• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 27/05/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 29/08/2018
UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Số: 15/2006/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vũng Tàu, ngày 17 tháng 5 năm 2006

CHỈ THỊ

Về công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội,
 quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và quy hoạch xây dựng

_____________

 

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 742/TTg ngày 06 tháng 10 năm 1996. Căn cứ Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 06 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quyết định số 146/2004/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương hướng phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh đã lập “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2006 - 2015, định hướng đến năm 2020” và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong giai đoạn vừa qua, căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là các huyện) đã xây dựng quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện giai đoạn 1996 - 2010. Đến nay đã có 4/8 huyện đã được phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1996-2010; còn lại thành phố Vũng Tàu, huyện Côn Đảo và 2 huyện mới chia tách Long Điền và Đất Đỏ chưa xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Có 10 ngành đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành đến năm 2010 là: Công nghiệp, Nông - lâm nghiệp, thủy sản, thương mại, du lịch, giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, giáo dục, quy hoạch sử dụng đất; còn lại hầu hết các lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa xây dựng quy hoạch phát triển ngành. Trong thời gian vừa qua, một số đơn vị cấp huyện và các sở, ngành có quy hoạch được duyệt đã tiến hành rà soát quy hoạch phát triển giai đoạn 1996 - 2010, bổ sung định hướng phát triển đến năm 2020; một số đơn vị chưa có quy hoạch được duyệt đã triển khai lập quy hoạch cho giai đoạn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và phát triển ngành trong thời gian qua còn một số tồn tại chính sau: việc lập các loại quy hoạch còn thiếu sự đồng bộ, công tác tổ chức thẩm định chưa được thực hiện chặt chẽ, việc theo dõi quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức…

Về quy hoạch xây dựng, đến nay các đô thị của tỉnh đều đã được lập và phê duyệt quy hoạch chung xây dựng. Trên cơ sở các quy hoạch chung xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh và UBND cấp huyện đã phê duyệt 43 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, 1/1000 với quy mô 14.624 ha và 342 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 với quy mô 9.505,59 ha. Tuy nhiên chất lượng một số quy hoạch vẫn còn thấp, công tác quản lý quy hoạch của các cấp, các ngành chưa đáp ứng được yêu cầu, đôi khi còn bị buông lỏng; ý thức thực hiện quy hoạch của các tổ chức và cá nhân chưa cao; nên một số quy hoạch bị phá vỡ, phải điều chỉnh.

Căn cứ Luật Xây dựng năm 2003, Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng, Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 06 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, để bảo đảm sự thống nhất giữa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện và quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trong tỉnh, quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn, Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ thị như sau:

I. Về công tác quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực thời kỳ 2006 - 2015, định hướng đến năm 2020:

1. Yêu cầu tất cả các sở, ngành và các huyện rà soát và khẩn trương xây dựng Báo cáo quy hoạch dài hạn cho thời kỳ 2006 – 2015, định hướng đến năm 2020. Nhiệm vụ này cần được hoàn thành trong năm 2006 và phê duyệt chậm nhất trong Quý I năm 2007.

a) Đối với các sở, ngành chưa lập quy hoạch phát triển ngành và các huyện chưa lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện cần bố trí kế hoạch và nhanh chóng triển khai nghiên cứu lập quy hoạch phát triển cho thời kỳ 2006 - 2015, định hướng đến năm 2020.

b) Đối với các sở, ngành đã lập quy hoạch phát triển ngành và các huyện đã lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 1996-2010, cần tiến hành rà soát, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện quy hoạch vừa qua, đồng thời bổ sung nghiên cứu quy hoạch cho thời kỳ 2006-2015, định hướng đến năm 2020. Trường hợp đang tiến hành rà soát quy hoạch giai đoạn 1996-2010, cần bổ sung ngay các nghiên cứu quy hoạch cho thời kỳ 2006-2015, định hướng đến năm 2020.

c) Đối với các sở, ngành và các huyện đã hoàn thành rà soát quy hoạch phát triển ngành hoặc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện, trong đó đã có nghiên cứu quy hoạch cho thời kỳ 2006 - 2015, định hướng đến năm 2020 và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, cũng cần rà soát báo cáo cụ thể về các nội dung quy hoạch nếu chưa thống nhất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và các quy hoạch khác (trường hợp này không nhất thiết phải nghiên cứu lại quy hoạch, mà chỉ lập văn bản báo cáo những vấn đề còn khác nhau, chưa phù hợp gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư).

