THÔNG TƯ
Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển
________________________________________
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 75/2009/NĐ-CP sửa đổi Điều 3 Nghị định 01/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thuỷ sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển (gọi tắt là Nghị định 33/2010/NĐ-CP);
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 33/2010/NĐ-CP như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định chi tiết thi hành khoản 4, Điều 5; điểm c, khoản 1, Điều 6; khoản 4, Điều 8; khoản 5, Điều 9 và khoản 6 Điều 12 Nghị định 33/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển.
Điều 2. Quy định chi tiết khoản 4, Điều 5 về đánh dấu tàu cá
1. Đánh dấu tàu cá vùng khơi: Đối với tàu khai thác thủy sản có công suất máy chính từ 90 CV trở lên hoạt động khai thác thủy sản tại vùng khơi, sơn 02 vạch thẳng đứng ở khoảng giữa của hai bên cabin tàu, sơn hết chiều cao cabin; mỗi vạch sơn có chiều rộng từ 20 – 30 cm; khoảng cách của 2 vạch sơn cách nhau 30 - 40 cm; màu của vạch sơn là màu vàng cam phản quang (các tàu cá không được sơn cabin trùng với màu của vạch sơn đánh dấu).
Đối với tàu không có cabin thì sơn 02 vạch ở hai bên mạn tàu sau số đăng ký của tàu, cách số đăng ký 30cm, chiều cao vạch sơn gấp 2 lần chiều cao số đăng ký; chiều rộng 20-30cm, khoảng cách hai vạch sơn 30 - 40cm và màu của vạch sơn là màu vàng cam phản quang.
2. Đánh dấu tàu cá vùng lộng: Đối với tàu khai thác thủy sản có công suất máy chính từ 20 CV đến dưới 90 CV hoạt động khai thác thủy sản tại vùng lộng sơn 01 vạch thẳng đứng hai bên cabin tàu. Vạch sơn có chiều rộng từ 20 – 30 cm; chiều cao hết chiều cao cabin tàu; màu của vạch sơn là màu vàng cam phản quang (các tàu cá không được sơn cabin trùng với màu của vạch sơn đánh dấu).
Đối với tàu không có cabin thì sơn ở hai bên mạn tàu sau số đăng ký của tàu, cách số đăng ký là 30cm, chiều cao vạch sơn gấp 2 lần chiều cao số đăng ký; chiều rộng 20 - 30 cm và màu của vạch sơn là màu vàng cam phản quang.
3. Đối với tàu khai thác thủy sản lắp máy dưới 20 CV hoặc không lắp máy không phải đánh dấu tàu, nhưng không được sơn cabin trùng với các qui định ở trên.
4. Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc đánh dấu tàu cá.
Điều 3. Quy định chi tiết điểm c, khoản 1, Điều 6 về trang thiết bị an toàn cho người và tàu cá khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam
Các tàu đi khai thác ngoài vùng biển Việt Nam phải trang bị tối thiểu các thiết bị an toàn cho người và tàu cá, thông tin liên lạc đối với các tàu cá hoạt động ở vùng biển trên 50 hải lý theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 02/2007/TT-BTS ngày 13/7/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.
Điều 4. Quy định chi tiết Điều 7 về thủ tục và trình tự cấp giấy tờ có liên quan cho tàu cá khai thác thuỷ sản ở ngoài vùng biển Việt Nam và cấp lại giấy tờ sau khi khai thác thuỷ sản ở ngoài vùng biển Việt Nam về
1. Trình tự, thủ tục cấp các giấy tờ có liên quan cho tàu cá đi khai thác thuỷ sản ở ngoài vùng biển Việt Nam.
a) Chủ tàu cá gửi hồ sơ (01 bộ) theo qui định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định 33/2010/NĐ-CP đến Tổng cục Thủy sản trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
b) Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Thủy sản xem xét thẩm định hồ sơ, cấp và chuyển các giấy tờ theo qui định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định 33/2010/NĐ-CP về cho chủ tàu thông qua Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoặc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (theo phân cấp quản lý) nơi chủ tàu đăng ký và thông báo cho chủ tàu biết.
