• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 30/12/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2015
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 44/2013/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Phúc, ngày 15 tháng 11 năm 2013

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2012/TT-BGTVT

ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về

vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu cao tốc theo tuyến vận tải đường thủy

cố định giữa các cảng, bến thuộc nội thủy Việt Nam

________________

 

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2012/TT-BGTVT ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu cao tốc theo tuyến vận tải đường thủy cố định giữa các cảng, bến thuộc nội thủy Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2012/TT-BGTVT ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu cao tốc theo tuyến vận tải đường thủy cố định giữa các cảng, bến thuộc nội thủy Việt Nam.

1. Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 9. Xử lý tai nạn trong vùng nước cảng biển, luồng hàng hải

Tổ chức, cá nhân liên quan xử lý tai nạn trong vùng nước cảng biển, luồng hàng hải theo Thông tư số 27/2012/TT-BGTVT ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải. Trong trường hợp tàu gặp sự cố, tai nạn mà không có khả năng khắc phục trong vòng 30 phút, phải thông báo ngay đến Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực để tổ chức cứu hộ hoặc cứu nạn.”

2. Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 11. Xử phạt các hành vi vi phạm hành chính

Cơ quan có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa.”

3. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 12. Yêu cầu kỹ thuật, trang thiết bị an toàn của tàu cao tốc

1. Ngoài các yêu cầu kỹ thuật, trang thiết bị theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phân cấp và đóng tàu thủy cao tốc (QCVN 54:2013/BGTVT), các tàu cao tốc phải trang bị thêm giám sát hành trình hoặc thiết bị khác có tính năng tương đương (sau đây gọi chung là thiết bị giám sát hành trình) được đăng ký công bố hợp quy, có dấu hợp quy theo quy định tại Thông tư số 08/2011/TT-BGTVT ngày 08 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.

2. Đối với tàu cao tốc loại tàu cánh ngầm hoặc loại tàu đệm khí, ngoài trang thiết bị thỏa mãn theo quy định tại khoản 1 Điều này phải trang bị thêm thiết bị AIS (Hệ thống nhận dạng tự động) tối thiểu ở cấp độ B. Thiết bị AIS phải thỏa mãn theo Tiêu chuẩn IEC 61162-1, IEC 662287-1 và IEC 60945 do Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) công bố.

3. Tàu cánh ngầm, tàu đệm khí đưa vào hoạt động kinh doanh sau ngày Thông tư này có hiệu lực chỉ phải trang bị thiết bị AIS.”.

4. Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 13. Thiết bị an toàn của tàu cao tốc

1. Người kinh doanh vận tải bằng tàu khách cao tốc phải duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của thiết bị giám sát hành trình của tàu cao tốc và phải bật liên tục kể từ khi tàu cao tốc đón hành khách đầu tiên tại cảng xuất phát đến khi tiễn hành khách cuối cùng tại cảng đích.

2. Thiết bị giám sát hành trình của tàu cao tốc phải đảm bảo tối thiểu các yêu cầu sau đây:

a) Thông tin: thông tin về hành trình, tốc độ vận hành; số lần và thời gian dừng, đỗ và phải được lưu trữ trong vòng 01 năm;

b) Luôn kết nối mạng internet và cung cấp các thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

3. Người kinh doanh vận tải bằng tàu cánh ngầm, tàu đệm khí phải lắp đặt, duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của thiết bị AIS; được kết nối với hệ thống kiểm soát của các Cảng vụ Hàng hải khu vực và việc kết nối này phải được các Cảng vụ Hàng hải khu vực xác nhận.

4. Cảng vụ Hàng hải nơi có tàu cánh ngầm, tàu đệm khí hoạt động có trách nhiệm kiểm tra và theo dõi hoạt động của tàu thông qua thiết bị AIS.”.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2013.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng các Cục: Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.