Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn quy trình xác định hộ gia đình cận nghèo theo quy định tại khoản 4 điều 1 quyết định số 117/2008/qđ-ttg ngày 27/8/2008 của thủ tướng chính phủ

Căn cứ Nghị định số 29/2003/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn hộ nghèo áp dụng trong giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Khoản 4 Điều 4 Quyết định số 117/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội;
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình xác định hộ gia đình cận nghèo quy định tại khoản 4 điều 1 Quyết định số 117/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội như sau:

I. QUY TRÌNH XÁC ĐỊNH HỘ GIA ĐÌNH CẬN NGHÈO

1. Hộ gia đình cận nghèo được quy định trong Thông tư này là hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 130% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn hộ nghèo áp dụng trong giai đoạn 2006 - 2010, cụ thể như sau:

a. Khu vực nông thôn từ 201.000 đồng đến 260.000 đồng/người/tháng.

b. Khu vực thành thị từ 261.000 đồng đến 338.000 đồng/người/tháng.

Trong trường hợp Chính phủ điều chỉnh chuẩn nghèo cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội từng thời kỳ thì mức thu nhập hộ gia đình cận nghèo được tính trên cơ sở chuẩn nghèo điều chỉnh.

2. Việc tổ chức rà soát xác định hộ gia đình cận nghèo do Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo cấp xã được thực hiện cùng với việc rà soát hộ nghèo hàng năm quy định tại Thông tư số 04/2007/TT-BLĐTBXH ngày 28/2/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo hàng năm (gọi tắt là Thông tư số 04/2007/TT-BLĐTBXH)

3. Các bước rà soát xác định hộ gia đình cận nghèo:

a. Công tác chuẩn bị rà soát: thực hiện, áp dụng theo quy định tại điểm 1 phần II Thông tư số 04/2007/TT-BLĐTBXH.

b. Lập danh sách hộ gia đình để rà soát xác định hộ cận nghèo:

Để việc triển khai rà soát xác định hộ gia đình cận nghèo hàng năm được kịp thời, đỡ tốn kém thời gian và kinh phí, Ban rà soát xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã), lựa chọn những hộ gia đình có dấu hiệu sau để lập danh sách rà soát:

- Hộ gia đình đã thoát nghèo những năm trước.

- Hộ gia đình tách hộ từ hộ gia đình đã thoát nghèo và hộ gia đình không nghèo.

- Hộ gia đình không nghèo nhưng có con đang học tại các cơ sở đào tạo nghề, cao đẳng, đại học được vay vốn theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

- Hộ gia đình không nghèo nhưng có những dấu hiệu ảnh hưởng đến giảm sút thu nhập trong năm, do những nguyên nhân khách quan, chủ quan như: do hậu quả của thiên tai, bão lụt; lao động chính mất sức lao động hoặc chết; có người trong hộ ốm đau bệnh nặng kéo dài; gặp rủi ro…

c. Phương pháp và cách tổ chức rà soát xác định hộ gia đình cận nghèo theo danh sách được lập:

- Rà soát mức thu nhập của hộ theo mẫu biểu số 1 trong Thông tư này.

- Trình tự, nội dung công việc được áp dụng thực hiện theo quy định tại điểm 3 mục II của Thông tư số 04/2007/TT-BLĐTBXH.

d. Lập danh sách đề nghị bình xét hộ gia đình thuộc diện cận nghèo sau khảo sát, danh sách được lập theo mẫu số 2 ban hành trong Thông tư này. Trình tự, nội dung các bước được thực hiện, áp dụng theo quy định tại điểm 4 phần II trong Thông tư số 04/2007/TT-BLĐTBXH.

II. THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM XÁC NHẬN HỘ GIA ĐÌNH CẬN NGHÈO

Thẩm quyền, trách nhiệm xác nhận hộ gia đình cận nghèo được áp dụng như thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp trong rà soát hộ nghèo theo quy định tại điểm 3 mục I Thông tư số 04/2007/TT-BLĐTBXH.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để kịp thời giải quyết.

 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Bạch Hồng