QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Ban quản lý dự án và công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý
____________________
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và công ty nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 184/2007/QĐ-TTg ngày 30/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 103/2007/TT-BTC ngày 29/8/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 2233/2007/QĐ-UBND ngày 30/11/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước thuộc địa phương quản lý;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 778/TTr-STC ngày 22/8/2008 về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Ban Quản lý dự án và công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Ban quản lý dự án và công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý.
Điều 2. Các quy định khác về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Ban quản lý dự án và công ty nhà nước không nêu tại Quyết định này, được thực hiện theo các quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
|
|
CHỦ TỊCH
|
|
(Đã ký)
|
|
Hoàng Thương Lượng
|
QUY CHẾ
Quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Ban Quản lý dự án và các công ty nhà nướcthuộc địa phương quản lý
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 28/2008/QĐ-UBND ngày 21/10/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
______________________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
1. Quy chế này quy định chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại là xe ô tô phục vụ công tác trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được Ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình của nhà nước và các công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý.
2. Xe ô tô thuộc phạm vi điều chỉnh trong Quy chế này bao gồm xe từ 4 đến 16 chỗ ngồi, xe ô tô chuyên dùng (gọi chung là xe ô tô) được hình thành từ nguồn vốn Ngân sách, có nguồn gốc từ Ngân sách, nguồn vốn của công ty nhà nước (kể cả viện trợ, quà biếu của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoặc được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật).
Điều 2. Nguyên tắc trang bị, bố trí, sử dụng xe ô tô phục vụ công tác
1. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Ban quản lý dự án và công ty nhà nước căn cứ vào tiêu chuẩn định mức tại Quy chế này để bố trí xe ô tô phục vụ các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô.
2. Trường hợp một cán bộ giữ nhiều chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thì được áp dụng tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô theo chức danh cao nhất. Khi người tiền nhiệm nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác mà xe ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện thay thế theo quy định tại Điều 8 Quy chế này thì người mới được bổ nhiệm tiếp tục sử dụng không trang bị xe mới.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng xe ô tô quy định tại khoản 2 Điều 1 Quy chế này vào việc riêng, bán, trao đổi, tặng cho, cho mượn hoặc điều chuyển cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào nếu không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Việc trang bị và thay thế xe ô tô cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô phục vụ công tác phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và Quy chế này. Xe ô tô được thay thế phải thực hiện bán đấu giá, số tiền bán xe ô tô sau khi trừ đi các chi phí hợp lý liên quan phải được xử lý theo quy định.
5. Giá mua xe ô tô theo Quy chế này là giá mua đã bao gồm các loại thuế phải nộp theo quy định của pháp luật nhưng chưa bao gồm lệ phí trước bạ, lệ phí cấp biển số xe ô tô, phí bảo hiểm liên quan đến việc sử dụng xe. Việc mua xe ô tô phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về mua sắm tài sản nhà nước.
Giá mua xe ô tô theo Quy chế này được điều chỉnh tăng, giảm tương ứng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Giám đốc Sở Tài chính căn cứ mức giá mua xe ô tô được Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quyết định điều chỉnh mức giá mua xe ô tô tại Quy chế này cho phù hợp.
Chương II
TIÊU CHUẨN SỬ DỤNG XE Ô TÔ PHỤC VỤ CÔNG TÁCTẠI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP,BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN VÀ CÔNG TY NHÀ NƯỚC THUỘC ĐỊA PHƯƠNG QUẢN LÝ
Điều 3. Các chức danh được sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác với giá mua tối đa 700 triệu đồng/một xe
1. Bí thư Tỉnh uỷ;
2. Phó Bí thư Tỉnh uỷ;
3. Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh;
4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh;
5. Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh.
Điều 4. Các chức danh được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác (không bố trí xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc).
1. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách; Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ được bố trí xe ô tô theo yêu cầu công tác.
2. Cán bộ cấp Trưởng, Phó các Sở, ban, ngành và tương đương ở cấp tỉnh; Bí thư, Phó Bí thư thành uỷ, huyện uỷ, thị uỷ; Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là cấp huyện) và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25.
3. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành và tương đương ở cấp tỉnh được chủ động bố trí xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh quy định tại khoản 2 Điều này ở các cơ quan, đơn vị thuộc cấp tỉnh quản lý; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện được chủ động bố trí xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh quy định tại khoản 2 Điều này ở các cơ quan đơn vị thuộc cấp huyện quản lý nhằm bảo đảm sử dụng xe ô tô đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
4. Trường hợp do yêu cầu khẩn cấp hoặc do yêu cầu đặc biệt phục vụ công tác, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định việc bố trí xe ô tô của cơ quan, đơn vị hoặc thuê dịch vụ xe ô tô cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô.
