• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/04/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 04/01/2005
CHÍNH PHỦ
Số: 25-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Phúc, ngày 23 tháng 5 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

Quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính,

sự nghiệp và lực lượng vũ trang

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Nghị quyết kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá IX;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang áp dụng thống nhất trong cả nước thay thế chế độ tiền lương quy định tại Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985.

Điều 2. Mức lương tối thiểu là 120.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu này làm căn cứ để tính mức lương khác của hệ thống bảng lương, mức phụ cấp lương và trả công đối với những người làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường.

Các mức lương và phụ cấp lương được điều chỉnh từng bước phù hợp với khả năng đáp ứng của Ngân sách Nhà nước.

Điều 3. Ban hành kèm theo Nghị định này các hệ thống bảng lương sau:

1. Bảng lương chức vụ dân cử quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện.

2. Hệ thống bảng lương các ngạch công chức, viên chức và phụ cấp chức vụ lãnh đạo khu vực hành chính, sự nghiệp.

3. Hệ thống bảng lương sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp hạ sĩ quan và binh sĩ của lực lượng vũ trang.

4. Bảng lương chuyên gia cao cấp gồm 3 bậc có hệ số mức lương: 7,5; 8,0; và 8,5 áp dụng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế hành chính, khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế, văn hoá nghệ thuật.

Điều 4. Ngoài hệ thống bảng lương quy định tại điều 3 của Nghị định này, còn quy định các khoản phụ cấp lương sau:

1. Phụ cấp khu vực: áp dụng đối với những nơi xa xôi hẻo lánh, có nhiều khó khăn và khí hậu xấu.

Phụ cấp gồm 7 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7; và 1,0 so với mức lương tối thiểu.

2. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm: áp dụng đối với nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm chưa xác định trong mức lương.

Phụ cấp gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3; và 0,4 so với mức lương tối thiểu.

3. Phụ cấp trách nhiệm: áp dụng đối với nghề hoặc công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hoặc phải kiêm nghiệm công tác quản lý không thuộc chức vụ lãnh đạo.

Phụ cấp gồm 3 mức: 0,1; 0,2; và 0,3 so với mức lương tối thiểu.

4. Phụ cấp làm đêm: áp dụng đối với công chức, viên chức làm việc từ 22 giờ đến 6 giờ sáng.

Phụ cấp gồm 2 mức:

30% tiền lương cấp bậc hoặc chức vụ đối với công việc không thường xuyên làm việc ban đêm;

40% tiền lương cấp bậc hoặc chức vụ đối với công việc thường xuyên làm việc theo ca (chế độ làm việc 3 ca) hoặc chuyên làm việc ban đêm.

5. Phụ cấp thu hút: áp dụng đối với công chức, viên chức đến làm việc ở những vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế và đảo xa đất liền có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn do chưa có cơ sở hạ tầng.

Phụ cấp gồm 4 mức lương: 20%; 30%; 50% và 70% mức lương cấp bậc hoặc chức vụ.

Thời gian hưởng từ 3 đến 5 năm.

6. Phụ cấp đắt đỏ: áp dụng đối với những nơi có chỉ số giá sinh hoạt (lương thực, thực phẩm, dịch vụ) cao hơn chỉ số giá sinh hoạt bình quân chung của cả nước từ 10% trở lên.

Phụ cấp gồm 5 mức: 0,1; 0,15; 0,2; 0,25 và 0,3 so với mức lương tối thiểu.

7. Phụ cấp lưu động: áp dụng đối với công chức, viên chức một số nghề hoặc công việc phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở.

Phụ cấp gồm 3 mức: 0,2; 0,4 và 0,6 so với mức lương tối thiểu.

Điều 5. Đối với lực lượng vũ trang có thêm một số chế độ sau:

1. Phụ cấp thâm niên (Theo luật về sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam; Điều lệ Quân nhân chuyên nghiệp; pháp lệnh về lực lượng an ninh nhân dân Việt Nam; pháp lệnh Lực lượng cảnh sát nhân dân Việt Nam); áp dụng đối với sĩ quan quân đội và quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan và hạ sĩ quan công an nhân dân hưởng lương theo thời gian tại ngũ.

