Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020

______________________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tại tờ trình số 8926/TTr-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2006 và công văn số 8576/UBND-TH ngày 23 tháng 10 năm 2007, ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 9398/BKH-TĐ&GSĐT ngày 21 tháng 12 năm 2007 và công văn số 2577/BKH-TĐ&GSĐT ngày 10 tháng 4 năm 2008 về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

- Đồng Nai là một cực tăng trưởng kinh tế của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, cần phát huy điều kiện xuất phát điểm phát triển đã có, kết hợp nội lực với các nguồn lực bên ngoài, chủ động nắm bắt thời cơ hội nhập để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hơn nữa vai trò động lực và đóng góp của Tỉnh vào phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả vốn đầu tư để tăng GDP. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế kết hợp với xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Chuyển đổi nhanh cơ cấu sản phẩm theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, lao động kỹ thuật, đón trước công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao sức cạnh tranh của công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Phát triển nhanh một số ngành công nghiệp, dịch vụ mũi nhọn có thể trở thành ngành kinh tế chủ lực để thúc đẩy và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong các giai đoạn sau 2010, đồng thời phát huy vai trò lan toả về công nghiệp và dịch vụ của Tỉnh với vai trò là một trong những đầu tàu lôi kéo phát triển kinh tế của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm công bằng và dân chủ xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường.

- Phát triển kinh tế - xã hội phối hợp với quá trình phát triển chung của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành trong vùng để phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển nhanh, toàn diện và bền vững các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội và bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng Đồng Nai trở thành Trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn và hiện đại của khu vực phía Nam; phấn đấu đến năm 2010 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2015 trở thành tỉnh cơ bản công nghiệp hoá - hiện đại hoá, năm 2020 thành tỉnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu về kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong từng giai đoạn 5 năm cao gấp hơn 1,3 - 1,4 lần mức bình quân chung của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm trong các giai đoạn:

+ Giai đoạn từ nay đến năm 2010 đạt 14% - 14,5%;

+ Giai đoạn 2011 - 2015 đạt 14,5% - 15%;

+ Giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13,5% - 14%.

- GDP bình quân đầu người (tính theo giá hiện hành) vào năm 2010 đạt 1.590 USD, năm 2015 đạt 3.270 USD và đến năm 2020 đạt 6.480 USD;

- Cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, cụ thể:

+ Năm 2010: công nghiệp 57% - dịch vụ 34% - nông nghiệp 9%;

+ Năm 2015: công nghiệp 55% - dịch vụ 40% - nông nghiệp 5%;

+ Năm 2020: công nghiệp 51% - dịch vụ 46% - nông nghiệp 3%.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 20% - 22% giai đoạn đến năm 2010 và tăng 18% - 20% giai đoạn 2011 - 2020;

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm so với GDP giai đoạn từ nay đến năm 2010 chiếm 24% - 25%, giai đoạn 2011 - 2020 chiếm 25% - 27%; 

- Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn từ nay đến năm 2010 đạt khoảng 101.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 đạt khoảng 210.000 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 386.000 tỷ đồng.

b) Mục tiêu về văn hoá, xã hội

- Quy mô dân số: năm 2010 khoảng 2,5 triệu người, năm 2015 khoảng 2,7 triệu người và năm 2020 khoảng 2,8 - 2,9 triệu người;

- Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: năm 2010 xuống còn 1,15%; năm 2015 xuống còn 1,1% và năm 2020 xuống còn 1%;

- Hoàn thành phổ cập bậc trung học phổ thông đến năm 2010;

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi: năm 2010 dưới 15%, năm 2015 dưới 10% và năm 2020 dưới 5%;

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 2006 - 2010 từ 9,8% năm 2005 xuống dưới 4% vào năm 2010 và xoá nghèo trong giai đoạn 2011 - 2015;

- Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 đạt 53% - 55%, năm 2015 đạt trên 60% và đến năm 2020 đạt trên 70%;

