THÔNG TƯ
Quy định danh mục, biện pháp bảo đảm an toàn đối với phương tiện động lực chuyên dùng
khi khai thác, vận dụng trên đường sắt không bắt buộc phải có thiết bị ghi tốc độ
và các thông tin liên quan đến việc điều hành chạy tàu (hộp đen)
__________________________
Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 03/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam và Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định danh mục, biện pháp bảo đảm an toàn đối với phương tiện động lực chuyên dùng khi khai thác, vận dụng trên đường sắt không bắt buộc phải có thiết bị ghi tốc độ và các thông tin liên quan đến việc điều hành chạy tàu (hộp đen).
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về danh mục, biện pháp đảm bảo an toàn đối với các loại phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt không bắt buộc phải có thiết bị ghi tốc độ và các thông tin liên quan đến việc điều hành chạy tàu (hộp đen) khi khai thác, vận dụng trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có sử dụng các phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt khi khai thác, vận dụng trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.
Chương II
DANH MỤC VÀ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM AN TOÀN KHI KHAI THÁC, VẬN DỤNG PHƯƠNG TIỆN
ĐỘNG LỰC CHUYÊN DÙNG ĐƯỜNG SẮT KHÔNG BẮT BUỘC PHẢI CÓ HỘP ĐEN
Điều 3. Danh mục phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt
1. Phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt để cứu viện, cứu hộ tai nạn giao thông đường sắt gồm:
a) Cần cẩu, cần trục khổ đường 1000 mm;
b) Cần cẩu, cần trục khổ đường 1435 mm.
2. Phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt để kiểm tra, thi công, bảo trì, sửa chữa công trình đường sắt gồm:
a) Máy công trình đa năng khổ đường 1000 mm và 1435 mm;
b) Máy chèn đường khổ đường 1000 mm và 1435 mm;
c) Máy thay tà vẹt khổ đường 1000 mm và 1435 mm;
d) Máy nâng giật, chèn đường khổ đường 1000 mm và 1435 mm;
e) Thiết bị nâng hạ đa năng khổ đường 1000mm và 1435mm.
3. Phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt phục vụ an ninh, quốc phòng.
Điều 4. Biện pháp bảo đảm an toàn khi khai thác, vận dụng đối với phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt để cứu viện, cứu hộ tai nạn giao thông đường sắt
1. Khi di chuyển ngoài khu gian nơi xảy ra tai nạn
a) Không được phép tự hành;
b) Phải lập vào trong đoàn tàu và đo đầu máy kéo.
2. Khi di chuyển trong khu gian có xảy ra tai nạn:
Được phép tự hành nhưng phải tuân theo các biện pháp sau:
a) Tốc độ không vượt quá 15 kilômét/giờ và cảnh báo giảm tốc độ còn hiệu lực;
b) Phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về chạy tàu cứu viện và khổ giới hạn quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt (số QCVN 08:2011/BGTVT) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chạy tàu và công tác dồn đường sắt (số QCVN 07:2011/BGTVT) ban hành kèm theo Thông tư số 66/2011/TT-BGTVT ngày 28/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Điều 5. Biện pháp bảo đảm an toàn khi khai thác, vận dụng đối với phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt để kiểm tra, thi công, bảo trì, sửa chữa công trình đường sắt
1. Được phép tự hành đến địa điểm làm việc trong khu gian và ngược lại; tốc độ di chuyển không vượt quá 30 kilômét/giờ và cảnh báo giảm tốc độ còn hiệu lực.
2. Khi di chuyển từ ga đầu khu gian đến địa điểm làm việc và ngược lại:
a) Phải bố trí nhân viên áp dẫn;
b) Phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về chạy tàu công trình quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt (số QCVN 08:2011/BGTVT) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chạy tàu và công tác dồn đường sắt (số QCVN 07:2011/BGTVT) ban hành kèm theo Thông tư số 66/2011/TT-BGTVT ngày 28/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Điều 6. Biện pháp bảo đảm an toàn khi khai thác, vận dụng đối với phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt phục vụ an ninh, quốc phòng
1. Việc di chuyển trên đường sắt áp dụng các quy định tại Điều 5 của Thông tư này.
2. Trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ sử dụng phương tiện phải báo cáo Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ An toàn giao thông) để thống nhất các biện pháp bảo đảm an toàn cho từng phương tiện cụ thể.
Điều 7. Trách nhiệm của chủ sử dụng phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt
Chủ sử dụng phương tiện động lực chuyên dùng đường sắt căn cứ vào tiêu chuẩn kỹ thuật của từng phương tiện động lực chuyên dùng cụ thể, căn cứ vào đặc điểm của từng địa điểm cứu viện, cứu hộ tai nạn giao thông đường sắt; địa điểm kiểm tra, thi công, bảo trì, sửa chữa công trình đường sắt, địa điểm phục vụ an ninh, quốc phòng để xây dựng các biện pháp khai thác, vận hành phương tiện bảo đảm hoạt động an toàn trong suốt quá trình cứu hộ, cứu viện, kiểm tra, thi công, bảo trì, sửa chữa đường sắt và phục vụ hoạt động an ninh, quốc phòng.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2012.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Trường hợp phát sinh phương tiện ngoài danh mục quy định tại Điều 3 của Thông tư này hoặc có vướng mắc trong quá trình thực hiện cần phải báo cáo kịp thời về Cục Đường sắt Việt Nam để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải xem xét giải quyết.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.