Điều 5. Trang bị, sử dụng xe ô tô phục vụ công tác tại công ty nhà nước
1. Tuỳ theo nhu cầu phục vụ công tác và khả năng tài chính, công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý được trang bị xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh lãnh đạo và phục vụ công tác chung của đơn vị với giá mua tối đa 550 triệu đồng/xe.
2. Giám đốc, Phó Giám đốc các công ty nhà nước được sử dụng xe ô tô khi đi công tác theo quy định, không bố trí xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Việc sử dụng xe ô tô tại công ty nhà nước phải bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu công tác của đơn vị.
Điều 6. Trang bị xe ô tô phục vụ công tác tại các Ban Quản lý dự án
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của nhà nước thuộc địa phương quản lý được sử dụng xe ô tô phục vụ nhu cầu hoạt động của dự án theo quy định sau:
1. Các chức danh lãnh đạo (không kể kiêm nhiệm) có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 được sử dụng xe ô tô hiện có, thuê xe dịch vụ xe ô tô hoặc được khoán kinh phí khi tự túc phương tiện phục vụ công tác theo quy định tại Điều 9 Quy chế này.
2. Đối với Ban Quản lý các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc vốn viện trợ nước ngoài thì thực hiện theo quy định của Hiệp định đã được ký kết. Trường hợp Điều khoản của Hiệp định không ghi cụ thể giá mua xe thì căn cứ theo đối tượng sử dụng xe, Ban quản lý được mua xe theo tiêu chuẩn quy định tại Quy chế này.
3. Các Ban quản lý dự án không thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được trang bị xe ô tô. Khi có nhu cầu sử dụng xe ô tô phục vụ công tác thì thực hiện thuê xe dịch vụ xe ô tô hoặc áp dụng chế độ khoán kinh phí.
4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định số lượng xe ô tô được sử dụng đối với từng Ban Quản lý dự án thuộc địa phương quản lý theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.
5. Xe ô tô phục vụ hoạt động Ban Quản lý dự án sau khi kết thúc dự án phải thực hiện xử lý kịp thời theo các quy định hiện hành về quản lý và xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước.
Điều 7. Trang bị xe ô tô chuyên dùng
1. Xe ô tô chuyên dùng ban hành kèm theo Quy chế này bao gồm:
a) Xe ô tô gắn kèm trang thiết bị chuyên dùng hoặc có cấu tạo theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ như: Xe cứu thương, xe cứu hoả, xe chở tiền, xe chở phạm nhân, xe quét đường, xe phun nước, xe chở rác, xe ép rác, xe sửa chữa lưu động, xe trang bị phòng thí nghiệm, xe thu phát điện báo, xe sửa chữa điện, xe kéo, xe cần cẩu...
b) Xe ô tô sử dụng cho nhiệm vụ đặc thù của ngành, lĩnh vực như: Xe thanh tra giao thông, xe phát thanh truyền hình lưu động, xe hộ đê, xe tập lái, xe chở diễn viên đi biểu diễn, xe chở vận động viên đi luyện tập và thi đấu,... có dấu hiệu riêng được in rõ trên thành xe, ngoài nhiệm vụ quy định không được sử dụng cho việc khác.
c) Xe ô tô sử dụng cho các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội mà không thực hiện được việc thuê xe ô tô hoặc thuê xe ô tô không có hiệu quả như: Xe phòng chống dịch, xe kiểm lâm, xe phòng chống lụt bão, xe chống buôn lậu...
2. Sở Tài chính căn cứ hoạt động cụ thể của từng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có yêu cầu trang bị xe ô tô chuyên dùng trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh:
a) Quy định cụ thể số lượng, chủng loại, giá mua xe ô tô chuyên dùng trang bị cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.
b) Quyết định việc mua sắm, trang bị xe ô tô chuyên dùng theo quy định hiện hành đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn, định mức, dự toán Ngân sách được giao.
