Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020

trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

__________

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 19

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 66/TTr-UBND, ngày 15/11/2010 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh v “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, báo  cáo thẩm tra của Ban Văn hóa – Xã hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh thảo luận và thống nhất,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu:

a) Đến năm 2015: Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt 55%; trong đó, tỷ lệ lao động qua dạy nghề đạt 35%.

b) Đến năm 2020: Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt 75%; trong đó, tỷ lệ lao động qua dạy nghề đạt 50%.

c) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

2. Chỉ tiêu:

a) Giai đoạn 2011-2015:

- Dạy nghề cho 68.900 lao động nông thôn, trong đó người học nghề nông nghiệp: 24.800 người, chiếm tỷ lệ 36%; người học nghề phi nông nghiệp: 44.100 người, chiếm tỷ lệ 64%. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 70%.

- Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho khoảng 18.000 lượt cán bộ, công chức xã.

b) Giai đoạn 2016-2020:

- Dạy nghề cho 84.500 lao động nông thôn, trong đó: người học nghề nông nghiệp 20.300 người, chiếm tỷ lệ  24%; người học nghề phi nông nghiệp 64.200. người, chiếm tỷ lệ 76%. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 80%.

- Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho khoảng 18.900 lượt cán bộ, công chức xã.

3. Đối tượng:

a) Lao động ở nông thôn trong độ tuổi lao động (nam từ đủ 16 đến dưới 60 tuổi, nữ từ đủ 16 đến dưới 55 tuổi), có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Trong đó, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.

b) Cán bộ chuyên trách Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền và công chức chuyên môn xã; cán bộ nguồn bổ sung thay thế cho cán bộ, công chức xã đến tuổi nghỉ công tác hoặc thiếu hụt do cơ học có độ tuổi phù hợp với quy hoạch cán bộ đến năm 2015 và đến năm 2020.

 4. Nghề đào tạo:

 a) Dạy nghề cho lao động nông thôn:

- Nghề nông nghiệp: Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; kỹ thuật cải tạo giống cây trồng, vật nuôi; Kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, xử lý và bảo quản nông sản ....

- Nghề phi nông nghiệp: Các nghề truyền thống; các nghề trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ....

b) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã:

Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; đào tạo chuyên môn nghiệp vụ; bồi dưỡng theo chức vụ lãnh đạo quản lý; nâng cao năng lực quản lý kinh tế - xã hội và kỹ năng lãnh đạo đơn vị theo các chức danh, vị trí làm việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ.

5. Kinh phí thực hiện đề án:

a) Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 614.940 triệu đồng.

b) Kinh phí của Đề án theo tiến độ thực hiện:

+ Năm 2010: 19.606 triệu đồng; trong đó kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã là 500 triệu đồng;

+ Giai đoạn 2011 - 2015: 295.796 triệu đồng; trong đó kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã là 11.830 triệu đồng;

+ Giai đoạn 2016 - 2020: 299.538 triệu đồng; trong đó kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã là 15.912 triệu đồng.

c) Kinh phí của Đề án theo tính chất nguồn vốn:

+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 435.260 triệu đồng;

+ Ngân sách địa phương: 155.355 triệu đồng;

+ Nguồn huy động xã hội hóa: 24.325 triệu đồng.

d) Kinh phí của Đề án theo từng nội dung hoạt động:

- Theo mục đích sử dụng:

+ Vốn đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề: 175.300 triệu đồng;

+ Vốn sự nghiệp: 439.640 triệu đồng.

- Theo lĩnh vực đào tạo:

+ Kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn: 586.698 triệu đồng;

+ Kinh phí đào tạo cán bộ công chức xã: 28.242 triệu đồng.

Điều 2. Giao Uỷ ban Nhân dân tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết.

Điều 3. Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban của Hội đồng Nhân dân và các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát đôn đốc việc thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VII, kỳ họp lần thứ 19 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2010 có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua và đăng công báo tỉnh./.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Long

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phan Đức Hưởng