- Giảm tỷ lệ lao động không có việc làm ở khu vực đô thị xuống dưới 2,8% vào năm 2010 và dưới 2% trong giai đoạn 2015 - 2020;

- Tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá đạt trên 96% vào năm 2010 và giai đoạn 2011 - 2020 trên 98%;

- Nâng tuổi thọ trung bình của dân số năm 2010 lên 76 tuổi, năm 2015 lên 77 tuổi và năm 2020 lên 78 tuổi;

- Tỷ lệ hộ dùng điện đạt trên 98% vào năm 2010 và đến năm 2020 đạt 100%.

c) Mục tiêu về môi trường

- Đến năm 2010 nâng tỷ lệ che phủ của cây xanh đạt 50%, trong đó độ che phủ của rừng đạt 30%. Đến năm 2015 tỷ lệ che phủ cây xanh đạt 51%, năm 2020 đạt 52%;

- Đến năm 2010 thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường các loại rác thải đô thị, rác thải công nghiệp không độc hại đạt 70 - 80% và 100% đến năm 2015. Rác thải y tế đạt 100% và chất thải rắn độc hại trên 60% vào năm 2010, 80% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020;

- Tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt trên 95% vào năm 2010, năm 2015 đạt trên 99% và đến năm 2020 đạt 100%.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH VÀ LĨNH VỰC

1. Công nghiệp

a) Phát triển công nghiệp theo hướng mở rộng qui mô đi kèm với chuyển đổi nhanh cơ cấu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh bền vững cho công nghiệp trong quá trình hội nhập;

b) Ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp mũi nhọn, có khả năng cạnh tranh:

- Nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng (cát, đá, gạch, ngói...);

- Nhóm sản phẩm gốm, sứ, gạch men (gốm mỹ nghệ, sứ dân dụng và công nghiệp, gạch men);

- Nhân hạt điều và các loại khác;

- Thức ăn chăn nuôi;

- Bột ngọt;

- Vải sợi các loại;

- Quần áo may sẵn và sản phẩm phụ kiện;

- Giầy dép và sản phẩm phụ kiện;

- Hoá dược và nông dược (cho người và động, thực vật);

- Nhựa và các sản phẩm từ nhựa;

- Máy móc thiết bị nông nghiệp;

- Ô tô, xe máy và sản xuất linh kiện, phụ tùng;

- Dây và cáp điện các loại;

- Máy móc thiết bị điện công nghiệp;

- Sản xuất linh kiện điện tử và máy móc thiết bị điện tử, tin học, viễn thông;

- Sản phẩm chế biến từ gỗ.

c) Phát triển các khu công nghiệp đồng bộ với phát triển dịch vụ, đô thị, phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người lao động nhất là nhà ở cho công nhân và bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong các khu công nghiệp và hình thành một số khu, cụm công nghiệp chuyên ngành.

- Đến năm 2010 xây dựng và phát triển 34 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 12.779 ha, trong đó có Khu đô thị công nghệ cao Long Thành với diện tích 2.000 ha. Xây dựng và phát triển 47 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.136 ha;

- Đến năm 2015 xây dựng và phát triển 40 đến 42 khu công nghiệp (tổng diện tích 13.000 - 14.000 ha); củng cố và mở rộng các cụm công nghiệp đã có (mở rộng diện tích lên 2.500 - 3.000 ha), chỉ xây dựng thêm cụm công nghiệp mới khi cần đảm bảo hiệu quả đầu tư và đã có nhu cầu đầu tư, đồng thời phát triển dần các cụm công nghiệp thành khu công nghiệp;

- Đến năm 2020 xây dựng và phát triển 45 đến 47 khu công nghiệp (tổng diện tích 15.000 - 16.000 ha); chuyển dần các cụm công nghiệp có đủ điều kiện thành các khu công nghiệp.

d) Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 18,4%; 17,5% và 16,5% trong các giai đoạn 2006 - 2010, 2011 - 2015 và 2016 - 2020. Sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và tiên tiến chiếm trên 75% và trên 85% giá trị sản xuất đến 2015 và 2020.

