• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/11/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 27/07/2019
UBND TỈNH BẮC KẠN
Số: 13/2015/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bắc Kạn, ngày 4 tháng 11 năm 2015

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

Những năm qua công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, góp phần làm ổn định chính trị - xã hội để xây dựng, phát triển kinh tế ở địa phương.

Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, công dân đến trụ sở tiếp công dân của tỉnh khiếu nại, tố cáo nhiều lượt và làm đơn gửi nhiều nơi, nhiều cấp. Một số vụ việc sau khi có quyết định giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn tiếp tục khiếu nại.

Bên cạnh đó là việc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn để kéo dài thời gian giải quyết, giải quyết chưa dứt điểm, gây bức xúc cho người dân.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh, bảo đảm thực hiện đúng Luật Tiếp công dân; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Văn bản 704/TTg-V.I ngày 18/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành; Thông báo số: 1286-TB/TU ngày 16/07/2015 của Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị giao ban công tác nội chính quý II năm 2015, góp phần ổn định chính trị - xã hội và để công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện một số nội dung sau:

1. Phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp luật quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân

a) Nghiêm túc tổ chức quán triệt nội dung Luật Tiếp công dân; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Chỉ thị số: 35-CT/TW ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Nghị định số: 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại; Nghị định số: 76/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo; Nghị định số: 64/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân; Văn bản 704/TTg-V.I ngày 18/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình.

b) Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện xây dựng chương trình phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm phải lồng ghép các nội dung của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho người dân về các luật này.

2. Kiện toàn Bộ máy tiếp công dân

a) Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn về nhân sự cho Ban Tiếp công dân cấp tỉnh;yêu cầu các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố sớm hoàn thiện tổ chức về bộ máy tiếp công dân phù hợp với Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b) Ban Tiếp công dân cấp tỉnh chủ động phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, địa phương xây dựng quy chế phối hợp hoạt động tiếp công dân đối với các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân tỉnh.

3. Tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo của Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các cấp về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

a) Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ quy định pháp luật hiện hành và hướng dẫn của Ban Tiếp công dân cấp tỉnh nhanh chóng bố trí công chức làm công tác tiếp công dân tại đơn vị mình.

b) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách; cần tăng cường và nâng cao chất lượng tiếp công dân, thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân định kỳ, tiếp công dân đột xuất tại Trụ sở hoặc địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình theo quy định của Luật Tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, đảm bảo giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác, phù hợp với quy định pháp luật ngay từ cơ sở, không để tình trạng người dân gửi đơn, thư vượt cấp.

c) Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo làm rõ nội dung, nguyên nhân, xem xét toàn diện vụ việc, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để bàn biện pháp giải quyết kịp thời, không để kéo dài, quá thời hạn, gây bức xúc cho người dân.

d) Chủ động rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài chưa giải quyết xong, nhanh chóng giải quyết hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định pháp luật, định kỳ báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

4. Tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường trách nhiệm, nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

a) Cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo khi thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo phải nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ, có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng thẩm quyền của cấp mình giải quyết, tận tình, chu đáo hướng dẫn công dân thực hiện.

Cán bộ làm công tác tiếp công dân cần giải thích, hướng dẫn cho người dân về trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo và quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, để người dân hiểu và thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng quy định, tránh trường hợp người dân viết đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp hoặc không đúng cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết.

b) Các cơ quan, đơn vị, địa phương bố trí địa điểm tiếp công dân tại vị trí thuận tiện, bảo đảm các điều kiện vật chất, trang thiết bị cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được dễ dàng, thuận lợi.

Tại địa điểm tiếp công dân, phải niêm yết rõ ràng lịch, nội quy tiếp công dân của cơ quan, đơn vị, hướng dẫn về quy trình tiếp công dân, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

Tổ chức tiếp công dân, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh; tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài; tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật và những vụ việc đã có ý kiến chỉ đạo giải quyết.

c) Ban Tiếp công dân cấp tỉnh phối hợp với cơ quan Thanh tra tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân trên địa bàn tỉnh.

5. Thực hiện chế độ báo cáo về công tác tiếp công dân

a) Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện chế độ báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Thông tư số: 03/2013/TT-TTCP ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn 1744/UBND-TCD ngày 04/6/2014 về việc triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân.

b) Giao Sở Nội vụ phối hợp với Thanh tra tỉnh, Ban Tiếp công dân tỉnh theo dõi việc tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ báo cáo của các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố theo quy định và xem đây là một trong những tiêu chí để xét thi đua khen thưởng hàng năm của các cơ quan, đơn vị và địa phương.

6. Trách nhiệm tổ chức thi hành

a) Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này.

b) Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng văn bản thay thế Quyết định số: 387/2011/QĐ-UBND ngày 14/3/2011 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế Tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh Bắc Kạn.

c) Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm để kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài hoặc người có thẩm quyền thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

d) Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh, phối hợp với Chánh Thanh tra tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ 06 tháng báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh biết.

e) Thủ trưởng các cơ quan báo, đài cấp tỉnh, huyện thường xuyên đăng tải các nội dung tìm hiểu pháp luật liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; phê phán thái độ thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức gây phiền hà đối với công dân trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phê phán hành vi khiếu nại, tố cáo trái pháp luật, nhằm nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho người dân.

7. Hiệu lực thi hành: Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký; yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn nghiêm túc tổ chức thực hiện Chỉ thị này./. 

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lý Thái Hải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.