QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định một số biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý và sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái
_________________________
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 68/2006/NĐ-CP ngày 18/7/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Căn cứ Thông tư số 76/2006/TT-BTC ngày 22/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 68/2006/NĐ-CP ngày 18/7/2006 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số: 791/TTr-STC ngày 12/10/2006 về việc ban hành Quyết định Quy định một số biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý và sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định một số biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý và sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tiền tài sản nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UBND TỈNH YÊN BÁI
|
|
CHỦ TỊCH
|
|
(Đã ký)
|
|
Hoàng Xuân Lộc
|
QUY ĐỊNH
Một số biện pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý và sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái
(Ban hành kèm theo Quyết định số 406/2006/QĐ-UBND ngày 31/10 /2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
_______________________________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định chi tiết về một số biện pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan hành chính sự nghiệp, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
I. CÁC BIỆN PHÁP THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG LẬP VÀ PHÂN BỔ DỰ TOÁN, CHẤP HÀNH, QUYẾT TOÁN CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG
Điều 3. Trách nhiệm xây dựng, ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách và các chế độ chi áp dụng tại địa phương
1. Kết thúc thời kỳ ổn định ngân sách hàng năm theo quy định của Chính phủ, Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu và giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng định mức phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương đảm bảo tính công bằng, công khai, dân chủ, phù hợp với khả năng ngân sách để trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định theo quy định của pháp luật, làm căn cứ để phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành để xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành một số định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi áp dụng tại địa phương đảm bảo theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc khung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành, trên cơ sở thực hành tiết kiệm và phù hợp với khả năng của ngân sách địa phương.
Điều 4. Thực hiện chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách.
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện định mức phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương, và các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành ở ngành mình, cấp mình đảm bảo đúng quy định. Nghiêm cấm việc làm trái hoặc tự ý vận dụng sai các quy định của pháp luật để tham ô, tham nhũng hoặc làm lợi bất chính cho cơ quan, tổ chức, cá nhân gây thất thoát lãng phí ngân sách nhà nước. Người ra lệnh chi sai, chuẩn chi sai thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, đồng thời có trách nhiệm thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền đã chi sai.
2. Trong quá trình tổ chức thực hiện các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thường xuyên rà soát đánh giá, kịp thời phát hiện đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi những chế độ, định mức không còn phù hợp với thực tế hoặc không có hiệu quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
3. Cơ quan tài chính, Kho bạc nhà nước và các cơ quan chức năng ở địa phương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi, kịp thời phát hiện có biện pháp xử lý kỷ luật đối với các hành vi cố tình không thực hiện đúng các quy định về chế độ, tiêu chuẩn định mức chi ngân sách. Thu hồi cho ngân sách các khoản kinh phí chi sai chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức quy định.
Điều 5. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
1. Các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh có đủ điều kiện đều phải thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, ngay từ đầu năm 2007.
2. Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị phải được xây dựng bảo đảm triệt để tiết kiệm, nhất là đối với các khoản chi như: chi điện thoại, công tác phí, hội nghị, văn phòng phẩm, điện sáng, xăng xe... Thực hiện chế độ khoán chi đến từng phòng, ban, cán bộ. Quy chế chi tiêu nội bộ phải có ý kiến tham gia của tổ chức công đoàn cơ quan và phải được công khai trong toàn cơ quan, phải gửi đến cơ quan chủ quản cấp trên và cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi, giám sát, gửi cơ quan Kho bạc nơi giao dịch để thực hiện kiểm soát chi theo quy định. Trường hợp cơ quan, đơn vị chưa có quy chế chi tiêu nội bộ gửi Kho bạc nhà nước, cơ quan Kho bạc nhà nước thực hiện kiểm soát chi theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành.
Mức chi, chế độ chi, định mức, tiêu chuẩn trong Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan đơn vị không được xây dựng vượt quá chế độ, định mức, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Trừ trường hợp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động hoặc tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động được quyết định một số mức chi quản lý hoạt động nghiệp vụ cao hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 của Chính phủ.
3. Các Sở, Ban, Ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Cơ quan tài chính, cơ quan nội vụ các cấp ở địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai và thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.