3. Xe ô tô chuyên dùng trang bị cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo quy định, được giao quản lý tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp để sử dụng cho nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao quản lý xe ô tô chuyên dùng phải có trách nhiệm tổ chức xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng xe ô tô chuyên dùng theo quy định tại Điều 11 Quy chế này, nhằm bảo đảm sử dụng xe ô tô chuyên dùng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
Điều 8. Trang bị xe ô tô cho các đơn vị mới thành lập và thay thế xe ô tô phục vụ các chức danh
1. Trang bị xe ô tô cho các đơn vị mới thành lập
a) Đối với các Ban quản lý dự án mới được thành lập sau ngày Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành (ngày 10 tháng 6 năm 2007) hoặc được thành lập trước ngày Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành mà có các chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 nhưng chưa được trang bị xe ô tô, thì được trang bị 01 xe ô tô phục vụ công tác từ nguồn xe điều chuyển, trường hợp không có xe ô tô điều chuyển và không thực hiện được việc thuê dịch vụ xe ô tô thì được mua mới 01 xe ô tô với giá mua tối đa 550 triệu đồng/xe.
b) Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp mới thành lập nhưng chưa được trang bị xe ô tô, thì được trang bị 01 xe ô tô từ nguồn xe điều chuyển; Trường hợp không có xe ô tô điều chuyển thì được mua mới 01 xe ô tô với giá mua tối đa 550 triệu đồng/xe để phục vụ công tác, nếu phải mua xe ô tô 2 cầu thì giá mua tối đa 800 triệu đồng/xe.
2. Thay thế xe ô tô phục vụ công tác
a) Xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh quy định tại Điều 3 Quy chế này được thay thế mua mới theo đúng tiêu chuẩn quy định khi đã sử dụng ít nhất 160.000 km.
b) Xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh quy định tại Điều 4, Điều 5 và khoản 1 Điều 6 Quy chế này được thanh lý khi đã sử dụng ít nhất 250.000 km và không được thay thế.
Trường hợp đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp mà xe ô tô hiện có đã đủ điều kiện thanh lý hoặc bị hư hỏng mà việc sửa chữa để tiếp tục sử dụng không hiệu quả, không bảo đảm an toàn khi vận hành, được cơ quan chức năng kiểm định đủ điều kiện thanh lý thì thực hiện thanh lý, nếu không có điều kiện thuê được xe ô tô phục vụ công tác và không có xe điều chuyển thì được mua mới để thay thế xe ô tô đã thanh lý với giá mua tối đa 550 triệu đồng/xe, nếu phải mua xe 2 cầu thì giá mua tối đa 800 triệu đồng/xe.
c) Xe ô tô được thay thế hoặc được thanh lý phải thực hiện bán đấu giá theo quy định hiện hành, số tiền bán xe ô tô sau khi trừ đi các chi phí hợp lý có liên quan được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành về thanh lý tài sản tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, Ban Quản lý dự án và công ty nhà nước.
3. Việc mua mới xe ô tô quy định tại các khoản 1, 2 Điều này bố trí trong dự toán Ngân sách Nhà nước được giao. Thẩm quyền quyết định mua xe ô tô do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.
Chương III
CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN PHỤC VỤ CÔNG TÁC TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP VÀ CÔNG TY NHÀ NƯỚC
Điều 9. Chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại đối với các chức danh được sử dụng xe ô tô
1. Đối với các chức danh quy định tại Điều 3 Quy chế này được nhà nước bảo đảm việc trang bị, chi phí sử dụng xe ô tô theo yêu cầu công tác. Trường hợp có điều kiện và tự nguyện đăng ký tự túc phương tiện thì Thủ trưởng đơn vị quyết định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cho các chức danh theo từng công đoạn: Đưa đón hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc; Đi công tác; Đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác.
Số tiền khoán được chi trả cùng với kỳ trả lương của đơn vị cho từng chức danh đã đăng ký thực hiện khoán. Đơn giá khoán là đơn giá thuê xe ô tô do Sở Tài chính thông báo sát với đơn giá thuê xe ô tô ở địa bàn địa phương. Mức khoán cho từng chức danh trong cơ quan do Thủ trưởng cơ quan quyết định theo nguyên tắc sau:
a) Trường hợp chức danh đăng ký khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày thì mức khoán được xác định như sau:
Mức khoán đưa đón (MKđđ) = Đơn giá khoán x Số km khoán x 4 lượt x 22 ngày, trong đó:
+ Số km khoán là khoảng cách từ nơi ở đến nơi làm việc của từng chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô đưa đón, do Thủ trưởng cơ quan xác định.
+ 4 lượt: Bao gồm 2 lượt đón đi và 2 lượt đưa về trong một ngày làm việc.
