THÔNG TƯ
Quy định về quản lý và bảo trì công trình
đường thủy nội địa
____________
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về quản lý và bảo trì công trình đường thủy nội địa,
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về quản lý và bảo trì công trình đường thủy nội địa.
2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan tới quản lý và bảo trì công trình đường thủy nội địa trên lãnh thổ Việt Nam (trừ các công trình đường thủy nội địa thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng).
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông đường thủy nội địa bao gồm: cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Giao thông vận tải là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Sở Giao thông vận tải.
2. Đơn vị bảo trì công trình đường thủy nội địa là các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện bảo trì công trình đường thủy nội địa.
3. Công trình đường thủy nội địa bao gồm: luồng chạy tàu thuyền; cảng, bến thủy nội địa; âu tàu, kè, đập; báo hiệu, tín hiệu và các công trình phụ trợ khác.
4. Quy trình bảo trì công trình đường thủy nội địa là quy định về trình tự, nội dung và chỉ dẫn thực hiện các công việc về bảo trì công trình đường thủy nội địa.
5. Bảo trì công trình là tập hợp các hạng mục công việc nhằm đảm bảo và duy trì sự hoạt động bình thường, an toàn của công trình theo quy định trong suốt quá trình khai thác và sử dụng. Bảo trì công trình đường thủy nội địa bao gồm công tác bảo dưỡng thường xuyên; sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất.
6. Bảo dưỡng thường xuyên công trình đường thủy nội địa là các công việc thường xuyên và sửa chữa nhỏ nhằm duy trì đảm bảo sự hoạt động bình thường, an toàn của công trình trong suốt quá trình khai thác.
7. Sửa chữa định kỳ bao gồm sửa chữa vừa và sửa chữa lớn.
a) Sửa chữa vừa là sửa chữa những hư hỏng, khắc phục những biểu hiện xuống cấp của bộ phận, kết cấu công trình có ảnh hưởng đến chất lượng khai thác và gây mất an toàn giao thông đường thủy nội địa.
b) Sửa chữa lớn là công việc sửa chữa tiến hành khi có hư hỏng hoặc xuống cấp ở nhiều bộ phận công trình nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của công trình đường thủy nội địa.
8. Sửa chữa đột xuất là công việc sửa chữa công trình đường thủy nội địa do tác động đột xuất như gió bão, lũ lụt, động đất, va đập, cháy hoặc những tác động đột xuất khác dẫn tới những hư hỏng, xuống cấp cần được sửa chữa kịp thời để đảm bảo an toàn giao thông liên tục.
Điều 3. Yêu cầu về bảo trì công trình đường thủy nội địa
1. Công trình đường thủy nội địa sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa định kỳ phải được nghiệm thu bàn giao, tổ chức quản lý và bảo trì. Thời gian thực hiện quản lý và bảo trì được tính từ ngày chủ đầu tư, chủ quản lý khai thác ký vào biên bản nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng.
2. Bảo trì công trình đường thủy nội địa phải thực hiện theo quy trình bảo trì và các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức bảo trì được cấp có thẩm quyền công bố.
3. Công trình đường thủy nội địa phải có quy trình bảo trì gồm: luồng chạy tàu thuyền; cảng, bến thủy nội địa; âu tàu, kè, đập; báo hiệu, tín hiệu giao thông. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy trình bảo trì công trình đường thủy nội địa theo quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của Thông tư này.
4. Các công trình đã đưa vào khai thác, sử dụng chưa có quy trình bảo trì công trình thì thực hiện bảo trì theo quy định tại Điều 16 của Thông tư này.
5. Công tác bảo trì công trình đường thủy nội địa phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường theo quy định.
Chương II
QUY TRÌNH BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Điều 4. Lập quy trình bảo trì công trình đường thủy nội địa
1. Trách nhiệm lập quy trình bảo trì công trình đường thủy nội địa
a) Đối với dự án xây dựng, nâng cấp, cải tạo có áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới; dự án có chuyển giao công nghệ mới thì Nhà thầu tư vấn khi thiết kế phải lập quy trình bảo trì, bàn giao cho chủ đầu tư và cơ quan quản lý công trình đường thủy nội địa. Chi phí cho việc lập quy trình bảo trì được tính vào tổng mức đầu tư của dự án;
b) Nhà thầu cung cấp thiết bị lắp đặt vào công trình có trách nhiệm lập và bàn giao quy trình bảo trì đối với thiết bị do mình cung cấp trước khi lắp đặt vào công trình cho cơ quan quản lý công trình đường thủy nội địa.
c) Đối với các công trình đang sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì:
- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan lập, trình duyệt quy trình bảo trì công trình đường thủy nội địa quốc gia;
- Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan lập, trình duyệt quy trình bảo trì đối với công trình đường thủy nội địa địa phương;
- Trường hợp có tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì hoặc có quy trình bảo trì của công trình tương tự phù hợp thì cơ quan quản lý đường thủy nội địa báo cáo Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định sử dụng tiêu chuẩn hoặc quy trình đó cho công trình mà không cần lập quy trình bảo trì riêng.