Điều 6. Lập, phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước
1. Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách phải thực hiện lập dự toán chi theo đúng các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, bảo đảm thực hành tiết kiệm. Dự toán chi ngân sách do cơ quan, đơn vị lập gửi cơ quan cấp trên và cơ quan tài chính cùng cấp phải kèm theo báo cáo thuyết minh rõ cơ sở, căn cứ tính toán từng khoản chi cụ thể.
2. Khi phân bổ dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc, các cơ quan đơn vị phải phân bổ hết dự toán ngân sách được giao theo quy định, trừ trường hợp có các nhiệm vụ chi chưa xác định rõ đơn vị thực hiện trong dự toán đầu năm. Phương án phân bổ dự toán ngân sách của cơ quan nhà nước và đơn vị dự toán cấp I cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc phải gửi cơ quan tài chính cùng cấp để thẩm tra về tính chính xác giữa phân bổ của cơ quan, đơn vị đến đơn vị sử dụng ngân sách với nội dung dự toán do cơ quan có thẩm quyền giao; thẩm tra bảo đảm đúng chính sách chế độ, định mức, tiêu chuẩn chi ngân sách.
3. Các cơ quan đơn vị khi phân bổ dự toán phải có trách nhiệm bố trí lại những khoản chi trong dự toán chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, chưa hợp lý, chưa tiết kiệm, chưa phù hợp với khả năng ngân sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo yêu cầu của cơ quan tài chính.
4. Thủ trưởng đơn vị dự toán cấp trên và Thủ trưởng đơn vị dự toán trực tiếp sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước phải có trách nhiệm công bố công khai dự toán thu, chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao theo quy định tại Thông tư số 21/2005/TT-BTC ngày 22/03/2005 của Bộ Tài chính.
Điều 7. Quản lý, sử dụng dự phòng ngân sách
1. Dự phòng ngân sách địa phương được sử dụng cho các nhiệm vụ sau:
a) Thực hiện các giải pháp khẩn cấp nhằm phòng chống thiên tai, hoả hoạn trên diện rộng;
b) Khắc phục hậu quả thiên tai hoả hoạn đối với thiệt hại tài sản nhà nước; hỗ trợ khắc phục hậu quả đối với thiệt hại của các tổ chức và dân cư;
c) Thực hiện các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng an ninh và các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách khác phát sinh ngoài dự toán đã giao đầu năm cho các đơn vị trực thuộc.
d) Hỗ trợ ngân sách cấp dưới để xử lý các nhiệm vụ nói trên sau khi cấp dưới đã sử dụng dự phòng của cấp mình mà vẫn chưa đáp ứng được.
2. Không sử dụng dự phòng ngân sách để chi hỗ trợ cho các nhiệm vụ có tính chất thường xuyên của các cơ quan, đơn vị đã được bố trí trong dự toán đầu năm. Các cơ quan đơn vị khi phát sinh nhiệm vụ đột xuất với quy mô nhỏ, mức độ ảnh hưởng không lớn, cần chủ động sắp xếp ngân sách trong phạm vi dự toán được giao để thực hiện.
3. Cơ quan Tài chính các cấp ở địa phương có trách nhiệm trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách cấp mình và định kỳ tổng hợp tình hình sử dụng dự phòng ngân sách cấp mình báo cáo Uỷ ban nhân dân cùng cấp.
Điều 8. Kiểm soát chi ngân sách ngân sách nhà nước
1. Tất cả các khoản chi ngân sách nhà nước phải được kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau quá trình cấp phát thanh toán, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Các khoản chi phải có trong dự toán ngân sách nhà nước được phân bổ, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền quy định và đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước hoặc người được uỷ quyền quyết định chi.
2. Tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ thường xuyên phải mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan tài chính, Kho bạc nhà nước trong quá trình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước được giao.
3. Thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm quyết định chi theo chế độ, tiêu chuẩn và mức chi trong phạm vi dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
4. Cơ quan tài chính, Kho bạc nhà nước địa phương phải kiên quyết đình chỉ, từ chối chi trả, thanh toán chi ngân sách nhà nước trong các trường hợp: chi không đúng mục đích, đối tượng theo dự toán được duyệt; chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; không đủ các điều kiện chi theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Điều 9. Quyết toán chi ngân sách nhà nước
1. Việc xét duyệt quyết toán năm phải được thực hiện theo các nguyên tắc: xét duyệt từng khoản thu, chi phát sinh tại đơn vị; các khoản thu phải đúng các luật, pháp lệnh thuế, pháp lệnh phí, lệ phí và các chế độ thu khác của Nhà nước; các khoản chi phải bảo đảm các điều kiện quy định của Luật ngân sách nhà nước; các khoản thu, chi phải hạch toán theo đúng chế độ kế toán, đúng Mục lục ngân sách nhà nước, đúng niên độ ngân sách; các chứng từ thu, chi phải hợp pháp. Sổ sách và báo cáo quyết toán phải khớp đúng với chứng từ và khớp đúng với số liệu của Kho bạc nhà nước.
2. Thủ trưởng cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước. Nghiêm cấm việc quyết toán chi ngân sách nhà nước không có khối lượng, không đúng thủ tục, sai nội dung, đối tượng.
3. Khi thực hiện xét duyệt, thẩm định quyết toán, nếu phát hiện có sai phạm cơ quan xét duyệt và thẩm định quyết toán phải kịp thời yêu cầu cơ quan có trách nhiệm xuất toán, thu hồi các khoản chi không đúng chế độ và ra lệnh nộp ngay các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước theo chế độ quy định.
4. Các đơn vị dự toán, các cấp ngân sách địa phương được thanh tra, kiểm toán phải xử lý dứt điểm và báo cáo kết quả xử lý các kiến nghị của cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước gửi đơn vị dự toán cấp trên, cơ quan tài chính cấp trên.
5. Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách phải có trách nhiệm công bố công khai quyết toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo nội dung, hình thức, thời điểm công khai theo quy định.
II. CÁC BIỆN PHÁP THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở MỘT SỐ LĨNH CHI THƯỜNG XUYÊN
Điều 10. Thực hành tiết kiệm trong việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị
1. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh phải quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh Quyết định số 114/2006/QĐ-TTg ngày 25/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
2. Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị phải nghiên cứu sắp xếp địa điểm hợp lý, kết hợp nhiều nội dung và chuẩn bị nội dung có chất lượng, cân nhắc thành phần, số lượng đại biểu.
3. Các cơ quan, đơn vị phải tăng cường việc kiểm tra trực tiếp đối với các cơ quan đơn vị cấp dưới và cơ sở, nâng cao chất lượng truyền đạt, phổ biến trao đổi thông tin dưới hình thức bằng văn bản thay cho việc tổ chức các hội nghị, hội họp, tập huấn. Nghiêm cấm việc kết hợp tổ chức cuộc họp, hội nghị với tham quan nghỉ mát hoặc dùng hình thức họp để tổ chức vui chơi, giải trí cho cán bộ, công chức, viên chức.
4. Các cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước khi tổ chức hội nghị phải triệt để tiết kiệm, thực hiện chi theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu quy định và dự trù trong phạm vi dự toán năm của cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc tổ chức hội nghị phải đơn giản, không phô trương, hình thức, thành phần tham dự phải là những người trực tiếp có liên quan. Không được chi tổ chức tiệc liên hoan, chiêu đãi, không chi các hoạt động kết hợp tham quan, nghỉ mát, không chi quà tặng quà lưu niệm. Cơ quan đơn vị tổ chức hội nghị không được hỗ trợ tiền ăn, nghỉ đối với đại biểu được mời là cán bộ công chức, viên chức, nhà nước, đại biểu từ các doanh nghiệp.
Điều 11. Thực hành tiết kiệm trong sử dụng xăng dầu
1. Các cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước phải rà soát lại nhiệm vụ, bố trí và tổ chức hợp lý công việc, đề ra các biện pháp tích cực để tiết kiệm xăng dầu và phải coi đây là nhiệm vụ phải thực hiện của cơ quan, đơn vị để góp phần tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước. Thực hiện khoán định mức sử dụng xăng dầu đối với từng xe ô tô; giao chỉ tiêu tiết kiệm có hình thức khen thưởng, kỷ luật trong việc sử dụng xăng dầu.