2. Thỏa thuận, phê duyệt đề cương và dự toán chi phí lập quy hoạch:

a) Đối với quy hoạch phát triển ngành trên địa bàn tỉnh và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện khi lập đề cương quy hoạch phải căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Thông tư số 05/2003/TT-BKH ngày 22 tháng 7 năm 2003 và Công văn số 7689 BKH/CLPT ngày 6 tháng 11 năm 1998 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết hợp tham khảo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành (nếu có). Nội dung đề cương chi tiết quy hoạch phải lấy ý kiến thỏa thuận của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Dự toán chi phí lập quy hoạch phát triển ngành trên địa bàn tỉnh và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện, thực hiện theo quy định tại Quyết định số 519/2002/QĐ-BKH ngày 26 tháng 8 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành tạm thời khung giá, định mức chi phí xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ngành, lãnh thổ. Theo đó định mức chi phí xây dựng mới quy hoạch phát triển ngành trên địa bàn tỉnh và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện được tính tối đa bằng 40% chi phí lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh.

+ Đối với quy hoạch phát triển ngành, Giám đốc các sở, ngành căn cứ định mức quy định, lập dự toán và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để làm cơ sở bố trí vốn lập quy hoạch từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách tỉnh.

+ Đối với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện căn cứ định mức quy định, lập dự toán và ra quyết định phê duyệt, bố trí vốn lập quy hoạch từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách cấp huyện.

b) Đối với những phân ngành, hoặc vùng lãnh thổ thuộc huyện, nếu xét thấy cần thiết lập quy hoạch phát triển, Giám đốc các sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện lập đề cương, thuyết minh rõ sự cần thiết phải lập quy hoạch gửi văn bản lấy ý kiến thỏa thuận của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Về dự toán chi phí đối với loại quy hoạch này thực hiện như sau:

- Trường hợp đã có hướng dẫn của Bộ quản lý ngành về định mức chi phí lập quy hoạch thì thực hiện trên cơ sở hướng dẫn của Bộ quản lý ngành.

 - Trường hợp chưa có hướng dẫn của Bộ quản lý ngành về định mức chi phí thì phải lập dự toán chi phí theo khối lượng công việc dự kiến trong nội dung đề cương, với mức chi phí tối đa không quá 40% chi phí lập quy hoạch phát triển ngành trên địa bàn tỉnh và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện.

- Đối với các quy hoạch phân ngành nhằm cụ thể hóa các quy hoạch phát triển ngành trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành lập định mức chi phí, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để làm cơ sở bố trí vốn từ nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách tỉnh.

- Đối với quy hoạch phát triển lĩnh vực hoặc vùng lãnh thổ thuộc huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cho cơ quan chuyên môn trực thuộc lập định mức chi phí và quyết định phê duyệt, bố trí vốn từ nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách cấp huyện.

3. Về nguyên tắc lập quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện:

- Quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội các huyện phải căn cứ vào “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2006 - 2015, định hướng đến năm 2020”; phải đảm bảo sự phù hợp về quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển theo từng giai đoạn, các chỉ tiêu tổng hợp và phương án bố trí hợp lý các nguồn lực; đảm bảo tính thống nhất giữa các loại quy hoạch về các chỉ tiêu chủ yếu, các yếu tố có liên quan theo thời gian và không gian lãnh thổ.

Đối với các quy hoạch phân ngành, hoặc vùng lãnh thổ thuộc huyện phải căn cứ vào quy hoạch phát triển ngành trên địa bàn tỉnh và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện.

4. Thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện:

a) Đối với quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện:

Căn cứ Điểm 2.4.5 Mục I Thông tư liên tịch số 02/2004/TTLT/BKHĐT-BNV ngày 01 tháng 6 năm 2004 của liên bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ “hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư ở địa phương”; để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp giữa các quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện với nhau và với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tổ chức thẩm định tất cả các dự án quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn các sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổ chức triển khai quy trình thẩm định các dự án quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện.

b) Đối với quy hoạch phân ngành, hoặc vùng lãnh thổ thuộc huyện:

- Đối với quy hoạch phát triển lĩnh vực hoặc vùng lãnh thổ thuộc huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định và phê duyệt quy hoạch trên cơ sở phải bảo đảm sự phù hợp và bảo đảm tính thống nhất với Quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện.

- Đối với các quy hoạch phân ngành nhằm cụ thể hóa các quy hoạch phát triển ngành trên địa bàn tỉnh, giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

II. Về quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn:

1. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại; nâng cao trách nhiệm quản lý của Nhà nước, vai trò định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 và sau 2010, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp cần chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch xây dựng. Đối với các đô thị đã có quy hoạch chung xây dựng được duyệt cần phải sớm lập phủ kín các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 và tiến tới phủ kín quy hoạch tỷ lệ 1/500 đối với các khu dân cư đô thị. Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải rà soát, lên danh mục các loại quy hoạch chi tiết xây dựng cần lập trong giai đoạn tới, tiến độ thực hiện theo thứ tự ưu tiên gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp chung và kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm.

2. Việc lập các quy hoạch xây dựng cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng, tính khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị theo hướng hiện đại, bền vững lâu dài; tránh hiện tượng chạy theo số lượng, hình thức. Giao cho Giám đốc Sở Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất danh mục các đô thị, khu đô thị, khu du lịch cần thuê tư vấn nước ngoài để lập quy hoạch. Trước mắt xem xét thuê tư vấn nước ngoài để lập quy hoạch chung xây dựng các đô thị mới như: Phú Mỹ, Long Sơn, Long Hải và quy hoạch chi tiết một số khu vực có ý nghĩa quan trọng về cảnh quan như: tuyến ven biển thuộc thành phố Vũng Tàu từ Bến Đình đến Bãi Trước, Bãi Dứa và Bãi Sau; tuyến ven biển từ Cửa Lấp – Long Hải – Phước Hải – Bình Châu. Đối với khu Chí Linh – Cửa Lấp mới được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2000, giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng rà soát lại (có thể mời thêm các chuyên gia giỏi về quy hoạch, kiến trúc tham gia ý kiến), nếu xét thấy nội dung quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, lâu dài thì đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho lập lại quy hoạch và thuê tư vấn nước ngoài để thực hiện.

3. Việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn cần chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Luật xây dựng năm 2003, Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng và Thông tư số 15/2005/TT-BXD ngày 19 tháng 8 năm 2005 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng.

- Theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trên đây, phần lớn các quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, 1/500 tại các đô thị và nông thôn đã được phân cấp về cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, phê duyệt. Để thực hiện tốt việc này, giao cho Sở Nội vụ phối hợp với Sở Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu kiện toàn các cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được phân cấp, tăng cường nhân lực phải đi đôi với nâng cao chất lượng cán bộ quản lý xây dựng; xây dựng tiêu chuẩn cán bộ quản lý xây dựng cấp huyện để có kế hoạch tuyển dụng đáp ứng được yêu cầu công việc.

- Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ về mặt chuyên môn cho cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện trong giai đoạn đầu thực hiện phân cấp theo quy định của pháp luật; về sau này cần tập trung thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác quản lý quy hoạch xây dựng của cấp huyện.

Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã nghiêm chỉnh tổ chức thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng tháng, hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh. Đối với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành việc báo cáo thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung; đối với quy hoạch xây dựng việc báo cáo thông qua Sở Xây dựng để tổng hợp chung./.

                                                            

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Minh Sanh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.