Sign In

CHỈ THỊ

Về việc Tăng cường công tác quy hoạch tổng thể phát triển

kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái

___________________

Trong những năm qua, công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các cấp, các ngành đã chủ động xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của tỉnh (sau đây gọi chung là quy hoạch). Các quy hoạch được xây dựng là căn cứ để lập kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm và triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã đóng góp cho việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp, thực sự là căn cứ khoa học về các định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch còn một số hạn chế: Chất lượng các dự án quy hoạch chưa cao, do chưa đủ về thời gian nên tầm nhìn của quy hoạch chưa rõ. Tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch chưa được đảm bảo, một số quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chưa căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh tầm nhìn đến năm 2020;. Một số dự án đầu tư có điều kiện thực hiện nhưng không triển khai thực hiện được do không nằm trong quy hoạch được duyệt. Một số quy hoạch cần thiết phải lập để có định hướng phát triển nhưng chưa được lập. Thời kỳ quy hoạch không thống nhất giữa các dự án quy hoạch.

Nguyên nhân chủ yếu hạn chế trên là do nhận thức về vị trí và vai trò của công tác quy hoạch trong phát triển kinh tế - xã hội của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Công tác quy hoạch chưa thực sự trở thành nhiệm vụ cần được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch còn thiếu và yếu so với yêu cầu.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006, Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế của công tác quy hoạch trong thời gian qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêucầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung công việc sau:

1. Khi thực hiện quy trình của công tác Kế hoạch hoá: Từ việc xây dựng Chiến lược, Quy hoạch, đến việc cụ thể hóa bằng Kế hoạch 5 năm và Kế hoạch hàng năm. Cần phải xác định rõ:

a) Quy hoạch phải được xây dựng căn cứ vào chiến lược, kế hoạch phải được xây dựng căn cứ vào quy hoạch;

b) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng và định hướng, chiến lược phát triển của đất nước; Các thế mạnh và tiềm năng phát triển của tỉnh.

c) Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thị xã, thành phố phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của tỉnh;

d) Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của tỉnh phải căn cứ vào quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của cả nước và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Công tác quy hoạch phải được tiến hành thường xuyên. Việc xem xét, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội theo định kỳ là 5 năm một lần. Hàng năm, trên cơ sở đánh giá thực hiện quy hoạch, nếu cần thay đổi, điều chỉnh, bổ sung cục bộ hoặc trong trường hợp xuất hiện những yếu tố mới làm thay đổi từng phần nội dung quy hoạch đã được phê duyệt, quy hoạch đó phải được nghiên cứu điều chỉnh cục bộ kịp thời cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế. Việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo tính kế thừa, chỉ điều chỉnh những nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế và bổ sung quy hoạch cho 5 năm tiếp theo.

3. Thời kỳ quy hoạch cần thống nhất tối thiểu là 10 năm, tầm nhìn hoặc định hướng 15 - 20 năm hoặc xa hơn và cụ thể cho từng thời kỳ 5 năm. Trước mắt, các cấp, các ngành xác định thời kỳ quy hoạch trong thời gian tới là 2011 - 2020, trong đó: đánh giá hiện trạng thời kỳ 5 năm 2006 - 2010, quy hoạch phát triển thời kỳ 10 năm 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đối với các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, thời kỳ quy hoạch cần có tầm nhìn xa hơn, có thể quy hoạch đến năm 2030, hoặc đến năm 2050.

4. Trong lĩnh vực đầu tư phát triển, những dự án có quy mô và vốn đầu tư lớn, các dự án hợp tác đầu tư với nước ngoài chỉ được xem xét khi đã có danh mục đầu tư trong quy hoạch hoặc phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Tổ chức xây dựng dự án quy hoạch phát triển dài hạn. Trước mắt là rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - xã hộitỉnh Yên Bái thời kỳ 2006 - 2020; điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thị xã, thành phố đến năm 2020.Lập mới và điều chỉnh các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2025 và những năm tiếp theo.

6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của công tác quy hoạch trong phát triển kinh tế - xã hội đến cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân. Có kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch để đáp ứng yêu cầu công tác quy hoạch.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lập các quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Duy Cường