Nếu không cấp các giấy tờ theo quy định, Tổng cục Thủy sản phải có văn bản trả lời chủ tàu cá và nêu rõ lý do.
c) Khi đến nhận giấy tờ được Tổng cục Thủy sản cấp, chủ tàu cá phải nộp lại cho Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoặc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các giấy tờ đã được cấp trước đây gồm:
- Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (bản chính);
- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (bản chính);
- Giấy phép khai thác thủy sản (bản chính);
Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoặc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản có trách nhiệm biên nhận (vào sổ hoặc giấy) và lưu giữ các giấy tờ mà chủ tàu đã nộp lại (Ngoài các giấy tờ trên Chi cục hoặc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản không được yêu cầu chủ tàu nộp các giấy tờ nào khác).
d) Mẫu biểu, giấy tờ có liên quan cho tàu cá đi khai thác thuỷ sản ở ngoài vùng biển Việt Nam được quy định:
- Phụ lục số 1: Đơn đề nghị cấp phép và các giấy tờ liên quan cho tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam;
- Phụ lục số 2: Giấy phép cho tàu cá đi khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam;
- Phụ lục số 3: Giấy đăng ký tàu cá (Giấy chứng nhận Quốc tịch tàu);
- Phụ lục số 4: Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá;
- Phụ lục số 5: Danh sách thuyền viên.
2. Thủ tục và trình tự cho phép tàu cá trở về và cấp lại các giấy tờ có liên quan cho tàu hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam.
a) Sau khi kết thúc Hợp đồng hợp tác khai thác thuỷ sản giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam với đối tác nước ngoài, chủ tàu muốn đưa tàu về hoạt động trong vùng biển Việt Nam phải nộp hồ sơ về Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoặc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (theo phân cấp quản lý tàu cá). Hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cho phép tàu cá trở về và cấp lại các giấy tờ có liên quan để tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam (Phụ lục số 6);
- Biên bản thanh lý Hợp đồng hợp tác khai thác thủy sản với đối tác nước ngoài (bản chính tiếng việt hoặc bản sao dịch sang tiếng việt có công chứng);
- Các giấy tờ đã được Tổng cục Thủy sản cấp cho tàu cá đi khai thác ở ngoài vùng biển Việt Nam (trường hợp bị mất các giấy tờ đã được cấp, chủ tàu phải có đơn trình báo lý do mất, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Trường hợp mất các giấy tờ ở nước ngoài thì chủ tàu phải xin xác nhận của cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại).
b) Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoặc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiến hành làm các thủ tục khôi phục lại hoạt động của tàu (theo phân cấp quản lý).
c) Trường hợp Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoặc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản làm mất các giấy tờ lưu giữ thì phải cấp Giấy Chứng nhận đăng ký tàu cá tạm thời cho chủ tàu, đồng thời thông báo ba lần trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc mất các giấy tờ nói trên. Sau 15 ngày kể từ lần thông báo cuối cùng, nếu không có tranh chấp, Giấy đăng ký tàu cá trước đây hết hiệu lực, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoặc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiến hành cấp lại các giấy tờ liên quan cho chủ tàu.
Điều 5. Quy định chi tiết khoản 4, Điều 8 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức, ghi, nộp, xử lý số liệu Nhật ký khai thác thủy sản và Báo cáo khai thác thủy sản
1. Báo cáo khai thác thủy sản
a) Chủ tàu hoặc thuyền trưởng của tất cả các tàu có Giấy phép khai thác thuỷ sản chịu trách nhiệm tổ chức làm Báo cáo khai thác thủy sản theo mẫu tại Phụ lục số 7.
