Sign In

CHỈ THỊ

"Về việc tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Tư Pháp trong thời gian tới"

_________________________________

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về "Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới", Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan tư pháp, các sở-ban-ngành tỉnh và Ủy ban Nhân dân các cấp nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của Đảng, của nhân dân đặt ra cho công tác này, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của công dân và tăng cường Pháp chế Xã hội Chủ nghĩa. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ thị các sở-ban-ngành tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã thực hiện tốt một số công việc sau đây:

1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước nói chung: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao có sự kết hợp, cộng tác chặt chẽ với các cơ quan tố tụng, nghiêm túc, kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng đúng quy định của pháp luật. Củng cố và tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế ngành, quản lý chặt chẽ cán bộ, công chức, viên chức, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật do cán bộ, công chức gây ra.

2. Công an tỉnh:

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; rà soát lại các vụ oan sai, các vụ trốn khỏi nơi giam giữ, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can trong một số loại tội phạm ít nghiêm trọng.

- Rà soát đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp trong lực lượng Công an nhân dân, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng cán bộ, đặc biệt là đội ngũ điều tra viên, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ sa sút về phẩm chất đạo đức, hạn chế về năng lực chuyên môn, xử lý nghiêm minh và kịp thời đối với các trường hợp vi phạm pháp luật.

- Nâng cao chất lượng công tác điều tra, tiếp nhận xử lý tin báo, tố giác tội phạm.

- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập lực lượng cảnh sát tư pháp khi Trung ương ban hành các quy định pháp luật về vấn đề này.

- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh lập kế hoạch và triển khai thực hiện công tác tăng cường, bảo đảm an ninh - quốc phòng, kế hoạch phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội nhất là tội phạm về ma túy, mại dâm và các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên địa bàn tỉnh. Tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với những việc làm được và chưa làm được, đề ra biện pháp tích cực nhằm giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn nhằm góp phần thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Đẩy mạnh phong trào vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm tại địa bàn dân cư.

3. Sở Tư pháp:

- Rà soát đội ngũ cán bộ tư pháp thuộc quyền quản lý, tập trung vào các chức danh tư pháp như Chấp hành viên, Công chứng viên, trên cơ sở đó đánh giá đúng chất lượng đội ngũ cán bộ, đề ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực cán bộ, công chức của ngành đáp ứng yêu cầu công tác tư pháp ngày càng phát triển. Xử lý nghiêm minh và kịp thời đối với các trường hợp sai phạm.

- Xây dựng chương trình soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Nhân dân tỉnh; đẩy mạnh công tác rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật nhất là các văn bản của tỉnh ban hành để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Tham mưư đề xuất cho Ủy ban Nhân dân tỉnh soạn thảo, ban hành các văn bản phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội ở địa phương.

- Chủ trì phối hợp với sở, ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập và củng cố các tổ chức giám định tư pháp để hỗ trợ tích cực cho công tác tố tụng. Từng bước nghiên cứu, đề xuất xây dựng đề án xã hội hóa hoạt động công chứng, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản. Thực hiện tin học hóa công chứng theo chủ trương của Trung ương, nhằm tạo sự chuyển biến trong hoạt động bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu của xã hội ngày càng phát triển, giảm chi ngân sách Nhà nước, huy động sức dân tham gia vào hoạt động của Nhà nước, thiết thực góp phần cải cách hành chính và chống tham nhũng.

- Phối hợp với Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh xây dựng kế hoạch luân chuyển, hỗ trợ đào tạo, cán bộ, công chức ngành tư pháp về nghiệp vụ, tin học, quản lý Nhà nước. Nghiên cứu có đề án củng cố về tổ chức, nhân sự đối với tư pháp xã, phường, thị trấn để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

- Tiếp tục thực hiện quyết định của ủy ban Nhân dân tỉnh về phê duyệt đề án chuyển đổi Đoàn Luật sư theo Pháp lệnh Luật sư số 37/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25 tháng 7 năm 2001. Chậm nhất đến cuối tháng 10 năm 2002, Đoàn Luật Sư của tỉnh phải tiến hành xong đại hội toàn thể và các luật sư phải đăng ký hoạt động theo quy định của Pháp lệnh Luật sư năm 2001.

- Xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp đồng bộ thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp Tỉnh và huyện, thị xã. Thực hiện đủ biên chế, nâng cao năng lực, trách nhiệm, điều kiện làm việc của cơ quan thi hành án dân sự, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thi hành án dân sự.

- Trên cơ sở tổng kết công tác hòa giải, phôi hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, Ban Tổ chức Chính quyền xây dựng đề án tăng cường và củng cố hệ thống tổ chức hòa giải ở cơ sở.

- Kết hợp với Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức bàn giao công tác quản lý về tổ chức tòa án các huyện, thị xã theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân sửa đổi.

- Kết hợp với các ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nghiên cứu, có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật nhất là đối với đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

- Kết hợp với Ban Tổ Chức Chính quyền tỉnh, Ủy ban Nhân dân huyện Bình Minh và các ngành có liên quan chuẩn bị về tổ chức, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập Phòng Công chứng số 2 đặt tại thị trấn Cái vồn huyện Bình Minh.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Tiếp tục nghiên cứu kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cải tiến nội dung, chương trình dưa pháp luật vào trường học phù hợp với từng đối tượng học sinh, cấp, lớp; Trường hợp Bộ Giáo dục và đào tạo chưa bố trí chương trình giáo dục pháp luật vào chương trình chính khóa, thì nghiên cứu đưa môn học nầy vào chương trình ngoại khóa của các trường học trong tỉnh để kiến thức pháp luật thực sự đi vào cuộc sống ở lứa tuổi thanh, thiếu niên.

5. Sở Văn hóa và Thông tin:

Chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng tích cực đưa tin và hình ảnh về các hành vi, vi phạm pháp luật cần lên án; kịp thời biểu dương người tốt việc tốt, dũng cảm đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ công lý, phê phán hành vi tiêu cực, tham nhũng, đồng thời phối hợp với các cơ quan tư pháp thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Kết hợp với Sở Tài Chánh Vật giá, Sở Tư Pháp, Công an tỉnh rà soát, đánh giá đúng thực trạng và yêu cầu thực tế về trụ sở, phương tiện, trang thiết bị, kinh phí hoạt động của các cơ quan tư pháp, tham mưu, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh bố trí phù hợp đảm bảo cho nhu cầu hoạt động của các cơ quan tư pháp.

7. Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã:

- Đảm bảo đầy đủ các điều kiện để Hội đồng Nhân dân các cấp tăng cường sự giám sát đối với công tác tư pháp, tập trung vào việc chấp hành pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử và thi hành án tại địa phương.

- Đảm bảo điều kiện cho Ban chỉ đạo công tác thi hành án dân sự cùng cấp hoạt động có hiệu quả, phát huy vai trò trách nhiệm của cơ quan tư pháp, kiện toàn tổ chức cơ quan thi hành án địa phương, thực hiện tốt công tác thi hành án trên địa bàn, giải quyết dứt điểm các vụ, việc thi hành án tồn đọng, đảm bảo các điều kiện cần thiết để các quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh. Tổ chức thi hành một số vụ việc điển hình, phức tạp để rút kinh nghiệm chung.

- Nâng cao vai trò của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp chỉ đạo các cơ quan tổ chức, các phương tiện thông tin đại chúng tích cực tham gia vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đấu tranh phòng chống tội phạm.

- Khi có nhu cầu mở phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương, Ủy ban Nhân dân các cấp, các cơ quan tổ chức liên quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ để Tòa án hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Trong phạm vi thẩm quyền và khả năng của mình chủ động tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho các cơ quan tư pháp cấp huyện, thị xã.

8. Các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai các nội dung nêu tại chỉ thị này đồng thời chủ động có biện pháp tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp theo Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị và báo cáo kịp thời những khó khăn vướng mắc để tiếp tục tháo gỡ thực hiện có hiệu quả.

Sở Tư Pháp, Văn Phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh có trách nhiệm , theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện chỉ thị này, định kỳ báo cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Văn Đấu