2. Các cuộc họp do tỉnh triệu tập, nếu điều kiện cho phép các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, các huyện, thị xã và thành phố phải sử dụng chung xe khi đi nhiều người. Cán bộ, công chức sử dụng xe ôtô khi đi công tác ngoài tỉnh phải có ý kiến bằng văn bản của Thủ trưởng đơn vị về việc cử cán bộ và điều động xe ô tô.
3. Thủ trưởng các cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách phải thường xuyên rà soát, đánh giá rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, đầy đủ việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 05/8/2005 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường tiết kiệm trong tiêu dùng xăng dầu, làm rõ những mặt làm được, những hạn chế, yếu kém về nhận thức và biện pháp triển khai thực hiện, từ đó đề ra biện pháp thiết thực để tiết kiệm tiêu dùng xăng dầu trong cơ quan, đơn vị.
Điều 12. Thực hành tiết kiệm trong sử dụng công tác phí
1. Công tác phí trong nước
a) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải xem xét, cân nhắc khi cử người đi công tác (về số lượng người và thời gian đi công tác), bảo đảm kinh phí được sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả trong phạm vi dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền giao.
b) Chi công tác phí phải thực hiện theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định. Ngoài mức công tác phí quy định, cơ quan đơn vị cử người đi công tác và cơ quan, đơn vị có người đến công tác không được sử dụng ngân sách nhà nước để chi thêm bất cứ khoản chi nào dưới bất kỳ hình thức nào cho người đi công tác và người đến công tác tại đơn vị.
c) Cán bộ, công chức được thanh toán công tác phí phải có quyết định cử đi công tác của cấp có thẩm quyền, thực hiện đúng nhiệm vụ được giao và có đủ chứng từ để thanh toán. Không thanh toán công tác phí trong nước đối với các trường hợp sau: thời gian điều trị tại bệnh viện, bệnh xá, nhà điều dưỡng, dưỡng sức; những ngày làm việc riêng trong thời gian di công tác; những ngày học ở trường lớp đào tạo tập trung dài hạn, ngắn hạn, được hưởng chế độ đối với cán bộ được cơ quan cử đi học; những ngày được giao nhiệm vụ thường trú hoặc biệt phái tại một địa phương hoặc cơ quan khác.
d) Cơ quan đơn vị phải thực hiện khoán tiền công tác phí áp dụng cho các trường hợp: cán bộ, công chức thường xuyên phải đi công tác lưu động trên 15 ngày/tháng; cán bộ xã được cử đi công tác thường xuyên trong huyện trên 10 ngày/tháng.
2. Công tác phí ngắn hạn ở nước ngoài
Trường hợp cán bộ, công chức được cử đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài thì được thanh toán công tác phí theo qui định tại Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005 của Bộ Tài chính. Điều kiện để được thanh toán công tác phí là phải có quyết định cử đi công tác của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, có đủ chứng từ hợp lệ để thanh toán. Ngân sách không thanh toán công tác phí trong thời gian điều trị tại bệnh viện và những ngày làm việc riêng trong thời gian đi công tác ở nước ngoài.
Tất cả các trường hợp phía mời bảo đảm toàn bộ chi phí cho chuyến đi thì người đi công tác được hưởng theo mức đài thọ của phía nước ngoài. Ngân sách không cấp thêm phần chênh lệch nếu phía mời đài thọ thấp hơn so với mức khoán. Trường hợp thời gian thực tế công tác ở nước ngoài ít hơn thời gian ghi trong quyết định thì chỉ thanh toán trong thời gian thực tế công tác; hoặc trường hợp thời gian thực tế công tác nhiều hơn thời gian ghi trong quyết định thì chỉ được thanh toán thời gian kéo dài khi có quyết định bổ sung của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
3. Nghiêm cấm việc thanh toán trùng lặp công tác phí từ nhiều nguồn khác nhau hoặc lợi dụng thanh toán công tác phí để thu lợi bất chính.
Điều 13. Thực hành tiết kiệm trong sử dụng điện thoại công vụ
1. Việc trang bị điện thoại, thanh toán cước phí sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động đối với cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội phải thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định của Nhà nước.
