CHỈ THỊ
Về việc chấn chỉnh công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo
của công dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái
________________
Trong thời gian qua, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về cơ bản đã được tổ chức thực hiện tốt, kịp thời giải quyết, xử lý đơn thư khiếu kiện của công dân, không để xảy ra “điểm nóng” về khiếu kiện tại địa phương góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa đúng theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn; vẫn còn một số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân bị tồn đọng, kéo dài chậm được giải quyết triệt để; cơ quan có thẩm quyền chưa thật sự chú trọng thực hiện nghiêm túc việc đối thoại với công dân khi giải quyết khiếu nại lần đầu; nhiều trường hợp đã thụ lý nhưng không ra quyết định giải quyết theo quy định dẫn đến giảm lòng tin của nhân dân.
Nguyên nhân những tồn tại trên là do một số lãnh đạo các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Một bộ phận công dân còn hạn chế hiểu biết pháp luật (trong đó có Luật Khiếu nại, tố cáo), một số văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật chậm được ban hành, thiếu đồng bộ.
Để khắc phục những tồn tại trên, đồng thời thực hiện tốt Thông báo Kết luận số 130-TB/TW ngày 10/01/2008 của Bộ Chính trị về tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay và giải pháp trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt một số nội dung cụ thể sau:
1. Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy thực hiện công tác tiếp công dân theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp gắn việc tiếp công dân với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Định kỳ hàng tháng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành phải tổng hợp, báo cáo tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo theo qui định; trong đó, có kiến nghị các giải pháp khắc phục những vấn đề vướng mắc, tồn tại trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo xử lý kịp thời.
2. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, nhất là những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004, năm 2005 và Luật Phòng, chống tham nhũng để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nắm bắt được những quy định của pháp luật, qua đó thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong việc khiếu nại, tố cáo; phối hợp với Thanh tra tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, hạn chế những sơ hở, sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
3. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh tập trung giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; đồng thời, rà soát những trường hợp khiếu nại, tố cáo mà Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có văn bản giao cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh xem xét, xác minh, kết luận, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết, kịp thời báo cáo kết quả để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét ra quyết định giải quyết đúng thời hạn pháp luật qui định; tránh tình trạng vi phạm thời hạn giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo do cơ quan tham mưu kéo dài thời gian xác minh làm ảnh hưởng đến quyền khiếu kiện của công dân cũng như trách nhiệm giải quyết của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố kiểm tra, rà soát, kịp thời giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền còn tồn đọng; giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người nhằm hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp. Quá trình thực hiện, cần có kế hoạch giải quyết cụ thể, chỉ đạo, phân công cán bộ, các phòng, ban chức năng tập trung rà soát, phối hợp để tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp mình giải quyết kịp thời, đúng pháp luật; đồng thời, tăng cường chỉ đạo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác tiếp dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo; có kế hoạch giám sát, tổ chức thực hiện nghiêm túc những vụ việc có quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
5. Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, kết luận và đề xuất hướng giải quyết đối với một số các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. Đồng thời, tăng cường thanh tra trách nhiệm việc tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn để kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Định kỳ 06 tháng một lần, Thanh tra tỉnh chủ trì tổ chức giao ban với Thanh tra các cấp, các ngành để nắm tình hình và trao đổi nghiệp vụ nhằm thực hiện tốt công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế phát sinh khiếu kiện, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
6. Hạn chế thấp nhất các trường hợp vi phạm lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để đòi hỏi quyền lợi sai quy định hoặc tố cáo sai sự thật, vu khống gây phức tạp nội bộ; nếu có vi phạm cần được làm rõ và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Trước mắt cần tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm một số trường hợp khiếu nại, tố cáo kéo dài; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo phát sinh mới, nhất là những nội dung liên quan đến nhân sự đại hội Đảng cấp huyện, thị, thành phố và cấp tỉnh; giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo trong năm 2010, góp phần vào ổn định chính trị và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
7. Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp bố trí lịch làm việc cho lãnh đạo cấp mình về cơ sở để chỉ đạo, đôn đốc đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp với thanh tra cùng cấp tham mưu, giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp mình theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này./.