b) Nộp Báo cáo khai thác thủy sản: Chủ tàu hoặc người đại diện của chủ tàu phải nộp Báo cáo khai thác thủy sản mỗi tháng nộp một lần vào trước ngày 10 của tháng sau tại Ủy ban nhân dân xã, phường nơi chủ tàu đăng ký phương tiện.
c) Ủy ban nhân dân các xã, phường có trách nhiệm thu thập, tổng hợp số liệu từ các Báo cáo khai thác thủy sản và nộp báo cáo về Phòng chuyên môn cấp huyện trước ngày 15 của tháng sau, sau đó Phòng chuyên môn cấp huyện tổng hợp báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20 hàng tháng; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Tổng cục Thủy sản theo mẫu tại Phụ lục số 8 trước ngày 25 hàng tháng.
2. Ghi và nộp Nhật ký khai thác thủy sản
a) Thuyền trưởng có trách nhiệm tổ chức ghi Nhật ký khai thác thủy sản theo mẫu tại Phụ lục số 9.
b) Việc ghi và nộp Nhật ký khai thác thủy sản thực hiện như sau:
- Đối với tàu khai thác thủy sản có công suất máy chính từ 90 CV trở lên việc ghi và nộp Nhật ký khai thác thủy sản tiếp tục thực hiện theo quy định.
- Đối với tàu khai thác thủy sản có công suất máy chính từ 20 CV đến dưới 90 CV căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương việc thực hiện ghi và nộp Nhật ký khai thác thủy sản chậm nhất từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
c) Chủ tàu hoặc thuyền trưởng nộp và nhận Nhật ký khai thác thủy sản mỗi quý một lần vào tuần đầu tiên của quý sau (tuần đầu của các tháng 4, 7,10 và tháng 1 năm sau), địa điểm do Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản quy định (tại xã, phường, Cảng cá, Bến cá, Đồn Biên phòng...). Trường hợp tàu cá đi hoạt động khai thác một chuyến biển dài ngày hơn 1 quí thì chủ tàu nộp và nhận Nhật ký khai thác thủy sản ngay sau khi kết thúc chuyến biển.
3. Tổng hợp và xử lý số liệu Nhật ký khai thác thủy sản
a) Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhập số liệu Nhật ký khai thác thủy sản theo từng quý và báo cáo số liệu về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản (qua Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) chậm nhất vào tuần thứ 2 của các tháng 4, 7, 10 và tháng 1 năm sau.
b) Tổng cục Thủy sản (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) có trách nhiệm tổng hợp, kiểm tra, hướng dẫn việc báo cáo từ các địa phương; Trung tâm Thông tin thủy sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (thuộc Tổng cục Thủy sản), Viện Nghiên cứu Hải sản có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, quản lý cơ sở dữ liệu theo chức năng nhiệm vụ và quy định hiện hành.
Điều 6. Quy định chi tiết khoản 6, Điều 12 về báo cáo tình hình đăng ký tàu cá, đăng kiểm tàu cá và cấp Giấy phép khai thác thuỷ sản
Hàng tháng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tổng hợp số liệu tình hình cấp Giấy phép khai thác thủy sản theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 của Thông tư này. Gửi báo cáo về Tổng cục Thủy sản vào ngày 25 hàng tháng.
Báo cáo về tình hình đăng ký, đăng kiểm tàu cá thực hiện theo Thông tư 02/2007/TT-BTS ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Bộ Thủy sản cũ (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về việc hướng dẫn Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Kinh phí thực hiện việc đánh dấu tàu cá; in ấn, xử lý số liệu Nhật ký và Báo cáo khai thác thủy sản, các đơn vị được giao nhiệm vụ lập dự toán kinh phí sự nghiệp chi vào hoạt động của đơn vị, bổ sung vào kinh phí hoạt động hàng năm của đơn vị mình.
2. Tổng cục Thủy sản, các Vụ, Cục và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đôn đốc, kiểm tra thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo, đề xuất về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thuỷ sản) để tổng hợp, trình Bộ trưởng xem xét và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 63/2009/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 9 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển./.