Chi phí cho việc lập quy trình bảo trì được tính trong nguồn kinh phí của kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa hàng năm.
2. Căn cứ lập quy trình bảo trì công trình đường thủy nội địa
a) Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình đường thủy nội địa;
b) Quy trình bảo trì công trình tương tự, nếu có;
c) Chỉ dẫn của nhà sản xuất thiết bị;
d) Điều kiện tự nhiên nơi xây dựng công trình đường thủy nội địa;
đ) Kinh nghiệm quản lý, sử dụng công trình và thiết bị được lắp đặt vào công trình;
e) Các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Nội dung quy trình bảo trì công trình đường thủy nội địa
a) Quy định các thông số kỹ thuật, công nghệ, xử lý kết quả quan trắc khi công trình có yêu cầu thực hiện quan trắc;
b) Quy định đối tượng, phương pháp và tuần suất kiểm tra công trình;
c) Xác định thời điểm, đối tượng và nội dung cần kiểm định định kỳ;
d) Quy định thời điểm và chỉ dẫn thay thế định kỳ các thiết bị lắp đặt vào công trình;
đ) Chỉ dẫn phương pháp sửa chữa các hư hỏng của công trình, xử lý các trường hợp công trình bị xuống cấp, quy định các điều kiện nhằm bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện bảo trì công trình;
e) Các chỉ dẫn khác có liên quan đến bảo trì công trình đường thủy nội địa.
4. Công trình đường thủy nội địa phải lập quy trình bảo trì riêng theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư này.
Điều 5. Thẩm định, phê duyệt quy trình bảo trì công trình đường thủy nội địa
1. Đối với các dự án quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 4 của Thông tư này, cơ quan quản lý đường thủy nội địa có trách nhiệm tiếp nhận quy trình bảo trì do nhà thầu thiết kế xây dựng công trình và nhà thầu cung cấp lắp đặt thiết bị vào công trình; tổ chức thẩm định và trình Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy trình bảo trì công trình đường thủy nội địa trước khi nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng.
2. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải có thể thuê tư vấn thẩm tra một phần hoặc toàn bộ quy trình bảo trì công trình do nhà thầu thiết kế lập để làm cơ sở cho việc thẩm định, phê duyệt.
3. Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy trình bảo trì công trình đường thủy nội địa quốc gia do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức xây dựng.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy trình bảo trì công trình đường thủy nội địa địa phương do Sở Giao thông vận tải tổ chức xây dựng.
Điều 6. Điều chỉnh quy trình bảo trì công trình đường thủy nội địa
1. Trong quá trình thực hiện bảo trì, cơ quan quản lý đường thủy nội địa được quyền điều chỉnh quy trình bảo trì khi phát hiện thấy những yếu tố bất hợp lý có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng khai thác, sử dụng công trình và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Cơ quan quản lý đường thủy nội địa lập hoặc thuê nhà thầu thiết kế, nhà thầu cung cấp lắp đặt thiết bị khác lập quy trình bảo trì công trình sửa đổi, trình cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Thông tư này để phê duyệt.
Nhà thầu lập quy trình bảo trì phải chịu trách nhiệm về chất lượng công việc do mình thực hiện và có nghĩa vụ sửa đổi, bổ sung hoặc thay đổi những nội dung bất hợp lý trong quy trình bảo trì nếu do lỗi mình gây ra và có quyền từ chối những yêu cầu điều chỉnh những quy trình bảo trì không đúng quy định của cơ quan quản lý đường thủy nội địa.
2. Trường hợp công trình sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật bảo trì để thực hiện bảo trì, khi tiêu chuẩn này được sửa đổi hoặc thay thế thì cơ quan quản lý đường thủy nội địa có trách nhiệm quản lý việc thực hiện bảo trì theo nội dung đã được sửa đổi.
