• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/03/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 18/05/2005
CHÍNH PHỦ
Số: 13-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Long, ngày 2 tháng 3 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

Ban hành quy định về công tác khuyến nông

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Để đẩy mạnh công tác khuyến nông nhằm giúp hộ nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

Theo đề nghị của Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Thuỷ sản và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy định về công tác khuyến nông.

Điều 2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 3. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký, các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ./.

 

QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG

(Ban hành kèm theo Nghị định số 13-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ).

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nhà nước tổ chức hệ thống khuyến nông (nông, lâm, ngư nghiệp) trên phạm vi toàn quốc, đồng thời khuyến khích phát triển các tổ chức khuyến nông tự nguyện của các tổ chức kinh tế - xã hội và tư nhân trong và ngoài nước hoạt động theo luật pháp của Việt Nam, nhằm giúp cho nông dân phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Điều 2. Hàng năm, các ngành nông - lâm - ngư nghiệp cùng các ngành có liên quan và chính quyền các cấp căn cứ vào những tiến bộ kỹ thuật, căn cứ vào yêu cầu sản xuất và đời sống, nhu cầu thị trường... xây dựng chương trình khuyến nông đến từng vùng sinh thái, tập trung vào những vấn đề trọng yếu để thúc đẩy phát triển nông, lâm, ngư nghiệp và kinh tế nông thôn ở mỗi vùng.

Điều 3. Nội dung của công tác khuyến nông là:

1. Phổ biến những tiến bộ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, công nghệ chế biến, bảo quản nông, lâm, thuỷ sản và những kinh nghiệm điển hình sản xuất giỏi.

2. Bồi dưỡng và phát triển kỹ năng, kiến thức quản lý kinh tế cho nông dân để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

3. Phối hợp với các cơ quan chức năng cung cấp cho nông dân thông tin về thị trường, giá cả nông sản để nông dân bố trí sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.

HỆ THỐNG TỔ CHỨC KHUYẾN NÔNG

Điều 4. Hệ thống khuyến nông được tổ chức từ trung ương đến cơ sở:

Trung ương: Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm là cơ quan thường trực về công tác khuyến nông của Chính phủ. ở Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm thành lập Cục khuyến nông; ở các Bộ Lâm nghiệp, Thuỷ sản, nhiệm vụ khuyến lâm, khuyến ngư được giao cho Vụ, Cục thích hợp.

tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập trung tâm khuyến nông trực thuộc Sở nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản. Trung tâm tổ chức các trạm khuyến nông theo từng vùng hoặc theo cụm xã.

Điều 5. Căn cứ vào khối lượng công việc thường xuyên để xác định biên chế thường xuyên của tổ chức khuyến nông các cấp, bảo đảm tổ chức gọn, nhẹ, hoạt động có hiệu quả. Thực hiện hình thức hợp đồng với cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế của các viện nghiên cứu khoa học, trường đại học, trung học chuyên nghiệp, các tổ chức kinh tế, v.v... để triển khai công tác khuyến nông ở các cấp. Vận động nông dân có kinh nghiệm sản xuất giỏi tham gia công tác khuyến nông.

Điều 6. Các tổ chức khuyến nông tự nguyện phải được cơ quan có thẩm quyền cấp trên hoặc chính quyền địa phương cấp giấy phép hoạt động.

 

CHÍNH SÁCH KHUYẾN NÔNG

Điều 7. Vốn cho hoạt động khuyến nông bao gồm các nguồn sau:

Ngân sách Nhà nước cấp hàng năm.

Tài trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức kinh tế - xã hội, của các tổ chức tư nhân và cá nhân ở trong nước và ngoài nước.

Thu của nông dân một phần giá trị sản phẩm tăng thêm do áp dụng khuyến nông.

Điều 8. Vốn cho hoạt động khuyến nông được sử dụng để:

Đào tạo, huấn luyện, xây dựng các điểm trình diễn kỹ thuật và tuyên truyền khuyến nông.

Mua sắm trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động khuyến nông.

Trả lương và các khoản phụ cấp cho cán bộ khuyến nông.

Chi cho các hoạt động khác của các tổ chức khuyến nông ở các cấp.

Điều 9. Chính sách đối với cán bộ làm công tác khuyến nông:

Được bồi dưỡng kỹ thuật và nghiệp vụ làm công tác khuyến nông, kinh phí do quỹ khuyến nông đài thọ.

Cán bộ khuyến nông công tác ở cơ sở được hưởng thêm một khoản phụ cấp ngoài lương trích từ quỹ khuyến nông.

 

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm chủ trì phối hợp với Bộ Lâm nghiệp, Bộ thuỷ sản, Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế của tổ chức khuyến nông các cấp. Hàng năm, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính cân đối ngân sách cho công tác khuyến nông, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm điều hoà phân cấp kinh phí cho tổ chức khuyến nông của các ngành và các cấp.

Điều 11. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của mình, ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định này./.

 

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.