2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động theo quy định để xây dựng Quy chế về trang bị, sử dụng và thanh toán tiền cước phí sử dụng điện thoại trong cơ quan đơn vị theo đúng chế độ Nhà nước, thực hiện khoán cước phí điện thoại đến từng bộ phận, từng người sử dụng. Quy chế về trang bị, sử dụng và thanh toán cước phí điện thoại phải được công bố công khai trong cơ quan, đơn vị.
3. Kinh phí bảo đảm cho việc lắp đặt ban đầu và thanh toán cước phí sử dụng điện thoại hàng tháng, cho các đối tượng được trang bị điện thoại được sử dụng trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị. Khi điện thoại bị mất, bị hư hỏng, do nguyên nhân chủ quan của người sử dụng, thì người được trang bị điện thoại có trách nhiệm tự sửa chữa hoặc mua máy mới bằng nguồn tài chính của cá nhân.
Điều 14. Thực hành tiết kiệm trong sử dụng điện sáng
1. Thủ trưởng các cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách phải có trách nhiệm trong việc sử dụng điện tiết kiệm ở cơ quan đơn vị mình. Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức trong việc sử dụng các thiết bị điện; có biện pháp quản lý chặt chẽ việc sử dụng máy điều hoà nhiệt độ. Cán bộ, công chức khi không làm việc, khi ra khỏi phòng làm việc phải tắt hết điện trong phòng và các thiết bị sử dụng điện (trừ trường hợp đặc biệt).
2. Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách cần nghiên cứu cải tiến hệ thống chiếu sáng, quạt và hệ thống điều hoà và các thiết bị sử dụng điện để tiết kiệm điện. Khuyến khích sử dụng các thiết bị tiêu hao ít điện năng trong các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách.
Điều 15. Thực hành tiết kiệm trong sử dụng văn phòng phẩm
1. Các cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện khoán chi văn phòng phẩm, sách báo, tạp chí đến từng bộ phận, từng người sử dụng theo nhu cầu công việc và trong phạm vi dự toán được duyệt đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm quy định cụ thể và quản lý chặt chẽ việc sao chụp và gửi các văn bản quy phạm pháp luật, cải tiến việc in ấn, sao chụp, phát hành các loại giấy tờ hành chính trong nội bộ cũng như ngoài cơ quan theo tinh thần triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.
3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm chỉ đạo việc nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để giảm văn bản, giấy tờ hành chính. Những cơ quan đã có mạng tin học nội bộ (mạng LAN) thì nhanh chóng thực hiện việc gửi, trao đổi và xử lý văn bản, giấy tờ hành chính trong cơ quan và với các cơ quan, tổ chức khác thông qua mạng tin học, tiến tới chủ yếu thực hiện qua mạng tin học.
4. Khuyến khích thực hiện hình thức sử dụng chung văn bản, sách, báo trong các cơ quan, tổ chức và việc phát huy sáng kiến trong việc giảm văn bản, giấy tờ hành chính để tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước.
Điều 16. Thực hành tiết kiệm trong chi công tác thi đua, khen thưởng
1. Việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ vào phong trào thi đua, mọi cá nhân, tập thể tham gia phòng trào thi đua đều phải có đăng ký thi đua, xác định mục tiêu, chỉ tiêu thi đua; không đăng ký thi đua sẽ không được xem xét, công nhận các danh hiệu thi đua.
2. Thực hiện khen thưởng phải đảm bảo nguyên tắc: chính xác, công bằng, kịp thời. Khen thưởng phải đảm bảo thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó, không nhất thiết phải theo trình tự, có hình thức khen thưởng mức thấp rồi mới được khen thưởng mức cao hơn; thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng càng lớn thì được xem xét, đề nghị khen thưởng với mức cao hơn; khen thưởng tập thể nhỏ, cá nhân là chính.
3. Quỹ thi đua khen thưởng phải được sử dụng đúng mục đích, công khai minh bạch, hàng năm phải báo cáo quyết toán tình hình sử dụng quỹ theo quy định hiện hành. Nghiêm cấm sử dụng quỹ thi đua khen thưởng vào mục đích khác.