Điều 7. Tài liệu phục vụ bảo trì công trình đường thủy nội địa
1. Các tài liệu phục vụ công tác bảo trì bao gồm: quy trình bảo trì công trình, bản vẽ hoàn công, lý lịch thiết bị lắp đặt và các hồ sơ theo Điều 8 của Thông tư này và tài liệu cần thiết khác phục vụ cho bảo trì công trình.
2. Nhà thầu thiết kế, nhà thầu cung cấp thiết bị có trách nhiệm bàn giao tài liệu phục vụ bảo trì công trình, thiết bị cho chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền trước khi bàn giao công trình vào sử dụng, khai thác.
Chương III
QUẢN LÝ VÀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Điều 8. Nội dung công tác quản lý công trình đường thủy nội địa
1. Quản lý hồ sơ công trình đường thủy nội địa
a) Các công trình đường thủy nội địa xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất khi hoàn thành đưa vào sử dụng phải bàn giao cho cơ quan quản lý đường thủy nội địa hồ sơ hoàn công được lập theo quy định hiện hành để lập hồ sơ quản lý. Hồ sơ hoàn công phải được lưu trữ, quản lý trong suốt thời gian tuổi thọ thiết kế; việc sử dụng, khai thác hồ sơ phải đúng mục đích.
b) Hồ sơ quản lý công trình đường thủy nội địa gồm:
- Đối với luồng chạy tàu thuyền gồm các tài liệu trích từ hồ sơ hoàn công công trình như bình đồ mặt cắt dọc, mặt cắt ngang, mặt cắt địa chất, sơ đồ tuyến báo hiệu, tổ chức giao thông và hồ sơ các hệ thống mốc;
- Đối với các công trình âu tàu, kè, đập giao thông khi sửa chữa định kỳ phải lập hồ sơ quản lý và lập kế hoạch kiểm tra theo dõi riêng;
- Đối với báo hiệu, tín hiệu lập sổ lý lịch về báo hiệu, tín hiệu, hồ sơ bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ;
- Đối với công trình nạo vét luồng, thanh thải vật chướng ngại gồm các tài liệu trích từ hồ sơ hoàn công như bình đồ, mặt cắt dọc, mặt cắt ngang, tài liệu về địa chất, vị trí đổ bùn, cát, vật chướng ngại, hồ sơ hệ thống mốc; hồ sơ về tổ chức giao thông.
- Đối với công tác điều tra, khảo sát luồng chạy tàu thuyền gồm các tài liệu trích từ hồ sơ hoàn công như bình đồ, mặt cắt dọc, mặt cắt ngang và hồ sơ các hệ thống mốc.
- Đối với công trình cảng, bến thủy nội địa gồm các tài liệu trích từ hồ sơ hoàn công.
2. Lập hồ sơ quản lý hành lang an toàn đường thủy nội địa
a) Hồ sơ quản lý hành lang an toàn đường thủy nội địa bao gồm các công trình ảnh hưởng đến an toàn đường thủy nội địa, phạm vi thời điểm vi phạm và quá trình xử lý vi phạm, hồ sơ về mốc chỉ giới;
b) Đối với đường thủy nội địa chuyên dùng phải lập riêng để theo dõi cập nhật bổ sung các phạm vi có liên quan.
3. Tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ công trình đường thủy nội địa.
4. Theo dõi tình hình hư hại công trình đường thủy nội địa; tổ chức kiểm tra thường xuyên, phát hiện kịp thời những hư hỏng và các vi phạm về bảo vệ an toàn công trình đường thủy nội địa, tiến hành xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp xử lý theo quy định.
5. Định kỳ tháng, quý, năm kiểm tra tình trạng kỹ thuật; kiểm tra đột xuất sau mỗi đợt lũ, bão hoặc các tác động bất thường khác.
6. Thực hiện đếm và vẽ biểu đồ lưu lượng phương tiện vận tải; theo dõi và vẽ biểu đồ mực nước.
7. Lập biểu mẫu theo dõi số vụ tai nạn, xác định nguyên nhân ban đầu của từng vụ tai nạn, thiệt hại do tai nạn. Phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương để giải quyết tai nạn giao thông theo thẩm quyền.
8. Phân luồng, tổ chức giao thông, chống va trôi; lập hồ sơ các vị trí vật chướng ngại, theo dõi kết quả các vật chướng ngại đã được xử lý.
9. Trực đảm bảo giao thông; theo dõi tình hình thời tiết, thủy văn, bão lũ, các sự cố công trình, xử lý và báo cáo theo quy định.
10. Báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.
11. Cập nhật các số liệu có liên quan về công trình đường thủy nội địa, hành lang an toàn đường thủy nội địa theo quy định.