+ 22 ngày: Là số ngày làm việc hàng tháng theo quy định của Bộ Luật Lao động.
b) Trường hợp chức danh đăng ký khoán đi công tác thì mức khoán được xác định như sau:
Mức khoán đi công tác (MKct) = Đơn giá khoán x Số km thực tế đi công tác hàng tháng của từng chức danh.
Số km thực tế đi công tác hàng tháng của từng chức danh được xác định trên cơ sở lịch trình công tác thực tế của chức danh được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xác nhận.
c) Trường hợp chức danh nhận khoán toàn bộ đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác thì mức khoán được tổng hợp từ hai mức khoán trên.
Mức khoán toàn bộ (MK tb) = MKđđ + MKct
2. Đối với các chức danh quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 và khoản 1 Điều 6 Quy chế này, căn cứ tình hình cung cấp dịch vụ phương tiện đi lại của thị trường và khả năng Ngân sách, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định bố trí phương tiện đi lại phục vụ công tác cho các chức danh này từ nguồn kinh phí được bố trí trong dự toán Ngân sách được giao theo các hình thức: Sử dụng số xe ô tô hiện có của cơ quan; Thuê xe ô tô của các tổ chức cung ứng dịch vụ; Khoán kinh phí để tự túc phương tiện đi lại. Kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô được bố trí trong dự toán Ngân sách được giao và xác định cho từng trường hợp cụ thể như sau:
a) Trường hợp sử dụng xe ô tô hiện có của cơ quan, đơn vị: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ khung định mức tiêu hao nhiên liệu (xăng dầu) cho một km sử dụng đối với từng loại xe ô tô do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định, thực hiện khoán định mức tiêu hao nhiên liệu cho một km sử dụng phù hợp với hiện trạng của từng loại xe ô tô trong Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế sử dụng xe ô tô của đơn vị, bảo đảm không vượt quá khung định mức tiêu hao nhiên liệu do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.
Các chi phí khác như: Tiền lương lái xe, chi phí nhiên liệu, chi phí sửa chữa xe ô tô (bao gồm cả chi phí sửa chữa lớn được phân bổ hợp lý) và các chi phí liên quan đến vận hành, sử dụng xe giao cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ chế độ tài chính hiện hành để quyết định thanh toán theo thực tế sử dụng, trong phạm vi dự toán kinh phí được giao nhưng phải bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
Các cơ quan, đơn vị thực hiện mở sổ sách kế toán theo dõi chi phí sử dụng thực tế (không bao gồm chi phí khấu hao) đối với từng đầu xe bao gồm: Tiền lương lái xe, chi phí nhiên liệu, chi phí sửa chữa xe (bao gồm cả chi phí sửa chữa lớn được phân bổ hợp lý) và các chi phí liên quan đến vận hành, sử dụng xe ô tô. Chi phí thực tế sử dụng xe ô tô được công khai hàng năm cùng với việc công khai sử dụng kinh phí chung của cơ quan.
Việc xử lý số tiền chênh lệch giữa số chi theo mức khoán và chi phí thực tế hàng năm thực hiện theo quy chế của từng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên cơ sở cơ chế tài chính hiện hành.
b) Trường hợp Thủ trưởng cơ quan đơn vị chọn phương thức thuê xe ô tô của các tổ chức cung ứng dịch vụ phương tiện đi lại trên thị trường để phục vụ công tác cho các chức danh có tiêu chuẩn, thì thực hiện thanh toán chi phí sử dụng xe ô tô theo hợp đồng kinh tế ký kết với tổ chức cung ứng dịch vụ theo hoá đơn, song không cao hơn đơn giá thuê xe ô tô theo giá thị trường do Sở Tài chính thông báo.
c) Trường hợp cá nhân nhận khoán để tự túc phương tiện để đi công tác thì mức khoán được tính bằng công thức: MK ct = Đơn giá khoán x Số km bình quân đi công tác trong tháng của từng chức danh, trong đó đơn giá khoán là đơn giá thuê xe ô tô theo giá thị trường theo thông báo của Sở Tài chính. Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào các số liệu thống kê của kỳ trước, tần suất đi công tác hàng tháng của mỗi chức danh để xác định số km bình quân hàng tháng cho từng chức danh. Số tiền khoán được chi trả cùng với kỳ trả lương của đơn vị cho từng chức danh đã đăng ký thực hiện khoán.
3. Đối với các cơ quan, đơn vị không thuộc đối tượng áp dụng cơ chế tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Nghị định số130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, thì đơn giá khoán sử dụng xe ô tô do Thủ trưởng đơn vị quyết định trong Quy chế sử dụng xe ô tô theo quy định tại Điều này trong phạm vi dự toán được giao, trên cơ sở bảo đảm hiệu quả công việc, sử dụng kinh phí công khai, tiết kiệm.