2. Nông, lâm nghiệp, thủy sản

- Phát huy điều kiện đất đai, sinh thái kết hợp với nâng cấp hệ thống thuỷ lợi, gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến và đổi mới mô hình sản xuất để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hoá. Tập trung phát triển các nông sản hàng hoá chủ lực như rau quả chất lượng cao, cây ăn trái đặc sản, cây công nghiệp, sản phẩm chăn nuôi.

- Xây dựng và phát triển các mô hình kinh doanh sản xuất nông nghiệp, các khu công nghiệp công nghệ cao và các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã chăn nuôi, trồng trọt có mức độ chuyên môn hoá và thâm canh cao.

- Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng bình quân 5,2%; 4,6% và 4% trong các giai đoạn 2006 - 2010, 2011 - 2015 và 2016 - 2020.

3. Thương mại - dịch vụ

Phát triển lĩnh vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế để thúc đẩy phát triển toàn diện và cân đối các ngành, lĩnh vực kinh tế và xã hội. Nâng GDP dịch vụ bình quân đầu người của tỉnh lên 500 USD/người vào năm 2010, 1200 USD/người vào năm 2015 và 2.800 USD/người vào năm 2020.

- Dịch vụ vận tải - kho bãi: khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách, tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển hàng năm lên 75 - 80 triệu tấn vào năm 2015 và 130 - 140 triệu tấn vào năm 2020. Xây dựng tổng kho trung chuyển miền Đông cho cả vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin: phát triển mạng dịch vụ điện thoại đến năm 2015 có 80 - 90 máy/100 dân và đến năm 2020 có 110 - 120 máy/100 dân. Phát triển mạng dịch vụ Internet đến năm 2015 có 25 - 30 thuê bao Internet/100 dân và đến năm 2020 có 35 - 40 thuê bao Internet/100 dân.

- Dịch vụ tài chính - tín dụng: đẩy mạnh phát triển dịch vụ tài chính - tín dụng với tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 22%/năm - 23%/năm trong thời kỳ từ nay đến năm 2015 và 19%/năm - 20%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Tập trung phát triển hệ thống ngân hàng, khuyến khích các ngân hàng đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, mở rộng các dịch vụ kinh doanh và tiện ích ngân hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

- Du lịch: phát triển du lịch theo hướng kết hợp du lịch nhân văn với du lịch sinh thái và du lịch thể thao - giải trí, xây dựng các khu du lịch trọng điểm: Khu du lịch văn hóa Bửu Long; Khu du lịch nghỉ dưỡng cù lao Hiệp Hòa; Khu du lịch Thác Mai; Khu du lịch vườn quốc gia Cát Tiên; Khu du lịch di tích lịch sử chiến khu Đ.

- Thương mại: phát triển hệ thống bỏn lẻ ở các đô thị trong tỉnh, xây dựng Trung tâm thương mại có quy mô cấp vùng tại thành phố Biên Hòa và các trung tâm thương mại ở các đô thị Long Khánh, Nhơn Trạch và Long Thành. Xây dựng mạng lưới chợ đầu mối giao dịch hàng hóa và sản phẩm nông sản, chợ xã phục vụ nhu cầu tiêu dùng và tiêu thụ sản phẩm cho nông thôn. Tăng cường hợp tác và xúc tiến thương mại để tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng hóa, sản phẩm của địa phương.

4. Khoa học - công nghệ

- Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ quản lý trong các ngành kinh tế.

- Đẩy mạnh phát triển mạng lưới các cơ sở, trung tâm về tư vấn và chuyển giao cộng nghệ. Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất ở các ngành các cấp.

- Xây dựng khu đô thị công nghệ cao ở Long Thành làm cơ sở để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.