Điều 9. Nội dung công tác bảo trì công trình đường thủy nội địa
1. Công tác bảo trì công trình đường thủy nội địa bao gồm: Bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất.
2. Bảo dưỡng thường xuyên bao gồm các công việc sau:
a) Điều tra, khảo sát, theo dõi tình trạng thực tế công trình đường thủy nội địa;
b) Lắp đặt, điều chỉnh báo hiệu đường thủy nội địa trên bờ, dưới nước;
c) Nạo vét bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của luồng chạy tàu, thuyền theo cấp kỹ thuật đường thủy nội địa đã công bố;
d) Sửa chữa nhỏ báo hiệu, tín hiệu, phương tiện, thiết bị, các công trình phục vụ trên tuyến đường thủy nội địa đang khai thác.
3. Sửa chữa định kỳ công trình đường thủy nội địa bao gồm:
a) Nạo vét chỉnh trị, thanh thải vật chướng ngại trong luồng và hành lang bảo vệ luồng;
b) Sửa chữa lớn báo hiệu, tín hiệu, hệ thống kè đập, âu tàu, công trình chỉnh trị dòng chảy, thủy trí, nhà trạm, nhà điều hành, phương tiện, thiết bị, cảng, bến thủy nội địa, phục vụ công tác quản lý đường thủy nội địa;
c) Bổ sung thay thế báo hiệu, tín hiệu định kỳ.
4. Sửa chữa đột xuất công trình đường thủy nội địa bao gồm sửa chữa sự cố hư hỏng của công trình đường thủy nội địa do thiên tai bão, lũ hoặc sự cố bất thường khác gây ra.
Các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện công tác bảo trì công trình đường thủy nội địa phải chủ động lập phương án, khẩn trương khắc phục hậu quả các sự cố do thiên tai gây ra và báo cáo nhanh về cơ quan quản lý đường thủy nội địa cấp trên trực tiếp biết, hỗ trợ.
Điều 10. Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức kinh tế - kỹ thuật quản lý và bảo trì đường thủy nội địa
1. Đối với công tác bảo dưỡng công trình đường thủy nội địa:
a) Áp dụng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
b) Đối với các hạng mục công trình chưa có định mức, áp dụng các định mức tương ứng của các ngành khác hoặc của địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành.
2. Đối với công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất công trình đường thủy nội địa được áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức quy định đối với công trình xây dựng cơ bản và các quy định hiện hành có liên quan của nhà nước.
3. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa kiểm tra, theo dõi, đánh giá việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật của đơn vị bảo trì công trình đường thủy nội địa trong phạm vi quản lý của mình.
Điều 11. Trách nhiệm về quản lý và bảo trì công trình đường thủy nội địa
1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện việc quản lý công trình đường thủy nội địa quốc gia, Sở Giao thông vận tải thực hiện việc quản lý công trình đường thủy nội địa địa phương theo các nội dung quy định tại Điều 8 Thông tư này.
2. Các tổ chức, cá nhân được giao bảo trì công trình đường thủy nội địa theo các nội dung quy định tại Điều 9 Thông tư này, đồng thời phải:
a) Tổ chức thực hiện công tác bảo trì công trình đường thủy nội địa theo các yêu cầu quy định tại Điều 3 của Thông tư này;
b) Phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi vi phạm công trình đường thủy nội địa;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình đường thủy nội địa bị xuống cấp do không thực hiện bảo trì công trình, thiết bị theo quy định.
3. Công trình đường thủy nội địa chuyên dùng do tổ chức, cá nhân tổ chức quản lý và bảo trì theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.
4. Khi cải tạo, nâng cấp đường thủy nội địa, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường theo quy định.
Điều 12. Lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa đo Bộ Giao thông vận tải quản lý
1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổng hợp, lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường thủy nội địa hàng năm và trung hạn 5 năm (hoặc theo kỳ kế hoạch) trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
2. Kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa phải dựa trên việc tổng hợp và thẩm định các số liệu, báo cáo, đề xuất từ đơn vị cơ sở, phản ánh đúng các yêu cầu thực tế và hiện trạng công trình đường thủy nội địa, phù hợp với quy trình bảo trì công trình theo nội dung công việc bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ.
3. Quá trình lập kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa phải nêu được đầy đủ: Tên công trình và hạng mục công trình thực hiện; đơn vị, khối lượng, chi phí thực hiện; thời gian thực hiện; phương thức thực hiện, mức độ ưu tiên. Đối với các công trình, hạng mục công trình thuộc mức độ ưu tiên phải có thuyết minh. Biểu mẫu lập kế hoạch bảo trì quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này.
