• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 13/05/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 10/11/2004
BỘ THƯƠNG MẠI
Số: 416/TM-ĐB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Long, ngày 13 tháng 5 năm 1996

 

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

SỐ 416/TM-ĐB
NGÀY 13 THÁNG 5 NĂM 1996

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ vào Nghị định số 95/CP ngày 4 tháng 12 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại;

Căn cứ vào Quyết định số 651/TTg ngày 10-10-1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Uỷ ban Quốc gia điều phối hoạt động của Việt Nam trong ASEAN;

Căn cứ vào Công văn số 356/VPUB ngày 22-01-1996 của Chính phủ về việc chỉ định cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo hiệp định CEPT;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên,

 

QUYẾT ĐỊNH;

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ ASEAN của Việt Nam - Mẫu D để hưởng các ưu đãi theo "Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT)".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan thuộc Bộ Thương mại chịu trách nhiệm thi hành và hướng dẫn thi hành Quyết định này.

QUY CHẾ

CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HOÁ ASEAN CỦA VIỆT NAM - MẪU D ĐỂ HƯỞNG CÁC ƯU ĐÃI THEO "HIỆP ĐỊNH VỀ CHƯƠNG TRÌNH ƯU ĐÃI THUẾ QUAN CÓ HIỆU LỰC CHUNG (CEPT)"

(Ban hành kèm theo Quyết định số 416/TM-ĐB
ngày 13 tháng 5 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ thương mại)

 

I. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG:

Điều 1. Định nghĩa:

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ASEAN của Việt Nam - Mẫu D (sau đây gọi tắt là giấy chứng nhận Mẫu D) là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá do Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực của Bộ Thương mại cấp cho hàng hoá của Việt Nam để hưởng các ưu đãi theo "Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) để thành lập Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA)" (dưới đây gọi là Hiệp định CEPT).

Hiệp định CEPT là Hiệp định quốc tế giữa các nước thành viên ASEAN mà Việt Nam đã ký tham gia tại Băng cốc - Thái lan ngày 15 tháng 12 năm 1995 và được thực hiện từ ngày 1 tháng 1 năm 1996.

Điều 2. Hàng hoá được cấp giấy chứng nhận Mẫu D:

Hàng hoá được cấp giấy chứng nhận Mẫu D là các hàng hoá đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về xuất xứ quy định tại Hiệp định CEPT (Thể hiện trong phụ lục 1 của Quy chế này).

Điều 3. Mọi tổ chức, cá nhân (sau đây gọi tắt là người xin cấp giấy chứng nhận Mẫu D) có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực trong việc xác định chính xác xuất xứ hàng hoá của mình.

 

II. THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN MẪU D:

Điều 4. Bộ giấy chứng nhận Mẫu D được cấp gồm một (01) bản chính và ba (03) bản sao.

Điều 5. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận Mẫu D bao gồm:

1. Giấy chứng nhận Mẫu D (theo mẫu chung do Bộ Thương mại ban hành) đã được khai hoàn chỉnh (theo Điều 1 của phụ lục 3);

2. Giấy chứng nhận kiểm tra xuất xứ hàng hoá (trong trường hợp có yêu cầu kiểm tra) phải phù hợp với các quy chế về xuất xứ quy định tại phụ lục số 1 - trong quy chế này và do Công ty giám định hàng hoá xuất nhập khẩu thuộc Bộ Thương mại cấp (quy định trong phụ lục 4);

3. Tờ khai hải quan đã được thanh khoản;

4. Hoá đơn thương mại;

5. Vận đơn.

Ba loại giấy (số 3, 4, 5) là bản sao có chữ ký và đóng dấu xác nhận sao y bản chính của Thủ trưởng đơn vị (nếu là tổ chức) hoặc có chữ ký và đóng dấu của cơ quan công chứng (nếu là cá nhân) đồng thời mang theo bản chính để đối chiếu.

Điều 6. Người xin cấp giấy chứng nhận Mẫu D phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của các chi tiết được khai trong giấy chứng nhận Mẫu D.

Điều 7. Trường hợp cần thiết, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực có thể:

a. Yêu cầu người xin cấp giấy chứng nhận Mẫu D cung cấp thêm các tài liệu cần thiết để xác định chính xác xuất xứ hàng hoá theo các tiêu chuẩn của Hiệp định CEPT;

b. Tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất;

c. Kiểm tra lại các trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận Mẫu D.

Điều 8. Thời hạn cấp giấy chứng nhận Mẫu D:

Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận Mẫu D trong các thời hạn sau, kể từ khi nhận được hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận Mẫu D đầy đủ và hợp lệ:

- 12 giờ làm việc đối với các trường hợp thông thường;

- 24 giờ làm việc đối với các trường hợp được quy định tại khoản a, Điều 7;

- Trong trường hợp được quy định tại khoản b Điều 7, thời hạn có thể chậm hơn nhưng không quá mười lăm (15) ngày làm việc.

Điều 9. Trong những trường hợp quy định tại Điều 18, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực cấp giấy chứng nhận Mẫu D cho hàng hoá đã được giao trong thời hạn không quá 1 năm kể từ ngày giao hàng. Giấy chứng nhận Mẫu D được cấp trong trường hợp này phải ghi rõ "cấp sau và có hiệu lực từ khi giao hàng" bằng tiếng Anh: "Issued retroactively " và ghi vào ô số 12 của giấy chứng nhận Mẫu D.