Điều 17. Thực hành tiết kiệm trong chi tiếp khách, khánh tiết, lễ kỷ niệm
1. Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải chi tiếp khách, khánh tiết trong phạm vi dự toán ngân sách được giao hàng năm. Nghiêm cấm việc sử dụng các loại rượu ngoại để chiêu đãi, tiếp khách.
Đối với các đoàn khách nước ngoài đến thăm và làm việc, cơ quan đơn vị phải thực hiện chế độ chi tiếp khách nước ngoài theo đúng tiêu chuẩn chế độ chi tiêu quy định tại Thông tư số 100/2000/TT-BTC ngày 16/10/2000 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt nam và chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam. Cơ quan đơn vị đón tiếp các đoàn khách nước ngoài cần tận dụng phương tiện đi lại và cơ sở vật chất sẵn có để phục vụ khách, trường hợp cần thiết phải thuê dịch vụ bên ngoài thì cơ quan đơn vị phải thực hiện theo mức chi quy định. Kinh phí đón tiếp khách nước ngoài do cơ quan, đơn vị sắp xếp trong dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm. Ngân sách chỉ xem xét, bổ sung kinh phí đón tiếp khách nước ngoài khi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép bằng văn bản.
2. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân phải quán triệt và chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị số 26/2006/CT-TTg ngày 01/8/2006 của thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm dùng công quỹ làm quà biếu và chiêu đãi khách sai quy định. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng tiền tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc tiền tài sản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, từ công quỹ, các nguồn tài trợ, để thưởng, biếu, cho, tặng cho các tổ chức, cá nhân dưới mọi hình thức không đúng chế độ quy định của Nhà nước trong bất cứ trường hợp nào, nhất là các dịp ngày lễ, ngày tết, ngày kỷ niệm thành lập, tổng kết mừng công, đón nhận danh hiệu Nhà nước… Người quyết định việc sử dụng công quỹ để thưởng, biếu, cho, tặng sai chế độ phải bồi hoàn theo giá thị trường; cán bộ, công chức đưa, nhận quà biếu dù ở bất kỳ cương vị nào đều phải kiểm điểm xử lý kỷ luật; trường hợp có dấu hiện tội phạm phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Các cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày thành lập ngành vào các năm tròn 5, chẵn 10 nếu thấy thực sự cần thiết và phải được sự đồng ý bằng văn bản của cấp có thẩm quyền. Các năm lẻ chỉ tổ chức sinh hoạt nội bộ, gọn nhẹ, thiết thực, tiết kiệm.
Khi tổ chức lễ kỷ niệm, trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, cơ quan đơn vị chỉ mời khách trong phạm vi thích hợp, khuyến khích mời số lượng khách gọn, thiết thực phù hợp với mục đích yêu cầu buổi lễ, tránh phô trương hình thức, gây lãng phí, tốn kém về thời gian, tiền bạc. Không dùng phù hiệu “nơ”, hoa cài ngực… không tổ chức biểu diễn văn nghệ trước buổi lễ, trường hợp xét thấy cần biểu diễn nghệ thuật thì chương trình văn nghệ phải phù hợp với nội dung buổi lễ và không quá 30 phút; thời gian biểu diễn văn nghệ được ghi rõ trong giấy mời.
4. Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước để tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành đối với công trình xây dựng trái với quy định của Nhà nước.
5. Cơ quan tài chính, Kho bạc nhà nước địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chi công quỹ để thưởng, biếu, cho, tặng; kiên quyết không thanh toán, quyết toán các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng. Tổ chức cá nhân duyệt thanh toán, quyết toán các khoản chi sai quy định phải chịu trách nhiệm bồi hoàn và phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Thực hành tiết kiệm trong các khoản chi thường xuyên khác
Ngoài các khoản chi phải thực hành tiết kiệm theo các nội dung quy định như trên, đối với các khoản chi thường xuyên khác, chi thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng, chi trợ giá trợ cước; các cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải căn cứ vào nhiệm vụ chi được giao và chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức chi theo quy định của cấp có thẩm quyền để tổ chức thực hiện chi trên tinh thần triệt để tiết kiệm để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
III. CÁC BIỆN PHÁP THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG ĐẦU TƯ, XÂY DỰNG CÁC DỰ ÁN SỬ DỤNG NGÂN SÁCH
NHÀ NƯỚC TIỀN, TÀI SẢN NHÀ NƯỚC.