4. Nội dung của kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa hàng năm và trung hạn 5 năm (hoặc theo kỳ kế hoạch) bao gồm:
a) Đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên:
- Căn cứ vào thời gian đưa công trình đường thủy nội địa vào sử dụng và thực tế khai thác công trình, phải tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên nhằm phòng ngừa và khắc phục kịp thời những hư hỏng nhỏ của các bộ phận kết cấu công trình, thiết bị để nâng cao chất lượng phục vụ khai thác đề phòng xảy ra những hư hỏng, sự cố tiếp theo và đảm bảo tuổi thọ công trình.
- Dự toán kinh phí được xác định phù hợp với công việc bảo trì công trình đường thủy nội địa. Đơn giá, dự toán căn cứ vào định mức, đơn giá hiện hành. Trường hợp các định mức, đơn giá chưa có hoặc đã có nhưng chưa phù hợp, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện theo điểm b khoản 1 Điều 10 của Thông tư này.
b) Đối với công tác sửa chữa định kỳ:
- Căn cứ vào thời hạn quy định và trên cơ sở kết quả đánh giá, kiểm định hiện trạng công trình đường thủy nội địa (nếu có) về tình trạng xuống cấp của các bộ phận, kết cấu công trình và hư hỏng xuống cấp ở nhiều bộ phận công trình để lập và đề xuất các giải pháp sửa chữa (hoặc thay thế mới) nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của công trình và đảm bảo sự làm việc bình thường, an toàn công trình;
- Trình tự thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình và các quy định khác có liên quan;
- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định hiện hành.
c) Đối với công tác sửa chữa đột xuất công trình đường thủy nội địa:
- Kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa hàng năm: Tổng hợp công trình, hạng mục công trình đường thủy nội địa đã sửa chữa khôi phục khẩn cấp kèm theo kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa trung hạn 5 năm (hoặc theo kỳ kế hoạch): dự phòng kinh phí tối đa 5%.
d) Đối với công trình đường thủy nội địa đã quá thời gian sử dụng, không đáp ứng được yêu cầu sử dụng, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét quyết định cho phép lập dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo từ nguồn vốn xây dựng cơ bản, không sử dụng kinh phí bảo trì.
5. Trình tự, thủ tục phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa hàng năm
a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổng hợp, lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường thủy nội địa trình Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15 tháng 6 hàng năm;
b) Bộ Giao thông vận tải thẩm định, chấp thuận kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường thủy nội địa trước ngày 15 tháng 7; tổng hợp kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Giao thông vận tải, trình Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 8 hàng năm;
c) Trên cơ sở Quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải thông báo dự toán thu, chi ngân sách nhà nước gửi cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, trong đó có phần kinh phí dành cho bảo trì công trình đường thủy nội địa;
d) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức rà soát danh mục dự án, hạng mục và khối lượng công trình cấp thiết phải làm, chịu trách nhiệm về lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường thủy nội địa, trình Bộ Giao thông vận tải chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo quy định tại điểm c khoản này;
đ) Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình đường thủy nội địa và tổng hợp, giao dự toán thu chi ngân sách cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
6. Trình tự, thủ tục phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa trung hạn 5 năm (hoặc theo kỳ kế hoạch):
a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổng hợp, lập kế hoạch và dự kiến kinh phí bảo trì công trình đường thủy nội địa, trình Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15 tháng 6 của năm tiếp theo;
b) Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kế hoạch, kinh phí bảo trì công trình đường thủy nội địa, kế hoạch bố trí nguồn kinh phí thực hiện và tổ chức thực hiện, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa hàng năm cho phù hợp với điều kiện thực tế.
7. Thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa đã được phê duyệt:
a) Kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa hàng năm được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt là căn cứ để Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và đơn vị quản lý, khai thác công trình đường thủy nội địa triển khai thực hiện. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt dự toán kinh phí bảo trì công trình đường thủy nội địa theo quy định hiện hành;
b) Việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Công trình, hạng mục công trình phát sinh nguy cơ sự cố hoặc xảy ra sự cố nguy hiểm, công trình mất an toàn phải xử lý khẩn cấp hoặc điều chỉnh cục bộ hạng mục công trình, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thẩm tra, phê duyệt, thực hiện và báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
- Công trình, hạng mục công trình, kinh phí thực hiện phát sinh ngoài kế hoạch được duyệt, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải chấp thuận trước khi thực hiện.
