng vàng, đối với tiền và các loại tài sản, hàng hóa, vật tư khác thì quy ra trị giá tương đương 5 tấn gạo - được coi là số lượng tài sản, hàng hóa, vật tư có giá trị lớn hoặc số lượng lớn, khi trị giá gấp 3 lần các mức nêu trên thì được coi là có giá trị lớn hoặc có số lượng rất lớn, nghĩa là thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Thu lợi bất chính được một số tài sản, hàng hóa vật tư có giá trị lớn thì bị coi là thu lợi bất chính lớn. Thu lợi bất chính rất lớn là thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Gây thiệt hại về tài sản với giá trị lớn thì bị coi là gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, là gây hậu quả nghiêm trọng. Gây thiệt hại về tài sản với giá trị rất lớn thì bị coi là gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hướng dẫn trong mục này được áp dụng đối với các tội xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa, các tội xâm phạm sở hữu của công dân, các tội có hậu quả là thiệt hại đến tài sản, tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ, tội làm môi giới hối lộ và các tội có dấu hiệu “thu lợi bất chính lớn”.
Về tình tiết “số lượng lớn hoặc giá trị lớn” đối với một số tội phạm như buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, đầu cơ, buôn lậu hoặc tàng trữ hàng cấm, làm hàng giả, buôn bán hàng giả, kinh doanh trái phép, làm vé giả, buôn bán vé giả, lưu hành sản phẩm kém phẩm chất, trốn thuế v.v… sẽ có hướng dẫn riêng của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao./. 

 
 
TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
CHÁNH ÁN
 
(Đã ký)
 
Phạm Hưng

Chánh án

(Đã ký)

 

Phạm Hưng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.