• Hiệu lực:
UBND TỈNH VĨNH PHÚC
Số: 1100/1999/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Phúc, ngày 6 tháng 5 năm 1999

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH VĨNH PHÚC

"V/v Ban hành quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp

giữa các ngành, các cấp trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội"

____________________________

UỶ BAN NHÂN DÂN  TỈNH VĨNH PHÚC

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Nghị quyết 05/CP - 06/CP ngày 29/1/1993 của Chính phủ về ngăn chặn và phòng chống tệ nạn mại dâm. Tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý;

- Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 12/12/1995 của Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng;

 - Căn cứ Nghị định 53/CP ngày 28/6/1994 của Chính phủ quy định các biện pháp xử lý đối với những cán bộ công nhân viên Nhà nước và những người có hành vi liên quan đến mại dâm, ma tuý, cờ bạc, say rượu bê tha;

- Theo đề nghị của Sở Lao động - TB &XH tại tờ trình số 113/LĐ-TB &XH ngày 20/3/1999.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này: "Bản Quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội"

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các ông Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh , Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã  căn cứ quyết định thi hành./.

            

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

CHỦ TỊCH

 (Đã ký)

Nguyễn Minh Đăng

 

   

QUY ĐỊNH

Trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp

 trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội"

(Ban hành kèm theo quyết định số: 1100/1999/QĐ-UB ngày 6/5/1999

của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Tệ nạn xã hội, nhất là mại dâm, ma tuý, cờ bạc, say rượu bê tha là trái với các chuẩn mực đạo đức xã hội, kỷ cương, pháp luật của Nhà nước, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, tạo ra lối sống xa đoạ, thiếu lành mạnh làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và sự phát triển của giống nòi.

Phòng chống tệ nạn xã hội là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, mọi gia đình và toàn xã hội.

Điều 2: Phòng chống tệ nạn xã hội phải lấy phương châm giáo dục, phòng ngừa là chính, đồng thời kiên quyết đấu tranh phát hiện tố giác các hành vi vi phạm để có biện pháp cải tạo đối tượng, triệt phá các tụ điểm, ổ nhóm, xử lý nghiêm khắc các đối tượng chủ chứa, môi giới buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ma tuý, mại dâm, cờ bạc, số đề và các tệ nạn xã hội khác.

Điều 3: Các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các chất ma tuý, chứa gái mại dâm, đánh bạc, số đề (tuỳ theo hành vi và mức độ vi phạm)... đề phải xử lý theo quy định tại Nghị định 53, 87, 88/CP của Chính phủ hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

CHƯƠNG II

 QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4: Sở Lao động - TB &XH có trách nhiệm:

1- Giúp UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác phòng chống tệ nạn xã hội; Sơ kết, tổng kết đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác này, phối hợp với các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể thực hiện chương trình kế hoạch đã đề ra;

2- Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức chỉ đạo công tác điều tra tệ nạn ma tuý, mại dâm, phân loại và có biện pháp xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cho phù hợp.

3- Chủ trì và phối hợp với sở Y tế, Công an tỉnh trong công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, tổ chức chỉ đạo hoạt động của Trung tâm cai nghiện, chữa trị và dạy nghề; giải quyết những vấn đề xã hội, quản lý đối tượng sau khi đã chữa trị cai nghiện và hướng dẫn cai nghiện tại cộng đồng.

4- Nghiên cứu những giải pháp để đề xuất với các ngành chức năng có biện pháp chống tái nghiện cho những đối tượng sau khi đã cai nghiện trở về với gia đình và công đồng.

5- Hướng dẫn kiểm tra các cấp, các ngành, các đơn vị thực hiện đúng chính sách, chế độ về phòng chống tệ nạn xã hội, chỉ đạo và giám sát nguồn kinh phí trợ cấp cho đối tượng cai nghiện, chữa trị tại trung tâm của tỉnh và tuyến huyện, xã... Quyết toán nguồn kinh phí của chương trình phòng chống mại dâm (Công an tỉnh quyết toán kinh phí chương trình ma tuý)

Điều 5: Công an tỉnh có trách nhiệm:

1- Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo công tác phòng chống tệ nạn ma tuý. Chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan trong đấu tranh, phòng ngừa và ngăn chặn tệ nạn xã hội.

2- Chỉ đạo các lực lượng công an từ cấp tỉnh đến cơ sở xây dựng phong trào quần chúng đấu tranh triệt phá các TNXH để tạo chỗ dựa tin cậy cho quần chúng nhân dân tham gia công tác phòng, chống TNXH, phát hiện và tố giác các đối tượng mại dâm, ma tuý.

