• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/05/2024
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 04/2024/TT-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 2024

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh

nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập

 

 
  1/01/clip_image001.gif" width="188" />

 

 

 

Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập, bao gồm: danh mục vị trí việc làm; bản mô tả vị trí việc làm; khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục và đào tạo.

2. Đối tượng áp dụng

a) Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học (bao gồm các đại học, học viện, trường đại học) và trường cao đẳng sư phạm công lập (sau đây gọi chung là các cơ sở giáo dục) và các tổ chức, cá nhân có liên quan;

b) Thông tư này không áp dụng đối với cơ sở giáo dục thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Điều 2. Nguyên tắc, căn cứ xác định vị trí việc làm

1. Nguyên tắc xác định vị trí việc làm

a) Bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục;

b) Bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là Nghị định số 106/2020/NĐ-CP);

c) Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo gắn với cơ cấu tổ chức, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng của các cơ sở giáo dục;

d) Mỗi vị trí việc làm phải có bản mô tả vị trí việc làm, khung năng lực và gắn với chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc hạng chức danh nghề nghiệp viên chức;

đ) Đảm bảo hiệu quả, thu gọn đầu mối, thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ viên chức và giảm chi phí ngân sách nhà nước khi xác định vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

2. Căn cứ xác định vị trí việc làm

Căn cứ xác định vị trí việc làm thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP.

Điều 3. Danh mục vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong cơ sở giáo dục

1. Danh mục vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong cơ sở giáo dục quy định tại Phụ lục I Thông tư này.

2. Danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo quy định tại Phụ lục II Thông tư này.

3. Căn cứ danh mục vị trí việc làm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của đơn vị, cơ sở giáo dục xây dựng danh mục vị trí việc làm phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển của đơn vị, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 4. Bản mô tả vị trí việc làm, khung năng lực

1. Bản mô tả vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo gồm các nội dung:

a) Tên vị trí việc làm;

b) Mục tiêu vị trí việc làm;

c) Các công việc và tiêu chí đánh giá;

d) Phạm vi quyền hạn;

đ) Các mối quan hệ trong công việc;

e) Các yêu cầu về trình độ, năng lực.

2. Khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo gồm các nội dung:

a) Về trình độ, phẩm chất gồm: Trình độ đào tạo; bồi dưỡng, chứng chỉ; kinh nghiệm công tác; phẩm chất cá nhân; các yêu cầu khác theo vị trí việc làm;

b) Về năng lực, gồm: Nhóm năng lực chung; nhóm năng lực chuyên môn; nhóm năng lực quản lý;

c) Khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý phải phù hợp với tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý do cấp có thẩm quyền quy định; khung năng lực của các vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo đảm bảo phù hợp với quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm viên chức chuyên ngành giáo dục và đào tạo quy định tại Phụ lục V Thông tư này.

3. Bản mô tả vị trí việc làm, khung năng lực của các vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo quy định tại Phụ lục III, Phụ lục IV Thông tư này.

4. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 điều này, cơ sở giáo dục xây dựng bản mô tả vị trí việc làm, khung năng lực cụ thể của từng vị trí việc làm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 5. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với viên chức lãnh đạo, quản lý hiện đang giữ hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì tiếp tục thực hiện cho đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

2. Đối với viên chức chuyên ngành giáo dục và đào tạo đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục giữ hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ cho đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Điều 6. Điều khoản áp dụng

Các vị trí việc làm khác trong cơ sở giáo dục, không thuộc phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Thông tư này thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2024.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở giáo dục và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 2. Trong quá trình thực hiện nếu vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Ngọc Thưởng

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.