Điều 19. Lập, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán, dự toán công trình
Việc lập, thẩm định, phê duyệt tổng dự toán, dự toán công trình phải căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và phải phù hợp với thiết kế xây dựng công trình đã được phê duyệt. Nghiêm cấm điều chỉnh tổng dự toán công trình trái pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan.
Điều 20. Thực hiện dự án đầu tư, thi công công trình
1. Dự án đầu tư chỉ được thực hiện, công trình chỉ được thi công khi dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đủ nguồn vốn theo tiến độ. Dự án đầu tư được duyệt không nằm trong quy hoạch, kế hoạch, không bảo đảm các điều kiện quy định, không đúng quy trình, thủ tục đầu tư thì phải bị đình chỉ hoặc huỷ bỏ.
2. Việc giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải bảo đảm tiến độ thực hiện dự án. Việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải công khai, khách quan, công bằng và theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm, hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, hành vi cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng.
3. Chủ đầu tư, chủ dự án phải nghiệm thu và quyết toán công trình theo đúng quy định, không được tự ý thay đổi thiết kế, dự toán công trình hoặc giá trúng thầu đã được duyệt.
Điều 21. Cấp, thanh toán và quyết toán vốn cho dự án đầu tư
1. Việc cấp vốn cho dự án đầu tư phải bảo đảm đúng tiến độ, trong phạm vi tổng dự toán, dự toán công trình hoặc giá trúng thầu đã được duyệt; việc thanh toán vốn đầu tư phải theo đúng khối lượng hoàn thành được nghiệm thu; việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn và thẩm tra quyết toán công trình phải đúng quy định về quản lý vốn đầu tư. Nghiêm cấm ứng trước vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho dự án trái quy định về quản lý vốn đầu tư và xây dựng.
2. Đối với dự án đầu tư đã được phê duyệt và bố trí vốn nhưng chậm khởi công xây dựng thì phải điều chuyển vốn cho dự án khác theo quy định của Chính phủ.
3. Tất cả các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước sau khi hoàn thành đưa dự án vào khai thác, sử dụng đều phải quyết toán vốn đầu tư theo quy định. Báo cáo quyết toán vốn đầu tư phải xác định đầy đủ, chính xác tổng chi phí đầu tư đã thực hiện; phân định rõ nguồn vốn đầu tư; chi phí đầu tư được phép không tính vào giá trị tài sản hình thành qua đầu tư dự án; giá trị tài sản hình thanh qua đầu tư: tài sản cố định, tài sản lưu động; đồng thời phải đảm bảo đúng nội dung, thời gian lập, thẩm tra và phê duyệt theo quy định. Trường hợp quyết toán được duyệt mà số vốn được quyết toán thấp hơn số vốn đã thanh toán cho dự án, chủ đầu tư phải có trách nhiệm thu hồi của nhà thầu để hoàn trả cho Nhà nước số vốn thanh toán thừa.
4. Cơ quan tài chính địa phương chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành theo quy định. Trường hợp phát hiện có sai sót trong công tác thẩm tra phê duyệt quyết toán, có quyền yêu cầu cấp phê duyệt quyết toán điều chỉnh lại cho đúng, đồng thời xử lý, hoặc đề nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
IV. CÁC BIỆN PHÁP THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG
Điều 22. Quản lý, sử dụng trang thiết bị và phương tiện làm việc
1. Trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và tiêu chuẩn định mức quy định tại Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
2. Cán bộ, công chức, viên chức được giao quản lý, sử dụng trang thiết bị và phương tiện làm việc phải có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn bảo đảm sử dụng lâu bền, tiết kiệm, hiệu quả.
3. Việc thu hồi, điều chuyển, thanh lý trang thiết bị và phương tiện làm việc phải được thực hiện theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định. Chỉ được thanh lý trang thiết bị và phương tiện làm việc đối với những trang thiết bị và phương tiện làm việc không còn sử dụng được hoặc những trang thiết bị và phương tiện làm việc nếu tiếp tục sử dụng phải chi phí sửa chữa quá lớn. Nghiêm cấm việc trao đổi, tặng, biếu, cho, đối với tổ chức và cá nhân; trang bị tại nhà riêng cho cá nhân (trừ điện thoại công vụ); cho thuê, cho mượn, điều chuyển trang thiết bị và phương tiện làm việc giữa các cơ quan khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền.