5. Giáo dục - đào tạo

Ưu tiên huy động các nguồn lực hiện có và thu hút đầu tư cho phát triển giáo dục - đào tạo; đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục - đào tạo kết hợp với tăng cường xây dựng hệ thống trường lớp, đầu tư hoàn chỉnh trang thiết bị dạy học nhất là thiết bị công nghệ thông tin trong nhà trường và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên công lập để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giáo dục - đào tạo; từng bước nâng tầm giáo dục và đào tạo ở Tỉnh tiếp cận với trình độ quốc tế và vươn lên ngang hàng khu vực vào giai đoạn 2010 - 2015.

- Giáo dục mầm non: khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, kiên cố hóa trường mầm non, xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 25% đến năm 2010. Huy động trẻ em trong độ tuổi đi nhà trẻ đến lớp đạt trên 20%, 35% và 50% vào năm 2010, 2015 và 2020; trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến lớp đạt 100% vào giai đoạn 2016 - 2020.

- Giáo dục phổ thông: giữ vững kết quả phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đồng thời tiến đến đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở đúng độ tuổi và phổ cập bậc trung học vào năm 2010. Huy động các em trong độ tuổi đi học phổ thông đến trường đạt 100% vào năm 2015. Đến năm 2010, kiên cố hóa 100% cơ sở trường, lớp, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt 50% số trường tiểu học, 40% số trường trung học cơ sở và 80% số trường trung học phổ thông.

- Giáo dục chuyên nghiệp: đẩy mạnh phát triển giáo dục chuyên nghiệp, nâng tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng và đại học đạt trên 15% vào                 năm 2015 và trên 18% vào năm 2020. Nâng trường Cao đẳng sư phạm thành trường Đại học Cộng đồng, trường Trung học Y tế, Trung học Kỹ thuật công nghiệp, Trung học Văn hóa nghệ thuật, Trung học Kinh tế, Trung học dân lập Bưu chính tin học và viễn thông lên trường Cao đẳng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường Sư phạm thực hành tại thành phố Biên Hòa, trường Trung học chuyên nghiệp tại Nhơn Trạch; mở thêm các trường đào tạo kỹ thuật và công nghệ thông tin để phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

6. Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Từng bước hiện đại hoá mạng lưới y tế, mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Đầu tư xây dựng các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh. Thực hiện xã hội hoá các dịch vụ y tế, kết hợp giữa y tế công và y tế ngoài công lập nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của nhân dân. Phấn đấu tăng số giường bệnh/1 vạn dân đạt 22 giường/1 vạn dân, 28 giường/1 vạn dân và 32 giường/1 vạn dân vào năm 2010, 2015 và 2020; số bác sĩ/1 vạn dân đạt 7 bác sĩ/1 vạn dân, 7,5 bác sĩ/1 vạn dân và 8 bác sĩ/1 vạn dân vào năm 2010, 2015 và 2020.

- Phát triển mạng lưới khám chữa bệnh: nâng cấp 5 bệnh viện đa khoa hiện có đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng II vào giai đoạn 2010 - 2015. Xây dựng mới bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I với 700 giường bệnh. Xây dựng thêm 2 bệnh viện huyện ở 2 huyện mới được thành lập, đồng thời nâng cấp các bệnh viện trung tâm y tế huyện để bảo đảm mỗi huyện có một bệnh viện loại III đến năm 2010; tiếp tục nâng cấp dần các bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng II trong giai đoạn sau năm 2010. Xây dựng 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2010. Phát triển phòng khám đa khoa khu vực theo cụm xã trong giai đoạn 2011 - 2015.

- Y tế dự phòng: tăng cường các hoạt động y tế dự phòng, khống chế kịp thời không để các dịch bệnh xẩy ra trên địa bàn. Bảo đảm 98% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 6 loại vacxin phòng bệnh, trên 80% chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản khi có thai được tiêm phòng uốn ván.

- Giảm tỷ lệ sinh; từng bước nâng cao chất lượng dân số.

7. Văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, gia đình

- Phát triển lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, gia đình nhằm nâng cao đời sống tinh thần, rèn luyện sức khoẻ, xây dựng nếp sống văn minh cho nhân dân.

- Phấn đấu đến năm 2010 có trên 96% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; trên 95% ấp, khu phố đạt danh hiệu ấp, khu phố văn hoá.

- Đến năm 2015 có trên 98% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; trên 97% ấp, khu phố đạt danh hiệu ấp, khu phố văn hoá.

8. Thực hiện chính sách lao động và xã hội

- Thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội, bảo đảm phát triển bền vững, hài hoà giữa phát triển kinh tế nhanh với tạo chuyển biến cơ bản trong giải quyết các vấn đề xã hội. Tích cực thực hiện các chính sách lao động, giải quyết việc làm và xã hội, cải thiện nhanh và nâng cao một bước đời sống nhân dân lao động. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt từ 53% - 55% vào  năm 2010, trên 60% vào năm 2015 và trên 70% vào năm 2020. Giảm tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh từ 9,8% năm 2005 xuống dưới 4% vào năm 2010 và xóa nghèo trong giai đoạn 2011 - 2015.

- Tăng cường thực hiện quyền bình đẳng về giới, bảo vệ quyền lợi trẻ em, tăng cường chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tăng cường thực hiện các chương trình phòng, chống tệ nạn xã hội.

9. Quản lý tài nguyên và môi trường

- Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế và xã hội, trước mắt và lâu dài.

- Tăng cường kiểm soát, phòng, chống ô nhiễm môi trường, mở rộng mạng lưới quan trắc môi trường nhất là ở các khu vực có khu công nghiệp và đô thị để dự báo và xử lý kịp thời ô nhiểm môi trường. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ở các khu công nghiệp, đô thị, khu dân cư tập trung trong tỉnh, xây dựng các khu xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp.

10. An ninh - quốc phòng

- Tiếp tục củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc. Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh, sẵn sàng đối phó thắng lợi với các tình huống xẩy ra.

- Đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội, củng cố thế trận an ninh nhân dân, tăng cường xây dựng lực lượng công an nhân dân nhất là tuyến xã. Phối hợp các lực lượng thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm và bài trừ các tệ nạn xã hội.

11. Xây dựng kết cấu hạ tầng

a) Giao thông

- Đường bộ:

+ Quốc lộ 1: đoạn trong phạm vi thành phố Biên Hòa quy hoạch thành đường đô thị; mở mới đoạn tuyến vòng tránh thị xã Long Khánh 4 - 6 làn xe cơ giới. Quốc lộ 1 tránh thành phố Biên Hòa xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp III từ nay đến năm 2010 và nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp I - II vào giai đoạn sau năm 2015;

+ Quốc lộ 20: nâng cấp đoạn từ ngã tư Dầu Giây đi tỉnh Lâm Đồng;

+ Quốc lộ 51: đoạn từ thành phố Biên Hòa đến ranh giới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nâng cấp hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn cấp II từ nay đến 2010;

+ Quốc lộ 56: đoạn từ ngã ba Tân Phong đến giáp ranh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn cấp III từ nay đến 2010 và đạt tiêu chuẩn cấp I - II vào giai đoạn sau năm 2010;

+ Tập trung xây dựng mới cầu Đồng Nai trước năm 2010 để đảm bảo an toàn giao thông;

+ Quốc lộ 1K: đoạn từ Km0 đến giáp ranh tỉnh Bình Dương, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường đô thị, từ nay đến năm 2010 xây dựng thêm cầu Hóa An mới;

+ Đường vành đai thành phố Biên Hòa: giai đoạn sau năm 2010 xây dựng đường vành đai nối thành phố Biên Hòa - thị xã Thủ Dầu Một - thành phố Hồ Chí Minh - Bến Lức với quy mô 4 - 6 làn xe;

+ Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: xây dựng trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 với quy mô giai đoạn đầu 4 - 6 làn xe, giai đoạn tiếp theo 12 làn xe;

+ Đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây: xây dựng trước 2010;

+ Đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt: xây dựng sau năm 2010, kết nối với đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây;

+ Tập trung xây dựng cầu đường từ Quận 9 (thành phố Hồ Chí Minh) sang Nhơn Trạch trước năm 2010;

+ Tiếp tục xây mới bổ sung và nâng cấp, nhựa hóa 100% các tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn cấp III từ nay đến 2015. Giai đoạn từ nay đến 2010, ưu tiên nâng cấp các tuyến đường tỉnh quan trọng 762, 765, 767, 768 đạt tiêu chuẩn cấp III - IV;

+ Đẩy nhanh tốc độ nhựa hóa, bê tông hóa toàn bộ mạng lưới đường huyện, đường xã và ấp theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Từ nay đến năm 2020 xây dựng các tuyến đường huyện đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp IV, các đường xã đạt tiêu chuẩn cấp V hoặc tối thiểu đường nông thôn loại A. Giai đoạn đến năm 2010, kiên cố hóa 40% - 60% đường xã.

- Đường sắt:

+ Đường sắt quốc gia trên địa bàn: quy hoạch chuyển tuyến đường sắt quốc gia không còn đi vào trung tâm thành phố Biên Hòa trong giai đoạn 2010 - 2015, từ ga Trảng Bom chuyển tuyến xuống khu vực ga Biên Hòa mới (tại phường Bình Tân). Từ ga Biên Hòa mới xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa đi Bà Rịa - Vũng Tàu;

+ Đường sắt đô thị: thành phố Biên Hòa xây dựng 3 tuyến đường sắt đụ thị (ngã ba chợ Sặt - bến xe ngã tư Vũng Tàu kết nối với tuyến metro Bến Thành - Thủ Đức - quận 9; tuyến đường sắt đô thị trên cao Biên Hòa - cầu Hang - Dĩ An; tuyến đường sắt đô thị vành đai sông Cái). Thành phố Nhơn trạch xây dựng tuyến đường sắt nhanh trên cao từ Thủ Thiêm đi theo hành lang đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường Quận 9 - Nhơn Trạch và đường 25B ra sân bay Long Thành (xây dựng sau khi có sân bay Long Thành).

- Cảng:

+ Khu cảng trên sông Thị Vải: cảng tổng hợp Gò Dầu A công suất 1 - 1,3 triệu tấn/năm, tiếp nhận tàu 5.000 - 10.000 DWT; cảng Gò Dầu B công suất 1,5 - 4,2 triệu tấn/năm, tiếp nhận tàu 15.000 - 20.000 DWT; cảng tổng hợp và container Phước An công suất 6 - 10 triệu tấn/năm; cảng chuyên dụng Phước Thái công suất 1,13 triệu tấn/năm hàng khô và 1,42 triệu tấn/năm hàng lỏng, tiếp nhận tàu 10.000 - 20.000 DWT;

+ Khu cảng trên sông Nhà Bè - Lòng Tàu: cảng tổng hợp Phú Hữu 1 công suất 2 - 3 triệu tấn/năm, tiếp nhận tàu 20.000 DWT; cảng nhà máy đóng tàu 76 phục vụ đóng và sửa chữa tàu đến 50.000 DWT; cảng xăng dầu Phước Khánh tiếp nhận tàu 25.000 DWT; cảng dầu nhờn Trâm Anh tiếp nhận tàu 2.000 - 5.000 DWT; cảng xăng dầu Comeco tiếp nhận tàu 25.000 DWT; cảng gỗ mảnh Phú Đông; cảng gỗ dăm Viko Wochimex; cảng Vật liệu xây dựng Nhơn Trạch công suất 1,16 triệu tấn/năm, tiếp nhận tàu 20.000 DWT và cảng Sunsteel hàng xi măng, xỉ bột;