3- Hướng dẫn Công an các cấp khảo sát về tình hình TNXH ở địa phương mình, kết hợp chặt chẽ với việc quản lý hộ khẩu, lập hồ sơ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

4- Phối hợp với Sở Lao động - TB &XH tham gia hội đồng tư vấn lập hồ sơ danh sách gái mại dâm, người nghiện ma tuý để hội đồng tư vấn xé duyệt trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định bắt buộc đối tượng vào Trung tâm cai nghiện, chữa trị và dạy nghề của tỉnh.

5- Cử cán bộ, chiến sỹ công an tham gia vào việc quản lý, bảo vệ giữ gìn trật tư an ninh cho Trung tâm cai nghiện, chữa trị của tỉnh.

6- Phối hợp với các ngành trong khối nội chính xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm TNXH.

Điều 6: Sở Y tế có trách nhiệm:

1- Xây dựng và tập huấn phác đồ điều trị cai nghiện ma tuý do Trung tâm y tế các huyện, thị sử dụng phác đồ điều trị cho phù hợp với từng đối tượng (nặng, vừa, nhẹ) đa dạng hoá việc cai nghiệm tại Trung tâm và cộng đồng.

2- Chỉ đạo về công tác chuyên môn đối với các Trung tâm y tế các huyện, thị, trung tâm cai nghiện, chữa trị của tỉnh trong việc tổ chức cai nghiện, chữa trị cho đối tượng mại dâm, người nghiện ma tuý đảm bảo đúng quy định của Bộ Y tế.

3- Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, mua bán, sử dụng các loại thuốc có mang chất gây nghiện, đặc biệt đối với các hiệu thuốc và cơ sở hành nghề y dược tư nhân.

4- Tư vấn kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho đối tượng mại dâm, ma tuý tại các trung tâm cai nghiện, chữa trị của tỉnh.

5- Cử cán bộ y, bác sỹ có kinh nghiệm chuyên môn tham gia giúp đỡ trung tâm cai nghiện, chữa trị của tỉnh trong những đợt cai nghiện tập trung bắt buộc.

Điều 7: Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

1- Chủ trì phối hợp với các ngành hữu quan biên soạn tài liệu về tác hại và các biện pháp phòng ngưà TNXH nhất là nạn ma tuý trong học đường, đưa vào chương trình giảng dạy lồng ghép, dạy ngoại khoá trong các trường phổ thông, các trường chuyên nghiệp và day nghề trên địa bàn tỉnh.

2- Chỉ đạo các trường xây dựng quy định cụ thể về thực hiện nếp sống văn hoá lành mạnh trong cán bộ, giáo viên, học sinh, tổ chức cho học sinh, giáo viên ký kết cam kết không vi phạm TNXH; Phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, gia đình phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm để có biện pháp giải quyết triệt để.

Điều 8: Sở Văn hoá - Thông tin - Thể thao và các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm:

1- Chủ trì phối hợp với Công an tỉnh rà xoát, xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về lĩnh vực văn hoá, dịch vụ văn hoá trên địa bàn tỉnh.

2- Chỉ đạo Trung tâm văn hoá, đài truyền thanh các huyện, thị tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về chủ trương, biện pháp phòng, chống các TNXH, động viên các tầng lớp nhân dân phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi TNXH .

3- Hướng dẫn các huyện, thị, xã, phường, thị trấn tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, thực hiện cuộc vận động toàn dân tham gia phòng chống TNXH bằng nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền như: Kẻ pana, áp phích, tranh cổ động, phát động phong trào viết tin, bài về phòng chống TNXH.

4- Đài phát thanh, truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc mở chuyên mục về phòng chống TNXH: nêu gương những người tốt, việc tốt; phê phán những hành vi vi phạm TNXH, phân tích tác hại của TNXH đối với cá nhân và cuộc sống cộng đồng.

Điều 9: UBND các huyện, thị có trách nhiệm:

1- Xây dựng kế hoạch phòng chống TNXH ở địa phương theo các nội dung: Công tác tuyên truyền, giáo dục, điều tra phân loại, xử lý, chữa trị cai nghiện và giải quyết các vấn đề sau khi chữa trị, cai nghiện thuộc địa bàn huyện, thị quản lý.

2- Chỉ đạo công tác tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục trực tiếp ở xã, phường, thị trấn và gia đình.

3- Chỉ đạo ngành Công an, Lao động - TB&XH và các ban, ngành có liên quan cùng cấp trong công tác điều tra, phân loại đối tượng ma tuý, mại dâm, có kế hoạch chữa trị, cai nghiện đối với các đối tượng và triệt phá các ổ nhóm, xử lý đối với các chủ chứa, môi giới, dẫn dắt, tổng hợp phân loại đối tượng mại dâm, ma tuý ( đối tượng mại dâm: chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp; đối tượng ma tuý nghiện nặng, vừa, nhẹ...) để phân cấp giải quyền theo thẩm quyền.

4- Chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt kế hoạch phòng chống TNXH; phân loại xã, phường, thị trấn về mức độ vi phạm TNXH để có biện pháp thích hợp tăng cường đấu tranh ngăn chặn xử lý nghiêm minh, làm giảm nhanh số xã, phường, thị trấn có nhiều TNXH, xây dựng địa bàn xã, phường, thị trấn có môi trường lành mạnh không có TNXH.

Điều 10: UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm trước cấp trên về mọi TNXH xảy ra trên địa bàn. Những nhiệm vụ mà UBND xã, phường, thị trấn thực hiện:

1- Xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể về phòng chống các TNXH và tổ chức triển khai thực hiện.

2- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục tới từng cá nhân, hộ gia đình và thực hiện ký cam kết giữa các gia đình với xã, phường, thị trấn, thôn xóm, khu phố không có người trong gia đình vi phạm TNXH.

3- Phát hiện, lập danh sách những đối tượng chuyên nghiệp về mại dâm, ma tuý, cờ bạc, số đề phân loại để có biện pháp giáo dục, chữa trị và đề nghị cơ quan có thẩn quyền xử lý.

4- Có quy định cụ thể để phối hợp với các đoàn thể và gia đình về tổ chức giáo dục tại cộng đồng, giao nhận đối tượng với các cơ sở chữa trị cai nghiện.

5- Có biện pháp quản lý đối tượng sau cai nghiện, chữa trị, tọ điều kiện thuận lợi giúp đối tượng học nghề, tạo việc làm, lao động sản xuất, tái hoà nhập cộng đồng.

6- Có các biện pháp động viên bảo vệ an toàn cho những người phát hiện tố giác các hành vi vi phạm TNXH.

Điều 11: Giám đốc khách sạn, chủ nhà hàng phải có những biện pháp cụ thể để phòng chống các TNXH có hiệu quả và ký cam kết với UBND xã, phường (đối với nhà hàng) hoặc UBND huyện, thị (đối với khách sạn, vũ trường) về việc không để xảy ra các hành vi vi phạm TNXH ở cơ sở của mình.

Điều 12: Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các cơ quan khác có liên quan, các đoàn thể, tổ chức quần chúng trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm xây dựng quy chế quản lý cụ thể trong cơ quan, đơn vị để cán bộ công nhân viên không vi phạm TNXH, phổ biến tuyên truyền các nội dung quy định của pháp luật về phòng chống các TNXH đến cán bộ công nhân viên chức, xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp vi phạm, nếu cơ quan, đơn vị nào dung túng, bao che thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm với cơ quan trực tiếp quản lý.

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13: Giao cho Sở Lao động - TB &XH chủ trì phối hợp với Công an tỉnh hướng dẫn chi tiết bản quy định này để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đảm bảo tính pháp lý về hồ sơ danh sách các đối tượng vi phạm TNXH, chuẩn bị nội dung các phiên họp của Hội đồng tư vấn xét duyệt kịp thời đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Hội đồng Tư vấn 05-06 của tỉnh về xét duyệt bắt buộc đối tượng mại dâm, ma tuý vào Trung tâm cai nghiện, chữa trị xem xét khẩn trương chính xác, đúng pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính các hồ sơ đối tượng mại dâm, ma tuý, kịp thời đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đưa các đối tượng này vào trung tâm cai nghiện, chữa trị và dạy nghề của tỉnh để giáo dục.

Điều 14: Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các cơ quan đơn vị tổ chức, Chủ tịch UBND các cấp căn cứ vào các quy định của pháp luật về phòng chống các TNXH và bản quy định này tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống TNXH; định kỳ hành quý, 6 tháng và 1 năm báo cáo kết quả với UBND tỉnh (qua Sở Lao động - TB &XH, Công an tỉnh tổng hợp).

Điều 15: Khen thưởng, xử phạt:

1- Sở Lao động - TB &XH, Công an tỉnh phối hợp với Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh có trách nhiệm theo dõi tổng hợp, đề nghị UBND tỉnh khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống TNXH theo quy định hiện hành.

2- Các đơn vị tổ chức, cá nhân vi phạm TNXH tuỳ theo hành vi và mức độ vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện có điều gì vướng mắc các cấp, các ngành, các đơn vị phản ánh về Sở Lao động - TB &XH để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh nghiên cứu xem xét sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Minh Đăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.