Mức phụ cấp: Sau 5 năm tại ngũ (tròn 60 tháng) được hưởng 5% lương quân hàm hoặc lương cấp bậc. Từ năm thứ 6 trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.

2. Phụ cấp phục vụ quốc phòng an ninh: áp dụng đối với công nhân viên tại chức làm việc trong lực lượng vũ trang.

Phụ cấp gồm 2 mức: 30% và 50% tiền lương cấp bậc hoặc chức vụ tuỳ theo điều kiện làm việc.

3. Tiếp tục giữ chế độ ăn thêm đối với các quân, binh chủng đặc biệt.

Điều 6. Khi làm việc ngoài giờ tiêu chuẩn quy định, thì giờ làm thêm được trả bằng 150% tiền lương giờ tiêu chuẩn nếu làm thêm vào ngày thường; được trả bằng 200% tiền lương giờ tiêu chuẩn nếu làm thêm vào ngày nghỉ hàng tuần hoặc ngày lễ.

Điều 7. Thời gian thử việc hoặc tập sự được hưởng 85% mức lương chuẩn của ngạch sẽ được bổ nhiệm.

Điều 8. Bãi bỏ các chế độ bù tiền điện, tiền nhà ở, tiền học, trợ cấp trượt giá; các khoản trợ cấp hoặc phụ cấp thêm đối với một số đối tượng thuộc các ngành Toà án, Kiểm sát, Thanh tra, Trọng tài kinh tế, Giáo dục, Y tế, Văn hoá, Khí tượng thuỷ văn, Dự trữ quốc gia, Quân đội, Công an, v.v..; các khoản thu nhập thêm từ nguồn thu theo chế độ khác như học phí, viện phí, lệ phí, v.v...; chế độ bù định lương ăn đối với sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương trong lực lượng vũ trang, cơ yếu; chế độ thanh toán tiền tàu xe đi làm việc hàng ngày và đi phép hàng năm (trừ một số đối tượng, giao cho Liên bộ Lao động - Thương binh và xã hội - Tài chính - Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn cụ thể).

Điều 9. Công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp, sĩ quan và các đối tượng hưởng lương trong lực lượng vũ trang phải trích một phần tiền lương để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Nhà nước.

Điều 10. Việc thực hiện chế độ tiền lương phải bảo đảm theo những nguyên tắc sau:

Làm công việc gì thì hưởng lương theo công việc đó; làm việc ở ngạch công chức, viên chức nào thì xếp lương ở ngạch công chức, viên chức đó.

Khi thôi giữ chức vụ bầu cử thì được giữ nguyên lương trong 6 tháng, sau đó làm công việc gì thì xếp lương theo công việc đó.

Việc xếp lương mới phải gắn với sắp xếp lại bộ máy tổ chức, biên chế của các cơ quan hành chính, sự nghiệp; phải đánh giá lại chức năng của công chức, viên chức theo tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, những người không đảm nhận được công việc chuyên môn đang giữ thì phải xuống ngạch, xuống bậc hoặc giải quyết bằng chính sách khác.

Đảm bảo đoàn kết nội bộ, công nhân viên chức phấn khởi, nâng cao hiệu quả công tác.

Giao quỹ tiền lương tương ứng với biên chế được duyệt để tiến tới thực hiện khoán quỹ lương trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp.

Điều 11. Những người làm việc trong các tổ chức kinh doanh dịch vụ thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang không thuộc biên chế hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang, Nhà nước không cấp phát quỹ tiền lương mà áp dụng chế độ tiền lương như các doanh nghiệp.