+ Khu cảng trên sông Đồng Nai: mở rộng quy mô cảng Đồng Nai công suất 1 triệu tấn/năm, tiếp nhận tàu 5.000 DWT; cảng tổng hợp Phú Hữu 2 có khả năng tiếp nhận tàu 30.000 DWT vào giai đoạn sau năm 2010; củng cố cảng Công ty Vật tư xăng dầu tiếp nhận tàu 1.000 - 2.500 DWT và cảng SCTGAS-VN tiếp nhận tàu 1.000 DWT;

- Hàng không: xây dựng sân bay quốc tế Long Thành quy mô thiết kế 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa, cấp sân bay đạt tiêu chuẩn 4F, diện tích chiếm đất khoảng 5.000 ha (giai đoạn 1 đến năm 2015 với năng lực thiết kế 20 triệu hành khách/năm; giai đoạn 2 với năng lực thiết kế 80 triệu hành khách/năm);

b) Cấp nước sạch:

- Từ nay đến năm 2010: nâng công suất nhà máy nước Nhơn Trạch I lên 25.000 m3/ngày; hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà máy nước Nhơn Trạch công suất 100.000 m3/ngày bảo đảm nguồn cung cấp nước chủ yếu cho các Khu công nghiệp và đô thị lớn trong Tỉnh; xây dựng và nâng cấp các nhà máy nước và trạm nước ở các thị trấn, thị xã để cấp nước tại chỗ;

- Giai đoạn 2011 - 2020: xây dựng thêm 2 - 3 nhà máy nước có công suất 100.000 - 200.000 m3/ngày, bố trí 1 - 2 nhà máy ở khu vực phía Đông của tỉnh để có thể sử dụng nguồn nước của sông La Ngà; nâng công suất các nhà máy nước Thiện Tân, Nhơn Trạch lên 200.000 - 300.000 m3/ngày; xây dựng thêm và nâng cấp một số nhà máy, trạm nước ở các thị xã, thị trấn, khu đô thị mới để bổ sung cấp nước cho khu vực đô thị và khu vực nông thôn đồng bằng trong Tỉnh.

c) Thủy lợi:

- Để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, từ nay đến năm 2020: dự kiến xây dựng thêm 55 hồ chứa, xây mới 49 đập dâng, 26 trạm bơm và bổ sung một số công trình kênh, đê bảo đảm tổng diện tích tưới đạt khoảng 49.140 ha, tiêu và ngăn lũ 24.430 ha và cấp nước đạt 176.800 m3/ngày;

- Giai đoạn đến năm 2010: ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa: Cầu Dầu, Cầu Mới (giai đoạn II), Gia Măng, Gia Đức, Lộc An, Thoại Hương, Suối Tre, Suối Sâu và Phú An; các trạm bơm: Cao Cang, Đắc Lua, Tà Lài, Phú Tân, Lý Lịch, ấp 8 - Nam Cát Tiên; nạo vét các công trình tiêu thoát lũ: Săn Máu, Suối Sâu, Suối Trầu, Phước Thái, kênh tiêu Long Khánh, khu vực cống Lò Rèn và 27 điểm chứa nước phòng cháy rừng.

12. Phát triển đô thị

- Thành phố Biên Hòa: là Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đầu mối giao lưu của Tỉnh; đồng thời, là trung tâm công nghiệp và đầu mối giao lưu quan trọng của Vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Quy mô dân số đến năm 2010 là 645.000 người, năm 2020 là 830.000 người. Quy mô đất xây dựng đô thị năm 2010 khoảng 8.132 ha và năm 2020 khoảng 9.966 ha;

- Thành phố Nhơn Trạch: từng bước xây dựng đô thị Nhơn Trạch là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, đô thị loại II. Quy mô dân số đến năm 2010 khoảng 265.000 người, năm 2020 khoảng 600.000 người. Quy mô đất xây dựng đô thị năm 2010 khoảng 10.000 ha, năm 2020 khoảng 22.700 ha.