8. Kiểm tra thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa đã được phê duyệt:
a) Bộ Giao thông vận tải tổ chức xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra hàng năm, đột xuất và tổ chức triển khai thực hiện;
b) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức quản lý, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch được duyệt của các đơn vị và tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất kết quả thực hiện kế hoạch bảo trì công trình về Bộ Giao thông vận tải (hàng quý trước ngày 22 tháng cuối mỗi quý; hàng năm trước ngày 15 tháng 1 của năm tiếp theo);
c) Nội dung báo cáo phải nêu được đầy đủ tên công trình, hạng mục công trình; khối lượng và kinh phí; thời gian hoàn thành; những điều chỉnh, phát sinh so với kế hoạch được giao; đánh giá kết quả; đề xuất và kiến nghị trong quá trình thực hiện. Mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục 2 Thông tư này.
Điều 13. Lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa do các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân khác quản lý
1. Chủ sở hữu công trình đường thủy nội địa hoặc người được ủy quyền tổ chức lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa thường xuyên, trung hạn, dài hạn theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP, quy định của Thông tư này và quy định liên quan của pháp luật.
2. Khi phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa theo quy định tại khoản 1 Điều này, chủ sở hữu công trình đường thủy nội địa hoặc người được ủy quyền gửi Bộ Giao thông vận tải văn bản phê duyệt và kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa để tổng hợp, quản lý chung.
Điều 14. Kiểm tra thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa công trình đường thủy nội địa
1. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa tự tổ chức thực hiện việc kiểm tra bảo dưỡng và sửa chữa công trình đường thủy nội địa nếu đủ điều kiện năng lực hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện năng lực thực hiện.
2. Việc kiểm tra có thể được thực hiện thường xuyên hoặc định kỳ bằng trực quan, bằng các số liệu quan trắc thường xuyên, bằng các thiết bị kiểm tra chuyên dụng khi cần thiết để đánh giá hiện trạng, phát hiện kịp thời dấu hiệu xuống cấp, những hư hỏng của công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình để làm cơ sở cho việc bảo dưỡng, sửa chữa công trình.
3. Kết quả kiểm tra bảo dưỡng, sửa chữa công trình phải được ghi chép và lập hồ sơ để quản lý và theo dõi.
Điều 15. Công trình, bộ phận công trình đường thủy nội địa bắt buộc phải quan trắc trong quá trình thực hiện
1. Trong quá trình khai thác, sử dụng các công trình được quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư này và các công trình có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng hoặc có dấu hiệu bất thường khác có khả năng gây sập đổ công trình bắt buộc phải quan trắc.
Các bộ phận công trình đường thủy nội địa cần được quan trắc là hệ kết cấu chịu lực chính của công trình mà khi bị hư hỏng có thể dẫn đến sập đổ công trình.
2. Nội dung quan trắc công trình bao gồm vị trí quan trắc, thông số quan trắc (biến dạng, nghiêng, lún, nứt, võng...); thời gian quan trắc; số lượng chu kỳ đo và các nội dung cần thiết khác do nhà thầu quan trắc lập và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Yêu cầu đối với công tác quan trắc công trình đường thủy nội địa trong quá trình khai thác, sử dụng:
a) Phải thực hiện quan trắc theo phương án quan trắc do nhà thầu quan trắc lập và được người có trách nhiệm bảo trì công trình phê duyệt;
b) Phương án quan trắc phải quy định về phương pháp đo, các thiết bị đo, sơ đồ bố trí và cấu tạo các dấu mốc, tổ chức thực hiện, phương pháp xử lý số liệu đo và các nội dung cần thiết khác;
c) Nhà thầu quan trắc phải lập và báo cáo người có trách nhiệm bảo trì về kết quả quan trắc, trong đó các số liệu về quan trắc phải được đánh giá so sánh với giá trị giới hạn do nhà thầu thiết kế xây dựng công trình quy định, tiêu chuẩn có liên quan;
Trường hợp số liệu quan trắc đạt tới giá trị giới hạn quy định tại khoản 2 Điều này hoặc có dấu hiệu bất thường khác thì người có trách nhiệm bảo trì phải tổ chức đánh giá an toàn công trình, an toàn khai thác sử dụng và có biện pháp xử lý kịp thời;
d) Tổ chức, cá nhân thực hiện quan trắc phải có đủ điều kiện, năng lực hoạt động xây dựng tương đương với điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát xây dựng hoặc kiểm định chất lượng công trình xây dựng.
Điều 16. Quản lý chất lượng công việc bảo trì công trình
1. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa phải tổ chức giám sát công tác quan trắc (nếu có), kiểm tra chất lượng, thi công, nghiệm thu công việc sửa chữa công trình, lập và quản lý, lưu giữ hồ sơ bảo trì công trình theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình đường thủy nội địa và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Hồ sơ bảo trì công trình đường thủy nội địa bao gồm:
a) Các tài liệu phục vụ công tác bảo trì nêu tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư này;
b) Kế hoạch bảo trì;
c) Kết quả quan trắc (nếu có);
d) Kết quả kiểm định chất lượng;
đ) Kết quả kiểm tra thường xuyên và định kỳ;
e) Kết quả bảo dưỡng, sửa chữa công trình;
g) Các tài liệu khác có liên quan.
3. Công việc sửa chữa công trình đường thủy nội địa phải được bảo hành theo quy định hiện hành.
Điều 17. Thực hiện bảo trì công trình đường thủy nội địa đang sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì
Đối với các công trình chưa có quy trình bảo trì, cơ quan quản lý đường thủy nội địa hoặc chủ sở hữu tổ chức thực hiện bảo trì công trình theo trình tự sau:
1. Khảo sát, kiểm tra và đánh giá chất lượng hiện trạng công trình.
2. Sửa chữa các hư hỏng của công trình (nếu có).
3. Thực hiện bảo trì công trình như quy định tại chương III Thông tư này.
4. Lập quy trình bảo trì công trình theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này.
Điều 18. Quy định về sử dụng đối với công trình đường thủy nội địa hết tuổi thọ thiết kế.
1. Khi công trình, hết tuổi thọ thiết kế, đơn vị bảo trì công trình đường thủy nội địa phải thực hiện các công việc sau đây:
a) Tổ chức kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình;
b) Sửa chữa công trình nếu có hư hỏng để bảo đảm công năng và an toàn sử dụng trước khi xem xét, quyết định việc tiếp tục sử dụng công trình;
c) Tự quyết định việc tiếp tục sử dụng công trình nhưng không gây ra thảm họa khi có sự cố theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
d) Báo cáo cơ quan quản lý đường thủy nội địa kết quả kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng công trình, kết quả sửa chữa công trình (nếu có) để xem xét, chấp thuận việc tiếp tục sử dụng đối với công trình đường thủy hết tuổi thọ thiết kế, công trình khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
2. Nội dung báo cáo kết quả kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng công trình, kết quả sửa chữa công trình và đề nghị việc xử lý công trình đường thủy hết tuổi thọ thiết kế:
a) Kết quả đánh giá chất lượng công trình;
b) Đề nghị về việc xử lý công trình theo một trong các phương án sau:
- Tiếp tục sử dụng công trình hoặc chuyển đổi công năng sử dụng, sửa chữa công trình nếu cần thiết;
- Sử dụng hạn chế một phần công trình;
- Hạn chế sử dụng công trình;
- Ngừng sử dụng hoàn toàn công trình.
c) Các nội dung liên quan khác.
Điều 19. Thủ tục chấp thuận tiếp tục sử dụng đối với công trình đường thủy nội địa hết tuổi thọ thiết kế
1. Đơn vị bảo trì công trình đường thủy nội địa gửi trực tiếp hoặc bằng đường bưu điện 01 bộ hồ sơ tới cơ quan quản lý đường thủy nội địa để được xem xét, xử lý đối với công trình hết tuổi thọ thiết kế. Hồ sơ bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư này;
b) Báo cáo kết quả kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng công trình, kết quả sửa chữa công trình;
c) Biên bản hoặc tài liệu thể hiện kết quả kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình;
d) Kết quả sửa chữa công trình nếu có hư hỏng để bảo đảm công năng và an toàn sử dụng trước khi xem xét, quyết định việc tiếp tục sử dụng công trình;
e) Hồ sơ xây dựng và bảo trì của công trình đường thủy.
2. Cơ quan quản lý đường thủy nội địa tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:
a) Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn đơn vị bảo trì công trình đường thủy nội địa hoàn thiện lại hồ sơ.
b) Trường hợp nhận hồ sơ nhận qua hệ thống bưu điện, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời gian năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan quản lý đường thủy nội địa có văn bản yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
c) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý đường thủy nội địa phải có văn bản chấp thuận việc tiếp tục sử dụng đối với công trình đường thủy nội địa hết tuổi thọ thiết kế; trường hợp không chấp thuận phải có văn bản nêu rõ lý do và gửi cho đơn vị bảo trì công trình đường thủy nội địa thông qua hệ thống bưu điện hoặc nhận trực tiếp tại trụ sở cơ quan.
Điều 20. Xử lý đối với công trình, bộ phận công trình đường thủy nội địa không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng
1. Công trình, bộ phận công trình đường thủy nội địa không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng là công trình, bộ phận công trình hư hỏng nặng, xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ biểu hiện qua các dấu hiệu như nứt, võng, lún, nghiêng vượt quá giá trị giới hạn cho phép đã nêu trong quy trình bảo trì công trình hoặc trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan.
2. Khi phát hiện công trình đường thủy nội địa không bảo đảm an toàn cho việc khai thác, sử dụng, đơn vị bảo trì có trách nhiệm thực hiện các việc sau đây:
a) Kiểm tra công trình hoặc kiểm định chất lượng công trình;
b) Quyết định thực hiện các biện pháp an toàn như: hạn chế sử dụng công trình, ngừng sử dụng công trình, di chuyển người và tài sản (nếu cần thiết) để bảo đảm an toàn và báo cáo ngay với cơ quan quản lý nhà nước sau đây:
- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đối với công trình đường thủy nội địa quốc gia và công trình khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
- Sở Giao thông vận tải đối với các công trình đường thủy nội địa địa phương.
c) Sửa chữa những hư hỏng có nguy cơ làm ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, an toàn vận hành của công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng công trình khẩn cấp.
3. Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về biểu hiện xuống cấp về chất lượng công trình đường thủy nội địa, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác, sử dụng thì cơ quan quản lý đường thủy nội địa có trách nhiệm:
a) Tổ chức kiểm tra, thông báo, yêu cầu và hướng dẫn chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền tổ chức khảo sát, kiểm định chất lượng, đánh giá mức độ nguy hiểm, thực hiện sửa chữa hoặc phá dỡ bộ phận công trình hoặc công trình (nếu cần thiết);
b) Quyết định áp dụng các biện pháp an toàn quy định tại điểm b khoản 2 Điều này khi chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền không thực hiện các công việc nêu tại điểm a khoản này;
c) Xử lý trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật khi chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền không thực hiện theo các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước nêu tại điểm a và điểm b khoản này.
4. Trường hợp công trình đường thủy nội địa có thể sập đổ ngay, người có trách nhiệm bảo trì phải di dời khẩn cấp toàn bộ người ra khỏi công trình này và các công trình lân cận bị ảnh hưởng, báo cáo cơ quan quản lý đường thủy nội địa để được hỗ trợ thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn.
Cơ quan quản lý đường thủy nội địa khi nhận được báo cáo về tình huống công trình có thể sập đổ ngay, phải tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, kịp thời sau: ngừng sử dụng công trình, phong tỏa công trình và các biện pháp cần thiết khác theo quy định.
5. Chủ sở hữu, người sử dụng các công trình lân cận phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp an toàn theo quy định tại khoản 3 Điều này khi được yêu cầu.
6. Trường hợp công trình xảy ra sự cố trong quá trình khai thác, sử dụng, việc giải quyết sự cố thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Điều 21. Báo cáo, kiểm tra việc thực hiện bảo trì công trình
1. Báo cáo thực hiện bảo trì công trình
a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải báo cáo việc thực hiện kế hoạch bảo trì, sự an toàn của công trình đường thủy nội địa quốc gia theo quy định tại khoản 8 Điều 12 của Thông tư này;
b) Sở Giao thông vận tải phải báo cáo việc thực hiện kế hoạch bảo trì, sự an toàn của công trình đường thủy nội địa địa phương với Ủy ban nhân dân tỉnh;
c) Chậm nhất ngày 31 tháng 12 hàng năm, Sở Giao thông vận tải, chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền (đối với đường thủy nội địa chuyên dùng) phải báo cáo hàng năm với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải về việc thực hiện bảo trì công trình đường thủy nội địa; sự an toàn của công trình đường thủy nội địa khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này.
2. Kiểm tra việc thực hiện bảo trì công trình
a) Bộ Giao thông vận tải kiểm tra việc thực hiện bảo trì công trình đường thủy nội địa quốc gia.
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra việc thực hiện bảo trì công trình đường thủy nội địa địa phương.
c) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền kiểm tra thực hiện bảo trì theo quy định tại Điều 14, Điều 19 và Điều 20 của Thông tư này; các nội dung khác có liên quan đến thực hiện bảo trì công trình đường thủy nội địa của Thông tư này và theo quy định của pháp luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2013.
Điều 23. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.