4. Trường hợp cần cung cấp dịch vụ cho các cá nhân trong cơ quan và các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp khác có nhu cầu phục vụ công tác, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xác định đơn giá dịch vụ theo nguyên tắc đảm bảo chi phí và thực hiện hạch toán số tiền thu được theo quy định; Đồng thời trong Quy chế sử dụng xe ô tô phải quy định rõ đối tượng được cung cấp dịch vụ, đơn giá cho thuê xe ô tô và cơ chế sử dụng nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ theo cơ chế hiện hành.
5. Sở Tài chính phối hợp với các Sở, ngành có liên quan:
a) Xây dựng đơn giá thuê xe ô tô sát với đơn giá thuê xe ô tô phổ biến đối với xe ô tô loại trung bình tại địa phương; Xây dựng phương án điều chỉnh đơn giá thuê xe ô tô khi giá thị trường biến động trên 20% trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định để thông báo cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn làm căn cứ tính toán, thanh toán kinh phí khoán sử dụng xe ô tô, kinh phí thuê xe ô tô cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô.
b) Xây dựng khung định mức tiêu hao nhiên liệu cho một km sử dụng đối với từng loại xe ô tô theo dung tích và số chỗ ngồi trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định để áp dụng cho các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương và Trung ương quản lý trên địa bàn trong trường hợp sử dụng số xe hiện có.
Điều 10. Tổ chức quản lý, sử dụng số xe ô tô hiện có
1. Đối với xe ô tô phục vụ công tác của các chức danh quy định tại Điều 3 Quy chế này được quản lý tại từng cơ quan đơn vị và được thực hiện hạch toán chi phí sử dụng, số km sử dụng thực tế của từng xe ô tô để thực hiện công khai hàng năm cùng với việc công khai sử dụng kinh phí chung của cơ quan.
2. Đối với xe ô tô phục vụ công tác chung được trang bị trước ngày Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành (ngày 10 tháng 6 năm 2007) và xe ô tô phục vụ các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô mới trang bị, giao cho các cơ quan đơn vị tiếp tục quản lý, sử dụng số xe ô tô đã được trang bị bảo đảm hiệu quả tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu công tác của cơ quan, đơn vị.
Điều 11. Xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng xe ô tô
1. Thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của nhà nước được giao quản lý, sử dụng xe ô tô đều phải có trách nhiệm xây dựng Quy chế quản lý sử dụng xe ô tô theo quy định tại Quy chế này làm căn cứ để thực hiện. Quy chế quản lý, sử dụng xe ô tô trước khi ban hành phải được tổ chức thảo luận rộng rãi công khai, dân chủ trong cơ quan, đơn vị và có ý kiến thống nhất bằng văn bản của tổ chức công đoàn cơ quan, đơn vị.
Quy chế quản lý, sử dụng xe ô tô của các cơ quan hành chính, sự nghiệp phải được gửi cùng với Quy chế chi tiêu nội bộ tới cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi giám sát thực hiện, gửi Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị giao dịch để làm căn cứ kiểm soát thanh toán chi phí sử dụng xe ô tô.
2. Nội dung Quy chế quản lý, sử dụng xe ô tô bao gồm:
a) Tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô trong cơ quan, đơn vị. Trong đó phải quy định rõ các trường hợp được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác, các trường hợp không được sử dụng xe ô tô; Các trường hợp cá nhân được nhận khoán để tự túc phương tiện; Các trường hợp được thuê xe ô tô của các tổ chức cung ứng dịch vụ phương tiện đi lại trên thị trường để phục vụ công tác.
b) Thẩm quyền quyết định sử dụng xe ô tô và quy trình sử dụng xe ô tô trong cơ quan, đơn vị.
c) Phương thức sử dụng xe ô tô trong cơ quan, đơn vị theo quy định tại Điều 9 Quy chế này. Trong đó quy định cụ thể việc cung cấp dịch vụ cho các cá nhân trong cơ quan và các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp khác có nhu cầu thuê xe ô tô phục vụ công tác (đối tượng được cung cấp dịch vụ, đơn giá cho thuê xe ô tô và cơ chế sử dụng nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ theo cơ chế hiện hành).
d) Đơn giá và phương thức thanh toán kinh phí khoán sử dụng xe ô tô, định mức tiêu hao nhiên liệu, đơn giá thuê xe ô tô của các tổ chức dịch vụ cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô theo quy định tại Điều 9 Quy chế này.
Đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp được giao quản lý sử dụng xe chuyên dùng phải có trách nhiệm quy định đơn giá sử dụng (đồng/km) của từng loại xe ô tô trong Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị để thực hiện thanh toán và hạch toán chi phí sử dụng cho từng đầu xe gửi cơ quan quản lý trực tiếp, cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi quản lý, gửi Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị giao dịch để làm căn cứ kiểm soát chi.
Trường hợp sau khi đã bảo đảm yêu cầu hoạt động, cơ quan cần cung cấp dịch vụ cho các cá nhân trong cơ quan và các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp khác có nhu cầu thuê xe ô tô phục vụ công tác, thì trong Quy chế sử dụng xe ô tô phải quy định rõ đối tượng được cung cấp dịch vụ, đơn giá cho thuê xe và cơ chế sử dụng nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ theo cơ chế hiện hành.
đ) Nội quy quản lý, chế độ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô; Các biện pháp để quản lý, sử dụng xe an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng được yêu cầu công tác của cơ quan, đơn vị.
e) Trách nhiệm của các bộ phận, cá nhân trong quản lý, sử dụng xe ô tô.
Điều 12. Chế độ thông tin báo cáo
1. Sau một năm, chậm nhất vào ngày 31 tháng 01 năm sau các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp phải lập báo cáo tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ công tác đến ngày 31 tháng 12 năm trước theo quy định sau:
a) Đối với cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng xe ô tô thuộc cấp tỉnh quản lý thì lập báo cáo gửi cơ quan quản lý trực tiếp cấp trên để tổng hợp gửi Sở Tài chính. Trường hợp đơn vị sử dụng xe ô tô đồng thời là đơn vị dự toán cấp một thì lập báo cáo gửi trực tiếp về Sở Tài chính.
b) Đối với cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng xe ô tô thuộc cấp huyện quản lý, thì lập báo cáo gửi cho Phòng Tài chính để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Sở Tài chính.
c) Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp số xe ô tô hiện có hàng năm của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trong toàn tỉnh báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể chế độ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Tài chính
1. Chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
2. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định mua sắm mới, thu hồi, điều chuyển, thanh lý xe ô tô trong các cơ quan, đơn vị theo quy định.
Điều 14. Tránh nhiệm của Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh
1. Chỉ đạo các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc bố trí, sử dụng xe ô tô theo đúng tiêu chuẩn, định mức và áp dụng đơn giá thanh toán theo đúng quy định.
2. Định kỳ rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định mua sắm, thu hồi, điều chuyển, thanh lý xe ô tô trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Điều 15. Trách nhiệm của Phòng Tài chính các huyện, thị xã, thành phố
1. Trực tiếp tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức quản lý việc sử dụng xe ô tô tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
2. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về tình hình mua sắm, quản lý, sử dụng xe ô tô của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc cấp huyện quản lý theo quy định tại Điều 12 Quy chế này.
Điều 16. Trách nhiệm của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và công ty nhà nước
1. Tổ chức quản lý và sử dụng xe ô tô phục vụ công tác theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và áp dụng đơn giá thanh toán theo đúng quy định.
2. Thực hiện chế độ đăng ký, kê khai, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô theo quy định.
3. Căn cứ vào Quy chế này, xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý, sử dụng xe ô tô, Quy chế chi tiêu nội bộ trong cơ quan, đơn vị bảo đảm sử dụng xe ô tô và kinh phí hiệu quả tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu công tác của cơ quan, đơn vị.
Điều 17. Xử lý vi phạm
1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm đối với việc mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ công tác của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Đối với việc mua sắm, trang bị xe ô tô không đúng thẩm quyền, vượt tiêu chuẩn, định mức gây thiệt hại tài sản, kinh phí của nhà nước thì người ra quyết định phải bồi thường thiệt hại đồng thời bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ quy định về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
3. Đối với việc quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ công tác không đúng quy định thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng xe ô tô phục vụ công tác trái với quy định của nhà nước; Tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và mức thiệt hại mà phải bồi thường thiệt hại đồng thời bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước các cấp thực hiện việc xuất toán mọi khoản chi phí vận hành đối với các trường hợp cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng xe ô tô không đúng tiêu chuẩn, định mức và Quy chế sử dụng xe ô tô của đơn vị.
4. Xe ô tô mua không đúng tiêu chuẩn, vượt giá quy định, vượt định mức bị thu hồi để điều chuyển hoặc bán đấu giá nộp Ngân sách Nhà nước./.