- Đô thị Long Thành: xây dựng đô thị Long Thành đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị phục vụ cho phát triển kinh tế của Tỉnh trong giai đoạn sau năm 2010. Chức năng là đô thị dịch vụ và công nghiệp, trung tâm dịch vụ vận chuyển hàng không, đô thị khoa học công nghệ của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. đến năm 2020 là đô thị cấp III có quy mô dân số nội thị 180.000 - 200.000 người.

- Thị xã Long Khánh: là trung tâm đầu mối giao lưu thương mại hàng hóa nông sản thực phẩm, công nghiệp chế biến của vùng phía Đông; đến năm 2020 đô thị Long Khánh phát triển thành đô thị loại III, quy mô dân số khoảng 80.000 - 100.000 người.

IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Huy động vốn đầu tư thực hiện quy hoạch

Tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện quy hoạch; xây dựng các chính sách thu hút đầu tư; kêu gọi đầu tư dưới nhiều hình thức: đầu tư trực tiếp, gián tiếp, liên doanh, đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng theo các phương thức như: BOT, BTO, BT, vận động vay vốn ODA. Đồng thời tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả đầu tư.

2. Tiếp tục củng cố, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhất là cấp cơ sở phải hiểu biết pháp luật và cập nhật các kiến thức liên quan đến hội nhập. Đồng thời không ngừng đổi mới cơ chế, chính sách quản lý để phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong phát triển các ngành, lĩnh vực ở Tỉnh.

3. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại

Tích cực thực hiện các chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

4. Phát triển nguồn nhân lực

Tăng cường các hoạt động đào tạo nghề và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và lực lượng lao động, quản lý. Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài trong tất cả lĩnh vực, ngành nghề.  Khuyến khích, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và tham gia các hoạt động xã hội.

5. Đẩy mạnh phát triển các loại thị trường

Tăng cường phát huy cơ chế thị trường kết hợp với cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển thị trường lao động.

6. Xây dựng chương trình hành động thực hiện quy hoạch

- Xây dựng các chương trình phát triển cụ thể của từng lĩnh vực trong mỗi giai đoạn.

- Phân công các cấp các ngành trong tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch. Xây dựng chương trình, dự án đầu tư thực hiện quy hoạch theo từng giai đoạn.

7. Thông tin tuyên truyền về quy hoạch

Sau khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thông báo rộng rãi đến tất cả các ngành, các địa phương và nhân dân trong tỉnh biết để phối hợp tổ chức thực hiện.

8. Định kỳ tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Tỉnh nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thông thoáng và phù hợp với quy định chung của pháp luật.

Điều 2. Quy hoạch này là định hướng, cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, các dự án đầu tư trên địa bàn của Tỉnh theo quy định.

Điều 3. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong Quy hoạch, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện theo quy định:

- Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thị xã, quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư, quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực để bảo đảm sự phát triển tổng thể, đồng bộ.

- Nghiên cứu xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của Tỉnh và pháp luật của Nhà nước trong từng giai đoạn nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.

- Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn; các chương trình phát triển trọng điểm, các dự án cụ thể để đầu tư tập trung hoặc từng bước bố trí ưu tiên hợp lý. 

- Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và cả nước trong từng giai đoạn Quy hoạch.

Điều 4. Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hỗ trợ ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai nghiên cứu lập các quy hoạch nói trên; nghiên cứu xây dựng và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong từng giai đoạn nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích, thu hút đầu tư để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ và phướng hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nêu trong báo cáo Quy hoạch. Đẩy nhanh việc đầu tư, thực hiện các công trình, dự án có quy mô, tính chất vùng và quan trọng đối với sự phát triển của Tỉnh đã được quyết định đầu tư. Nghiên cứu xem xét điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án liên quan dự kiến sẽ được đầu tư nêu trong báo cáo Quy hoạch.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng