• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 14/02/2003
UBND TỈNH NINH THUẬN
Số: 09/2003/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Thuận, ngày 14 tháng 2 năm 2003

CHỈ THỊ CỦA CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Về việc triển khai thực hiện các nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh các ngành nghề thủy sản

 

Những năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh ngành nghề thủy sản có bước tăng trưởng khá, tương đối toàn diện; cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tích cực khai thác lợi thế, tiềm năng trên các lĩnh vực, đặc biệt là nuôi tôm sú và sản xuất tôm giống. Nguồn lực trong nhân dân, các thành phần kinh tế được huy động và phát triển tốt; cơ sở vật chất được tăng cường, trình độ công nghệ và kỹ thuật, kết cấu hạ tầng được nâng lên. Sự tăng trưởng kinh tế ngành đã góp phần nâng cao tích lũy tái đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển năng lực, giải quyết việc làm, ổn định và từng bước đưa đời sống nhân dân ven biển chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên trước tình hình phát triển đã phát sinh nhiều vấn đề từ thực tiễn mà quy định chưa kịp điều chỉnh, bổ sung làm cho công tác quản lý Nhà nước về các hoạt động sản xuất kinh doanh ngành nghề thủy sản ở cơ sở gặp khó khăn, chưa ổn định và đảm bảo tính bền vững.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2001/NĐ-CP ngày 16-11-2001 về điều kiện kinh doanh các ngành nghề thủy sản; Nghị định số 73/2002/NĐ-CP NGÀY 20-8-2002 bổ sung hàng hóa, dịch vụ thương mại vào Danh mục I về hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện; Danh mục 3 về hàng hóa, dịch vụ thương mại kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03-3-1999 của Chính phủ. Bộ Thủy sản ban hành Thông tư số 02/2002/TT-BTS ngày 06-12-2002 hướng dẫn thực hiện Nghị định 86/2001/NĐ-CP, Thông tư 03/2002/TT-BTS ngày 31-12-2002 hướng dẫn thực hiện Nghị định 73/2002/NĐ-CP;

Để triển khai thực hiện đạt kết quả các quy định này, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực kinh doanh các ngành nghề thủy sản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam và các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh các ngành nghề thủy sản trên địa bàn tỉnh được quy định tại các nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ Thủy sản nêu trên (trừ các đối tượng nêu tại mục I Thông tư 02/2002/TT-BTS ngày 06-12-2002 của Bộ Thủy sản) phải tuân theo các quy định này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan. Tổ chức, cá nhân đang sản xuất kinh doanh các ngành, nghề thủy sản trước khi các Nghị định
86/2001/NĐ-CP; Nghị định 73/2002/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực được tiếp tục hoạt động, nhưng phải đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo quy định của Nghị định này trước ngày 01-01-2003.

2. Cấm sản xuất, lưu thông, sử dụng và thực hiện dịch vụ thương mại đối với một số hóa chất, kháng sinh, chế phẩm sinh học có tên trong danh mục một số hóa chất, kháng sinh cấm sản xuất, lưu thông, sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản (bao gồm cả các loại thức ăn, thuốc thú y, chất xử lý môi trường, chất tẩy rửa khử trùng có chứa các hóa chất, kháng sinh sử dụng trong sản xuất giống, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản) được quy định tại Quyết định 01/2002/QĐ-BTS ngày 22-01-2002 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản và Chỉ thị số 12/2002/CT ngày 04-3-2002 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Sở Thủy sản căn cứ nội dung Nghị định 86/2001/NĐ-CP, Nghị định 73/2002/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thủy sản tại Thông tư 02/2002/TT-BTS; Thông tư 03/2002/TT-BTS tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau:

Tổ chức cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh các ngành nghề thủy sản theo thẩm quyền và phân cấp hoặc ủy nhiệm theo quy định.

Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các đơn vị thuộc ngành phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng, chính quyền các địa phương tuyên truyền phổ biến, quán triệt nội dung Nghị định 86/2001/NĐ-CP, Nghị định 73/2002/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư 02/2002/TT-BTS; Thông tư 03/2002/TT-BTS của Bộ Thủy sản và Chỉ thị này; đồng thời niêm yết công khai điều kiện kinh doanh các ngành nghề thủy sản để các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh ngành nghề thủy sản trên địa bàn tỉnh biết chấp hành. Tổ chức việc cấp giấy ph ép khai thác thủy sản theo sự phân cấp, đúng quy định. Đồng thời cấp chứng chỉ hành nghề thủy sản theo quy định tại Thông tư 01/2002/TT-BTS ngày 05-9-2002 của Bộ Thủy sản. Duy trì việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y thủy sản theo quy định của Bộ Thủy sản. Chủ động đẩy mạnh tổ chức thanh tra, kiểm tra và phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Ban Thanh tra chuyên ngành các cơ quan có liên quan kiểm tra các cơ sở kinh doanh thủy sản để xem xét việc chấp hành quy định tại các nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Thủy sản nêu trên. Tăng cường công tác kiểm tra hậu kiểm phát hiện vi phạm xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý đối với các vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh ngành nghề thủy sản đã đăng ký, đồng thời kiến nghị các cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh xử lý theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo Trung tâm Khuyến ngư phối hợp với các Viện, Trung tâm Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản; các trường có đào tạo nuôi trồng thủy sản có thẩm quyền phối hợp đào tạo bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tập huấn kỹ thuật sản xuất giống thủy sản cho người phụ trách kỹ thuật ở cơ sở sản xuất giống. Lồng ghép tuyên truyền đến người sản xuất thủy sản các quy định về điều kiện kinh doanh các ngành nghề thủy sản trong các lớp tập huấn khuyến ngư.

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị có hoạt động thủy sản có văn bản phối hợp, hướng dẫn thống nhất về công tác quản lý sản xuất kinh doanh thủy sản đối với các tổ chức, cá nhân nêu tại mục 1 văn bản này phải thực hiện đầy đủ điều kiện kinh doanh các ngành nghề thủy nghề theo quy định.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phổ biến rộng rãi nội dung Nghị định 86/2001/NĐ-CP, Nghị định 73/2002/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư 02/2002/TT-BTS; Thông tư 03/2002/TT-BTS của Bộ Thủy sản, chỉ thị này và các quy định khác có liên quan đến các tổ chức, cá nhân có sản xuất kinh doanh ngành nghề thủy sản tại địa phương biết để chấp hành đúng quy định. Thực hiện xử lý theo thẩm quyền các đối tượng sản xuất thủy sản có cơ sở trên địa bàn do huyện, thị quản lý vi phạm các quy định nêu trên hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý. Lưu ý một trong những điều kiện bắt buộc thực hiện được đặt lên hàng đầu trong việc sản xuất kinh doanh lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản đó là cơ sở sản xuất phải theo quy hoạch của ngành Thủy sản hoặc địa phương.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Địa chính, Xây dựng…, UBND các huyện, thị, có quản lý thủy sản được quy định cấp một số loại giấy phép cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh theo quy định Luật Doanh nghiệp, các quy định của Chính phủ, cần phối hợp chặt chẽ với ngành Thủy sản trong việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh các ngành nghề thủy sản trong quá trình triển khai đề án thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép kinh doanh… theo quy định, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ, đúng quy định trong công tác quản lý; tổ chức thực hiện trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.

6. Sở Thương mại và Du lịch, Công an tỉnh chỉ đạo bộ phận chức năng định kỳ phối hợp với ngành Thủy sản trong việc kiểm tra, phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm về nội dung đăng ký kinh doanh và các điều kiện kinh doanh ngành nghề thủy sản; góp phần làm hạn chế tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh.

7. Các tổ chức Ngân hàng, Quỹ tín dụng, Điện lực Ninh Thuận khi cung cấp các dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất thủy sản như: vay vốn, kéo điện phải yêu cầu khách hàng xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định hoặc thẩm định đủ các điều kiện kinh doanh ngành nghề thủy sản theo quy định trước khi tiến hành cung cấp các dịch vụ.

8. Các tổ chức đoàn thể, cơ quan Báo, Đài phát thanh thường xuyên tuyên truyền,đưa tin, bài phổ biến qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm truyền tải quy định tại Nghị định 86/2001/NĐ-CP, Nghị định 73/2002/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư 02/2002/TT-BTS; Thông tư 03/2002/TT-BTS của Bộ Thủy sản và nội dung Chỉ thị này đến các tổ chức, cá nhân có sản xuất kinh doanh thủy sản hiểu rõ và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đồng thời giáo dục nâng cao nhận thức về pháp luật cho cán bộ trong cơ quan và người sản xuất để biết và thực hiện.

Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, Ủy ban nhân dân các xã; các tổ chức đoàn thể; tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh ngành nghề thủy sản triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện, giao Sở Thủy sản tổng hợp, báo cáo những vướng mắc để Ủy ban nhân dân tỉnh biết, có hướng chỉ đạo giải quyết kịp thời.

TM. Ủy ban nhân dân

(Đã ký)

 
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.