Điều 23. Mua sắm trang thiết bị và phương tiện làm việc
1. Các cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước chỉ thực hiện mua sắm mới những trang thiết bị và phương tiện làm việc còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức hoặc phải thay thế do hư hỏng, thanh lý trường hợp những trang thiết bị, phương tiện làm việc hiện đang sử dụng có só lượng cao hơn, có giá trị cao hơn hoặc thấp hơn tiêu chuẩn, định mức quy định, cơ quan, đơn vị phải tiếp tục sử dụng cho đến khi hư hỏng thanh lý. Mức kinh phí mua sắm, số lượng trang thiết bị và phương tiện làm việc phải đảm bảo trong phạm vi dự toán kinh phí được giao và không được vượt quá mức kinh phí tối đa áp dụng cho phòng làm việc được trang bị mới theo quy định tại Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Việc mua sắm trang thiết bị và phương tiện làm việc phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và thẩm định giá.
2. Người được cơ quan, tổ chức giao mua sắm trang thiết bị và phương tiện làm việc, tài sản khác nếu có khoản hoa hồng thì phải kê khai, nộp lại cơ quan tổ chức để quản lý, sử dụng cho hoạt động của cơ quan tổ chức. Nghiêm cấm giữ lại khoản hoa hồng để sử dụng sai mục đích.
Điều 24. Quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong các cơ quan hành chính sự nghiệp
1. Thủ trưởng các cơ quan hành chính sự nghiệp phải bố trí, sử dụng phương tiện đi lại của cơ quan theo đúng tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước quy định. Phương tiện đi lại phục vụ công tác của các cơ quan hành chính sự nghiệp tuyệt đối không được bán, trao đổi, tặng, cho bất cứ tổ chức cá nhân nào, nếu không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc sử dụng để cho thuê, sử dụng vào mục đích cá nhân.
Cơ quan tài chính địa phương thực hiện việc xuất toán mọi khoản chi phí vận hành hoặc đề nghị với cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi phương tiện đi lại đối với trường hợp cơ quan hành chính sự nghiệp quản lý, sử dụng không đúng tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước quy định.
2. Phương tiện đi lại phục vụ nhu cầu công tác của các cơ quan hành chính sự nghiệp phải được bảo dưỡng theo đúng quy định về quản lý kỹ thuật của Nhà nước đối với từng loại phương tiện.
3. Việc điều chuyển, thu hồi, thanh lý phương tiện đi lại của các cơ quan hành chính sự nghiệp đối với các trường hợp dôi thừa so với tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước quy định, không có nhu cầu sử dụng, cần phải thanh lý phải được thực hiện theo đúng quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 25. Đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin
1. Các cơ quan tổ chức khi sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước để đầu tư mua sắm, thực hiện các dự án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, phải ưu tiên mua sắm, sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin được sản xuất trong nước, bao gồm các sản phẩm phần mềm, nội dung thông tin số, phần cứng máy tính, sản phẩm điện tử chuyên dụng và dân dụng, sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin.
Trong trường hợp sản phẩm cần mua là loại trong nước đã sản xuất được, nhưng do yêu cầu kỹ thuật đặc thù của dự án chỉ có sản phẩm nhập ngoại mới đáp ứng được, cơ quan chủ trì dự án phải có hồ sở giải trình chi tiết và phải được sự thẩm định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
2. Các cơ quan, đơn vị khi xây dựng và triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin phải đảm bảo sự cân đối, hợp lý, đồng bộ giữa mua sắm phần mềm và phần cứng; phải ưu tiên mua sắm, đầu tư xây dựng các giải pháp, sản phẩm phần mềm và nội dung thông tin số để đảm bảo sự đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin là hiệu quả, tiết kiệm.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 26. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có sáng kiến, thành tích trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 27. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực thi hành theo hiệu lực thi hành của Quyết định ban hành.
Điều 28. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc Sở Tài chính chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Quy định này.
2. Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tiền tài sản nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.