• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 21/09/1999
UBND TỈNH GIA LAI
Số: 19/1999/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 21 tháng 9 năm 1999

CHỈ THỊ

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về một số biện pháp triển khai thực hiện chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn

_______________________

Để tăng cường trách nhiệm và sự chỉ đạo, phối hợp của các cấp, các ngành tại địa phương với hệ thống Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai trong quá trình đầu tư phục vụ nông nghiệp và nông thôn tỉnh nhà; nhằm thực hiện tốt Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 1999 và Quyết định số 148/1999/QĐ-TTg, ngày 7 tháng 7 năm 1999 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 67/TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng Ngân hàng phục vụ Phát triển nông nghiệp và Nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện một số công tác sau đây:

1. Về quy hoạch và xây dựng các dự án đầu tư để làm cơ sở mở rộng đầu tư tín dụng:

Trên cơ sở thế mạnh, tiềm năng kinh tế của từng địa phương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp các ngành liên quan tổ chức công tác quy hoạch sản xuất nhằm giúp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo & PTNT) chọn đối tượng đầu tư có hiệu quả. Quá trình quy hoạch cần chú trọng khâu chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Riêng đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn như thủy lợi nhỏ, đường giao thông, điện... cần phải xác định được chủ đầu tư, các nguồn vốn tham gia đầu tư và nguồn trả nợ, để có cơ sở xem xét đầu tư vốn tín dụng. Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng huyện, thành phố, các chi nhánh NHNo & PTNT huyện và Ủy ban nhân dân xã, phường phối hợp xây dựng các phương án đầu tư cụ thể nhằm giải quyết nhu cầu về vốn cho phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn theo từng địa bàn xã, phường để thực hiện việc đầu tư vốn tín dụng.

2. Về xây dựng và củng cố các tổ vay vốn làm trung gian để chuyển tải vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các phòng ban chức năng cùng các đoàn thể tại địa phương phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn thực hiện việc củng cố các tổ vay vốn hiện có, đồng thời tiếp tục thành lập mới mạng lưới các tổ vay vốn để làm trung gian chuyển tải vốn tín dụng đến hộ sản xuất. Các tổ vay vốn được thực hiện một số khâu trong nghiệp vụ tín dụng theo quy định, thể lệ tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tổ vay vốn phải có Bảng quy ước hoạt động và công khai cho dân biết để cùng thực hiện, nhằm tránh trường hợp lợi dụng có thể xảy ra.

3. Về việc cho hộ gia đình sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản vay đến 10 triệu đồng không phải thế chấp tài sản:

Tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 14/1999/CT-UB, ngày 16-8-1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai "Về một số biện pháp đẩy mạnh việc hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp ở nông thôn vào năm 2000" để hộ sản xuất nông, lâm nghiệp có đủ điều kiện vay vốn Ngân hàng.

Trường hợp hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được dùng giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về diện tích đang sử dụng và không có tranh chấp để vay vốn Ngân hàng (có mẫu kèm theo). Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo đến Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn bảo đảm việc xác nhận này.

Để thực hiện tốt nội dung trên, Ủy ban nhân dân các cấp, xã, phường, thị trấn phải trực tiếp chỉ đạo Ban nhân dân thôn, Địa chính cấp xã giúp Ủy ban nhân dân xã xem xét, xác nhận để đảm bảo tính chính xác, trung thực và hợp pháp; phải mở sổ sách theo dõi việc cấp giấy xác nhận đất để tránh trùng lặp hoặc xác nhận việc sang nhượng, chuyển đổi,... trong khi đang còn nợ ngân hàng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng và Phòng Địa chính cấp huyện, thành phố trong việc quản lý và ràng buộc hộ vay, khi được cấp giấy chứng nhận phải nộp ngay vào Ngân hàng để lưu vào hồ sơ vay vốn; chịu trách nhiệm liên đới trước pháp luật nếu có sai sót trong việc xác nhận và phối hợp quản lý đất đai trên địa bàn.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chú trọng mở rộng cho hộ gia đình sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản vay đến 10 triệu đồng không phải thế chấp tài sản và thông qua mạng lưới các tổ vay vốn, các đoàn thể, chính quyền địa phương, các nông lâm trường, để xác định những hộ thực sự có nhu cầu vay vốn cho sản xuất kinh doanh, có đủ điều kiện vay và có khả năng hoàn trả nợ vay.

4. Về việc xác nhận, chứng nhận các giao dịch dân sự liên quan đến tín dụng ngân hàng và đăng ký, giải trừ thế chấp:

Ủy ban nhân dân các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho nhân dân trong việc xác nhận, chứng nhận các giao dịch dân sự liên quan đến tín dụng ngân hàng. Đối với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, khi xác nhận trên giấy đề nghị vay vốn để hộ sản xuất kinh doanh vay vốn Ngân hàng cần chú ý xác nhận đúng người vay (địa chỉ thường trú), đúng nhu cầu và mục đích xin vay; đồng thời phải có trách nhiệm đôn đốc người vay trả nợ khi đến hạn.

Sở Địa chính và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện ngay việc mở sổ theo dõi đăng ký và giải trừ thế chấp giá trị quyền sử dụng đất.

Trường hợp hộ vay vốn trên 10 triệu đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp và giá trị vườn cây công nghiệp dài ngày (như cà phê, tiêu,...) trên đất thuộc địa phương quản lý, để tạo thuận lợi và đơn giản thủ tục thế chấp vay vốn, cho phép Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn được xác nhận thế chấp cả giá trị quyền sử dụng đất va giá trị vườn cây gắn liền trên đất để vay vốn ngân hàng.

5. Về xử lý nợ vay ngân hàng:

Trong các trường hợp nợ vay bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như bão, lụt hạn hán, dịch bệnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã chủ trì để ngân hàng phối hợp cùng các ban, ngành điều tra, xác minh nguyên nhân, số thiệt hại và đề ra hướng khắc phục; đồng thời có xác nhận để ngân hàng tổng hợp toàn tỉnh và báo cáo lên ngành cấp trên có hướng xử lý theo chính sách.

Trong các trường hợp do khách hàng cố tình chây ỳ, dây dưa không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm đề nghị Ủy ban nhân dân địa phương, các cơ quan chức năng, các đoàn thể cùng tiến hành các biện pháp xử lý kiên quyết, kể cả việc cưỡng chế tài sản để buộc trả nợ vay.

6. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chủ trì mở rộng hội nghị quán triệt và triển khai sâu rộng hơn Quyết định số 67/TTg của Thủ tướng Chính phủ đến các cơ quan; đơn vị, đoàn thể địa phương và Ủy ban nhân dân cấp xã, phường để thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện chính sách, tạo điều kiện cung ứng đủ vốn tín dụng ngân hàng phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Nhận được chỉ thị này, yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các sở ban, ngành, các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện. Ngân hàng Nhà nước tỉnh có trách nhiệm theo dõi quá trình thực hiện và định kỳ hàng quý tổng hợp tình hình báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh  để chỉ đạo.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đào Quang Phổ

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.