Điều 12. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ quản lý ngành giáo dục, y tế, văn hoá - thông tin, khoa học, thể dục - thể thao... quy định chế độ trả lương mới thay thế chế độ trả lương tháng hiện nay; phân loại các đơn vị có thu, chuyển dần các đơn vị này sang hoạt động hạch toán kinh tế, tạo nguồn thu, bảo đảm kinh phí hoạt động và trả lương; đồng thời, xem xét xử lý một số chế độ phụ cấp đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 13. Các đơn vị sự nghiệp kinh tế, kể cả các đơn vị đã được Nhà nước giao quỹ tiền lương theo biên chế, nay phải chuyển sang chế độ nhận đơn đặt hàng của cơ quan Nhà nước hoặc hợp đồng kinh tế; Nhà nước không giao biên chế và quỹ tiền lương đối với các đơn vị này.

Điều 14.

1. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phân loại các tổ chức (Tổng cục, Cục, v.v...); ban hành tiêu chuẩn và thống nhất quản lý các ngạch công chức, viên chức làm cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm, thực hiện nâng ngạch, chuyển ngạch và nâng bậc lương.

Từ năm 1994, việc nâng ngạch, chuyển ngạch, nâng bậc lương do Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ quy định theo nguyên tắc sau:

Nâng ngạch, chuyển ngạch phải căn cứ vào nhu cầu công việc và thi tuyển.

Nâng bậc lương trên cơ sở thâm niên ngạch (2; 3 và 4 năm) và kết quả thực hiện công việc.

2. Bộ Lao động - Thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ Tài chính hướng dẫn việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới; hướng dẫn xây dựng phương án thực hiện tiền lương mới; xét duyệt và cấp phát quỹ tiền lương tăng thêm từ ngân sách đối với các Bộ, ngành, địa phương để bảo đảm tổng quỹ tiền lương tăng thêm không vượt quá kế hoạch ngân sách Nhà nước năm 1993.

Từ năm 1994, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý thống nhất ở Trung ương về biên chế và quỹ tiền lương thuộc khu vực ngân sách Nhà nước cấp.

3. Bộ Lao động - Thương binh và xã hội sau khi thoả thuận với Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành các chế độ phụ cấp lương quy định tại điều 4 Nghị định này. Riêng khoản phụ cấp đắt đỏ, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với Bộ Tài chính và Tổng cục thống kê quy định và hướng dẫn cụ thể việc thi hành.

4. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ, sau khi có sự thoả thuận của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Bộ Tài chính, hướng dẫn thi hành những quy định đối với lực lượng vũ trang thuộc phạm vi mình quản lý.

5. Bộ Tài chính rà soát và chấn chỉnh những khoản thu nhập ngoài lương bất hợp lý, điều hành ngân sách Nhà nước theo đúng định mức, chế độ Tài chính và nhiệm vụ thu chi đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện chế độ tiền lương mới.

Điều 15. Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35-NQ/UBTVQHK9 ngày 17 tháng 5 năm 1993 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ dân cử, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát và Quyết định số 69-QĐ/TƯ ngày 17 tháng 5 năm 1993 của Ban bí thư quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của cán bộ, công nhân viên cơ quan Đảng, đoàn thể.

Điều 16. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế, thành lập ban chỉ đạo xem xét đánh giá lại công chức, viên chức, chuyển xếp lương mới theo quy định của Nhà nước, xét duyệt và tổng hợp thành phương án của Bộ, ngành, địa phương gửi liên Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ Tài chính duyệt. Các Bộ, ngành, địa phương chỉ áp dụng chế độ tiền lương mới sau khi Liên Bộ duyệt và được truy lĩnh tiền lương theo mức lương quy định ngày 1 tháng 4 năm 1993.

Trong phương án thực hiện chế độ tiền lương mới gửi Liên Bộ, các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo các khoản thu nhập ngoài lương do cơ quan, địa phương tự lo.

Điều 17. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 4 năm 1993.

Các khoản trích theo lương sẽ được quy định lại cho phù hợp theo chế độ tiền lương mới.

Các quy định về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp trái với những quy định của Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 18. Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này và thành lập các tổ công tác liên Bộ kiểm tra, xét duyệt phương án thực hiện chế độ tiền lương mới của các Bộ, ngành, địa phương.

Điều 19. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.