Điều 10. Trong trường hợp giấy chứng nhận Mẫu D bị mất cắp, thất lạc hoặc hư hỏng, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực có thể cấp lại bản sao chính thức giấy chứng nhận Mẫu D và bản sao thứ ba trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được đơn xin cấp lại có kèm theo bản sao thứ tư (Quadruplicate) của lần cấp đầu tiên, có ghi vào ô số 12 dòng chữ "sao y bản chính" bằng tiếng Anh "Certified true copy".

Điều 11. Trong trường hợp hàng hoá không đủ tiêu chuẩn hoặc không xác định được chính xác xuất xứ theo các tiêu chuẩn của Hiệp định CEPT hoặc hồ sơ xin cấp lại không có bản sao thứ tư của lần cấp đầu tiên, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực có quyền từ chối cấp giấy chứng nhận Mẫu D và phải thông báo rõ lý do cho người xin cấp biết trong thời hạn được quy định tại Điều 8 và Điều 10.

Điều 12. Những vấn đề chưa được đề cập trong các điều từ Điều 4 đến Điều 11 sẽ được giải quyết theo các quy định của ASEAN tại Phụ lục số 2.

 

III. TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VIỆC CẤP GIẤY PHÉP:

Điều 13. Chỉ có những người được Bộ trưởng Bộ Thương mại uỷ quyền và đã đăng ký chữ ký mới có quyền cấp giấy chứng nhận Mẫu D.

Điều 14. Việc cấp giấy chứng nhận Mẫu D do các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực đặt tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ thực hiện.

Điều 15.

1. Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực đặt tại Hà Nội có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cho người xin cấp giấy chứng nhận Mẫu D có trụ sở kinh doanh đặt trên các địa bàn từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc (trừ 4 tỉnh ghi tại điểm 2 dưới đây);

2. Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực đặt tại Hải Phòng có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cho người xin cấp giấy chứng nhận Mẫu D có trụ sở kinh doanh đặt tại: Thái Bình, Hải Hưng, Hải Phòng, Quảng Ninh;

3. Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực đặt tại Đà Nẵng có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cho người xin cấp giấy chứng nhận Mẫu D có trụ sở kinh doanh đặt tại: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định;

4. Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực đặt tại Nha Trang có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cho người xin cấp giấy chứng nhận Mẫu D có trụ sở kinh doanh đặt tại: Phú Yên, Khánh Hoà, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc;

5. Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực đặt tại thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cho người xin cấp giấy chứng nhận Mẫu D có trụ sở kinh doanh đặt trên các địa bàn từ Ninh Thuận, Lâm Đồng, Sông Bé trở vào phía Nam (trừ 7 tỉnh ghi tại điểm 6);

6. Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực đặt tại Cần Thơ có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cho người xin cấp giấy chứng nhận Mẫu D có trụ sở kinh doanh đặt tại: Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Minh Hải, Kiên Giang.

Điều 16. Các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực cấp giấy chứng nhận Mẫu D có trách nhiệm:

- Hướng dẫn thủ tục xin cấp giấy chứng nhận Mẫu D;

- Kiểm tra hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận Mẫu D;

- Duyệt ký và cấp giấy chứng nhận Mẫu D;

- Lưu trữ hồ sơ cấp giấy chứng nhận Mẫu D;

- Theo dõi, kiểm tra việc sử dụng giấy chứng nhận Mẫu D;

- Báo cáo những vấn đề liên quan đến việc cấp và sử dụng giấy chứng nhận Mẫu D.

 

IV. GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VÀ XỬ LÝ VI PHẠM:

Điều 17. Trong trường hợp bị từ chối cấp hoặc quá thời hạn được quy định tại Điều 8 và Điều 10 mà chưa được cấp mới hoặc cấp lại giấy chứng nhận Mẫu D, người xin cấp giấy chứng nhận Mẫu D có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Thương mại trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định từ chối cấp giấy chứng nhận Mẫu D hoặc ngày cuối cùng của thời hạn cấp theo Điều 8. Bộ trưởng Bộ Thương mại có trách nhiệm giải quyết trong vòng 5 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại là quyết định cuối cùng.

Điều 18. Trong trường hợp vì sai sót của cán bộ cấp giấy chứng nhận Mẫu D hoặc vì các trường hợp bất khả kháng của người xin cấp giấy chứng nhận Mẫu D, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực cấp giấy chứng nhận Mẫu D sau khi giao hàng theo các quy định tại Điều 9.

Điều 19. Sau khi cấp giấy chứng nhận Mẫu D, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực có trách nhiệm cùng với các cơ quan hữu quan khác tiếp tục kiểm tra, giám sát việc sử dụng giấy chứng nhận Mẫu D của các chủ hàng. Trong trường hợp có đủ lý do để xác định có hành vi vi phạm quy chế cấp và sử dụng giấy chứng nhận Mẫu D, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực có quyền thu hồi giấy chứng nhận Mẫu D đã cấp.

Điều 20. Vụ Chính sách Thương mại Đa biên là đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Thương mại giải quyết khiếu nại của nước ngoài và/hoặc trong nước. Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực có liên quan đến việc khiếu nại này chịu trách nhiệm giải trình trước Vụ Chính sách Thương mại Đa biên và/hoặc trước Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Điều 21. Mọi hành vi gian dối trong quá trình cấp và sử dụng giấy chứng nhận Mẫu D, tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy tố trước pháp luật.

 

V. ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG:

Điều 22. Giấy chứng nhận Mẫu D sẽ được cấp cho mọi tổ chức, cá nhân đã xuất khẩu hàng hoá từ ngày 1-1-1996 nếu hàng hoá xuất khẩu phù hợp với các quy định về xuất xứ hàng hoá trong Quy chế này.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Văn Triết

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.